CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

THÁNH CLÊMENTÊ HOFBAUER CSsR

THÁNH CLÊMENTÊ HOFBAUER
Linh Mục (1751-1820)
Bổn mạng thành Vienna, Nước Áo
Người có công mang DCCT ra ngoài Nước Ý
Phong Thánh: 1909 do Đức Piô X
Lễ nhớ: 15 Tháng Ba


Nếu Thánh Anphongsô Maria là vị sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, đặt nền tảng, hướng đi và hoạt động thì Thánh Clêmentê Maria Hofbauer đã đưa Dòng Chúa Cứu Thế vượt qua rặng núi Alpes và lan tràn ở Âu Châu và thế giới.

Một buổi chiều tháng 10 năm 1784, Hofbauer và một người bạn là Thadée Hubl đi vào thành Rôma.   Hình bong của họ trải dài trên con đường cát bụi.   Đây là lần thứ ba mà hai chàng thanh niên gốc Đức đi hành hương tìm về trung tâm Giáo Hội.   Trời đã về chiều, họ lập chương trình cho ngày mai và định sẽ đến cầu nguyện tại thánh đường nào mà họ nghe tiếng chuông vang lên trước tiên trong sáng sớm.   Sáng hôm sau, tiếng chuông đưa họ đến một ngôi nhà thờ nhỏ kính Thánh Julianô, ở đó có một nhóm tu sĩ đang nguyện ngắm.

- Tu sĩ Dòng nào đó em? Clêmentê hỏi một em giúp lễ.
- Đó là các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, và ông cũng sẽ vào Dòng ấy.

Dòng Chúa Cứu Thế?   Clêmentê chưa nghe nói đến Dòng tu ấy bao giờ.   Người xin gặp Cha Bề Trên và được biết rằng Dòng ấy do Cha Anphongsô Maria sáng lập.   Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau, Clêmentê và Hubl vào tập viện của Dòng.   Sau một thời gian ở tập viện, Clêmentê và Hubl được tuyên khấn và mười ngày sau được thụ phong linh mục.   Thánh Anphongsô rất vui mừng khi nghe có hai thanh niên ngoại quốc vừa mới xin gia nhập dòng.   Ngài nói:   “Chúa sẽ dung hai chàng để làm sáng danh Ngài ở những nước xa xôi.”

Clêmentê và Hubl xin trở về quê để lập một nhà Dòng tại Vienne , thủ đô Áo Quốc.
Chúa đã dùng Clêmentê Hofbauer để đưa Dòng Chúa Cứu Thế vượt qua rặng núi Alpes và lan tràn ở Âu Châu và thế giới.

Tại Vienne, Clêmentê không xin được phép để lập Dòng.   Người đi cùng Hubl qua Varsovie, thủ đô Ba Lan, nơi đây người được giao phó nhiệm vụ trông coi người di dân gốc Đức tại nhà thờ Saint Bennon.   Ngài ở đây 20 năm (1787-1808), biến Saint Bennon thành một “tuần đại phúc liên tục”.   Liên tiếp trong 20 năm, ở đây, mỗi ngày có 3 thánh lễ hát trọng thể, một lễ hát bài ca ngợi, một lễ hát bình ca grégorien và một lễ hát hòa âm(polyphonie).   Mỗi ngày có 5 bài giảng, 3 bài bằng tiếng Ba Lan, và 2 bài bằng tiếng Đức.   Mỗi ngày cũng có đi đàng Thánh Giá chung, viếng Thánh Thể theo phương pháp Thánh Anphongsô, xét mình chung và đọc hạnh tích các Thánh trong ngày.   Mỗi ngày Chủ Nhật có thêm một bài giáo huấn riêng cho những người làm thuê ở mướn vào lúc 5 giờ sáng, và một bài giáo huấn dành cho trẻ em lúc ban chiều.   Tất cả tính ra mỗi năm có gần 2.000 bài giảng.   Mỗi nghi lễ ở đây đều được tổ chức rất trọng thể.   Clêmentê nói:   “Dân chúng học hiểu bằng con mắt hơn bằng lỗ tai, họ xúc cảm hơn khi họ nhìn thấy … Tôi có kinh nghiệm ở Saint Bennon.”
Mặc dầu công việc mục vụ chiếm gần trọn thời giờ, Clêmentê không quên mình là Tổng Đại Diện cuả Dòng ở phần đất bên ngoài nước Ý, nên Ngài đã đi thăm đó đây, qua Áo sang Đức, đi Thụy Sĩ, Pháp, Rôma, đâu đâu Ngài cũng tìm cách chiêu mộ thêm tu sĩ và lập thêm nhà mới.   Ngài còn nuôi mộng đi qua Mỹ Châu.   Ngài viết: “Nguyện vọng của tôi là đến vùng rừng núi Canada , tôi muốn trước khi nhắm mắt được thấy con cái tôi có chỗ ổn định.   Với thời gian, từ Canada , có thể lập một trung tâm truyền giáo ở Đông phương.   Chúng ta có nhiều tu sĩ trẻ muốn dấn thân.”   Vì thế, Ngài muốn lập cho bằng được một trụ sở ở Anh Quốc.   Vì “từ Anh Quốc qua Canada chỉ mất có 6 tuần lễ nếu trời tốt”.

Nhưng công cuộc và nguyện vọng của ngài bị nhà độc tài Nã Phá Luân làm tiêu tan đổ vỡ.   Do văn thư ngày 25.5.1808, Nã Phá Luân, hồi ấy đang làm bá chủ Âu Châu ra lệnh bãi bỏ Dòng, phân tán tu sĩ, ai về quốc gia nấy, và đóng cửa các tu viện.   “Hình như các tu sĩ ấy thuộc về một thứ Dòng tu mà ta đã ra lệnh trục xuất khỏi Pháp và Ý, nay ta truyền cho các tòa án Đức cũng phải tẩy chay.” (Hofer. Hạnh Thánh Clêmentê).

Tu viện Saint Bennon gồm 40 người bị đóng cửa.   Clêmentê đưa một số anh em về Vienne , Áo Quốc.
Phải chăng là một thất bại?   Mặt ngoài thì như thế, nhưng Clêmentê không phải là con người dễ thối lui.   Người đến Vienne thủ đô Áo và xin được một chỗ làm tuyên úy … trong một trường nữ sinh thuộc Dòng Ursuline.   Vị tông đồ Varsovie ngày nào nay trở thành tông đồ thành Vienne .   Người ta phao đồn với nhau:   “Muốn đi nghe một người nói hay, hãy đến nhà thờ nọ.   Muốn đi nghe một vị tông đồ, hãy đến nhà thờ Thánh Ursule.”   Đức Hồng Y Ratzinger viết: “Ngài là bạn hữu của những Schelegel, Brentano, Eichendortt, nhưng cũng mở vòng tay đón những người nghèo khó hèn mọn nhất.   Qua Ngài, người ta gặp được Chúa … Đức tin của người thợ bánh mì đó còn nhân bản và sáng suất hơn thuyết duy lý của những triết gia thời ánh sáng.”(Glaute and Zumkmtt Mìnchen, Kosel, 1970 trang 119).   Clêmentê thường tự nhận là “công giáo đến tận mút móng tay” Catholicus tantus quantus – luôn chống lại thuyết Josephisme và duy lý của thời đại và phá vỡ mưu cơ lập một giáo hội quốc doanh Đức.

Người được phép lập Dòng tại Áo tháng Tư năm 1820.   Nhưng ngày 15 tháng ba năm 1820, Ngài tắt thở lúc chuông nguyện kinh Truyền tin trưa hôm ấy.

Như Môisê gần vùng đất hứa, Clêmentê đã tranh đấu, đã cầu nguyện với Đức Mẹ và đã được chấp nhận.   Dòng mà Ngài đã lập ở Âu Châu sẽ lan dần khắp thế giới.

Clêmentê được coi là vị sáng lập thứ hai của Dòng.   Ngài được tôn phong hiển thánh ngày 20-5-1909.

Không có nhận xét nào: