Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016
Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 52.C CHÚA NHẬT 34 TN C 20-11-16
Học thuộc lòng đoạn Kinh Thánh
Lời Chúa: Anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su
ơi! Khi vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23, 42)
Lời Chúa: 2 Sm 5, 1-3 ; Cl 1, 12-20; Lc 23, 35-43
Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam
Chúa Nhật hôm nay kết thúc năm Phụng vụ để khởi đầu
một năm phụng vụ mới. Giáo hội tôn vinh Chúa Giêsu là vua vũ trụ, vua muôn dân.
Giáo Hội nhắc nhở con cái mình luôn xác tín rằng: Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm
nay và mãi mãi là vua duy nhất của nhân loại. Ngài là vua tình thương, vua hòa
bình, vua chân lý.
Lễ Chúa Giêsu là vua do Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết
lập ngày 11.12.1929 sau đệ nhất thế chiến (1914-1919). Cuộc chiến tranh đã giết
chết khoảng 40 triệu người. Ngài đã kêu gọi mọi người trên toàn thế giới
suy phục Đức Giêsu Kitô là Vua, vua nhân ái và tích cực sống yêu thương thì
không còn chiến tranh và hòa bình sẽ đến với nhân loại.
Đoạn tin mừng được phụng vụ chọn đọc trong lễ kính Đức
Giêsu Kitô là vua thật là lạ lùng: “Biến cố Chúa chịu chết giữa hai tên
gian phi” (Lc 23,35-43). Để tôn vinh Chúa Giêsu là vua, đáng lẽ phải chọn
đoạn tin mừng Chúa Khải Hoàn vào Giêrusalem giữa tiếng hoan hô của nhân dân,
hay là đoạn tin mừng Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều trong bầu khí toàn dân
muốn tôn Chúa Giêsu làm vua. Tại sao phụng vụ lại chọn đoạn tin mừng thuật lại
cái chết của Chúa trên thập giá, một cái chết quá bi thương?
Quả thật Chúa Giêsu là vua thật lạ thường. Ngài làm
vua không như vua Alexandre đại đế của Hy Lạp đánh đâu thắng đấy, lừng danh
khắp chốn. Ngài cũng không là vua như Napoléon nước Pháp thống lãnh toàn châu
Âu, đánh đông dẹp bắc đem lại vinh quang cho đất nước. Ngài là vua không như
vua Tần Thủy Hoàng của Trung Quốc huy động sức dân để xây Vạn Lý Trường
Thành vĩ đại lưu danh muôn thuở, kỳ quan của thế giới.
Chúa Giêsu là vị vua nhân từ, vua tình thương, vua
hòa bình, vua chân lý, Ngài đã dám hy sinh chịu chết cho toàn dân của mình. Cái
chết đầy yêu thương và tha thứ của Chúa Giêsu đã nói lên điều đó. Chính vì thế
mà Chúa Giêsu là vua theo một ý nghĩa cao cả nhất, phi thường nhất, vì không có
vị vua nào trên đời lại dám chết cho thần dân của mình.
Nho gia có câu: “Dân vĩ quí, xã tắc thứ chi,
quân vi khinh” nghĩa là đạo làm vua là phải thương dân, lo cho dân và nếu
cần thì phải dám liều chết cho dân.
Trong Thánh Kinh có ghi lại những từ ngữ, những ý
tưởng xác định vương quyền của Đức Giêsu.
Chủ đề “Vương quốc của Thiên Chúa” chiếm
một địa vị chủ yếu trong Kinh Thánh ám chỉ vương quyền của Đức Kitô.
Vua Đavid được xức dầu tấn phong làm vua Do Thái ám
chỉ Đức Giêsu là vua (bài đọc I ).
Đức Giêsu đã được Thánh Thần xức dầu tấn phong là
Vua Thiên Sai, Vua Cứu Thế qua hành động, lời giảng dạy và phép lạ. Ngài đã
thiết lập triều đại của Đấng Thiên Sai (Lc 4,18-19).
Trước tòa án của quan tổng trấn Philatô. Đức Giêsu
đã quả quyết:“Đúng như lời quan nói. Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đến thế
gian, là để làm chứng cho sự thật”.
Chính Chúa Giêsu đã xác định “Ngài là Vua”. Khi
chịu chết trên Thập Giá là lúc Chúa Giêsu được tôn vinh làm vua vũ trụ, vua Cứu
Thế: “Khi nào Tôi bị treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng
Tôi”. Chứng kiến Chúa chết trên Thập Giá, nhiều người đã nhận ra Chúa
Giêsu là con Thiên Chúa, là Đấng Messia. Đặc biệt là kẻ trộm bên hữu Chúa đã
xác tín “Chúa Giêsu là vua thật” anh thưa với Chúa:
“Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến
tôi”. Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được
ở với tôi trên Thiên đàng”.
Anh trộm bên hữu Chúa đã ăn năn sám hối và tin vào
Đức Giêsu là vua, là Đấng Cứu Thế, nên anh được Đức Giêsu đón nhận anh làm công
dân Nước Trời đầu tiên.
Viên sĩ quan Rôma lấy lưỡi đòng đâm cạnh sườn Chúa
Giêsu đã tuyên xưng đức tin và nhìn nhận Chúa Giêsu là vua cứu thế: “Ông
này quả thật là Con Thiên Chúa”.
Đức Giêsu Kitô là vua vũ trụ, vua mọi người, vì Ngài
đã chết để cứu độ nhân loại. Quyền lực và vũ khí của Ngài là tình thương, tha
thứ, chân lý và an bình.
Tin nhận Chúa Giêsu là vua và muốn trở thành
công dân trong nước Chúa, người Kitô hữu phải từ bỏ mọi thứ thần tượng trần
gian: danh vọng, địa vị, quyền thế, của cải vật chất… để sống yêu thương , phục
vụ anh em, dám hy sinh tất cả. Dấu chỉ chắc chắn nhất chúng ta thuộc về
Chúa là yêu thương, bác ái… Vì Đức Giêsu là vua tình yêu, là vua cứu độ nhân
loại.
Lạy Chúa Giêsu! Ngài là vua của
chúng con, là vua của trời đất vũ trụ, là vua của muôn vua và là Chúa của
mọi tâm hồn. Xin Chúa đến và ngự trị trong cung lòng tâm hồn của mỗi người
chúng con. Amen.
***
Chữ INRI có nghĩa là gì?
Trả lời: Tin mừng theo thánh Gio-an chương 19
câu 19 có ghi, “Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá;
bảng đó có ghi: Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái”. Gio-an 19,20 lại
tiếp, “Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức
Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các
tiếng: Híp-ri, La-tinh, và Hy-lạp”. Ngày nay, những chữ cái INRI được treo trên
Thánh giá theo bản văn tiếng La-tinh là “Ieus Nazarenus Rex Iudaeorum”,
nghĩa là “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái”. Hiện được viết tắt bằng các
chữ cái đầu tiên thành “INRI”
Tin mừng Gio-an cho rằng những chữ đó như là
một “tước hiệu”, còn Mác-cô và Mát-thêu coi chữ đó như là một “cáo
trạng”. Theo thường lệ, thì bảng tên được đặt trên đầu của những người bị đóng
đinh vì tội phạm họ phải chịu. Cáo trạng mà Phi-la-tô cho đóng trên cây thánh
giá là do yêu cầu của ông. Một cách mỉa mai, tội mà Chúa Giê-su bị đóng đinh
không phải là một tội phạm, nhưng là một sự thực hoàn toàn. Chúa Giê-su không chỉ
là Vua dân Do-thái, mà Người còn là Vua của mọi loài – Vua của các vua và Chúa
của các chúa (Kh 17,14 và 19,16). Người là Vua của vũ trụ và của mọi loài thụ
tạo. Và đó không phải là tội của Người bị đóng đinh trên thập giá; đó là tội
lỗi của nhân loại, nhờ Người mà thế nhân được cứu độ. Người đã “xóa sổ nợ
bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta.
Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá” (Cl 2,14).
Với tước hiệu Vua dân Do-thái được viết theo ba ngôn
ngữ, ý nói tất cả mọi ngôn ngữ, mọi nước, mọi dân đều nhận ra Người là Đấng Cứu
Độ, thực vậy Người là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian, Người đã mang lấy
tội nhân loại vào thân thể mình mà chịu treo lên cây thánh giá, chỉ một lần là
đủ và hoàn tất, Người đã đưa nhân loại đi vào cõi sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Giuse Đỗ QC chuyển
ngữ Catholicsay.com
SỰ BẾ TẮC CỦA VÔ THẦN
1. Hãy đưa mắt nhìn khắp nơi và chúng ta sẽ thấy: vũ
trụ và muôn loài đều làm chứng về Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô đã nhắn nhủ:
Mọi sự đều do Ngài, nhờ Ngài và vì Ngài. Và những ai chối bỏ Thiên Chúa sẽ
không thể nào chữa được mình, sẽ không thể nào chạy được tội.
2. Nếu không có vị kiến trúc sư, thì làm sao có được
ngôi Nhà Thờ này ? Nếu không có vị kỹ sư, thì làm sao có được chiếc đồng hồ tôi
đang đeo trên tay ? Nếu không có nhà điêu khắc, thì làm sao có được pho tượng ?
Nếu không có ông họa sĩ, thì làm sao có được bức tranh ?
Thế mà có những kẻ đã nhắm mắt chấp nhận sự phi lý
khi nói rằng: "Không thể nào có Thiên Chúa." Và họ chỉ lo tôn thờ
khoa học. Nhưng khoa học chỉ có thể khám phá ra một vì sao mới, một định luật
mới chứa ẩn trong thiên nhiên, chứ không thể nào tạo ra vì sao đó, định luật
đó.
3. Có một người Âu Châu đi du lịch bên Phi Châu.
Ngày kia, ông ta gặp một người Ả Rập đang quỳ cầu nguyện ban sáng, ông ta nói
với người Ả Rập bằng một giọng mỉa mai: "Làm thế nào mà anh biết được có
Thiên Chúa mà lại cung kính cầu nguyện như thế ?"
Người Ả Rập bình thản trả lời: "Khi nhìn bãi
cát sa mạc này, tôi có thể căn cứ vào những dấu chân mà biết được người hay vật
đã đi qua đây. Cũng thế, khi nhìn ngắm vũ trụ, tôi có thể căn cứ vào những dấu
ấn mà quả quyết rằng Thiên Chúa đã ngự qua nơi đây."
4. Tâm trí chúng ta không thể nào được thỏa mãn ở
tình trạng còn bấp bênh và mơ hồ. Khoa học càng tiến triển, càng chuyên biệt,
thì lại càng khám phá ra sự khôn ngoan diệu kỳ của Thiên Chúa. Càng tiến sâu
vào thiên nhiên, chúng ta lại càng nhìn thấy vẻ oai hùng và quyền năng vô song
của Thiên Chúa. Cầm một chiếc kính lúp và đặt nó trước tia nắng mặt trời, nhà
bác học sẽ nhìn thấy những màu sắc sáng ngời và từ đó ông khám phá ra những
định luật về quang học, những đặc tính của ánh sáng. Và chúng ta không hề nghi
ngờ gì về những điều ông đã xác quyết.
5. Viễn vọng kính đã cho chúng ta thấy một vũ trụ vô
cùng lớn lao. Còn kính hiển vi cho chúng ta thấy một thế giới vô cùng nhỏ bé. Vậy
ai là Đấng Tạo Hóa ? Tại sao tất cả lại như thế ? Hai chữ “tại sao” đã bộc lộ
rõ rệt bản tính con người. Trên đôi môi của trẻ thơ cũng như của mọi người,
chúng ta thường thấy lặp đi lặp lại hai chữ “tại sao” ? Hai chữ này đã nói lên
nỗi khao khát được biết, được hiểu rõ về nguyên nhân, gốc tích. Chúng ta nghi
ngờ. Chúng ta phân tích. Chúng ta tìm hoài, chúng ta kiếm mãi cho đến khi tới
được nguyên nhân sau cùng, cũng như tới được lý do độc nhất là chính Thiên
Chúa.
6. Trong một cuộc leo núi, nhà địa chất học sẽ cắt
nghĩa cho chúng ta về cách thức cấu tạo các ngọn núi. Thế nhưng, có người sẽ
lên tiếng nói: "Ông có chui vào trong đó đâu mà biết ?" Nhà địa chất
học trả lời: "Tôi không cần phải chui vào trong đó. Chỉ cần nhìn ngọn suối
vọt lên từ lòng đất, chỉ cần khảo sát giòng nước của nó, tôi có thể biết nó
xuất phát từ đâu."
7. Có người đã tôn thờ lý trí để chối bỏ
Thiên Chúa. Nhưng họ là những kẻ
đã chống lại lý trí, vì bắt nó phải theo một điều ngược lại bản
tính của lý trí.
Thực vậy, đó là một điều chẳng quá đáng chút nào.
Chúng ta thử so sánh một bên là tín ngưỡng, còn một bên là vô tín ngưỡng. Một
bên là tin tưởng vào Thiên Chúa, còn một bên là chối bỏ Ngài, để xem bên nào có
lý.
Tin rằng Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, hay tin rằng
vũ trụ này tự mình mà có, đằng nào có lý hơn ?
Tin rằng Thiên Chúa là tác giả Sự Sống, hay tin rằng
sự sống chỉ là chuyện tình cờ ngẫu nhiên, đằng nào có lý hơn ?
Tin rằng Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan tuyệt vời, đã
an bài sắp xếp mọi trật tự, hay tin rằng mọi lề luật, mọi mục đích trong vũ trụ
chỉ là những hậu quả mà không có nguyên nhân, đằng nào có lý hơn ?
Những kẻ khôn ngoan hãy cùng với Thánh Vịnh 18
mà lớn tiếng nói, mà không sợ sai lầm: "Trời cao kể lại ngàn vinh
quang Chúa, và không trung tuyên xưng kỳ công Ngài." (Theo Ephata số 719)
CÂU CHUYỆN NỒI CHÁO TUYỆT VỜI
Một hôm, có một người lạ mặt đến gõ cửa nhà của một
bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng người đàn bà cho biết trong nhà bà không còn gì
để ăn cả. Người lạ mặt mới nói: “Bà đừng lo, tôi có mang theo một hòn đá có thể
biến nước thành một thứ cháo tuyệt vời nhất trần gian. Nhưng trước tiên bà hãy cho
tôi mượn một cái nồi lớn”.
Thấy người lạ mặt đề nghị một cách nghiêm
chỉnh, cho nên người đàn bà mới cho nước vào cái nồi lớn nhất và đặt lên bếp.
Khi nước vừa sôi, thì người đàn bà chạy đến các nhà láng giềng để mời sang
chứng kiến điều lạ lùng sắp xảy ra. Trước đôi mắt mở to của mọi người, người
khách lạ mới cho viên đá vào nồi, rồi dùng muỗng lấy nước đưa lên miệng nếm,
ông vừa hít hà: “Thật là tuyệt diệu! Nhưng giá có thêm một ít khoai thì tốt
hơn”. Nghe thế, một người đàn bà có mặt bèn sốt sắng đề nghị: “Trong bếp tôi
còn một ít khoai”. Nói xong, bà đon đả chạy về nhà mang khoai sang. Người khách
lạ cho những miếng khoai tây được thái nhỏ vào trong nồi. Một lát sau, ông nếm
thử và nói: “Tuyệt! Nhưng giá có thêm chút thịt thì chắc chắn phải ngon hơn”.
Nghe thế , một người đàn bà khác chạy về mang thịt
đến. Người lạ mặt cũng cho thịt vào nồi, đảo lên trộn xuống một hồi rồi nếm thử
và nói: “Bây giờ thì quý vị thưởng thức nồi cháo của tôi, nhưng nếu có thêm một
chút rau cỏ cho vào thì là hoàn hảo”. Dĩ nhiên, ai cũng muốn nếm thử nồi cháo,
cho nên ai cũng hăm hở đi tìm rau. Có người mang đến nguyên một giỏ củ cà rốt
và hành. Người lạ mặt cho các thứ rau vào nồi rồi ra lệnh cho người đàn bà chủ
nhà: “Bây giờ tôi cần một ít muối và tiêu nữa là có được một nồi cháo ngon nhất
trần gian”. Khi nồi cháo đã sẵn sàng, ông hối thúc mọi người đi tìm chén bát
đến. Có người mang cả bánh mì và trái cây.
Mọi người vui vẻ ngồi vào một bàn tiệc bất ngờ.
Trong khi mọi người nói cười rộn rã, thì người khách lạ lẻn đi. Ông vẫn để lại
hòn đá mà mỗi khi cần đến, những người hàng xóm có thể sử dụng để cùng nấu
chung với nhau một nồi cháo ngon nhất thế giới.
Một hòn đá, cộng với một ít thực liệu và gia vị sẽ
tạo nên một nồi cháo ngon nhất trần gian: đó là hình ảnh của sự đóng góp vào
phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thực thi cho con người.
Trong Tân Ước, chúng ta có câu chuyện Chúa Giêsu đã
nhân bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của
một cậu bé... Cũng thế, trong Cựu Ước, chúng ta có câu chuyện bà góa thành
Sarepta đã dâng cúng một ít bột mì cho tiên tri Êlia để từ đó được lương thực
hằng ngày trong suốt mùa hạn hán.
Với một chút đóng góp từ lòng quảng đại của con
người, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cả thể. Tất cả những công trình bác
ái và giáo dục trong Giáo Hội đều bắt nguồn một cách khiêm tốn: Chúng ta hãy
nhìn vào công trình của Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta, của cha Pierre, sáng
lập cộng đồng Emmaus, của cha Van Straatten, sáng lập Hội trợ giúp các Giáo Hội
đau khổ: một căn nhà nhỏ, một miếng thịt mỡ, một công việc vô danh... Phép lạ
của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ và âm thầm của con người.
Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người chúng ta cơ may để
đón nhận phép lạ của Ngài. Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của chúng ta.
Nếu chúng ta sẵn sàng dâng tặng cho Ngài một chút những gì chúng ta có thì có
biết bao nhiêu người chung quanh sẽ được chung hưởng phép lạ của Thiên Chúa.
KINH
NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA
"Chiều nay, con đi lễ mà trong lòng thấy hạnh
phúc ngập tràn như thể là chưa từng thấy hạnh phúc nào hơn! Chúa ở trong con
từng mỗi phút giây, ấp ủ con trong trái tim tình yêu của Người. Mãi mãi muôn
đời là như thế! Thật nhiệm mầu!"
Đó là kinh nghiệm của một bạn trẻ. Hôm nay tôi muốn
chia sẻ với mọi người. Thật hạnh phúc cho ai có kinh nghiệm về Thiên Chúa.
Lm P.Q.Long
Tin Tức Giáo Hội VN:
Ngày 14.11.2016 Giáo phận Vinh vừa có thêm 38 linh mục, ĐC Phaolô Nguyễn
Thái Hợp chủ phong, nâng số linh mục của giáo phận lên 265 linh mục.
NHỮNG LỢI ÍCH TUYỆT VỜI TỪ CAM QUÝT
Không chỉ giải cảm, cam quýt còn được xem là loại vũ
khí mới trong cuộc chiến chống lại nhiều căn bệnh liên quan đến béo phì như
bệnh gan, tiểu đường, tim mạch.
Các nhà nghiên cứu Đại học Sao Paulo, Brazil đã tiến
hành thí nghiệm với 50 con chuột ăn nhiều thức ăn chứa chất béo và được điều
trị bằng 3 loại flavanone (hesperidin, eriocitrin và eriodictyol) chiết xuất từ
cam, chanh vàng và chanh xanh.
Kết quả cho thấy chất béo giảm rõ rệt trong cơ thể
những con chuột, từ đó những tổn thương gan cũng giảm đi tương ứng, đồng thời
mức độ lipid trong máu và lượng đường trong máu cũng thấp hơn. Khi chất béo
tích tụ trong cơ thể, các phản ứng oxy hóa sẽ yếu đi nên dễ khiến các tế bào bị
tổn thương.
Với kết quả của nghiên cứu này, trong tương lai có
thể sử dụng flavanone từ cam quýt để ngăn ngừa hoặc trì hoãn các bệnh mãn tính
do béo phì gây ra.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy với những người
có chế độ ăn nhiều chất béo (nhưng chưa bị béo phì), trái cây họ cam quýt có
thể giúp họ ngăn ngừa các bệnh liên quan đến thực phẩm mà họ ăn, như: tim mạch,
kháng insulin và béo bụng.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu tương tự trên cơ thể
người gần đây được tiến hành ở Úc còn chỉ ra trái cây họ cam quýt không chỉ
giúp giảm cân, mà còn có tác dụng chống ung thư. Theo các nhà khoa học, sở dĩ
có điều này là do các loại trái cây họ cam quýt chứa gần 200 loại hợp chất
chống ung thư, được mô tả như một khắc tinh của bệnh ung thư.
Theo đó, ăn các loại trái cây họ cam quýt mỗi ngày
có thể giảm 50% nguy cơ ung thư miệng, ung thư thanh quản và ung thư dạ dày.
Hơn nữa, chỉ số đường huyết của trái cây họ cam quýt quýt tương đối thấp, đặc
biệt là bưởi nên rất thích hợp cho những bệnh nhân tiểu đường.
Tóm lại, để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật,
rằng ngoài việc kiểm soát cân nặng, tập thể dục đều đặn, chế độ ăn uống lành
mạnh đóng vai trò đặc biệt quan trọng. (theo báo TN)
Các ngày lễ :
* 21/11 T.HAI
: Đức Mẹ dâng mình
* 22/11 T. BA
: Th. Cê-ci-li-a, trinh nữ, tử
đạo
* 23/11 T.TƯ :
Th. Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo
* 24/11 T.
NĂM : Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét