Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 13 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen 21:5, 8-20; Mt 8:28-34.
1/ Bài đọc I: 5 Ông Áp-ra-ham được một trăm tuổi
khi sinh được người con là I-xa-ác.8 Đứa trẻ lớn lên và cai sữa. Ông
Áp-ra-ham làm tiệc lớn ngày I-xa-ác cai sữa.9 Bà Xa-ra thấy đứa con mà
Ha-ga, người Ai-cập, đã sinh ra cho ông Áp-ra-ham, đang cười giỡn,10 liền
nói với ông Áp-ra-ham: "Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con
trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với I-xa-ác, con trai tôi."11 Ông
Áp-ra-ham rất bực mình vì lời ấy, bởi đó là con ông.12 Nhưng Thiên Chúa
phán với ông Áp-ra-ham: "Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của
ngươi. Tất cả những gì Xa-ra nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ I-xa-ác
mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi.13 Còn con trai của người nữ tỳ,
Ta cũng sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là dòng dõi ngươi."14 Sáng
hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, lấy bánh và một bầu da đựng nước đưa cho Ha-ga.
Ông đặt đứa bé lên vai nàng và bắt nàng phải đi.15 Khi nước trong bầu da
đã cạn, nàng vất đứa bé dưới một bụi cây,16 rồi đi ngồi đối diện, cách xa
khoảng tầm cung bắn. Nàng nói: "Sao cho tôi đừng nhìn thấy đứa bé chết!"
Nàng ngồi đối diện và bật tiếng khóc.17 Thiên Chúa nghe thấy tiếng đứa trẻ
và từ trời sứ thần Thiên Chúa gọi Ha-ga và nói: "Sao thế, Ha-ga? Đừng sợ,
vì Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng đứa trẻ, ở chỗ nó nằm.18 Đứng lên! Đỡ đứa
trẻ dậy và ôm nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn."19 Thiên
Chúa mở mắt cho nàng, và nàng thấy một giếng nước. Nàng đi đổ nước đầy bầu da,
rồi cho đứa trẻ uống.20 Thiên Chúa ở với đứa trẻ, nó lớn lên, sống trong
sa mạc, và trở thành người bắn cung.
2/ Phúc Âm: 28 Khi Đức Giê-su sang bờ bên
kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón
Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy.29 Chúng la
lên rằng: "Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới
lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?"30 Khi ấy, ở đàng xa, có
một bầy heo rất đông đang ăn.31 Bọn quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông
đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia."32 Người
bảo: "Đi đi!" Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế
là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết.33 Các
người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những
người bị quỷ ám.34 Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người,
họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Quan tâm lợi lộc trước mắt mà không nhìn thấy thiệt hại tương lai.
Thiên Chúa khôn ngoan và yêu thương, Ngài biết những gì hữu ích và những gì gây
thiệt hại cho con người; nên đã thân hành ban Thập Giới, để con người cứ theo
đó sống để có hạnh phúc cả đời này và đời sau. Ma quỉ rất tinh ranh và ghen tị,
chúng không muốn con người được yêu thương và hạnh phúc, nên không ngừng cám dỗ
và xúi giục con người vi phạm Thập Giới để phải chịu đau khổ cả đời này lẫn đời
sau. Theo căn bản của Thập Giới, con người phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi
sự và yêu thương tha nhân như chính mình vậy. Ma quỉ, chúng thừa biết sự thiển
cận của con người: chỉ biết nhìn cái lợi trước mắt; nên không ngừng bày ra những
ảo ảnh của vật chất để xúi giục con người chọn vật chất trên tình yêu dành cho
Thiên Chúa và tha nhân.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những bài học thực tế để cho chúng ta suy tư và học
hỏi. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật lý do tại sao bà Sarah
bắt ông Abraham phải trục xuất mẹ con Hagar ra khỏi nhà, vì bà không muốn
Ismael, con của Hagar, được đồng thừa tự với Isaac, con bà. Trong Phúc Âm, dân
làng Gadara, vì quá quan tâm đến sự thiệt hại của đàn heo, và không quan tâm đến
sự lành mạnh tinh thần của hai con người; nên đã lạnh nhạt mời Chúa ra khỏi
làng, để họ tiếp tục sống nô lệ cho ma quỉ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa vượt xa tính ích kỷ nhỏ nhen của
con người.
1.1/ Cách cư xử ích kỷ và bất công của bà Sarah: Đọc Sách
Sáng Thế, chúng ta biết rõ lý do tại sao Hagar có con với Abraham: đó là do kế
hoạch của bà Sarah, vì bà không thể sinh con cho Abraham có con nối giòng.
Nhưng khi được Thiên Chúa đoái thương và ban cho bà có một con trai là Isaac
trong lúc tuổi già, bà đổi ý định và đày đọa Hagar và con của nàng.
Khi bà Sarah thấy đứa con mà Hagar, người Ai-cập, đã sinh ra cho ông Abraham,
đang cười giỡn, bà liền nói với ông Abraham: "Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa
nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với Isaac, con trai
tôi." Lý do chính bà lo lắng là Ismael sẽ được cùng thừa kế gia tài của
Abraham để lại với Isaac con bà!
Sự việc xảy ra là hoàn toàn do ý định của bà Sarah, lẽ ra bà phải có can đảm
lãnh trách nhiệm do quyết định của mình, bà lại đổ xuống trên Abraham và mẹ con
Hagar. Ông Abraham rất bực mình vì lời ấy, bởi đó là con ông. Nhưng Thiên Chúa
phán với ông Abraham: "Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của
ngươi. Tất cả những gì Sarah nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ Isaac mà
ngươi sẽ có một giòng dõi mang tên ngươi. Còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng
sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là giòng dõi ngươi."
1.2/ Kế hoạch của Thiên Chúa cho mẹ con Hagar: Nghe lời
Thiên Chúa, sáng hôm sau, ông Abraham dậy sớm, lấy bánh và một bầu da đựng nước
đưa cho Hagar. Ông đặt đứa bé lên vai nàng và bắt nàng phải đi.
(1) Phản ứng của Hagar: Mẹ góa con côi, hành trang lên đường chỉ có ít bánh và
nước. Nàng đi mà không biết đi về đâu. Chán nản, mệt mỏi, tuyệt vọng ... Khi nước
trong bầu da đã cạn, nàng vất đứa bé dưới một bụi cây, rồi đi ngồi đối diện,
cách xa khoảng tầm cung bắn. Nàng nói: "Sao cho tôi đừng nhìn thấy đứa bé
chết!" Nàng ngồi đối diện và bật tiếng khóc.
(2) Thiên Chúa vẫn rộng tình thương: Thiên Chúa nghe thấy tiếng đứa trẻ và từ
trời Ngài sai sứ thần đến an ủi Hagar: "Sao thế, Hagar? Đừng sợ, vì Thiên
Chúa đã nghe thấy tiếng đứa trẻ, ở chỗ nó nằm. Đứng lên! Đỡ đứa trẻ dậy và ôm
nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn." Thiên Chúa mở mắt
cho nàng, và nàng thấy một giếng nước. Nàng đi đổ nước đầy bầu da, rồi cho đứa
trẻ uống. Thiên Chúa ở với đứa trẻ, nó lớn lên, sống trong sa mạc, và trở thành
người bắn cung.
(3) Hậu quả của cách cư xử của bà Sarah: Chúng ta không phủ nhận tình thương và
sự quan phòng của Thiên Chúa; nhưng mối thù truyền kiếp giữa dân tộc Do-thái và
người Hồi-giáo là do kết quả của hành động thiếu khôn ngoan của bà Sarah.
Abraham là tổ phụ của cả hai bên: Do-thái và Hồi-giáo. Nếu bà biết khiêm nhường
dàn xếp để bà và Hagar có thể ở chung một nhà, và hai con trẻ Isaac và Ismael
có thể cười giỡn và đối xử với nhau như anh em; mối thù truyền kiếp chắc đã
không xảy ra và kéo dài như ngày nay.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu trục xuất quỉ thần ra khỏi hai
người.
2.1/ Chúa Giêsu đương đầu với quyền lực ma quỉ: Khi Đức
Giêsu sang bờ bên kia của Biển Hồ đến miền Gadara, có hai người bị quỷ ám từ
trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối
ấy. Gặp Chúa Giêsu, chúng la lên rằng: "Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng
tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?"
(1) Thiên Chúa và ma quỉ không thể ở chung: chỗ nào có sự hiện diện của Thiên
Chúa, là không có sự hiện diện của ma quỉ và ngược lại. Ma quỉ biết Thiên Chúa
sẽ tiêu diệt chúng vĩnh viễn trong Ngày Phán Xét. Thời gian trước ngày đó,
chúng được quyền cám dỗ con người. Đó là lý do chúng nhắc khéo Chúa Giêsu là
"chưa tới lúc" để Ngài tiêu diệt chúng.
(2) Kế hoạch của ma quỉ: Nhiều người thắc mắc tại sao ma quỉ xin nhập vào đàn
heo và tại sao chúng lại lao xuống biển? Ma quỉ rất khôn ngoan, chúng đã có sẵn
kế hoạch để dân làng mời Chúa Giêsu đi khỏi!
2.2/ Sợ hãi mất lợi tức làm dân thành quyết định thiếu khôn
ngoan: Trình thuật của Matthew không cho biết số lượng của bầy heo lao xuống biển;
trình thuật của Marcô cho biết số lượng khoảng 2,000 con. Nhiều tác giả thắc mắc
lý do tại sao Chúa Giêsu cho quỉ nhập vào đàn heo để gây thiệt hại cho dân làng
như vậy. Chúng ta cần công bằng khi phán xét: Chúa Giêsu không phải là lý do chính
gây ra việc đàn heo lao xuống biển; ma quỉ là nguyên nhân chính và chúng có uy
quyền để gây ra thiệt hại cho đàn heo. Hơn nữa, mục đích của chúng khi gây thiệt
hại là để dân làng mời Chúa Giêsu đi khỏi, để chúng có dịp tác hại dân làng.
Đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ dẫn chứng con người hành xử thiếu
khôn ngoan và không theo thứ tự ưu tiên của cuộc đời:
(1) Mời Đức Kitô ra khỏi thành của họ: Mối liên hệ với Thiên Chúa phải là mối
liên hệ được ưu tiên hàng đầu; thế mà vì lợi nhuận vật chất, dân làng mời Chúa
Giêsu ra khỏi làng của họ, để họ tiếp tục sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần.
Chúng biết con người chỉ biết nhìn lợi lộc thấp hèn như chúng đã từng cám dỗ
Chúa Giêsu trong sa mạc.
(2) Coi linh hồn và an sinh của con người thua kém một bầy heo: Mối liên hệ giữa
con người với con người phải được đặt trên những lợi lộc vật chất; thế mà dân
làng không vui vì hai con người được chữa lành và từ nay không gây thiệt hại
cho dân làng nữa, nhưng buồn giận vì đàn heo bị thiệt hại!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Con người chỉ biết nhìn lợi lộc trước mắt, Thiên Chúa quan tâm đến tương lai.
Chúng ta cần học cách đối xử công bằng của Thiên Chúa, để tránh thiệt hại cho
tương lai.
- Con người luôn nhìn lợi lộc vật chất, Thiên Chúa quan tâm đến sự lành mạnh của
linh hồn. Chúng ta cần học biết cách suy xét và hành động như Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét