http://www.chuacuuthe.com/2015/05/ti-nan-giao-duc-con-di-nhieu-di-trong-rong-di-het/
Phù Sa phỏng vấn nhà văn Dạ Ngân
Du học để “tị nạn giáo dục”
Các ông bố, bà mẹ hiện đại ở các đô thị đang có xu hướng “ấn”
con đi du học càng sớm càng tốt ? Xu hướng này phản ánh điều gì về tâm lý và sự
thay đổi trong xã hội hiện nay ?
Xin đừng quên người Việt mình rất chăm con, bất đắc dĩ người
ta mới chịu xa con sớm và họ biết rõ, con mình sẽ “lóng ngóng” ở xứ người một
thời gian dài.
Nhưng tại sao có tâm lý đua nhau cho con đi sớm ? Là vì cung
cách của nền giáo dục không còn khiến người ta an tâm.
Tính hiếu học của người Việt đang bị thách thức. Những người
có tiền không dại gì để con mình chịu đựng sự thể nghiệm mãi của những nhà cải
cách và phải học theo kiểu “nhồi sọ” ở trường, lại còn phải học thêm học nếm
mãi.
Ở khía cạnh giáo dục, chị lý giải hiện tượng này như thế nào
?
Ngày nay, nhiều người Việt ra nước ngoài là để tị nạn giáo dục.
Tình hình đã mười mươi như vậy, nhưng hình như phía vĩ mô
không muốn thay đổi. Làm giáo dục mà không triết lý giáo dục thì sao thiết kế
được?
Sao các môn xã hội không có sức hấp dẫn mà còn khiến Học
Sinh bội thực, ngán ngẩm ? Các em không thích môn văn, không yêu môn sử, không
thiết tha môn địa, không “vào” với môn đạo đức công dân? Vậy thì giỏi toán và
giỏi các môn tự nhiên để làm gì, để làm người Việt ngô ngọng hay làm rô – bốt ?
Tôi thấy bất an với kiểu làm sách giáo khoa, tôi ngạc nhiên
với sự im lặng của chính các thầy cô trong ngành giáo dục. Họ biết cả đấy, họ
chán đấy mà họ không làm gì, không ai lên tiếng, họ sợ họ hèn hay họ đã chai lì
cả rồi ?
Nếu tôi là một quan chức trong ngành giáo dục thì chắc chắn
tôi sẽ từ chức. Không làm gì nổi nữa, chỉ có cách cho con cho cháu “tị nạn” mà
thôi.
Không phải chép văn mẫu đã là “được làm người”
Một gia đình có con trúng học bổng Singapore năm 14 tuổi đã
phấn khích thốt lên: “ôi, cháu tôi đã được làm người”.
“Ôi, cháu tôi được làm người” là một câu nói có vẻ quá lên
nhưng bên trong nó có sự thật đó chứ!
Hãy xem trường điểm và trường chuyên đã làm cho cha mẹ các
em phải chạy chọt và gây thêm ách tắc giao thông như thế nào? Hãy xem tuổi thơ
của các em nhỏ đang được chơi hay đang bị học kiểu “nhồi thức ăn cho ngỗng”? Một
cô cháu họ của tôi kể, trong thực hành môn Văn lớp 4 của con nó có thứ đề đại
loại: “Hãy viết một bức điện tín”. Chính tôi đã từng giúp cho đứa cháu ngoại học
lớp 5 ở Hà Nội làm đề ngoại khóa là “Hãy viết suy nghĩ của em về chiến thắng của
trận Điện Biên Phủ trên không?”.
Có phải bắt các em làm chính trị gia hay làm công dân sớm?
Sao không để cho các em tiểu học được phát triển tự nhiên cả trong tình yêu đất
nước, gia đình, thầy cô và tiếng Việt mà cứ làm cho chúng chán ngấy lên vậy?
Cho con du học là xu hướng đã có từ thời thuộc Pháp, để con
cái được học cái văn minh, được sống và được thụ hưởng môi trường văn hóa cao.
Tại sao người ta thích cho con đi Singapore, đảo quốc ấy có đúng là thiên đường
ở châu Á mà chúng ta đang mơ ước không?
Nhưng chị có nghĩ rằng bọn trẻ sẽ có những tổn thương tâm lý vì xa bố mẹ từ khi còn quá nhỏ?
Tôi không có con nhỏ nhưng tôi đã khuyến khích và đóng góp
cho cháu ngoại của tôi vào trường quốc tế từ đầu cấp II. Vì sao? Vì ở đó nó được
học chương trình giảm tải, nó được học tiếng Anh bằng phương pháp đúng và không
phải làm văn mẫu.
A ha! Riêng việc không phải làm văn kiểu học thuộc lòng và
chép nguyên xi văn mẫu đã là “được làm người” rồi. Nó học văn một cách hào hứng
và tiếng Việt của nó dậy hương là vì nó được làm văn theo suy nghĩ của mình. Cả
nhà xúm nuôi một đứa bé, cực nhưng mà vui, không bị sốc, không bị stress vì
“né” được nhiều “ngón hành hạ” của ngành giáo dục trong nước.
Các trường ở Singapore họ hay nhảy vào các trường điểm và
trường chuyên của chúng ta để “hớt váng” từ năm lớp 9 hoặc lớp 10.
Số đi du học tự túc thì đủ lứa tuổi. Các em phải chịu thiệt
thòi nhưng nền giáo dục của các nước văn minh rèn người khá hay.
Theo tôi, đi từ đầu cấp III là vừa, cho đi sớm hơn là sẽ có
hậu quả.
Con mình nuôi lớn mà người ta “dùng”
Việc mỗi gia đình tự lo cho tương lai của con cái như vậy sẽ
tạo ra một nguồn nhân lực tốt cho đất nước ?
Rõ ràng là nhân tài sẽ thất thoát. Con cái mình nuôi lớn mà
người ta dùng, toàn là người thông minh và nhiều người tài đấy chứ. Có đau
không, có ức không? Đành chịu.
Các vị ở trên cao có xót không, xót sao không tìm cách và
không thay đổi?
Liệu gia đình và chính các em Học Sinh đó có phải trả cái
giá nào không ?
Đừng có mà đùa dai với truyền thống hiếu học của người Việt.
Sẽ còn đi nhiều, đi trống rỗng, đi bằng hết, nếu những người cầm trịch của
chúng ta không giật mình thì sẽ không cứu vãn được làn sóng tị nạn này đâu.
Rồi sẽ có thêm những thế hệ Việt kiều không biết tiếng Việt,
quê hương đất nước xa vời. Đừng nghĩ người Việt sẽ cố kết tình quê hương và đất
nước như cộng đồng người Tàu. Chúng ta là những người Việt trần ai, rất dễ bời
rời và mất gốc khi ở xứ người.
Nhà văn, nhà báo Dạ Ngân sinh năm 1952, từng tốt nghiệp trường
viết văn Nguyễn Du. Là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết
nổi tiếng. Trong đó, đặc biệt và gây tiếng vang nhất là tiểu thuyết “Gia đình
bé mọn” đã đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét