Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Chủ Nhật IV Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Deut 18:15-20; I Cor
7:32-35; Mk 1:21-28.
1/ Bài đọc I: 15 Từ
giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ
cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy.16 Đó
chính là điều mà anh em đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, tại núi
Khô-rếp, trong ngày đại hội; anh em đã nói: "Chúng tôi không dám nghe tiếng
Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn
này nữa, kẻo phải chết."17 Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi: "Chúng
nói phải.18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như
ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy
sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. 19 Kẻ nào
không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta
sẽ hạch tội nó. 20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời
Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ
đó phải chết."
2/ Bài đọc II: 32 Tôi
muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên
lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người.33 Còn người có vợ thì lo lắng
việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ,34 thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy,
đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn
về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách
làm đẹp lòng chồng. 35 Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị
em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị
em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng
co.
3/ Phúc Âm: 21 Đức
Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội
đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người
giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.23 Lập tức,
trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng:
"Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt
chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! "25 Nhưng
Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! "26 Thần
ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người
đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới
mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải
tuân lệnh! "28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng
lân cận miền Ga-li-lê.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vai trò của ngôn sứ
Ngôn sứ hay tiên tri là người nói thay cho Thiên Chúa, chứ không phải là những
người nói trước về tương lai. Trong Cựu Ước, ngôn sứ chỉ là một thiểu số nhỏ,
được Thiên Chúa tuyển chọn giữa dân để nói thay cho Ngài, nhất là trong thời miền
Bắc và miền Nam bị rơi vào tay ngọai bang và bị lưu đày.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong vai trò của vị ngôn sứ. Trong Bài Đọc I,
tác-giả Sách Đệ Nhị Luật cho biết lịch sử tại sao có ngôn sứ, và vai trò quan
trọng trong sứ vụ trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc II,
Thánh Phaolô giải thích cho cộng đòan Corintô biết lý do cụ thể của những người
không có gia đình, họ có nhiều thời giờ hơn để làm những chuyện của Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu là vị Ngôn Sứ Tối Cao, vì Ngài là chính Lời của Thiên
Chúa. Ngài giảng dạy như một ngôn sứ có uy quyền chứ không giống các Kinh-sư;
và Ngài có quyền trục xuất thần ô uế ra khỏi con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời tiên tri về vị
ngôn sứ Thiên Chúa hứa ban:
1.1/ Sự cần thiết của ngôn sứ:
Truyền thống Do-Thái tin khi một người nhìn thấy Thiên Chúa, người đó sẽ phải
chết. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa không xuất hiện để nói với dân, nhưng Ngài dùng
những nhà lãnh đạo như Moses và Aaron, để thực thi những gì Thiên Chúa muốn. Để
chứng nhận uy tín của những người lãnh đạo này, Thiên Chúa cho dân thấy một phần
quyền năng của Ngài như khi dân Israel được triệu tập ở Horeb trong ngày đại hội.
Nhưng dân chúng không thể chịu đựng nổi, dù chỉ một phần uy quyền của Thiên Chúa,
nên họ nói với Moses: "Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa
của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết."
Vì lý do này, con người có lời hứa của Thiên Chúa: “Từ giữa anh em, trong số
các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một
ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy.” Nói cách khác, ngôn sứ
là người được chọn giữa con người, để trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và
con người. Lời hứa này ám chỉ tất cả các ngôn sứ trong Cựu Ước Thiên Chúa gởi đến
cho con người. Tuy nhiên, đó cũng là lời hứa về Đức Kitô, vị Ngôn Sứ tòan hảo của
Thiên Chúa. Ngài cũng là người giữa con người, nhưng có uy quyền và sự không
ngoan của Thiên Chúa. Ngài là người trung gian hòan hảo giữa Thiên Chúa và con
người.
1.2/ Mối liên hệ bộ ba giữa
Thiên Chúa, ngôn sứ, và con người: Một sự hiểu biết về mối liên hệ này sẽ giúp
chúng ta nhận ra bổn phận và trách nhiệm của từng người:
(1) Thiên Chúa và ngôn sứ: Thiên Chúa chọn ngôn sứ và gởi ông đến với dân để
giúp họ, ông không tự chọn mình để làm ngôn sứ. Bổn phận của ngôn sứ là nói những
gì Thiên Chúa muốn nói với dân như lời Thiên Chúa phán: "Ta sẽ đặt những Lời
của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta
truyền cho người ấy.”
(2) Ngôn sứ và con người: Con người phải vâng nghe những gì ngôn sứ nói với họ;
vì “kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta,
thì chính Ta sẽ hạch tội nó.” Lời của Thiên Chúa là lời của ngôn sứ; bất tuân lời
ngôn sứ là bất tuân Thiên Chúa, và con người sẽ phải chịu trách nhiệm trước
Thiên Chúa. Con người dễ khinh thường các ngôn sứ, lý do vì ngôn sứ cũng là người
yếu đuối như họ; chẳng lạ gì mà con người hay có thái độ, “gần chùa gọi bụt bằng
anh!” Con người không được quên họ là ngôn sứ của Thiên Chúa.
(3) Ngôn sứ và Thiên Chúa: Ngôn sứ phải nói những gì Thiên Chúa nói; vì “ngôn sứ
nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh
những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.” Ngôn sứ phải chịu trách nhiệm
trước Thiên Chúa, vì ông có trách nhiệm nói Lời của Thiên Chúa. Các ngôn sứ dễ
có khuynh hướng không nói Lời của Thiên Chúa, vì những lý do sau:
- Con người không muốn nghe sự thật vì sự thật mất lòng. Họ thích nghe những gì
vui vẻ, tếu táo, không đòi suy nghĩ, và nhất là không khơi dậy mặc cảm tội lỗi
nơi những việc họ đang làm. Khán giả cũng không thích ngôn sứ nói đến tội lỗi,
chết chóc, chiến tranh, hy sinh, từ bỏ, chịu đau khổ, vác Thánh Giá; vì thế, vị
ngôn sứ dễ tránh né những chủ đề này.
- Sợ những hậu quả xảy ra: không trở nên nổi danh, bị khán giả ghét bỏ, và có
thể nguy hiểm đến tính mạng nếu động chạm đến nhà cầm quyền và các thế lực mạnh.
- Dùng danh Thiên Chúa để mưu cầu lợi lộc: nói khôi hài để được khán giả ưa
thích, nói vuốt đuôi để được thăng quan tiến chức, và nói văn chương để tỏ cho
khán giả tài năng của mình.
2/ Bài đọc II: Làm đẹp lòng
Thiên Chúa hay đẹp lòng người đời?
2.1/ Ngôn sứ có bổn phận làm đẹp
lòng Thiên Chúa: Truyền thống Do-Thái rất chú trọng đến đời sống gia đình, và
coi đó như một bổn phận thánh. Chỉ có một trường hợp miễn trừ cho một người
không phải kết hôn là để có nhiều thời giờ nghiên cứu Lề Luật của Chúa. Trong cộng
đòan tín hữu Côrintô, có lẽ cũng có sự so sánh giữa 2 ơn gọi: độc thân để làm
việc cho Chúa và ơn gọi gia đình; ơn gọi nào tốt hơn? Thánh Phaolô cho các tín
hữu một cái nhìn thiết thực qua hai ví dụ:
(1) Các nam tu: “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa, họ tìm cách làm đẹp
lòng Người; còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ,
thế là họ bị chia đôi.”
(2) Các nữ tu: “Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo
việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng
việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng.”
Lý luận căn bản của Thánh Phaolô: Vì người độc thân không phải lo nghĩ đến người
phối ngẫu nên họ có thời giờ và dành mọi tập trung lo việc của Thiên Chúa. Người
có gia đình phải dành thời giờ và lo lắng cho người phối ngẫu, nên họ sẽ có ít
giờ hơn để lo việc của Thiên Chúa, và tâm trí họ bị chia đôi. Đấy là chưa kể thời
giờ phải lo cho các con nữa.
2.2/ Hãy chu tòan bổn phận trong
ơn gọi của mình: Điều quan trọng không ở chỗ là tranh luận xem ơn gọi nào quan
trọng hơn ơn gọi nào; nhưng ở chỗ mọi người hãy chu tòan ơn gọi của mình. Nếu ở
bậc độc thân mà không chịu lo việc của Thiên Chúa, cũng chẳng làm lợi gì cho
Ngài. Bậc nào cũng phải cộng tác với nhau và góp phần vào việc làm vinh quang
Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là ngôn sứ
kiểu mẫu của Thiên Chúa.
3.1/ Uy quyền giảng dạy: “Đức
Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capernaum. Vào ngày Sabbath, Người vào hội đường
giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như
một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” Trình thuật không nói rõ sự
khác biệt giữa Chúa Giêsu và các Kinh-sư, nhưng chúng ta có thể dựa vào những
trình thuật khác, nhất là xung đột ý kiến giữa Ngài và họ, để liệt kê một số điều
như sau:
(1) Chúa Giêsu chú trọng đến tâm hồn bên trong như: kính sợ Thiên Chúa, lòng
thương xót, thực thi ý Thiên Chúa, và bảo vệ sự sống; trong khi các Kinh-sư chú
trọng đến việc giữ các lễ nghi và Lề Luật hời hợt bên ngòai: giữ ngày Sabbath
và các luật thanh tẩy (Mk 2:23-24).
(2) Chúa Giêsu không sợ nói và đối diện sự thật (Mk 3:23-27); trong khi các Biệt-phái
và Kinh-sư luôn tìm cách che đậy những toan tính gian ác trong tâm hồn (Mk
3:2-6).
3.2/ Uy quyền trên các thần ô uế:
Truyền thống Do-Thái tin có nhiều quỉ thần trong thế giới, và chúng thường sống
trong những nơi nhơ bẩn, hoang dã, và huyệt mả. Chúng thường đe dọa những khách
độc hành, đàn bà có thai, cô dâu chú rể, và trẻ em ra ngòai ban đêm. Chúng thường
họat động nhiều vào giữa trưa và khỏang thời gian giữa mặt trời lặn và mặt trời
mọc. Có nhiều thứ quỉ thần khác nhau, và chúng thường chuyển những tính xấu của
chúng tới những người chúng sở hữu như quỉ mù, phong cùi, dâm dục … Chúa Giêsu
nhiều lần khai trừ quỉ thần ra khỏi con người như trình thuật hôm nay, và ngày
xưa, “chức trừ quỉ” là một trong 7 chức thánh được ban cho các linh mục.
(1) Chúa Giêsu không sợ áp lực của khán giả: Trình thuật kể ngay sau khi Chúa
Giêsu giảng dạy xong; lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế
nhập, la lên rằng: "Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà
ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của
Thiên Chúa!" Chúng ta không ngạc nhiên về điều này, vì sứ vụ của Chúa
Giêsu và sứ vụ của quỉ thần hòan tòan đối nghịch nhau: Ngài đến để giải thóat
con người khỏi mọi quyền lực của tội; trong khi các quỉ thần cố gắng giữ con
người làm nô lệ cho tội.
(2) Chúa Giêsu trục xuất quyền lực ô uế đang ở trong khán giả: Ngài quát mắng
nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Thần ô uế lay mạnh người ấy,
thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Điều khác biệt giữa Chúa Giêsu và các
nhà trừ quỉ khác, Ngài dùng uy quyền của chính Ngài biểu tỏ qua mệnh lệnh ngắn
và đơn giản; chứ không nhân danh một thứ quyền lực khác, và phải xử dụng một
công thức cố định.
(3) Khán giả được chữa lành: Khi chứng kiến những gì Chúa Giêsu làm, mọi người
đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới
mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải
tuân lệnh!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đều là những ngôn sứ của Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là phải
tìm hiểu, nói, sống, và làm chứng cho sự thật.
- Chúng ta sẽ phải đương đầu với những quyền lực chống lại sự thật của thế gian
và ma quỉ. Hậu quả có thể là không được chấp nhận, phỉ báng, tù đày, và ngay cả
nguy hiểm tính mạng.
- Chúng ta không được sợ hãi, để rồi thay vì nói sự thật của Thiên Chúa, chúng
ta nói những gì khán giả muốn nghe. Hãy nhớ chúng ta phải chịu trách nhiệm trước
mắt Thiên Chúa; Ngài sẽ đòi nợ máu chúng ta về sự hư đi của những người chúng
ta đã không có can đảm nói sự thật cho họ.
- Chúng ta phải tôn trọng những người có bổn phận rao giảng Tin Mừng, cho dẫu họ
nói những gì chúng ta không muốn nghe, nhưng là sự thật của Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét