Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 4 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 12:18-19, 21-24; Mk
6:7-13.
1/ Bài đọc I: 18 Anh
em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và
giông tố,
19 có tiếng kèn vang dậy,
và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra
với họ nữa,
21 Cảnh tượng hãi hùng đến
mức ông Mô-sê phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy!
22 Nhưng anh em đã tới núi
Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giê-ru-sa-lem trên trời, với con số
muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui,
23 dự đại hội giữa các con
đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới
cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính
đã được nên hoàn thiện.
24 Anh em đã tới cùng vị
Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su và được máu của Người rảy xuống, máu đó
kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben.
2/ Phúc Âm: 7 Người gọi
Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông
quyền trừ quỷ.
8 Người chỉ thị cho các ông
không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị,
tiền đồng để giắt lưng;
9 được đi dép, nhưng không
được mặc hai áo.
10 Người bảo các ông:
"Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra
đi.
11 Còn nơi nào người ta
không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý
phản đối họ."
12 Các ông đi rao giảng,
kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
13 Các ông trừ được nhiều
quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy sinh cho sứ
vụ rao giảng Tin Mừng.
Để một người có thể hy sinh chấp
nhận gian khổ, anh cần có một lý tưởng để theo đuổi. Chẳng hạn, người nhà nông
sẵn sàng chấp nhận gian khổ nắng mưa, vì biết mùa gặt sẽ đến; hay người học
sinh chấp nhận hy sinh các thú vui để rèn luyện sách đèn, vì biết sẽ có ngày ra
trường thành tài.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh
đích điểm cuộc đời của người Kitô hữu. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái nhắc
nhở các tín hữu ngày được dự hội vui với Thiên Chúa, Đức Kitô, các thiên thần,
các Tổ-phụ, và các Kitô hữu khác trong Thành Jerusalem trên trời. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài dặn các ông đừng
chú trọng quá nhiều đến của cải vật chất và lợi lộc trần gian, để có nhiều thời
giờ cho việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự khác biệt giữa
2 Giao Ước Cũ và Mới
1.1/ Giao Ước Cũ trên Núi Sinai:
Tác-giả nhắc lại sự kiện Thiên Chúa gặp gỡ dân trên Núi Sinai (Exo 19:16-23)
“Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối
và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe
phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa. Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông
Moses phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy!”
(1) Thiên Chúa tỏ uy quyền trên
con người: Một sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa Thiên Chúa và con người: Ngài
qúa uy quyền và thánh thiện trong khi con người quá nhỏ bé, yếu đuối, và tội lỗi.
(2) Thiên Chúa cách biệt với con
người: Ai nhìn thấy hay tới gần Thiên Chúa, kẻ đó sẽ phải chết. Ngài chỉ nói với
con người qua người trung gian là Moses. Ngài đã trao cho con người Thập Giới
và truyền phải thi hành.
(3) Thiên Chúa làm con người phải
kinh hòang và sợ hãi: Họ không thể nhìn uy quyền của Thiên Chúa và nghe tiếng của
Ngài.
1.2/ Giao Ước Mới trên Núi Sion:
“Nhưng anh em đã tới Núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Jerusalem
trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội
giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời.
Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những
người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng Vị Trung Gian giao
ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn
mạnh thế hơn cả máu Abel.”
(1) Gia đình của Thiên Chúa là
Thành Jerusalem trên trời: Núi Sion là kinh thành của Đức Đại Vương. Tác giả liệt
kê các thành phần của gia đình Thiên Chúa:
- Các thiên thần: là những sứ giả
của Thiên Chúa, đêm ngày họ không ngừng ca tụng vinh quang của Ngài.
- Các con đầu lòng của Thiên
Chúa: là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Con đầu lòng là người được thừa hưởng
gia tài của người cha. Thường thường, danh hiệu này dùng ở số ít để chỉ tước hiệu
đặc biệt của Chúa Giêsu: Người là Trưởng Tử sinh ra trước mọi lòai thọ tạo (Col
1:15). Người là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi
sự, Người đứng hàng đầu (Col 1:18). Tác giả dùng danh hiệu ở số nhiều, có thể để
ám chỉ những người công chính của Cựu Ước mà tác giả đã đề cập đến trong chương
11, những người mà đã được thừa hưởng những lời hứa chúc lành (Heb 6:12).
- Các linh hồn những người công
chính đã được nên hoàn thiện: tất cả những người Kitô hữu khác.
(2) Thiên Chúa ở với con người:
Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Ngài bắt đầu Giao Ước Mới
và làm cho con người được hòa giải với Thiên Chúa. Ngài vừa là Thượng Tế, vừa
là Lễ Hy Sinh tòan hảo. Chính vì thế, Ngài làm cho mối liên hệ hai bên được tiến
lại gần nhờ máu của Người đổ ra trên Thập Giá.
(3) Thiên Chúa yêu thương: Ngài
sẵn sàng hy sinh Người Con đổ máu để chuộc tội cho con người. Tác giả so sánh
máu của Abel và máu của Chúa Giêsu. Máu của Abel kêu gọi sự báo thù (Gen 4:10);
máu của Chúa Giêsu mang tha thứ mọi tội và mang con người tới Thiên Chúa (Heb
10:19). Sự hy sinh của Ngài là lý do tại sao con người được chung hưởng vinh
quang với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu sai Nhóm
Mười Hai đi với 2 lời truyền:
2.1/ Hành trang mang theo trên
đường rao giảng: “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ
cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi
dép, nhưng không được mặc hai áo.”
Có nhiều cách giải nghĩa lệnh
truyền này của Chúa; nhưng trọng tâm của lệnh truyền là các Tông-đồ phải dành mọi
thời gian và nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng, chứ không quá quan tâm và lệ
thuộc vào đời sống vật chất. Chúa Giêsu mời gọi các ông sống tin tưởng trong sự
quan phòng của Thiên Chúa, vì “thợ làm việc xứng đáng được thưởng công.” Ngài sẽ
lo liệu đời sống vật chất của các ông qua tình thương của những người được thấm
nhuần Tin Mừng. Hơn nữa, nếu các ông không mang hành lý nặng, các ông sẽ dễ
dàng lên đường đi đến mọi nơi cần được sai tới; và lời rao giảng không lệ
thuộc vào vật chất sẽ hiệu quả hơn.
2.2/ Thái độ của người rao giảng:
“Người bảo các ông: Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó
cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì
khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."
Cùng một lối giải thích như
trên, người Tông-đồ được sai đi là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chứ không để
tìm hư danh, uy quyền, hay các lợi lộc vật chất. Nếu người Tông-đồ nhắm đến những
điều sau này, anh sẽ dễ nản chí và di chuyển đến những nơi có lợi lộc hơn. Về
phía người được nghe Tin Mừng, họ phải mở lòng đón nhận và tiếp đãi những người
làm việc cho Chúa, để cả người gieo và người gặt đều được vui mừng trong mùa gặt.
Những việc làm chính của các
Tông-đồ: (1) Rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (2) Trừ quỷ:
Giúp con người thóat khỏi ảnh hưởng hay làm nô lệ cho ma quỉ, để sống đời sống
thánh thiện theo tinh thần Phúc Âm đòi hỏi. (3) Xức dầu cho nhiều người đau ốm
và chữa họ khỏi bệnh tật phần hồn cũng như phần xác.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có một lý tưởng cao cả
để theo đuổi là được đòan tụ với Thiên Chúa và các Kitô hữu khác trên trời
trong Ngày Cánh Chung. Để đạt được lý tưởng này, chúng ta cần hy sinh chấp nhận
mọi gian khổ trong việc loan báo và sống Tin Mừng.
- Chúng ta không thể bắt cá hai
tay: vừa muốn được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa đời sau, vừa muốn tất cả
các hưởng thụ đời này. Người muốn bắt cá hai tay có nguy hiểm mất tất cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét