Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 5 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen 2:5-9, 15-17; Mk
7:14-23.
1/ Bài đọc I: 5 Ngày Đức
Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt
đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho
mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai.
6 Nhưng có một dòng nước từ
đất trào lên và tưới khắp mặt đất.
7 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy
bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một
sinh vật.
8 Rồi Đức Chúa là Thiên
Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính
mình nặn ra.
9 Đức Chúa là Thiên Chúa
khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường
sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.
15 Đức Chúa là Thiên Chúa
đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.
16 Đức Chúa là Thiên Chúa
truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn;
17 nhưng trái của cây cho
biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn
ngươi sẽ phải chết."
2/ Phúc Âm: 14 Sau đó,
Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và
hiểu cho rõ:
15 Không có cái gì từ bên
ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng
chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
16 Ai có tai nghe thì
nghe!"
17 Khi Đức Giêsu đã rời đám
đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.
18 Người nói với các ông:
"Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất
cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra
ô uế,
19 bởi vì nó không đi vào
lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?" Như vậy là Người
tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch.
20 Người nói: "Cái gì
từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.
21 Vì từ bên trong, từ lòng
người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,
22 ngoại tình, tham lam, độc
ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.
23 Tất cả những điều xấu xa
đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cái gì làm
con người ra xấu xa tội lỗi?
Có người cho là việc sống gần
gũi với những kẻ tội lỗi, vì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nhưng điều
này chỉ có thể xảy ra, chứ không nhất thiết phải xảy ra. Chẳng hạn, người quân
tử “sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Hay như Chúa Giêsu chủ trương:
Ngài như một thầy thuốc đến tìm các con bệnh để chữa lành, mặc dù các biệt-phái
và kinh-sư nghĩ Ngài cũng tội lỗi như những người thu thuế và gái điếm, nều
Ngài giao thiệp với họ.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh đề
tài “cái gì làm con người ra xấu xa tội lỗi.” Trong Bài Đọc I, tác-giả tường
thuật một trình thuật khác về việc tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng nên con người
và đặt ông vào Vườn Địa Đàng mà Ngài đã tạo dựng sẵn. Thiên Chúa truyền lệnh:
Con người có thể ăn mọi trái cây trong Vuờn, ngọai trừ cây cho biết thiện và
ác. Lệnh truyền này dẫn tới sự sa ngã của con người trong ít ngày tới, khi con
người bất tuân lệnh Thiên Chúa. Chính hành động bất tuân này làm cho con người
nhận ra sự xấu xa tội lỗi của mình. Trong Phúc Âm, truyền thống Do-Thái cho con
người ra xấu xa tội lỗi là vì không cẩn thận giữ các luật thanh tẩy. Chúa Giêsu
phủ nhận truyền thống này khi Ngài tuyên bố chỉ có những gì phát ra từ tâm hồn,
mới làm con người ra xấu xa tội lỗi mà thôi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Một trình thuật
khác về việc tạo dựng
“Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm
ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ
ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và
không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một giòng nước từ đất trào lên và
tưới khắp mặt đất. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi
sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên
Chúa trồng một vườn cây ở Eden, về phía Đông, và đặt vào đó con người do chính
mình nặn ra.”
1.1/ Phân biệt 2 trình thuật
khác nhau về việc tạo dựng vũ trụ, P và J: Nếu một người chú ý đến việc thay đổi
cách gọi Thiên Chúa, người đó sẽ thấy có 2 trình thuật khác nhau về việc tạo dựng.
Các nhà chú giải phân biệt 2 trình thuật tạo dựng khác nhau trong việc tạo dựng.
Trình thuật của truyền thống giáo sĩ, P, gọi “Thiên Chúa;” trong khi trình thuật
Yahweh, J, gọi “Đức Chúa là Thiên Chúa.” Kiểu trình thuật của J sống động và cụ
thể hơn P. Kiểu mô tả về Thiên Chúa có vẻ con người hơn. Tổng quan nhắm tới
trái đất và con người, chứ không tới vũ trụ và thần tính như P.
Theo nội dung của tòan thể trình
thuật theo J, việc tạo dựng là phần giới thiệu vào việc sa ngã, và là hệ quả của
sự xa cách dần dần giữa con người và Thiên Chúa. Tất cả những điều này là phần
giới thiệu của những câu truyện của các Tổ-phụ, và cách tối hậu, cho những hành
động cứu con người trong biến cố Xuất Hành. Vì thế, trình thuật của việc tạo dựng
theo J, cũng như theo P, là bắt đầu của Lịch sử Cứu Độ.
Cũng như trình thuật của P,
tác-giả nhấn mạnh đến tất cả là do Thiên Chúa tạo dựng. Ngài tạo dựng nên con
người và ban cho người sự sống bằng cách “thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người
trở nên một sinh vật.” Điều này làm cho con người khác với các sinh vật khác,
vì sự sống của con người là chính hơi thở của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm lên Vườn
Địa Đàng Eden, và đặt con người vào đó. Nước để tưới cũng do Thiên Chúa dựng
nên thay vì đã có sẵn như trình thuật của P. Theo tiếng Do-Thái, con người “adam”
và đất “adamah” có chung mối liên hệ: con người bởi đất mà ra (câu 7); con người
xử dụng đất để sinh sống (câu 5b); và con người sẽ trở về với đất (3:19).
1.2/ Lệnh truyền của Thiên Chúa
cho con người:
(1) Hai cây hay một cây? Trình
thuật kể: “Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì
đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện
điều ác.” Theo câu này, có 2 cây ở giữa vườn: cây trường sinh và cây cho biết
điều thiện điều ác. Chúng ta sẽ trở lại điều này trong trình thuật về sự sa ngã
của con người.
(2) Lệnh truyền của Thiên Chúa:
Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: "Hết mọi trái cây
trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì
ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết."
Hạnh phúc của con người có được là do việc tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa.
Tội lỗi và chết chóc xảy ra là khi con người bật tuân lệnh Ngài.
2/ Phúc Âm: Con người lẫn lộn giữa
nhơ bẩn bên ngòai và xấu xa tội lỗi bên trong.
2.1/ Truyền thống Do-Thái và việc
thanh tẩy: Họ tin việc giữ luật thanh tẩy không phải là cho những lý do vệ sinh
bên ngòai; nhưng là cho sự thanh sạch bên trong để xứng đáng dâng lễ vật cho
Thiên Chúa và được Ngài nhận lời cầu xin. Ví dụ, nếu một tư-tế đụng phải xác chết,
ông sẽ không thanh sạch để dâng lễ vật; ăn vật dơ bẩn làm ô uế tòan thể con người.
2.2/ Giáo huấn về sự thanh sạch
của Chúa Giêsu:
(1) Phân biệt giữa nhơ bẩn thân
xác và xấu xa tâm hồn. Chúa Giêsu giải thích: "Xin mọi người nghe tôi nói
đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể
làm cho con người ra ô uế được… Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người,
thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng,
nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?" Tác giả dùng cẩn
thận 2 danh từ Hy-Lạp khác nhau: tim, “kardia” và bao tử, “koilia.”
Thực phẩm có dơ bẩn đến đâu
chăng nữa, cũng không thể làm tâm lòng con người ra xấu xa tội lỗi; vì thực phẩm
không thể nào vào tim, nhưng qua bao tử và rồi những chất dơ được thải ra
ngòai. Thực phẩm có thể làm cho con người bệnh về phần xác, nhưng không bao giờ
có thể đem bệnh tật về phần linh hồn.
(2) Xấu xa tội lỗi bên trong gây
thiệt hại hơn: Chúa Giêsu tiếp tục giải thích: "Cái gì từ trong con người
xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người,
phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam,
độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả
những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."
Ngài có ý muốn nói cho họ biết Thiên Chúa là Đấng nhìn thấu suốt mọi sự trong
tâm hồn con người. Họ không thể đánh lừa Thiên Chúa bằng việc quan sát qua loa
những luật lệ thanh tẩy bên ngòai. Rất nhiều lần trong Cựu Ước cũng như trong
Tân Ước, Thiên Chúa đã từng nói với họ: của lễ Ngài ưa thích không phải là những
hiến tế hay nghi lễ bên ngòai, nhưng là một tâm hồn thống hối và một trái tim ước
muốn thi hành thánh ý của Thiên Chúa.
Lối giải thích của Chúa Giêsu đảo
ngược những giá trị mà người Do-Thái vẫn tin từ bao đời. Họ khó chịu vì Chúa
Giêsu đã vô hiệu hóa bao nhiêu Luật thanh tẩy của họ. Rất khó cho họ chấp nhận
cách giải thích của Chúa Giêsu, vì một số trong họ, như 7 anh em nhà Maccabees
sẵn sàng chấp nhận cái chết chứ không ăn thịt heo mà họ coi là con vật dơ bẩn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Điều làm con người ra xấu xa tội
lỗi không phải là thực phẩm, hòan cảnh, hay làm bạn với tội nhân; nhưng chính
là những ước muốn và việc làm xấu của con người.
- Chúng ta không thể đánh lừa
Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự trong tâm hồn, bằng những lễ nghi và lề luật
hời hợt bên ngòai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét