CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Chúa Nhật III Mùa Vọng: Niềm Vui


http://www.chuacuuthe.com/2014/12/chua-nhat-iii-mua-vong-niem-vui/

VRNs (14.12.2014) -Sài Gòn- Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B được trích đọc trong Tin Mừng: Ga 1, 6-8. 19-28
Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.
Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.
Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Suy niệm:
Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay gọi là “Chúa Nhật Hồng”, linh mục mặc phẩm phục hồng và thắp nền hồng. Tất cả để diễn tả về niềm vui. Vui vì Chúa đã sắp đến rồi! Các bài đọc trong phụng vụ “Chúa Nhật hồng” này cũng đều diễn tả niềm vui.
Niềm vui gặp Chúa
Ông Gioan Tẩy giả trong Tin Mừng hôm nay đã cảm nhận niềm vui gặp gỡ Chúa. Ông đã có những ngày dài tu luyện, ăn chay, cầu nguyện để mong gặp được Đấng Thiên Sai. Gặp được Ngài là niềm vui duy nhất mà cả đời ông kiếm tìm. Điều này nhắc lại cho chúng ta về “niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giê-su. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn.” (tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 1)
Nhìn vào thế giới ngày nay, đặc biệt tại các nước tiên tiến chúng ta thấy thấm nhiễm chủ nghĩa hưởng thụ. Của  cải vật chất dư thừa, hàng hóa chất đống. Người người đua nhau mua sắm những mặt hàng mà nhiều khi không cần thiết và không dùng đến. Họ mua không phải vì có nhu cầu nhưng là bị lôi cuốn và ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ. Dầu vậy, những mặt hàng ấy không thể nào lấp đầy cảm giác cô đơn và bồn chồn phát sinh từ một con tim tự mãn và tham lam, sôi nổi chạy theo những của cải phù phiếm.
Mặt khác của thế giới là tình trạng nghèo đói và thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu nhất để sống. Trong thời gian vừa qua, tình trạng thảm thương của các anh chị em tín hữu Ki-tô tại Irak và Syria là một minh chứng cụ thể. Họ buộc phải bỏ nhà cửa để tìm nơi lánh nạn nếu không sẽ bị các chiến binh tự xưng Nhà nước Hồi Giáo (ISIS) giết chết. Trên hành trình bỏ chạy ấy, họ thiếu thốn mọi thứ. Nhiều trẻ em, người già bị chết vì đói, vì thời thiết khắc nghiệt. Trong khi đó, thế giới Phương Tây lại dửng dưng trước thảm cảnh này, hoặc có trợ giúp thì kiểu trợ giúp “nhỏ giọt”.
Khi đời sống nội tâm của con người bị trói chặt trong những lợi ích của phe nhóm hay cá nhân thì không còn chỗ cho người khác, đặc biệt là những người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình từ niềm vui gặp gỡ với Ngài không còn được cảm thấy và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Hậu quả là có những Ki-tô hữu vẫn theo Chúa, vẫn tham dự thánh lễ đều đặn nhưng luôn cảm giác bực bội, tức giận và chán nản.
Vì thế , người tín hữu cần tái khám phá niềm vui của việc gặp gỡ đích thân với Chúa. Cuộc gặp gỡ này sẽ làm nên căn tính đời ki-tô hữu. Như lời Đức Giáo Hoàng Benedic XVI đã nói: “Là ki-tô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa luân lý hay một ý tưởng tốt lành, nhưng là sự gặp gỡ một biến cố, một ngôi vị, cuộc gặp gỡ ban cho cuộc đời một chân trời mới và hướng đi quyết định.” Nhờ sự gặp gỡ với tình yêu Chúa, tâm hồn chúng ta thoát ra khỏi sự ích kỷ chật hẹp và tìm thấy niềm vui đích thực khi biết chia sẻ cho người khác.
Niềm vui “đi ra”
Khi đã gặp được Chúa Giê-su thì người tín hữu tràn đầy niềm vui và họ không giữ lại niềm vui ấy cho riêng mình, nhưng được thúc đẩy để “đi ra” chia sẻ cho người khác. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc I đã tiên báo về Đấng được Thần Khí xức dầu để “đi ra”, công bố Tin Mừng cho người nghèo: Thần khí của Ðức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Ðức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Ðức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than”. Đấng mà vị ngôn sứ tiên báo chính là Đức Ki-tô.
Chúa Giê-su Ki-tô trong 3 năm rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ngài đã đi đến tận cùng mọi ngõ hẻm, gặp gỡ những người bị ruồng bỏ, tội lỗi, thương tích để băng bó, chữa lành và đưa những con chiên lạc về đàn với tấm lòng mục tử đầy thương xót.
Noi gương Chúa Giê-su Ki-tô, Giáo hội cũng được mời gọi “đi ra” đến với người khác, đến các vùng ngoại vi để gặp gỡ con người, nói cho họ về niềm vui của Tin Mừng. Đón nhận tất cả mọi người vào Ngôi nhà của Thiên Chúa Cha tức là Giáo hội. Nhưng đặc biệt những người nghèo, những người bị loại trừ, khinh dể là những đối tượng ưu tiên vì chính Chúa Cứu Thế đã gặp gỡ và đón nhận những người như vậy.
Lời phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong diễn văn bế mạc Thượng HĐGM thế giới ngoại thường về Gia đình vào tháng 10 vừa qua đã khẳng định tính cách “đi ra” này của Giáo hội như sau: “Giáo Hội không sợ đồng bàn, cùng ăn và uống với gái mại dâm và kẻ thu thuế. Giáo Hội có những cánh cửa rộng mở để đón nhận những người nghèo, những người sám hối, chứ không chỉ là những người hoàn hảo! Giáo Hội không xấu hổ với những anh chị em sa ngã nhưng trái lại cảm thấy có liên quan với họ và có bổn phận nâng người sa ngã đứng lên và khuyến khích họ quay lại hành trình và đồng hành cùng họ tiến về mút cùng lịch sử để gặp gỡ với vị Hôn Phu của mình nơi thành thánh Giêrusalem trên trời.” Đó chính là sứ mạng “đi ra” của Giáo hội, và sứ mạng này lãnh nhận từ chính Chúa Giê-su Ki-tô.
Một lời khác của ĐTC nhắc nhở chúng ta: “tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (tông huấn niềm vui Tin Mừng, số 49). Như thế người tín hữu cảm nhận được niềm vui khi “đi ra” gặp gỡ, tiếp đón và chia sẻ với người khác nhất là những nghèo hèn, tất bạt nhất.
Niềm vui luôn mãi
Trong bài đọc II, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta hãy vui lên: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng.” Người tín hữu còn được mời gọi cảm nhận niềm vui sống mãi dù trong mọi hoàn cảnh thuận cũng như nghịch. Niềm vui khi đã gặp được Chúa, niềm vui khi biết đi ra chia sẻ thì niềm vui ấy không ai lấy mất được của chúng ta. Chính Đấng Cứu Thế, Đấng mà trong Mùa Vọng này chúng ta đang mong chờ Ngài đến, sẽ bảo đảm cho chúng ta về niềm vui luôn mãi này: “Thầy đã nói những điều này cho anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em được trọn vẹn” (Ga 15,11). Niềm vui được trọn vẹn là niềm vui dù trong những thử thách gian nan vẫn giữ lòng bình an thư thái. Một khi đã diễn ra cuộc gặp cá vị với Đức Ki-tô, thì người ấy sẽ thốt lên như thánh Phao-lô Tông đồ: “tôi coi tất cả mọi sự là thua thiệt, bất lợi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô, Chúa của tôi.” Không một thử thách nào có thế cướp đi niềm vui của người đã gặp gỡ Đức Ki-tô.
Niềm vui luôn mãi của người tín hữu còn nhận được từ trái tim tuôn chảy dạt dào của Chúa Cứu Thế. Ngài hứa với các môn đệ: “Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Rồi Ngài nói tiếp: “Nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22).
Trong cuộc sống không ai tránh được có lúc những nỗi lo buồn ập đến làm ta quên mất niềm vui. Nhưng Chúa Cứu Thế đã hứa rằng Ngài sẽ trở lại và hồi sinh niềm vui cho chúng ta như đã làm cho các Tông đồ xưa khi họ nhìn thấy Chúa Ki-tô Phục Sinh (x.Ga 20,22). Điều quan trọng là phải đặt niềm tin nơi trái tim tuôn chảy dạt dào niềm vui của Chúa.
Kinh nghiệm của các tông đồ tiên khởi dạy cho chúng ta về niềm vui miên viễn này. Đó chính là những khi các ông “dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,46). Bất kể các môn đệ đi đến đâu, “ở đó người ta rất vui mừng” (Cv 8,8); ngay cả giữa cơn bách hại, họ vẫn “tràn ngập niềm vui” (Cv 13,52). Thế thì tại sao chúng ta không đi vào suối nguồn niềm vui ấy?

 Lm. Giuse Trương Hoàng Vũ


Không có nhận xét nào: