Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Kính thánh Simon và Thadeus, Tông
Đồ
Bài đọc: Eph 2:19-22; Lk
6:12-16.
1/ Bài đọc I: 19 Vậy anh em
không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với
các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa,
20 bởi đã được xây dựng trên nền
móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Giêsu Kitô.
21 Trong Người, toàn thể công
trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa.
22 Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng
cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.
2/ Phúc Âm: 12 Trong những ngày ấy,
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng
Thiên Chúa.
13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ
lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.
14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi
là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an,
Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,
15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê
con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,
16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mỗi tín hữu
được kêu gọi để góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa.
Khi phải chọn người làm việc
chung, nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng chọn những người chung sở
thích, tính tình hòa hợp, và cùng một nghề nghiệp, để có thể tránh những xung đột
thì mới có thể thành công được. Nhưng cách chọn lựa của Thiên Chúa và của Đức
Kitô rất khác con người, các Ngài chọn những người khác sở thích, tính tình
trái ngược đến chỗ xung đột nhau, và nghề nghiệp khác nhau để xây dựng Giáo Hội
và rao giảng Tin Mừng.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật
vai trò của mỗi tín hữu trong việc xây dựng và mở mang Nước Chúa. Trong Bài Đọc
I, tác giả Thư Ephesô phân tích tình trạng pháp lý của các tín hữu để khuyên nhủ
họ không còn là người xa lạ hay tạm trú nữa; nhưng đã được trở thành người đồng
hương vì được kêu gọi để cùng chung hưởng quê hương Nước Trời, và đã trở thành
người nhà của Thiên Chúa để hưởng những quyền lợi như các phần tử trong nhà và
chung sức lo cho Nước Chúa được phát triển. Trong Phúc Âm, sau khi cầu nguyện
suốt đêm, Chúa Giêsu đã chọn Mười Hai Tông Đồ. Đây là những người rất khác nhau
về tính tình, nghề nghiệp, sở thích; nhưng được kêu gọi để cùng nhau rao giảng
Tin Mừng và tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu nơi trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Toàn thể công
trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa.
1.1/ Tình trạng pháp lý của người
tín hữu: "Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú,
nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của
Thiên Chúa.'' Tác giả muốn phân biệt hai giai đoạn trước và sau khi một người
biết Đức Kitô.
(1) Trước khi biết Đức Kitô: một
người là người xa lạ vì không biết gì về Thiên Chúa hay Kế-hoạch cứu độ của
Ngài; anh không được hưởng bất cứ quyền lợi gì của người trong nhà hay trong nước.
Hay người đó có thể là người tạm trú: mặc dù anh được hưởng một số quyền lợi
nhưng không trọn vẹn; mà nếu tạm trú, sẽ đến lúc anh phải ra đi.
(2) Sau khi biết Đức Kitô: Người
tín hữu trở thành người đồng hương với các người thuộc dân thánh vì các tín hữu
được kêu gọi để cùng được chung hưởng một quê hương là Nước Trời. Người đồng
hương phải giữ một số những qui luật và hưởng một số những quyền lợi, nhưng
không hoàn toàn. Khi trở thành người nhà của Thiên Chúa, người tín hữu được hưởng
quyền lợi như những thành phần trong gia đình của Thiên Chúa; tuy nhiên, khi là
người nhà, các tín hữu có bổn phận phải tuân giữ các điều luật và góp phần xây
dựng trong nhà.
1.2/ Người tín hữu là một thành
phần sống động của Đền Thờ Thiên Chúa: Khi đã trở thành người nhà của Thiên
Chúa, người tín hữu trở thành viên gạch của Đền Thờ mà:
- nền móng là các Tông Đồ và
ngôn sứ: Đây là những người đi tiên phong để kêu gọi mọi người gia nhập vào
Giáo Hội của Thiên Chúa. Các ngôn sứ đã tiên báo sự xuất hiện của Đức Kitô; các
Tông Đồ đã lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng trực tiếp từ Thiên Chúa. Họ là nền
móng vì họ đã hy sinh xương máu để bảo vệ đức tin và Giáo Hội.
- đá tảng góc tường là chính Đức
Giêsu Kitô: Trong kỹ thuật xây dựng của người Do-thái, đá tảng góc tường là nền
tảng quan trọng nhất, vì từ phiến đá này, ngôi nhà hay Đền Thờ được xây lên. Nếu
không có viên đá này, chẳng có ngôi nhà nào được xây lên. Tác giả có ý muốn
nói: Đức Kitô là phần chính yếu nhất trong Đền Thờ của Thiên Chúa. Ý tưởng về
"tảng đá góc tường" cũng được đề cập tới trong Thư I Phêrô (I Pet
2:6).
(1) Mọi phần hòa hợp và ăn khớp
với nhau: Tác giả nhận xét như các thành phần của Đền Thờ được xây dựng ăn khớp
với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh như thế nào, thì các tín hữu cũng được
chuẩn bị để sống hòa hợp với mọi thành phần trong Giáo Hội như thế nhờ Đức
Kitô.
(2) Xây dựng trong cùng một
Thánh Thần: Cùng với Đức Kitô, Thánh Thần của Thiên Chúa ban cho các tín hữu những
quà tặng khác nhau, để cùng chung sức xây dựng Giáo Hội là Đền Thờ của Thiên
Chúa: ''Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người
khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.''
2/ Phúc Âm: Người đã thức suốt
đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
2.1/ Chúa Giêsu cầu nguyện trước
khi gọi các Tông-đồ: Cầu nguyện là một trong những chủ đề chính của Tin Mừng
Lucas. Cầu nguyện được một người định nghĩa là bàn hỏi với Thiên Chúa. Quyết định
lựa chọn Nhóm Mười Hai là quyết định vô cùng quan trọng cho sự sống còn của
Giáo Hội; vì nếu Nhóm Mười Hai không trung thành chu toàn với sứ vụ, Giáo Hội
sơ khai không thể tồn tại được. Thánh Lucas nói rõ "Chúa cầu nguyện suốt
đêm;" điều này cho thấy Ngài không chọn Nhóm Mười Hai như một tổng thể,
nhưng chọn mỗi cá nhân của Nhóm Mười Hai. Trong sự quan phòng khôn ngoan của
Thiên Chúa, các Ngài biết rõ tính tình và những gì sẽ xảy ra cho từng cá nhân
này.
2.2/ Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ:
"Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông
Đồ. Đó là ông Simon mà Người gọi là Peter, rồi đến ông Andre, anh của ông; sau
đó là các ông James, John, Philip, Bartholomew, Matthew, Thomas, James con ông
Alpheus, Simon biệt danh là Nhiệt Thành, Judah con ông James, và Judah Iscariot, người
đã trở thành kẻ phản bội."
(1) Các con người không đặc biệt:
Nếu xét theo tiêu chuẩn con người, Nhóm Mười Hai này chẳng có gì xuất sắc hay đặc
biệt cả. Không một ai là học giả khôn ngoan, không ai có quyền thế trong xã hội;
đa số là những người chài lưới thất học, nghèo hèn. Thế mà Đức Kitô chọn các
ông để biến đổi thế giới. Điều này cho thấy khôn ngoan và sức mạnh không đến từ
các Tông Đồ; nhưng hoàn toàn do nơi Thiên Chúa.
(2) Các loại người xung khắc
tính tình với nhau: Cặp người xung khắc nhất có lẽ là Simon Nhiệt Thành chúng
ta mừng kính hôm nay và Matthew, người thu thuế. Simon thuộc nhóm Nhiệt Thành,
người rất ghét những người làm tay sai cho ngoại bang để bóc lột dân chúng; mà
Matthew lại cộng tác với ngoại bang để lấy thuế của dân chúng. Làm sao Đức Kitô
hòa giải và huấn luyện cho hai con người này trở thành bạn và cùng chung sức
rao giảng Tin Mừng! Cặp thứ hai là Phêrô và Thomas: Phêrô rất dễ tin và nhanh chóng biểu
lộ niềm tin của mình trước hết các Tông Đồ khác; trong khi Thomas rất cứng lòng
đến độ thách thức phải xem thấy mới tin.
(3) Các con người có mọi yếu đuối
và khuyết điểm: Ngoài Phêrô tin rồi chối, chúng ta có hai anh em James và John
ham muốn uy quyền và danh vọng làm cho các môn đệ khác tức tối. Judah Iscariote là kẻ
phản bội bán Chúa. Cả Nhóm Mười Hai bị Chúa Giêsu trách là không thể thức với
Chúa một giờ trong cơn hấp hối của Ngài; và tất cả bỏ chạy trốn trừ John còn đứng
lại dưới chân Thập Giá Chúa. Trong bản tính Thiên Chúa, Đức Kitô chắc chắn thấy
rõ những điều này; nhưng Ngài vẫn chọn và kiên nhẫn huấn luyện để mang đến kết
quả tốt lành sau cùng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đã được Thiên Chúa chọn
để trở nên người nhà lo việc của Thiên Chúa. Chúng ta đã làm gì để góp phần vào
việc mở mang Nước Chúa?
- Chúa chọn chúng ta không phải
vì khôn ngoan, tài giỏi, hay thánh thiện; nhưng khi chúng ta vẫn còn mang đầy
những yếu đuối, khuyết điểm, và tội lỗi trong người. Ngài muốn chúng ta hãy
ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần và những dạy dỗ của Đức Kitô
để sống xứng đáng như người môn đệ và làm cho tha nhân được đón nhận Tin Mừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét