CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Đường lối của Thiên Chúa và của con người



Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP


Chủ Nhật 26 Thường Niên, Năm A

Bài đọc: Eze 18:25-28; Phil 2:1-11; Mt 21:28-32.

1/ Bài đọc I: Các ngươi lại nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng." Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết.

2/ Bài đọc II: Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.
Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa."

3/ Phúc Âm: Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không đi đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đi!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất." Đức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đường lối của Thiên Chúa và của con người

 - Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hai điều:
(1) Nhìn vào bản thân để xét mình: Một trong những tật xấu nhất của con người mà Bài đọc I và Phúc Âm lên án hôm nay là thái độ kiêu ngạo, tự cho mình là công chính. Tật xấu này làm cho con người xúc phạm đến Thiên Chúa và khinh thường tha nhân: Xúc phạm đến Thiên Chúa vì chê đường lối của Thiên Chúa không công chính ngay thẳng vì Ngài đối xử với người công chính ngang hàng như những người tội lỗi. Khinh thường tha nhân là những người tội lỗi và không muốn cho họ có cơ hội ăn năn trở lại.
(2) Nhìn vào Thiên Chúa: Tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa không phải là tiêu chuẩn và đường lối của con người. Ngài không chỉ xét xử theo công bằng, nhưng còn theo lòng thương xót. Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn họ ăn năn xám hối và được sống.
- Đường lối nào ích lợi cho con người hơn? Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta những cái nhìn chính xác về 2 đường lối này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúa mở lối cho tất cả mọi người

Những người tự cho mình là công chính khó chịu khi thấy Chúa tỏ lòng thương xót cho những người tội lỗi, họ than phiền: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng." Hay khi thấy Thiên Chúa đối xử tốt với Dân Ngọai, họ ghen tị và phân bì: Tại sao Thiên Chúa lại đối xử với người công chính ngang hàng với những tội nhân?

Thiên Chúa trả lời họ: “Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?” Chương 18 của Tiên tri Êzêkiel liệt kê tất cả 4 trường hợp có thể xảy ra:
(1) Những người công chính luôn luôn thực hành điều chính trực sẽ sống. Có thể nói không ai trong con người thuộc lọai người đầu tiên này, trừ Đức Mẹ.
(2) Những người công chính từ bỏ lẽ công chính để làm điều bất chính sẽ chết.
(3) Những kẻ gian ác từ bỏ điều dữ chúng đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh sẽ sống. Đa số con người ở trong trường hơp này.
(4) Những kẻ gian ác không chịu từ bỏ mọi tội phản nghịch chúng đã phạm sẽ chết.

Điều mà Bài đọc muốn nhấn mạnh đến hôm nay là trường hợp thứ (3). Đây là một trong những chủ đề chính của tiên tri Êzêkiel: “Thiên Chúa không muốn những kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn chúng ăn năn xám hối và được sống.” Nêu lên điều này tiên tri muốn chứng minh: đường lối của Thiên Chúa rất khác với đường lối con người. Theo luật công bằng của con người, hễ đã có tội là phải đền trả: mắt đền mắt, răng đền răng, và mạng đền mạng. Án tử hình cho tội giết người trong quốc gia chúng ta đang sống là một ví dụ điển hình.

2/ Bài đọc II: Duy trì sự hiệp nhất trong tinh thần khiêm nhường.

2.1/ Thánh Phaolô liệt kê 3 nhân đức cần thiết để xây dựng cộng đòan và 3 tật xấu cần tránh vì chúng phá hủy cộng đòan.

- Ba đức tính cần có để xây dựng cộng đòan theo đường lối của Thiên Chúa:
(1) Liên kết với Đức Kitô: Qua BT Rửa Tội, chúng ta đều là những chi thể của một thân thể, và mọi người đều có bổn phận giữ cho chi thể của Chúa Kitô tòan vẹn.
(2) Bác ái huynh đệ: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Một người anh em bị hư mất thân thể của Chúa Kitô bớt tòan vẹn.
(3) Và hiệp thông trong một Thánh Thần: Các ơn thánh lãnh nhận nơi cùng một Thánh Thần là để xây dựng cộng đòan và bảo trì sự hiệp nhất trong cộng đòan.
Và thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.”

- Ba tật xấu cần tránh vì chúng phá hủy cộng đòan theo đường lối con người:
(1) Ghen tị: Khó chịu khi thấy người khác hơn mình và tìm mọi dịp để hạ bệ người khác.
(2) Tìm hư danh: Làm đủ mọi cách để được tiếng khen, ngay cả việc tự mình khen mình, và khó chịu khi người khác được khen.
(3) Và tìm lợi ích riêng: Luôn lo thu tích cho mình những lợi nhuận và không bao giờ chịu để ý đến nhu cầu của người khác.
Và Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê: “Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.”

2.2/ Để chống lại thái độ kiêu ngạo của những người tự cho mình là công chính, thánh Phaolô nêu bật cho chúng ta gương khiêm nhường và vâng lời của Đức Kitô: Sự hủy mình ra không (Kenosis) qua sự khiêm nhường và vâng lời tuyệt đối của Con Thiên Chúa: Chỉ trong 6 câu ngắn ngủi, Thánh Phaolô đã lột tả được trọn vẹn kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường đau khổ: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, nhưng Ngài không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, và sống như người trần thế. Thánh Gioan Kim Khẩu cho đây mới là sự khiêm nhường đích thực vì tuy Ngài ở địa vị cao trọng của Thiên Chúa nhưng đã chấp nhận một địa vị thấp hèn của con người. Hơn thế nữa, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự.

2.3/ Vinh quang tột đỉnh nhờ khiêm nhường và vâng lời tuyệt đối: Vinh quang chiếm được nhờ sự hủy mình ra không: Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Danh được Thiên Chúa ban cho Chúa Kitô là Đức Giêsu, có nghĩa là Đấng Cứu Độ. Khi nào nghe Danh Thánh Giê-su, cả trên trời, dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa."

3/ Phúc Âm: Nghe và làm theo ý Chúa

3.1/ Giống như tư tưởng của Bài đọc I, các Kinh-sư và Biệt-phái là hai hạng người tự cho mình là công chính nên luôn tìm cách phê bình Chúa Giêsu khi Ngài ngồi đồng bàn với những người thu thuế và tỏ lòng thương cảm cho những cô gái điếm. Để các Kinh-sư và Biệt-phái nhận ra con người thật của họ, Chúa đưa ra câu truyện: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không đi đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đi!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất."

Giống như trong Bài đọc I, chúng ta có thể liệt kê 4 trường hợp có thể xảy ra mặc dù Phúc Âm chỉ liệt kê 2 trường hợp:
(1) Nghe và làm theo lời cha;
(2) Không nghe nhưng sau hối hận làm theo lời cha;
(3) Nghe nhưng không làm theo lời cha;
(4) Không nghe và cũng không làm theo lời cha.
Điều đáng mong ước hơn cả là trường hợp thứ (1); thứ đến là trường hợp thứ (2) mà cả Bài đọc I và Phúc Âm chú ý tới; mặc dù không tòan hảo nhưng vẫn hơn xa hai trường hợp sau. Trường hợp thứ (3) dành cho những người con chỉ yêu cha bằng chóp lưỡi đầu môi nhưng không thể hiện bằng hành động; hứa hẹn rất nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu. Trường hợp cuối cùng dành cho những đứa con hoang đàng.

Đối chiếu với 4 trường hợp có thể xảy ra trên đây, chúng ta thấy ngay dụng ý của Chúa: Những người thu thuế và những cô gái điếm thuộc trường hợp thứ (2) vì tuy họ không nghe theo ý Chúa từ ban đầu, nhưng sau hối hận và làm theo ý Chúa; trong khi các Kinh-sư và Biệt-phái thuộc trường hợp thứ (3), vì tuy họ nghe theo ý Chúa từ đầu, nhưng không chịu làm theo ý Chúa. Không những thế, họ còn chê trách và ngăn cản những người muốn trở về cùng Chúa. Họ quên đi rằng con người có khả năng để thay đổi: từ xấu nên tốt và ngược lại.

Vì thế, Đức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúa mở lối cho tất cả: người công chính cũng như tội nhân. Ngài không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn họ ăn năn xám hối và được sống. Nếu Chúa xét xử như đường lối của những người tự cho mình là công chính thì chẳng ai có thể được cứu, vì mọi người đều là tội nhân trước mặt Chúa. Bắt Chúa phải xét xử công chính là tự khai án tử cho mình. Muốn được cứu độ, con người chỉ còn cách trông nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
- Ba tật xấu phá hủy cộng đòan cần tránh: ghen tị, tìm hư danh, và tìm lợi ích riêng. Muốn xây dựng cộng đòan, mọi người cần có 3 đức tính: liên kết với Đức Kitô, bác ái huynh đệ, và hiệp nhất trong cùng một Thánh Thần. Gương khiêm nhường và vâng lời của Chúa Kitô là mẫu gương cho chúng ta noi theo.
- Vì các Kinh-sư và Biệt-phái chỉ lo vun xới cho danh vọng và những đặc quyền của họ; nên không bao giờ họ hiểu được nỗi đau khổ của Thiên Chúa khi nhìn thấy dù chỉ một người con của mình bị hư mất.
- Điều lý tưởng nhất là lời nói phải đi đôi với hành động. Nước Trời chỉ dành cho những ai nghe và làm theo ý Chúa.


Không có nhận xét nào: