CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Thực chất Nhà Nước Hồi Giáo Trị - Vũ Văn An 9/24/2014



Hồi Giáo không có cơ quan trung ương hay có quyền định tín nào hay không có một nhân vật nào có thẩm quyền định tín bản chất của nó. Các ý kiến về yếu tính của nó khác nhau rất nhiều tùy theo kinh nghiệm chính trị hay triết lý của người giải thích nó. Cố gắng hiện thời nhằm thiết lập một Nhà Nước Hồi Giáo Trị, với một Chủ Giáo Trị (Caliph) được chỉ định, để khôi phục sứ mệnh từng được ủy thác cho Hồi Giáo, đã làm người ta lưu ý tới câu hỏi: “Hồi Giáo là gì?”

Vấn đề “khủng bố” là một khía cạnh nữa của cùng một cái hiểu này. Nhiều người ở bên ngoài Hồi Giáo tìm cách tách rời “khủng bố” ra khỏi “Hồi Giáo”, làm như thể, trong lối sử dụng của họ, chúng là các ý niệm độc lập với nhau hoặc thậm chí đối lập nhau. Người ta gần như không thể duy trì lối nhìn này một cách nghiêm túc nếu nhìn vào lịch sử của Hồi Giáo và chính bản văn của Kinh Kôrăng.

Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ, Ông John Kerry, nằng nặc cho rằng điều ta đang chứng kiến là “chủ nghĩa khủng bố” chứ không liên hệ gì tới Hồi Giáo cả. Chính phủ Obama dường như có chính sách không bao giờ đồng hóa Hồi Giáo với “chủ nghĩa khủng bố”, bất chấp chứng cớ hay bất chấp các đại biểu của Nhà Nước Hồi Giáo Trị muốn nói gì thì nói. Phó Tổng Thống Mỹ thì nói tới “Hỏa Ngục” lúc đề cập tới các hành động của Nhà Nước Hồi Giáo Trị. Diane Feinstein nói tới “sự ác” khi ám chỉ các vụ tàn sát dã man hiện nay ở Iraq và Syria. Đức Giáo Hoàng thì nhắc đến việc “chặn đứng việc gây hấn”. Những người nói tiếng Anh ghét luật pháp thì ngăn cản cuộc thảo luận ngay thẳng và trung thực về những gì đang diễn ra tại các nước Hồi Giáo hay tại các cộng đồng ở Tây Phương. Ngay quan điểm có phê phán của Winston Churchill về Hồi Giáo cũng không được phép đọc nơi công cộng.

Cả chủ nghĩa đại kết lẫn chủ nghĩa tự do phóng khoáng, theo cách riêng, vì chính sách khoan dung và tự do ngôn luận, cũng khiến người ta khó xử lý những gì đang diễn ra tại các nước Hồi Giáo. Hồi Giáo vốn không thân hữu đối với chủ nghĩa duy tương đối hay các phân biệt tinh tế.

Khủng bố có nội tại ngay trong Hồi Giáo không?

Điều chúng tôi trình bày ở đây chỉ là một ý kiến. Ý kiến chỉ là một lập trường cho rằng một đề xuất nào đó có vẻ có lý chứ không hoàn toàn chắc chắn. Nhưng thiển nghĩ ý kiến này khá có cơ sở và nghe có lý hơn phần nhiều các quan điểm hiện hành về cả Hồi Giáo lịch sử cũng như Hồi Giáo hiện nay. Chúng tôi không coi quan điểm này là dứt khoát, cũng không lên tài liệu cho nó bất cứ theo nghĩa chính thức nào, dù có thể như thế. Nhưng nó vẫn là một quan điểm được chúng tôi coi là tôn trọng Hồi Giáo hơn phần lớn các quan điểm phê phán hoặc bênh vực Hồi Giáo hiện nay.

Nhận định này được coi như một thứ hộ giáo (apologia) cho Nhà Nước Hồi Giáo Trị, ít nhất theo nghĩa Nhà Nước này chấp nhận sự thành thực và mục đích tôn giáo của mình. Nhà Nước này hiểu rõ: bối cảnh triết lý đã biện minh cho các hành động của họ ra sao, kể cả các hành động bạo lực.

Nhà Nước Hồi Giáo Trị và các phong trào thánh chiến duy Hồi Giáo trên khắp thế giới nhất trí với nó thẩy đều rất đúng trong cái hiểu căn bản của họ về Hồi Giáo. Người ta thấy nhiều chứng cớ từ ngay trong lịch sử lâu dài của cuộc bành trướng quân sự buổi đầu của Hồi Giáo và chính cả trong lối giải thích lý thuyết của họ về kinh Kôrăng nữa, để kết luận rằng Nhà Nước Hồi Giáo Trị và những kẻ có cảm tình với nó, về căn bản, hiểu nó rất đúng. Mục đích của Hồi Giáo, với các phương thế thường là bạo động, là mở rộng quyền cai trị của mình ra khắp thế giới, nhân danh Allah. Thế giới không thể sống “hòa bình” cho tới khi trọn bộ trở thành Hồi Giáo. “Khủng bố” mà ta đang chứng kiến không chủ yếu phát xuất từ các lý thuyết toàn trị hay duy quốc gia hiện đại, hay từ bất cứ nơi nào khác nhưng từ điều được coi như việc trung thành thi hành sứ mệnh đã được Allah ủy thác cho thế giới duy Hồi Giáo, với chứng cớ khách quan đàng hoàng. Thế giới duy Hồi Giáo này chỉ là đang trì hoãn việc chu toàn sứ mệnh đã ủy thác cho mình mà thôi.

Nhìn nơi khác để tìm lời giải thích là đơn thuần không thấy ra điều Nhà Nước Hồi Giáo Trị và bằng hữu của nó đang muốn nói với ta về lý do tại sao họ hành động như họ đang hành động. Khuynh hướng nơi các nhà tư tưởng thực dụng Tây Phương, bị khóa cứng trong các quan điểm chật hẹp của họ, là không muốn nhận một nguyên động lực như thế làm lời giải thích cho quyền lực trắng trợn. Đây là môt loại thiếu sót tri thức nơi các nhà lãnh đạo Tây Phương và là môt loại chật hẹp trong lối suy nghĩ của Tây Phương.

Có thể nói chủ nghĩa thánh chiến là một phong trào tôn giáo trước khi là bất cứ điều gì khác. Allah quả đã dành cho bạo lực một chỗ đứng quan trọng. Cuộc tranh cãi ngược xuôi hiện nay hệ ở sự thật của lập trường này hay đúng hơn hệ ở việc thiếu khả năng bác bỏ nó. Một tiểu luận gần đây trên tờ American Thinker tính ra rằng trong các năm bành trướng của họ, bắt đầu từ các thế kỷ thứ bẩy và thứ tám, khoảng 250 triệu người đã bị giết trong các cuộc chiến tranh và bách hại của Hồi Giáo. Không điều gì khác trong lịch sử thế giới, kể cả các chủ nghĩa toàn trị của thế kỷ vừa qua, lại đã gây tử vong đến thế.

Nếu Hồi Giáo là một tôn giáo hòa bình, thì nó đã mang lại thứ hòa bình nào?

Những lối hiểu khác về thành tích của Hồi Giáo bên trong Hồi Giáo có vẻ cũng có lý, nhưng vẫn không có lý hơn lối giải thích có tính thánh chiến trên. Rất có thể có những người coi Hồi Giáo như một tôn giáo “hòa bình”. Nhưng “hòa bình” này có nghĩa nền hòa bình của Allah bên trong các biên giới Hồi Giáo. Với toàn bộ thế giới ở bên ngoài, thì chỉ là chiến tranh để thực hiện cho bằng được một mục tiêu tôn giáo là quy phục mọi người trước Allah, một cách thụ động theo lối Kinh Kôrăng giảng giải.

Đôi lúc, Hồi Giáo bị đánh bại hay bị chặn đứng, như tại Tours hay Vienna, nhưng nó luôn chỗi dậy như hiện nay nó đang muốn chỗi dậy. Vẽ những người duy thánh chiến và các lãnh tụ của Nhà Nước Hồi Giáo Trị chỉ như “những tên khủng bố” hay sát nhân là dùng các hạn từ chính trị của Tây Phương để làm mình hóa mù trước sức năng động tôn giáo của phong trào này. Không lạ gì các nhà lãnh đạo Tây Phương không thể và sẽ không hiểu được nó. Mục tiêu này, khi thành công, sẽ là một điều khiếp đảm. Nhưng ta sẽ không thấy một nhóm du côn, như nhiều người chủ trương. Gốc gác Hồi Giáo có tính thần học, một thần học tuy tồi tệ nhưng vẫn mạch lạc bên trong qũy đạo và giả định của nó.

Nói một cách vắn tắt, Hồi Giáo, ngay trong nền tảng của nó, theo nghĩa đen, muốn trở thành tôn giáo duy nhất của thế giới. Không điều gì khác có một thế đứng tương tự. Nó phải đem toàn bộ thế giới tới chỗ thờ phượng Allah theo các điều khoản của Kinh Kôrăng. Nó là một tín ngưỡng, đặt căn bản trên một mặc khải nói là đã được ngỏ với Mohammad, nhưng chứng cớ thì rất ít. Việc biện minh đầy đủ cho cuộc bành trướng tôn giáo này ra khắp thế giới bằng cách sử dụng vũ khí vốn tìm thấy trong Kinh Kôrăng và những nhà giải thích Kinh này đối với việc sử dụng các phương thế bạo lực để thiết lập, bình định và cai trị các bộ lạc, các nhà nước, các lãnh thổ và các đế quốc.

Trong học lý Hồi Giáo, mọi người sinh ra trên thế giới đều là người Hồi Giáo. Không ai có bất cứ thứ quyền hay lý lẽ nào để không phải là người Hồi Giáo. Do đó, mọi người không phải là người Hồi Giáo phải trở lại Hồi Giáo hay bị trừ khử. Điều này cũng áp dụng vào bất cứ biểu tượng văn chương, đền đài hay biểu tượng văn minh hay nhà nước nào khác không phải là của Hồi Giáo. Tất cả phải bị hủy diệt vì Kinh Kôrăng không cho phép.

Hồi Giáo có trách nhiệm tôn giáo phải thi hành sứ mệnh đã chỉ định cho mình là bắt thế giới quy phục Allah. Khi cố gắng giải thích tôn giáo này bằng ngôn từ kinh tế, chính trị, tâm lý hay ngôn từ khác, ta đơn thuần không nhìn ra điều đang diễn ra. Từ bên ngoài, gần như ta không thể nhìn thấy việc làm thế nào hệ thống này lại mạch lạc ngay bên trong nó được. Nhưng căn cứ vào các tiền đề và triết lý duy ý chí (voluntarism) được dùng để giải thích và bênh vực nó, ta thấy rõ hơn việc ta đang đương đầu với một tôn giáo tự cho mình đúng khi nằng nặc cho rằng mình thực thi ý muốn của Allah, chứ không phải ý muốn của riêng họ.

Muốn đương đầu với nó, ta phải đương đầu trong các điều kiện ấy, trong cái hiểu ấy. Dĩ nhiên, điều phiền phức là sự thật vốn không được thừa nhận trong khung cảnh duy ý chí này. Nếu Allah vượt trên sự phân biệt thiện ác, nếu hôm nay Người có thể định được kẻ thù ngày mai của họ, như Hồi Giáo vẫn thường hiểu về sự toàn năng của Allah, thì không thể có cuộc thảo luận đích thực nào mà đơn thuần không phải chỉ là một hòa hoãn thực dụng tạm thời, một cân bằng về quyền lợi và quyền lực.

Bất cứ khi nào người ta tận mắt thấy các biến cố bạo lực nơi thế giới Hồi Giáo, hay tại các nơi khác trên thế giới do các tác nhân Hồi Giáo gây ra, họ đều nghe thấy những lời than phiền cho rằng hầu như không một tiếng nói Hồi Giáo nào chịu gióng lên để kết án những bạo lực ấy. Khi vụ 11 tháng Chín diễn ra, không lời kết án nào vọng lên từ Hồi Giáo, mà chỉ là mừng vui khắp chốn. Hồi Giáo được coi như chiến thắng. Nhưng mọi học giả Hồi Giáo biết rằng họ không thể dựa vào Kinh Kôrăng mà kết án việc dùng bạo lực để bành trướng tôn giáo của họ. Có quá nhiều bằng chứng cho phép việc sử dụng này. Bác bỏ điều này là bác bỏ tính toàn vẹn của Kinh Kôrăng.

Rõ mười mươi, kẻ thù của Nhà Nước Hồi Giáo Trị và các đồng minh duy thánh chiến của nó không phải chỉ là “các thập tự quân” hay Tây Phương. Một số các cuộc chiến tranh đẫm máu nhất của Hồi Giáo là cuộc xâm lăng Ấn Độ theo Ấn Giáo, nơi ngày nay các căng thẳng vẫn rất rõ nét. Cũng đã có các cố gắng của Hồi Giáo nhằm tiến vào Trung Hoa. Phi Luật Tân cũng như Nga đều có những nan đề lớn vì Hồi Giáo. Và Hồi Giáo gây chiến với chính mình. Các tranh chấp Sunni và Shiite đã thành huyền thoại. Điều quan trọng cần ghi nhớ là một trong những điều đầu tiên trong nghị trình của Nhà Nước Hồi Giáo Trị, nếu sống sót thành công, là kết hợp toàn bộ Hồi Giáo trong sự hợp nhất tuyên tín của nó.

Chuyện chưa kết thúc tại Tours và Vienna

Mọi nhà nước Hồi Giáo hiện nay đều là một thứ thỏa hiệp giữa sứ mệnh Hồi Giáo đích thực và các lực lượng của họ, thường là các lực lượng quân sự nhằm giới hạn phong trào hợp nhất khắp thế giới nói trên. Gần như mọi chính phủ Hồi Giáo hiện nay đều nhận ra sự nguy hiểm đối với họ của một Chế Độ Chủ Giáo Trị (Caliphate) thành công. Tất cả các chính phủ này đều có sự hiện diện của một hình thức duy thánh chiến nào đó trong lãnh thổ của mình, lăm le tìm cách kiểm soát lãnh thổ này nhân danh chính sự sống còn của nó. Bên trong các nhà nước này hiện có hay trước đây đã có các Kitô hữu và nhiều nhóm thiểu số khác, những người này ít nhiều được khoan dung. Nhưng vì không phải là người Hồi Giáo, tất cả những người này đều bị đối xử như các công dân hạng hai. Phong trào Duy Hồi Giáo đang phục hồi ý niệm Hồi Giáo tinh ròng muốn trừ khử hay tống khứ mọi hiện diện không phải là Hồi Giáo khỏi các lãnh thổ Hồi Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Mosul, khi thấy giáo dân của mình bị phát vãng hay sát hại, bị buộc phải chọn lựa giữa cải đạo hay chết chóc, đã nhấn mạnh rằng các cơ sở của ngài bị hủy hoại, các văn khố và các ghi chép lâu đời về sự hiện diện của Kitô Giáo tại khu vực này cũng đều bị tiêu hủy. Ngài cảnh cáo rằng hình thức đối xử này là điều các quốc gia Tây Phương rất có thể gặp phải chẳng chóng thì chầy. Hiện nay đã có những khu nội cư (enclaves) có tầm cỡ của người Hồi Giáo tại khắp các vùng Mỹ Châu và Âu Châu, rất có thể trở thành các trung tâm nổi dậy trong tương lai tại từng thành phố này. Hiện đang có hàng ngàn đền thờ Hồi Giáo tại Âu Châu và Mỹ Châu, được tài trợ phần lớn bằng tiền dầu hỏa; chúng là thành phần của những khu nội cư khép kín nhằm loại bỏ luật lệ địa phương và áp đặt luật lệ Hồi Giáo.

Tuy nhiên, ta vẫn có thể hỏi: liệu Nhà Nước Hồi Giáo Trị có phải chỉ là một kế hoạch trong mơ? Không một nhà nước Hồi Giáo nào có khả năng nghiêm túc đánh bại được các đạo quân hiện đại. Nhưng oái oăm một điều, họ không còn nghĩ các đạo quân hiện đại này là điều cần thiết nữa. Trái lại, họ xác tín rằng việc sử dụng rộng rãi chủ nghĩa khủng bố và các phương thế gây rối loạn dân sự khác sẽ thành công hơn. Không ai thực sự có ý chí hay phương tiện kiểm soát được sức mạnh tàn phá mà Nhà Nước Hồi Giáo Trị đang đặt để.

Các chiến lược gia của Nhà Nước Hồi Giáo Trị nghĩ rằng họ có thể tiến một bước nữa trong cuộc bành trướng Hồi Giáo, phục hồi cuộc tấn công Âu Châu còn dở dang ở Tours và Vienna trước đây. Các đạo quân Hồi Giáo vốn có tiếng về tàn ác và xảo quyệt. Người ta thường co cụm vì sợ trước sự đe doạ của chúng, vì chúng thực sự có ý định làm như thế. Một lý thuyết gia Hồi Giáo có lần đã nhận định rằng mục tiêu của họ là biến phố xá các thành thị Tây Phương thành những bãi chiến trường giống như các thành thị Trung Đông vậy. Một lần nữa, điều này rất có thể xẩy ra vì họ có sẵn trong tay những tín hữu sẵn sàng ôm bom tự sát, những người họ tôn vinh là “tử đạo”.

Cuối cùng, Nhà Nước Hồi Giáo Trị và các người duy thánh chiến không phải chỉ là một đe dọa phát sinh từ sứ mệnh chinh phục thế giới cho Allah của Hồi Giáo . Nó còn phát sinh do chính nghĩa tinh thần nữa. Vì họ cho rằng Tây Phương đã ra sa đoạ và trở thành vô thần. Nó không còn xứng đáng với sự thịnh vượng và vị trí hiện giờ nữa. Sứ mệnh của nhân loại là suy phục Allah trong mọi sự. Một khi sự suy phục này đã thành nề nếp, thì lãnh vực chiến tranh sẽ chấm dứt. Chuyện chặt đầu hay đặt bom xe không còn cần thiết hay được châm chước nữa. Không một bất đồng nào trong Hồi Giáo có thể có hay được phép nữa. Mọi người sẽ sống trong hòa bình dưới luật lệ Hồi Giáo. Đấy là mục đích tôn giáo của Nhà Nước Hồi Giáo Trị. Chỉ người điên dại mới nghĩ khác thôi.

Nhưng với sự chống đối mạnh mẽ từ Tây Phương cũng như từ các quốc gia Hồi Giáo đối với cách nhìn trên, liệu có khả năng nào nó sẽ thành công chăng? Pat Buchanan cho rằng một nhóm Người Nhái (Seals) một ngày nào đó sẽ trừ khử được Giáo Chủ Trị mới hiện nay. Các viên chức chính phủ Hồi Giáo hiện nay biết rõ: ngày của họ sẽ tàn nếu Nhà Nước Hồi Giáo Trị thành công. Nhưng cùng một lúc, xem ra viễn kiến này là một thúc đẩy thực sự đối với người Hồi Giáo.

Thực là dễ dàng khi coi phong trào trên là cuồng tín và tàn nhẫn. Đối với thế giới bên ngoài, nghe nó cũng đã thấy rùng rợn rồi, nhưng đối với những người tin nó đúng và nhẹ nhõm thấy nó phục hồi được Hồi Giáo, thì đâu phải như thế. Việc xếp Hồi Giáo vào hàng hai hay hàng ba trên thế giới không còn nữa. Nhưng bao lâu còn phán đoán sai về động lực phục hưng Hồi Giáo, thì ta sẽ không bao giờ hiểu được tại sao nó vẫn hiện hữu như hiện nay.

Viết theo Linh Mục James V. Schall, S.J., nguyên giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Georgetown, It’s Time To Take Islamic State Seriously, Mercatornet.com, 17 tháng Chín, 2014.

Không có nhận xét nào: