Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Năm Tuần 22 TN2
Bài đọc: I Cor 3:18-23; Lk
5:1-11.
1/ Bài đọc I: 18 Đừng
ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói
đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật.
19 Vì sự khôn ngoan đời này
là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn
ngoan bằng chính mưu gian của chúng.
20 Lại có lời rằng: Tư tưởng
kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.
21 Vậy đừng ai dựa vào phàm
nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em;
22 dù là Phao-lô, hay
A-pô-lô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương
lai, tất cả đều thuộc về anh em,
23 mà anh em thuộc về Đức
Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: 1 Một hôm,
Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người
để nghe lời Thiên Chúa.
2 Người thấy hai chiếc thuyền
đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.
3 Đức Giê-su xuống một chiếc
thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một
chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
4 Giảng xong, Người bảo ông
Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá."
5 Ông Si-môn đáp:
"Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng
vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới."
6 Họ đã làm như vậy, và bắt
được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.
7 Họ làm hiệu cho các bạn
chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được
hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
8 Thấy vậy, ông Si-môn
Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con,
vì con là kẻ tội lỗi! "
9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt
được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.
10 Cả hai người con ông
Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy.
Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục
người ta."
11 Thế là họ đưa thuyền vào
bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khôn ngoan của
Thiên Chúa và khôn ngoan của con người.
Khôn ngoan là một đặc tính cần
thiết cho sự sống còn trong cuộc đời. Người khôn ngoan biết suy nghĩ, đắn đo, lựa
chọn sao cho đạt được kết quả như lòng mong ước. Nhưng khôn ngoan cũng có nhiều
loại, chứ không phải khôn ngoan nào cũng tốt cũng hay; người Việt-nam phân biệt
khôn ngoan với ma lanh.
Các bài đọc hôm nay phân biệt
khôn ngoan của Thiên Chúa với khôn ngoan của con người. Trong bài đọc I, thánh
Phaolô phân biệt rõ ràng sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác xa sự khôn ngoan của
con người. Ngài cũng liệt kê một số các đặc tính để giúp các tín hữu thấu hiểu
và tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa hơn là bằng lòng với sự khôn ngoan của
con người. Trong Phúc Âm, khi thánh Phêrô bị thử thách để sống theo lối suy
nghĩ khôn ngoan nghề nghiệp của mình hay làm theo lời truyền khôn ngoan của
Chúa Giêsu, thánh nhân đã chọn làm theo lời truyền khôn ngoan của Thiên Chúa. Hậu
quả là Phêrô thu lượm được một mẻ cá lạ lùng vượt quá lòng mong đợi của ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Khôn ngoan của
Thiên Chúa và khôn ngoan của con người.
Khôn ngoan của Thiên Chúa là thứ
khôn ngoan cao nhất. Lý do đơn giản là vì nó đến từ Thiên Chúa. Khôn ngoan của
Thiên Chúa khác với con người ở chỗ nó nhắp tới mục đích tối hậu của cuộc đời
và tất cả các suy nghĩ và lựa chọn phải đặt căn bản trên mục đích này; trong
khi khôn ngoan của thế gian chỉ nhắm tới các mục đích trần thế. Vì mục đích nhắm
tới khác nhau nên nhiều khi khôn ngoan Thiên Chúa hoàn toàn trái ngược với khôn
ngoan của con người. Ví dụ: khôn ngoan Thiên Chúa đòi hy sinh mạng sống để theo
Chúa trong khi khôn ngoan con người tìm mọi cách để bảo vệ mạng sống mình. Lý
do của sự khác biệt này là đích điểm nhắm tới.
Thánh Phaolô cho sự khôn ngoan đời
này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa. Điều này cũng được Chúa Giêsu khẳng định:
“Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, hỏi được lợi ích gì?” Thánh Phaolô
chỉ cách cho các tín hữu của ngài để có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Nếu
trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như
điên rồ, để được khôn ngoan thật.”
Khôn ngoan của con người Chúa đều
biết cả vì Chúa đã dựng nên con người. Hơn nữa Chúa còn biết con người hơn cả
chính con người. Vì thế, khôn ngoan của con người chỉ đánh lừa được con người,
nhưng không bao giờ đánh lừa được Thiên Chúa, như thánh Phaolô và sách Job khẳng
định: “Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng.”
Đức Kitô chính là sự khôn ngoan
của Thiên Chúa. Vì vậy, biết được Chúa Kitô là biết được sự khôn ngoan của
Thiên Chúa. Sự khôn ngoan Thiên Chúa bao trùm cả thế gian này: sự sống hay sự
chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về những người tin vào Chúa
Kitô.
2/ Phúc Âm: Khôn ngoan của Phêrô
và khôn ngoan của Chúa Giêsu.
Mặc khải và giảng dạy chiếm một
vai trò quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu khi Ngài xuống trần gian, vì qua
đó Ngài mặc khải và dạy dỗ cho dân biết những mầu nhiệm và sự khôn ngoan của
Thiên Chúa. Phúc Âm tường thuật: Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ
Gennesareth, dân chúng chen lấn nhau đến gần Ngài để nghe lời Thiên Chúa. Người
thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi
thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông
Simon, và Ngài xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Ngài ngồi xuống, và từ
trên thuyền Ngài giảng dạy đám đông.
Kinh nghiệm khôn ngoan đánh cá của
Phêrô bị Chúa Giêsu thử thách khi Ngài bảo ông Simon: "Chèo ra chỗ nước
sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Simon đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất
vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới."
Câu trả lời cho thấy ông Phêrô ít nhất muốn Chúa hiểu: “Con là dân chài lưới và
hành nghề thường xuyên trên biển này, cả đêm đã chài lưới mà chẳng bắt được con
nào. Giờ đây, lưới đã giặt sạch mà Thầy thì chẳng có kinh nghiệm gì về đánh cá,
mà lại bảo con quăng lưới lần nữa. Vì vâng lời Thầy con sẽ làm, nhưng chắc chắn
sẽ chẳng được con nào!” Nhưng Phêrô đã lầm to, không những có cá mà còn bắt được
rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên
chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền
đầy cá, đến gần chìm.
Phản ứng của Phêrô sau khi đã học
được bài học quan trọng nhất: Đừng bao giờ tự hào thử thách Chúa vì không có điều
gì là không thể với Thiên Chúa. Ông biết Chúa Giêsu đã nhìn thấu tâm hồn khi
ông khi ông trả lời Ngài. Vì thế, với tấm lòng khiêm nhường, ông Simon Phêrô sấp
mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ
tội lỗi!" Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người
có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Zebedee, là Giacôbê và
Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo
ông Simon: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta."
Đánh cá đã khó, đánh cá người
còn khó hơn gấp bội, nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa thì không có chi là
khó với Ngài. Vì thế, các ông đã từ bỏ mọi sự theo Chúa để học nghề mới: nghề
chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bao giờ tự hào về
sự khôn ngoan của con người trước Thiên Chúa. Khi có sự xung đột giữa hai lọai
khôn ngoan, chúng ta phải làm theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
- Khi phải làm những quyết định
quan trọng, đích điểm của cuộc đời phải luôn là lý do nền tảng cho mọi quyết định
của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét