CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Hát nhạc du ca Công Giáo, tại sao không?





VRNs (07.9.2014) – Sài Gòn - 
“Người hát những bài tình ca
Cho cuộc vui người đi
(cho tổ quốc người đi)
Đừng hát những bài tình cũ
Chuyện cũ mà làm chi.
Người mới, khách đường mới, hát khúc tân ca
Người mới khách đường mới, hát khúc tâm hoà ”
Cha Tiến Lộc và Quang Uy trong đêm chia sẻ và cầu nguyện: Hát khúc tân ca
———-
Nếu các bạn yêu dòng nhạc thánh ca sinh hoạt và nhất là đã từng quen thuộc với dòng nhạc của Tiến Lộc và Quang Uy, thì Đêm chia sẻ cầu nguyện “Hát Khúc Tân Ca” với hơn 20 bài du ca Công Giáo được hát tối qua, tại Hội Trường Thánh An Phong (Dòng Chúa Cứu Thế), ắt hẳn sẽ để lại một kỷ niệm khó quên cho bạn.
Cách đó khoảng hai giờ đồng hồ, trời Sài Gòn đổ mưa lớn đến ngập lụt một số nơi và buổi sinh hoạt đã bắt đầu muộn hơn một tiếng nên lượng khách đến tham dự rơi vào khoảng 200 khách, giảm đi nhiều so với dự kiến. Tuy nhiên, không khí của buổi này rất ấm cúng và sôi động nhờ vào khả năng dẫn chương trình của hai cây sinh  hoạt gạo cội Dòng Chúa Cứu Thế, cũng chính là tác giả của những bài hát được giới thiệu tối qua, linh mục Tiến Lộc và Quang Uy.
Rơi đúng vào dịp Lễ Chúa Nhật Chúa Thánh Thần, đêm cầu nguyện bằng âm nhạc này có mục đích giúp người tham dự trao cho nhau những món quà, món quà đó chính là Chúa Thánh Thần. Linh mục Quang Uy chia sẻ trong phần mở đầu chương trình: Mọi người tụ tập tại đây không phải để xem trình diễn, đây cũng không phải là một chương trình bán vé hay vì một lý do nào khác. Nhưng mọi người gặp gỡ nhau là để tặng cho nhau những món quà, những món quà không phải của chúng ta nhưng là của Chúa Thánh Thần.
Lấy cảm hứng từ thể loại nhạc du ca, vừa đi vừa hát, kéo mọi người cùng hát theo mình, mang mọi người đến gần nhau hơn nhờ âm nhạc, và nối dài những bản nhạc ấy giữa cộng đồng, dòng nhạc của hai linh mục này lại có mục đích cụ thể hơn nữa là hát để tôn vinh thiên Chúa, hát để kết nối tình thân, hát để thắp sáng lòng tin.
“Có anh chàng,
anh đi về làng
anh gặp đàn em bé
ra đây anh kể cho câu chuyện tình thương
Có một lần,
Khi xưa, xưa thật là xưa
Do lời Thiên Chúa hứa
Giê-su con một Cha
Xuống trần làm người
Suốt cuộc đời, 30 năm làm người
Vâng lời treo gương sáng
Hai, ba năm về sau,
Ra đời dạy Lời.
Giữa muôn lời,
Lời này thật là Lời
Nhưng lại là Lời hay nhất
Yêu thương anh chị em
Như là mình vậy…”
Trích “Câu chuyện tình thương” của LM. Tiến Lộc
Những bài hát như thế này được tác giả gọi là nhạc dành cho bậc tiểu học hay trung học, dễ nghe, dễ thuộc, lời bài hát mộc mạc chân thành. Nhưng dường như chính nơi cái mộc mạc và chân thành này mà người ta quên đi những ranh giới và rào cản mà xã hội đặt ra để mở lòng đón nhận nhau. Đó là lúc họ cùng nhau cất tiếng hát để nối dài những bản du ca mộc mạc kia.
Hãy hồi tưởng lại xem, khi đi rao giảng, Chúa Giê-su mang dáng dấp của một anh chàng du ca. Anh chàng thợ mộc làng Na-za-rét này đi lang thang qua khắp các vùng miền để rao giảng những Lời tuyệt mỹ của Thiên Chúa ban tặng cho con người, những Lời đẹp đẽ vượt hơn tất cả các bản nhạc mà con người có thể hát. Và cái phong cách “du ca” ấy chẳng phải đã lôi cuốn được cả đoàn đoàn, lớp lớp người sao? Đến nỗi họ tôn vinh Ngài là Vua và để rồi, hiểu theo một cách rất con người, Ngài bị giết vì danh xưng này.
Và đó là cách mà chúng ta có thể cảm nhận được từ đêm cầu nguyện bằng thể loại nhạc du ca Công Giáo: chúng ta thấy lại hình ảnh của chàng du mục Giê-su, tình yêu của Ngài, và những bài học yêu thương mà Ngài để lại cho chúng ta.
“Đường về nhà Cha không đo bằng dặm xa
Hành trình theo Chúa ai có tính bằng cây số?
Là những nẻo đường đi giữa tâm tư con người
Quen biết Giê-su thì gặp gỡ anh em tôi.”

Những bài hát của LM. Tiến Lộc và Quang Uy không chỉ dành cho người lớn, ví như bài viết cho các em nhỏ để dạy các em yêu thương nhau:
“Có năm người ở ô không may
Tức là người em chưa thương mến
Em sẽ dìu qua ô bên đây
Để từ nay mến thương tràn đầy…”
Được biết, đây là bài hát đã đánh động linh mục Phạm Trung Thành, Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế ở cái tuổi biết mộng mơ, giúp Ngài suy nghĩ nhiều hơn về tình yêu của con người và tình yêu của Thiên Chúa. Ngài chia sẻ: Đây là cách mà Chúa dẫn tôi vào đời tu.
Được mời đến cùng hát và chia sẻ trong đêm cầu nguyện bằng âm nhạc này còn có ca đoàn Trùng Dương, ca đoàn của nhà thờ Công Lý và Nhóm ca kịch Công Giáo Sài Gòn.
Cũng nên nói thêm, đây là lần đầu tiên Nhóm ca kịch Công Giáo Sài Gòn xuất hiện trước khán giả để truyền tải Kinh Thánh qua âm nhạc. Đây là nhóm thực hiện một dự án phi lợi nhuận nhằm mục đích mang Kinh Thánh đến với khán giả qua nhạc kịch.
Trong sự kiện tối qua, họ đã hát hai bài: Tôi sẽ theo Ngài Luôn và Halleluiah, trích từ vở nhạc kịchCon Chiên Không Mỏi, sẽ được ra mắt khán giả vào Mùa Giáng Sinh năm nay. Bạn có thể theo dõi thông tin và lịch diễn của nhóm tại đây.
Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có cơ hội để tham gia nhiều những buổi cầu nguyện bằng âm nhạc như sự kiện tối qua. Hẳn chứ, vì trên tập sách nhạc phát cho khán giả, có ghi: Tập 1, nghĩa là sẽ có tập 2 và hơn thế . Mong gặp bạn ở những buổi cầu nguyện sau.
À, bạn hỏi về bài hát chủ đề của buổi cầu nguyện ư? Tôi đã ghi ngay từ đầu bài và tôi cũng sẽ ghi lại ở cuối bài. Đây cũng và cũng là bài hát nói lên được ý nghĩa cuối cùng của đêm cầu nguyện: Hát khúc tân ca, khúc ca mới, khúc ca của yêu thương trong Chúa Giê-su Ki-tô.
Tân Ca
Ý: St. Augustin – Thư: Nguyễn Huy Lịch. Nhạc: Lm. Tiến Lộc
“Hỡi con của thanh bình
hỡi con người  hoàn vũ
vừa đi, đi vào đường
vừa cất bước vừa ca.
Hỡi con của an lành
hỡi con của thế giới
người hôm nay lên đường
hãy hát vang mà đi
Khách đường làm thế đấy
Cho bớt cơn nhọc nhằn
Trên đường trường rong ruổi
Người hát lên mà đi
Tôi van, tôi van nài người
Vì đường, vì đường người đi
Người hát, hát hát lên đi
Tôi van, tôi van nài người
Trên con, trên con đường này
Hát khúc, hát khúc tân ca.
Những người hiện tại
Xin đừng hát những gì đã qua
Người hát những bài tình ca
Cho cuộc vui người đi
(cho tổ quốc người đi)
Đừng hát những bài tình cũ
Chuỵện cũ mà làm chi.
Người mới, khách đường mới, hát khúc tân ca
Người mới khách đường mới, hát khúc tâm hoà”
Quyên Quyên. VRNs


Không có nhận xét nào: