Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thánh Gioan Tẩy Giả chết
Bài đọc: 1 Cor 1:17-25 ; Mk
6:17-29.
1/ Bài đọc I: 17 Quả vậy,
Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng,
và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở
nên vô hiệu.
18 Thật thế, lời rao giảng
về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với
chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.
19 Vì có lời chép rằng: Ta
sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người
thông thái.
20 Người khôn ngoan đâu?
Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để
cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?
21 Thật vậy, thế gian đã
không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ
sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ
để cứu những người tin.
22 Trong khi người Do-thái
đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan,
23 thì chúng tôi lại rao giảng
một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp
nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.
24 Nhưng đối với những ai
được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô,
sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
25 Vì cái điên rồ của Thiên
Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn
hơn cái mạnh mẽ của loài người.
2/ Phúc Âm: 17 Số là
vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là
vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê,
18 mà ông Gio-an lại bảo:
"Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!"
19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù
ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được.
20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê
biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở
ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
21 Một ngày thuận lợi đến:
nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ
và các thân hào miền Ga-li-lê.
22 Con gái bà Hê-rô-đi-a
vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua
nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con."
23 Vua lại còn thề:
"Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được."
24 Cô gái đi ra hỏi mẹ:
"Con nên xin gì đây? " Mẹ cô nói: "Đầu Gio-an Tẩy Giả."
25 Lập tức cô vội trở vào đến
bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông
Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm."
26 Nhà vua buồn lắm, nhưng
vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô.
27 Lập tức, vua sai thị vệ
đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục,
28 bưng đầu ông trên một
cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.
29 Nghe tin ấy, môn đệ đến
lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kỷ luật cần
thiết cho đời sống con người
Con người khác con vật ở chỗ biết
suy nghĩ và tự chủ, chứ không phải muốn làm gì thì làm như con vật. Các bài đọc
hôm nay dẫn chứng những loại người không sống theo kỷ luật. Họ trở nên gánh nặng
và gây ra nhiều thiệt hại cho người khác; nhưng họ phải gánh trách nhiệm trước
tòa phán xét của Thiên Chúa trong Ngày Chung Thẩm.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: So sánh khôn ngoan
của con người với khôn ngoan của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô có lý do để nhận xét: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm
thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao
giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể
chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa
kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự
khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan
của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.”
Đối với các triết gia Hy-lạp là những người yêu mến sự khôn ngoan, họ không thể
hiểu được sự khôn ngoan của Thập Giá. Họ không thể chấp nhận một Thiên Chúa
khôn ngoan lại mặc lấy thân xác con người; vì theo họ thân xác là ngục tù của
linh hồn, mà họ đang dùng khôn ngoan để tìm cách thóat ra (Plato). Hơn nữa, Thập
Giá biểu lộ sự dại khờ dưới mắt con người: Tại sao không dùng khôn ngoan để tìm
ra cách nào dễ dàng hơn để đạt được sự bất tử? Đối với họ, một Thiên Chúa khôn
ngoan sẽ không chọn con đường Thập Giá!
Đối với đa số Luật-sĩ và Biệt-phái Do-thái là những người yêu mến những điềm
thiêng dấu lạ, họ không thể hiểu được uy quyền sức mạnh của Thập Giá. Họ cho rằng
một Thiên Chúa chọn Thập Giá là một Thiên Chúa không uy quyền. Người Do-thái hy
vọng Đấng Messiah sẽ đến trong uy quyền và vinh quang, sẽ đánh dẹp tất cả các
quân thù, và sẽ cai trị dân chúng đến muôn đời. Chính ma quỉ đã bày kế cho Chúa
trong sa mạc trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài: Ông hãy biến đá thành
bánh, hãy làm những dấu lạ chưa từng xảy ra để biểu lộ quyền năng, và cho hưởng
phú quí vinh quang. Đó là những cái mà con người đang mong muốn, họ sẽ tin vào
ông qua những dấu chỉ này.
Nhưng đối với Phaolô và những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay
Hy-lạp, Đức Kitô chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì cái điên
rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của
Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. Con người muốn chọn những con đường
rộng rãi thênh thang, nhưng những con đường này chỉ dẫn đến sự hủy diệt. Con
người muốn chứng kiến những phép lạ chưa từng xảy ra, nhưng những phép lạ này
đã không dẫn đến niềm tin đích thực vào Chúa. Thiên Chúa dùng Thập Giá để biểu
tỏ tình yêu của Ngài dành cho con người, và con người cảm nhận được tình yêu
này mỗi khi họ ngước nhìn lên Thập Giá. Thiên Chúa đã dùng Thập Giá để tiêu diệt
kẻ thù cuối cùng và mạnh nhất của con người là sự chết bằng cách gánh tội lỗi để
chết thay cho nhân lọai. Như vậy, Thập Giá được dùng để chứng tỏ tình yêu và
công bằng của Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Gioan Tẩy Giả chết
làm chứng cho sự thật.
2.1/ Rau nào sâu nấy: Nhìn vào
gia đình của Herode, một người có thể nhìn thấy quyền lực vủa ma quỉ thống trị
gia đình này. Vua Herode Cả có tất cả 5 đời vợ (Cleopatra của Jerusalem, Doris,
Mariamne của Hasmonean, Mariamne của Boethusian, và Malthake). Chính ông đã giết
3 người con: Antipater bởi Bà Doris, Alexander và Aristobulus bởi Bà Mariamne của
Hasmonean. Lọan luân xảy ra khi Herodias, con của Aristobulus, kết hôn với
Philip, chú của Bà; rồi lại muốn kết hôn với Herode Antipas, em của Philip, như
trình thuật kể hôm nay. Chuyện lọan luân khác nữa là Salome, người con gái của
Bà Herodias trong trình thuật hôm nay, lại kết hôn với Philip, con của Bà
Cleopatra.
2.2/ Các thái độ sống khác nhau
trong cuộc đời:
(1) Vua Herode Antipas: thừa hưởng
một nếp sống hoang dâm và ác độc của vua cha, ông cũng không sống theo lập trường
rõ rệt. Ông đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục: lý do là vì
vua đã lấy bà Herodia, vợ của người anh là Philíp; và Gioan đã công khai chỉ
trích nhà vua. Thái độ không lập trường của ông được Marcô mô tả: “Thật vậy,
vua Herode biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn
che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”
“Sự tình xảy ra là khi nhà vua mở
một bữa tiệc thết đãi quan khách tại Galilee, con gái bà Herodia, Salome, vào
biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói
với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." Vua lại còn
thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được." Được
sự cố vấn của mẹ, cô xin “đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa.” Nhà vua buồn lắm,
nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với
cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi,
chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô
gái trao cho mẹ.”
(2) Bà Herodia và Salome: sống
và làm chứng cho sự gian trá. Bà Herodia căm thù ông Gioan vì đã dám ngăn cản
hôn nhân của Bà, và muốn giết ông nhưng chưa được. Khi cơ hội tới qua câu hỏi của
cô con gái: "Con nên xin gì đây?" Bà đã lạnh lùng trả lời: "Đầu
Gioan Tẩy Giả." Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng:
"Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên
mâm."
(3) Gioan Tẩy Giả: sống và làm
chứng cho sự thật. Ông không chú ý đến nhu cầu vật chất, danh vọng, chức quyền;
nhưng can đảm sống và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi người chúng ta đều được
Thiên Chúa cho vào đời với một sứ vụ; chứ không tình cờ xuất hiện hay chỉ để ăn
uống, hưởng thụ. Sứ vụ của chúng ta là làm sao giúp cho mọi người nhận ra tình
yêu và đạt được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
- Chúng ta đều có bổn phận như
Gioan là dọn tâm hồn và chỉ đường cho mọi người đến với Đức Kitô; chứ không hướng
mọi người vào chúng ta, hay vào bất kỳ một nhân vật nào khác.
- Để hoàn thành điều này, chúng
ta chắc chắn phải chịu nhiều đau khổ, như Đức Kitô và Gioan Tẩy Giả đã trải
qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét