VRNs (31.07.2014) -Sài Gòn- Để chuẩn bị cho lễ Thánh Anphongsô vào ngày 01.08, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, Tiến sĩ Hội Thánh, Bổn mạng của các cha giải tội, DCCT Sài gòn tổ chức Tam nhật thánh để tỏ lòng kính mến ngài.
Ngày thứ nhất trong Tam nhật với chủđề: Lòng Yêu Mến Chúa Giêsu Của Thánh Anphongsô; Ngày thứ hai với chủđề: Ơn Gọi Của Thánh Anphongsô; Ngày thứ ba với chủđề: Lòng Kính Mến Đức Mẹ của Thánh Anphongsô. Sau đây là nội dung bài giảng của cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích vào ngày thứ I trong Tam nhật kính thánh Anphongsô
Nói về cuộc đời của thánh Anphonso là nói về cuộc đời của một con người ngoại hạng, một người vĩ đại của thế kỷ Ánh sáng với những tác phẩm để đời mà ảnh hưởng còn kéo dài cho đến hôm nay như bộ Thần Học Luân Lý, Vinh Quang Mẹ Maria, Nữ Tu Thánh Thiện, Chân Lý Đời Đời…một cuộc đời hoạt động không mỏi mệt vì các linh hồn, một trái tim đầy lòng thương xót đối với những con người bị bỏ rơi bên lề cuộc sống tâm linh, một đời sống bôn ba xuôi ngược để xây dựng một hội dòng lo đến phần rỗi linh hồn của những người nghèo khổ để rồi cuối cùng lại là người chết bên ngoài hội dòng, một người dám thề hứa với Chúa không bỏ phí một phút nào trong đời mình, một vị thánh của cầu nguyện với câu nói thời danh “ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu rỗi, ai không cầu nguyện sẽ phải hư mất”… Làm thế nào mà Anphongsô có thể làm được tất cả những điều cao cả ấy ? Đó là vì lòng yêu mến Chuá Giêsu, vì khi yêu người ta có thể làm được tất cả.
NHỜ ĐÂU ANPHONGSÔ CÓ LÒNG YÊU MẾN CHÚA GIÊ SU
Trong tác phẩm được rất nhiều người biết đến “ Vinh quang Mẹ Maria” ngài đã viết trong lời tựa: Mẹ biết rồi đó, sau Chúa Giêsu thì mẹ là người con đặt tất cả niềm cậy trông sẽ được phần rỗi đời đời. Như vậy có nghĩa là lòng yêu mến Chúa Giêsu được đặt ở vị trí hàng đầu trong lòng mến của ngài. Yêu mến Chúa Giêsu là điều ngài luôn bận tâm trong suốt cuộc đời để rồi ngài đã có thể nói lên xác quyết cách mạnh mẽ : tất cả những sự trọn lành của chúng ta chỉ hệ tại ở việc yêu mến Chúa với trót cả tâm hồn (Thực hành Yêu Mến Chúa Giêsu). Có nhiều người đã tưởng rằng sự trọn lành hệ tại việc sống khổ hạnh, việc đọc nhiều kinh, việc siêng năng lãnh các bí tích, việc làm phúc bố thí… song họ đã lầm. Thánh Anphongsô đã quả quyết như thế. Có lẽ đây là kinh nghiệm của chính ngài. Thời trẻ ngài đã hi sinh, hãm mình phạt xác cách nhặt nhiệm, có cả việc đánh tội rất dữ dội nhưng rồi ngài đã khám phá ra điều cốt yếu lại chính là là lòng yêu mến Chúa Giêsu chứ không phải viêc làm nào khác.
Nhưng làm cách nào để có được lòng yêu mến Chúa Giêsu? Đó là một câu hỏi mà biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ, giáo dân đạo đức đã tìm kiếm. Đó là điều họ mong muốn, họ khát khao và họ đã tìm kiếm nhưng xem chừng như họ chưa tìm ra lời giải đáp. Thánh Anphongsô đã trả lời thế nào về ưu tư khẩn thiết này? Một quyển sách được ngài viết với tựa đề “Thực hành Yêu Mến Chúa Giêsu”, một quyển sách tuyệt vời cô đọng những kinh nghiệm sống lòng yêu mến Chúa Giêsu của ngài, một quyển sách cho ta cảm thấy bừng lên ngọn lửa sốt mến đã thiêu đốt lòng ngài, một quyển sách tóm kết những điều cốt yếu của lòng yêu mến Chúa Giêsu. Trong đó, Ngài nhắc cho chúng ta biết rằng không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước mà Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta và đã đặt vào trong tâm hồn ta khả năng yêu mến để đáp trả lòng yêu thương của Chúa như thánh nữ Agnes đã trả lời người cầu hôn “ có một người yêu tuyệt vời đã yêu tôi trước”.
Ngay nơi tựa đề của chương đầu quyển Thực hành Yêu Mến Chúa Giêsu ta lại thấy câu này “Nếu ai không yêu mến Chúa Giêsu thì là kẻ bị chúc dữ” (1Cr 16,22). Chẳng lẽ lòng yêu mến lại phát xuất từ một lời đe dọa, một lời nguyền rủa? Chắc chắn là không phải là như vậy! Tựa đề này chỉ muốn diễn tả điều này: Không thể nào mà không yêu mến Chúa Giêsu được! Tại sao vậy? Vì Chúa đã làm mọi cách để ta yêu mến ngài. Khi yêu, người ta tìm mọi cách để người mình yêu biết mình đang yêu thương họ. Và họ sẽ phải làm cho mình cảm được cách thấm thía tình yêu của họ. Ngày nào mà tâm hồn ta rung động trước tình thương sâu thẳm thì ta biết phải làm gì rồi. Chỉ còn một con đường là đáp trả lại tình thương ấy bằng một tình yêu say đắm, một tình yêu đến điên dại, đến hi sinh tất cả, không đắn đo, hối tiếc để được làm đẹp lòng người mình yêu.
Câu chuyện cổ tích Việt Nam “Trương Chi Mỵ Nương” đã minh họa cho điều này cách rất sâu sắc.
Trương Chi là một người đánh cá trên sông và chàng có tài thổi sáo. Tiếng sáo du dương, réo rắt đến nỗi công chúa Mỵ Nương say mê tiếng sáo tuyệt vời. Rồi khi Trương Chi đi sang nơi khác đánh cá thì Mỵ Nương nhớ tiếng sáo ấy đến ốm tương tư. Vua cha đã cho tìm chàng trai về cho công chúa gặp. Nhìn thấy Trương Chi, Mỵ Nương đã khỏi bệnh nhưng lại thất vọng vô cùng vì chàng có khuôn mặt quá xấu xí. Nhưng từ đó, Trương Chi lại bắt đầu tương tư công chúa Mỵ Nương. Và mối tình tuyệt vọng ấy đã khiến chàng trai sầu héo đến ngã bệnh rồi chết. Xác Trương Chi được chôn dưới một gốc cây. Vào một đêm mưa gió, sét đánh bật gốc cây, người ta thấy thân xác của Trương Chi đã tan thành đất bụi nhưng trái tim lại hóa thạch, đẹp như ngọc. Quả tim ngọc được đưa về cho thợ làm thành chén uống trà. Mỗi lần rót trà vào chén lại nghe vẳng vẳng tiếng sáo tương tư, u uất, réo rắt và còn thấy thấp thoáng trong nước trà hình một chiếc thuyền với người thổi sáo. Người ta dâng chén ngọc quí này cho vua. Vua rất quí chén ngọc này. Một hôm công chúa Mỵ Nương được vua cho dùng chén ngọc để uống trà. Khi nghe tiếng sáo công chúa đã nhận ra đó là tiếng sáo của chàng Trương Chi ngày nào, và tiếng sáo ấy nghe rất não lòng, da diết và thắm thiết đến nỗi công chúa cảm thấy bị đánh động cách mãnh liệt, xúc động đến rơi lệ. Khi giọt nước mắt công chúa rớt xuống trong chén ngọc thì chén vỡ ra và tan chảy như nước. Mối tình của Trương Chi nay đã chạm được lòng của công chúa và chàng đã thỏa lòng nguyện ước.
Câu chuyện muốn kể rằng tình yêu chưa được đáp lại dù chết cũng vẫn chưa được nguôi ngoai, vẫn cứ kết tinh lại, vẫn cứ mãi hóa đá cho một ngày nào đó tình yêu ấy chạm được trái tim người mình yêu. Khi trái tim ấy rung cảm được trước tình yêu thì tình yêu được thỏa nguyện.
Vì thế mà ca dao đã có câu thơ:
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan
Và nếu tình yêu ấy là tình yêu của một Thiên Chúa thì chắc chắn ngài có thể làm nhiều cách, sẽ làm tất cả mọi sự cho ta hiểu được Ngài yêu ta. Thiên Chuá tỏ bày tình yêu ấy như thế nào cho thánh Anphongsô?
ANPHONGSÔ ĐÃ NHẬN RA TÌNH YÊU CỦA CHÚA
Sau vụ kiên của nhà Orsini thất bại, Anphongsô không còn tha thiết gì với tòa án nữa. Ngài dành thời gian nhiều cho cầu nguyện, viếng Chúa, đọc sách thánh, thường xuyên lui tới nhà thờ, vào bệnh viện thăm viếng bệnh nhân nhất là những bệnh nhân nan y. Một lần kia, trên đường về nhà sau cuộc thăm viếng ngài đã nghe một tiếng nói: Hãy để thế gian lại đó và hiến mình cho Ta. Tiếng nói vang lên hai lần thật rõ ràng như một ánh sáng tỏa rạng trên mọi diễn biến đã qua của cuộc đời Anphongsô. Như Phaolô ngã ngựa trên đường Damas, Anphongsô chợt bừng tỉnh cơn mê để nhận ra rằng :
Lạy Chúa, con đã chống lại ơn Chúa- Anphongsô vừa nói vừa khóc- Này con đây, xin Chúa cứ làm nơi con điều gì Chúa muốn.
Kể từ giờ đó, Anphongsô đã là một con người khác. Tình yêu Thiên Chúa đã chạm được vào cuộc đời, vào trái tim của Anphongsô để từ nay Anphongsô sẽ sống cho một tình yêu, tình yêu ấy đã tìm mọi cách và đã làm cho Anphongsô hiểu được. Ngay lập tức Anphongsô đã chạy đến với Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi và thưa rằng:
Vĩnh biệt thế gian và của cải phù vân. Lạy Chúa, đời con nay thuộc về Chúa! Con xin dâng chức tước của cải làm của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa con và Mẹ Maria.
THÁNH ANPHONGSÔ ĐÁP LẠI TÌNH YÊU CHÚA
Kể từ ngày đó Anphongsô quyết định đi tu, xin làm linh mục vì ngài xác tín rằng Thiên Chúa đã muốn mình ra khỏi thế gian để phục vụ Giáo Hội, dù cha ngài không muốn thế. Ngài đã nói với Viện Phụ Giambattista Miro: Con có bổn phận đáp lại tiếng Chúa chứ không phải ý muốn của bố con.
Ngài vào chủng viện (1723), nhập hàng giáo sĩ, chịu chức linh mục 4 năm sau (1727). Anphongsô là một linh mục nhiệt thành, sốt sắng, lo lắng đến phần rỗi các linh hồn qua các cuộc Đại phúc, ngoài ra ngài còn có sáng kiến đặc biệt về “Nguyện Đường buổi tối” ( Capelle Serotine) để săn sóc mục vụ, dậy dỗ, giải tội cho những người nghèo hèn, mạt hạng, cùng đinh (lazzaroni). Ngài dậy cho họ cầu nguyện, bác ái cả tông đồ nữa, đến nỗi ĐHY Pignatelli phải thốt lên: Giáo dân mà làm được việc như vậy sao? Thế là Đức Tổng Giám Mục cho mở toang các nhà thờ trong Giáo Phận để cho giáo dân được tự do thờ phượng mọi lúc.
Lòng yêu mến Chúa đã làm cho Anphongsô tận tâm tận lực đến độ kiệt sức phải đi dưỡng bệnh ở Scala. Nhưng rồi cuộc nghỉ dưỡng ấy lại trở thành cuộc giảng dậy cho những người chăn chiên, chăn dê đang bị bỏ rơi về đàng thiêng liêng. Kỳ nghỉ hè thành kỳ đại phúc với nhiều kết quả.
Cũng tình yêu mến Chúa Giêsu đã thúc đẩy Anphongsô lập Dòng Chúa Cứu Thế chuyên lo việc loan báo Tin Mừng cho những người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả.
Anphongsô đã đáp lại tình yêu Chúa bằng một tình yêu trao hiến được biểu tỏ trong mọi hành vi của cuộc đời, là hiến thân hoàn toàn cho Chúa để phục vụ các linh hồn, dành thời gian cho việc rao giảng tin Mừng, viết sách vở giúp các linh mục và hàng giáo sĩ, tu sĩ và bề trên, giáo dân nhất là tầng lớp những con người bình dân, nghèo khổ, ít học thiếu thốn sự hướng dẫn thiêng liêng. Ngài đã cảm và đã hiểu được tác động và ý nghĩa của lòng yêu mến và đã đáp trả bằng cách hiến trọn cho tình yêu, nhất là lòng yêu mến Chúa Giêsu.
Vì thế Thánh Anphongsô trong quyển “Thực hành Yêu Mến Chúa Giêsu”, từ kinh nghiệm bản thân cũng như nhờ kinh nghiệm của các thánh, ngài chỉ cho thấy Thiên Chúa đã bằng nhiều cách cho ta hiểu Ngài yêu thương ta thế nào. Ngoài việc tỏ bày bằng công trình tạo dựng, Thiên Chúa còn cho ta thấy tình yêu của Ngài qua công cuộc cứu độ nơi Chúa Giêsu.
Thiên Chúa chưa lấy làm đủ khi ban cho chúng ta những loài thụ tạo muôn phần tốt đẹp. Để chiếm trọn tình yêu của chúng ta, ngài còn muốn tự trao ban chính Ngài cho chúng ta, không giữ lại bất cứ thứ gì. Cha hằng hữu đã ban cho chúng ta người con duy nhất của Ngài. Chính chúa Giêsu đã nói “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính con một Ngài” (Ga 3,16). “Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4) nên đã sai Con chí ái của Người đến trần gian đổ máu để cứu chuộc ta. Chúa Giêsu đã tỏ tình yêu mến con người bằng cách tự hiến thân cho ta “Người đã yêu thương tôi và đã phó nôp mình vì tôi” ( Gl 2,20). Vâng, Đức Giêsu đã yêu mến chúng ta, và vì chính tình yêu ấy mà Ngài đã phó nộp mình chịu đau khổ, nhục nhã và chịu chết bằng một cái chết thê lương mà không kẻ nào trong con cái loài người phải chịu.
Lòng mến được đánh động không phải vì những đau khổ Chúa Giêsu đã chịu mà vì chính lòng mến mà Chúa Cứu Thế đã thi thố ra khi chịu đau khổ vì ta. Nhắc lại lời thánh Phanxicô Salêsiô thánh Anphongsô viết :“ Biết rằng Đức Kitô đã yêu mến chúng ta đến độ chết vì ta, và là cái chết thập giá, há điều đó lại chẳng thúc bách ta yêu mến Người sao? Tình yêu Đức Kitô vừa thúc bách ta một cách hết sức mạnh mẽ, lại vừa vô cùng ngọt ngào”
Chính trong cuộc khổ nạn diễm phúc mà ta hiểu và cảm được lòng mến sâu thẳm của tình yêu Chúa Giêsu muốn dành cho ta. Để rồi những ai cảm nhận được tình yêu ấy sẽ phải thốt lên như thánh Phanxicô Salêsiô : Xin hãy đốt lên trong tâm hồn con ngọn lửa tình yêu của Ngài. Hoặc là yêu, hoặc là chết! Chết đối với mọi thứ tình yêu khác, để chỉ sống cho một mình Chúa Giêsu mà thôi.
Thánh Gioan Avila lại viết : Trong thế giới loài người, cách thế lớn lao nhất để biểu lộ tình yêu là chết cho người mình yêu mến, song cách thế tuyệt đỉnh ấy vẫn không đủ để cho Chúa Giêsu Kitô diễn tả cho hết tình yêu ngài dành cho ta.
Chúa Giêsu đáng chúng ta yêu mến vì tình yêu Ngài dành cho chúng ta khi lập bí tích Thánh Thể. (x.Chương II “Yêu Mến Chúa Giêsu”)
Khi trao hiến chính mình trong cuộc nhập thể, cuộc thương khó và cái chết đau thương Người chưa lấy thế làm đủ. Người thấy như còn quá ít. Vì vậy Người muốn tìm một phương thế để có thể trao ban chính Người cho mỗi người chúng ta, đặt chính Người vào tay mỗi người chúng ta. Người lập bí tích Thánh Thể để hoàn toàn kết hiệp với từng người tín hữu và mỗi người được kết hiệp với Ngài.
Ngài còn tác động trên các tâm hồn thánh thiện để họ cảm thấy hạnh phúc tột độ khi được chiêm ngưỡng tình yêu tuyệt vời ấy. Với biết bao những việc cao cả ấy cũng như bao điều lớn lao khác chúng ta sẽ phải tự hỏi. Làm sao để đáp trả được tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa Giêsu đây?
CÁCH TỎ LÒNG LÒNG MẾN CHÚA GIÊSU
Sách “yêu mến Chúa Giêsu” đã tổng hợp những hướng dẫn giúp ta tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu.
“ Tình yêu đối với Chúa Giêsu, đó là cùng đích của tất cả nỗ lực của chúng ta.”
Vậy theo các bậc thầy về đời sống thiêng liêng thì tình mến đích thật có những tính chất sau:
Yêu thì sợ làm mất lòng Chúa.
Yêu thì phó thác cho Chúa nhắm làm vinh danh Chúa.
Yêu thì mạnh mẽ chống lại mọi cám dỗ và ưu phiền.
Yêu thì vâng phục không tránh né tiếng nói của Thiên Chúa.
Yêu thì thuần khiết chỉ dành cho mình Chúa trên hết mọi sự.
Yêu thì nồng cháy như được thiêu đốt cả trí lòng.
Yêu thì hăng hái, say sưa như điên dại quên hết mọi sự thế gian.
Yêu thì duy nhất muốn nên một trí lòng với Chúa.
Yêu thì thiết tha muốn vươn lên kết hợp hoàn toàn trong thực tại huyền nhiệm để được yêu hết sức mình.
Còn việc thực thi tình mến, tỏ bày lòng mến thánh Anphongsô giải thích và triển khai thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corintô chương 13 cách cụ thể và thực tiễn:
Lòng mến thì nhẫn nại: Người yêu mến Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đón nhận các đau khổ.
Điều này ta cũng thấy được trong những biến cố ngài đã trải qua. Khi từ giã người cha yêu dấu đi lập Dòng Chúa Cứu Thế ngài đã phải chịu những đau khổ đến nỗi đã phải thốt lên: “Tôi chỉ muốn bỏ cuộc để khỏi làm đau lòng cha mình.” Khi bắt đầu lập Dòng ngài đã cảm thấy quá cô đơn lúc mà những người cộng sự dần dần rút lui đến nỗi ngài phải khấn sẽ không bỏ dòng dù chỉ còn lại một mình. Khi dòng bị Tòa Thánh quyết định chia cắt vì luật dòng bị sửa chữa ở Napoli khiến ngài phải vô cùng đau đớn. Ngài đã nhẫn nại chịu đựng những gian khó vì lòng yêu mến Chúa Giêsu.
Lòng mến thì hiền hậu: Một linh hồn yêu mến Chúa Giêsu thì dịu dàng hiền hậu, yêu mến tất cả mọi người, giúp đỡ những người nghèo khổ, nâng đỡ những ai hèn yếu, hiền hậu với cả kẻ thù, thương xót các tôi nhân. Từ một con người nóng nảy ngài đã trở nên hiền hòa, đầy nhân ái. Chính lòng yêu mến hiền hậu mà ngài đã chủ trương thuyết đồng hữu lý (equiprobabilisme) trong thần học luân lý. Thuyết này chủ trương khi có những lý lẽ cân bằng giữa tội trọng và không phải là tội trọng thì không được coi là trọng nếu không có lý mạnh mẽ hơn. Điều này đã giúp cho biết bao linh hồn không còn áy náy, mặc cảm, lo lắng sợ sệt vì đã mắc tội trọng dù lương tâm vẫn còn phân vân chưa chắc chắn. Nguyên tắc luân lý này cũng đã giải tỏa cho thánh Gioan Vianey để ngài giải tội cho rất nhiều linh hồn mà trước đây ngài đã phải từ chối.
Lòng mến không vênh vang, tự đắc: người yêu mến Chúa Giêsu không ao ước sự gì khác ngoài Chúa Giêsu. Người yêu mến không còn ham danh lợi, địa vị để khỏi mất sự khiêm nhường và đặt mình vào tình trạng rơi xuống vực thẳm. Ngài cũng cấm các tu sĩ DCCT không được nhận những chức tước, bổng lộc cả trong Hội Thánh nữa.
Lòng mến tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả: người yêu mến Chúa Giêsu tin tưởng mọi lời Người đã nói, luôn hết lòng trông cậy vào Chúa, người yêu mến Chúa Giêsu chịu đựng mọi sự vì Chúa Kitô, nhất là bệnh tật, nghèo khó và bị khinh thường. Đó là những nghịch cảnh mà với con mắt thế gian coi như bất hạnh thì thánh Anphongsô coi như là cơ hội chuẩn bị gặp Chúa, ăn năn đền bù tội lỗi, lấy Chúa làm hạnh phúc cho đời mình. Phải coi mọi gian truân đến từ bàn tay nhân lành của Chúa hầu sinh ích cho những ai yêu mến nên ta lãnh nhận trong an vui.
Tóm lại, người yêu mến Chúa Giêsu Kitô cách say mến thiết tha thì không ngừng yêu mến Người ngay giữa các cơn cám dỗ và thử thách.
Thánh Anphongsô đã diễn tả lòng yêu mến Chúa Giêsu của mình bằng việc làm phi thường nhưng ngài vẫn ý thức như thánh Phaolô rằng: Lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng tôi (x.2Cr 5,14). Ngài đã đón nhận lòng mến của Chúa Giêsu và đã làm cho lòng yêu mến ấy sinh hoa, kết trái cách phong phú trong đời mình và cho nhiều thế hệ mai sau mãi đến hôm nay.
Phần chúng ta chúng ta có thể làm gì để yêu mến Chúa Giêsu ?
Bí quyết mà thánh Anphongsô đã trình bày trong sách “Yêu mến Chúa Giêsu” sẽ giúp chúng ta chuẩn bị đón nhận tình yêu đến từ Thiên Chúa.
Để đạt được một tình yêu hoàn hảo đối với Chúa Giêsu cần phải có các phương thế:
- Hãy nhớ đến những ơn huệ, những điều tốt lành Chúa ban để nhận ra cách cụ thể lòng thương Chúa dành cho mình, mời gọi mình yêu mến Chúa.
- Tránh mọi điều làm phiền lòng Chúa ngay cả trong những việc nhỏ.
- Từ bỏ những quyến luyến thế gian, những thú vui bất chính để sẵn sàng cho Chúa tỏ tình thương và dễ dàng nhận ra lòng yêu mến của Ngài.
- Năng suy gẫm mầu nhiệm thương khó của Chúa Giêsu để cảm được lòng thương vô biên của Người.
- Năng viếng Thánh Thể để được kết hợp với Chúa Giêsu.
- Đọc những lời nguyện tắt để năng nhớ đến Chúa.
Nhìn vào lòng yêu mến Chúa Giêsu của thánh Anphongsô, chúng ta hiểu được sự kỳ diệu của tình yêu khiến cho ngài trở nên một vị thánh vĩ đại với lòng yêu mến các linh hồn cách mãnh liệt, làm nhiều việc cao cả sinh ích cho Giáo hội, giúp chúng ta có được những hướng dẫn thiêng liêng thật quí giá để tiến tới trên con đường yêu mến Chúa Giêsu .
Chúng ta cùng cầu nguyện với thánh Anphongsô trong những lời này:
Lạy Chúa Giêsu là niếm cậy trông của con, là tình yêu ngọt ngào duy nhất của hồn con! Con thật chẳng xứng đáng được Chúa an ủi. Xin Chúa dành ơn ấy cho những người vô tội vốn hằng yêu mến Ngài. Phần con là kẻ tội lỗi. Con chẳng đáng được như vậy. Con chẳng dám xin ơn ấy. trọn cả ước muốn của con là: xin Chúa hãy làm cho con yêu mến Chúa, xin Chúa hãy làm cho con biết thực thi thánh ý Chúa trong mọi cảnh huốn cuộc đời con, và hãy thực hiện nơi con điều đẹp lòng Chúa. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét