CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

CHƯƠNG TRÌNH CHẦU LƯỢT XÓM 4 & 5 CHẦU THÁNH THỂ LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ




CHƯƠNG TRÌNH CHẦU LƯỢT XÓM 4 & 5
CHẦU THÁNH THỂ LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ
Chúa Nhật, 22/06/2014, từ 12 giờ đến 13 giờ.
A. KHÁI QUÁT
I. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lời dẫn: Cộng đoàn quỳ. (A. Lượng)
2. Bài hát: Phút linh thiêng (ĐK – PK1 – ĐK) (Thành Tâm - TCVĐ trang 123; Cung C).
3. Lời nguyện dâng lên Chúa Giê-su Thánh Thể: Cộng đoàn vẫn quỳ. (A. Lượng)
II. PHẦN SUY NIỆM
1. Suy niệm 1: Man-na là hình bóng của Bí Tích Thánh Thể.
1.1. Đọc Lời Chúa: (Đnl 8,2-3.14b-16a). Kính mời cộng đoàn đứng – 1 người đọc.
1.2. Đọc suy niệm 1: Cộng đoàn ngồi; 1 người đọc.
1.3. Bài hát: Ôi Thần Linh Chúa (Sách Chầu Thánh Thể trang 28).
2. Suy niệm 2: Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch hiệp nhất.
2.1. Đọc Lời Chúa: (1 Cor 10, 16-17)
2.1. Đọc Suy Niệm 2: Cộng đoàn ngồi; 1 người đọc.
2.2. Bài hát : Bài Ca Hiệp Nhất. (ĐK – PK1 – ĐK – PK2 – ĐK) (Thành Tâm - TCVĐ trang 251; Cung C).
3. Suy niệm 3 : BÁNH BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
3.1. Đọc Lời Chúa : (Ga 6,51-58). Kính mời cộng đoàn đứng – 1 người đọc.
3.2. Đọc suy niệm 3 : Cộng đoàn ngồi; 1 người đọc.
3.3. Bài hát: Ta là bánh hằng sống (ĐK – PK 2 – ĐK – PK 3 – ĐK; kết thúc ở ĐK) (Kim Long - TCCĐ lớn trang 217; Cung Am; hoặc Sách Chầu Thánh Thể và Kinh tối trang 28).
III. PHẦN LỜI NGUYỆN CỘNG ĐOÀN (Chủ sự đọc phần mở đầu và kết thúc; 4 người được phân công, mỗi người một lời nguyện).
IV. PHẦN KẾT THÚC
1. Đọc 10 kinh Mân côi.
2. Đọc kinh đền tạ trái tim Chúa Giê-su.
3. Cầu xin cho Đức Thánh Cha.
4. Hát : Bí tích tình yêu (TCVĐ trang 130; PK1 – ĐK – PK2 – ĐK; Cung C; Không đủ giờ, chỉ cần hát PK1 - ĐK).
5. Lời kết thúc của chủ sự.
B. CHI TIẾT
I. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn quỳ. (A. Lượng) .
Kính thưa cộng đoàn, tham dự giờ chầu lượt này, mỗi người chúng ta thay mặt Giáo Xứ bày tỏ niềm tin, tình yêu của mình vào Bí Tích Thánh Thể. Khi tham dự Thánh lễ, rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta nếm cảm trước bàn tiệc Nước Trời. Hiện diện giờ chầu này, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm tình yêu cao vời của Thiên Chúa. Vậy, với bài hát Phút linh thiêng, chúng ta dâng lên Chúa tâm tình mến yêu.
2. Bài hát : Phút linh thiêng  (ĐK – PK1 – ĐK) (Thành Tâm - TCVĐ trang 123; Cung C).
ĐK: Người ơi, nào mau tới thờ lạy Chúa; Quỳ dâng lòng tôn kính Chúa trên cao. Linh thiêng ôi phút giây giờ đây khi đoàn con được chiêm ngắm nhan thánh Chúa chí nhân quyền uy.
Người ơi, nào mau tới thờ lạy Chúa; Đồng thanh hợp chung tiếng hát ca khen. Cảm mến ơn Chúa ban tràn lan cho trần gian, Mình Máu Thánh nên nguồn sống tuôn ngày đêm.
PK1: Này đây, Ta ban cho Thân Xác Ta làm của ăn, Máu Ta, Ta ban cho làm của uống. Này ai, ai ăn Ta, uống máu Ta trong tin yêu, thì sẽ sống, sẽ sống mãi muôn đời liên. (Trở lại ĐK để kết)
3. Lời nguyện dâng lên Chúa Giê-su Thánh Thể:(Cộng đoàn vẫn quỳ - A. Lượng)
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng con quy tụ nơi đây hết lòng thờ lạy, cảm tạ và tôn vinh Chúa.  Chúng con tin tưởng giờ đây Chúa đang hiện diện giữa cộng đoàn chúng con. Chúng con muốn được chiêm ngắm Chúa trong giây phút này. Chúa luôn mời gọi chúng con đến với Chúa, không phải để cho Chúa mà cho chính chúng con, vì Chúa muốn trao cho chúng con tình yêu, sức mạnh và hơn nữa, trao ban chính thân Mình Chúa cho chúng con. Xin Chúa ban Thánh Thần giúp chúng con khi chúng con đang sống trên thế giới này, một thế giới nhiều đổi thay, cám dỗ, bất công, hận thù, đề cao thành tựu khoa học và hưởng thụ vật chất, để chúng con luôn biết hướng về Chúa là hạnh phúc đích thực và là sức mạnh nuôi dưỡng đời sống chúng con.     
II. PHẦN SUY NIỆM
1. Suy niệm 1: Man-na là hình bóng của Bí Tích Thánh Thể.
1.1. Đọc Lời Chúa: (Đnl 8,2-3.14b-16a) Kính mời cộng đoàn đứng – Một người Xóm 5 đọc.
Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra. Anh em đừng kiêu ngạo mà quên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh em uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết.
Xướng: Đó là Lời Chúa.
Đáp: Tạ ơn Chúa.
٭ Kính mời cộng đoàn ngồi.
1.2. Đọc suy niệm 1: (Một người Xóm 5 đọc).
Sách Đệ Nhị Luật cho chúng ta hiểu lợi ích của manna là để con người có sức mạnh vượt qua những thử thách của Thiên Chúa suốt 40 năm trường trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa.
Biến cố Xuất Hành là một biến cố lớn và không thể quên của người Do-thái. Các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ không ngừng nhắc nhở dân chúng nhớ lại biến cố Vượt Qua, như tác giả Sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở dân chúng về mục đích của biến cố này: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt 40 năm trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.”
Sau khi thoát khỏi Ai-cập, dân Israel hết lương thực và phải chịu đói khát. Họ kêu lên Thiên Chúa, và Ngài “đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết.” Man-na là bánh bởi trời Thiên Chúa cho rơi xuống trên mặt đất mỗi sáng. Người Do-thái chưa từng biết đến manna trên mặt đất này. Trong tiếng Do-thái, manna đến từ “manhu,” có nghĩa là “Cái gì vậy?” Đây là câu hỏi khi người Do-thái đi lượm Man-na lần đầu tiên.
Man-na là của ăn đàng của dân Do-thái suốt 40 năm trong sa mạc: Thánh Vịnh 78:25, bản Do-thái gọi Man-na là Bánh của những người mạnh; trong khi bản Bảy Mươi gọi là Bánh của các thiên thần. Bản dịch Do-thái chính xác hơn, vì Man-na là Bánh ban sức mạnh cho người Do-thái, để họ có sức chịu đựng bao nhiêu thử thách xảy đến cho họ trong sa mạc trong suốt 40 năm trường. Chỉ khi dân Do-thái đặt chân tới đồng bằng Giê-ri-cô, vào đúng ngày Lễ Vượt Qua, Man-na mới chấm dứt, và dân Do-thái bắt đầu dùng các thức ăn địa phương (Jos 5:12).
Khi còn lang thang trong sa mạc, ông Mô-sê đã truyền cho dân chúng gom một bình đầy Man-na đặt trong Hòm Chứng Ước, cùng với cây gậy của Aaron và hai bia đá có khắc Thập Giới (Heb 9:4), để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa đã làm mưa từ trời cho dân có bánh ăn trong sa mạc. Man-na được giữ trong nơi Cực Thánh, như chúng ta giữ Mình Thánh Chúa ngày nay, để người Do-thái luôn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ.
Khi người Do-thái nghĩ ông Mô-sê đã làm cho cha ông họ có manna ăn trong sa mạc, Chúa Giêsu đã sửa sai họ: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian" (Jn 6:31-32). Sau cùng, Man-na cũng được nhắc trong mặc khải cho Hội Thánh tại Pergamum, một trong 7 Hội Thánh trong Sách Khải Huyền: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, Ta sẽ ban cho Man-na đã được giấu kỹ; Ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (Rev 2:17). Tác giả Sách Khải Huyền nối việc ăn Man-na với những người chiến thắng.
(Thinh lặng 1 phút – Ca đoàn không nên vội hát)
1.3. Bài hát: Ôi Thần Linh Chúa (Sách Chầu Thánh Thể trang 28)
ĐK: Ôi Thần Linh Chúa, êm dịu khôn xiết, Chúa muốn thương yêu con cái nơi trần gian, ban bánh thơm ngon, ban bánh Thiên Thần. Người giàu đói nghèo, kẻ đói no giàu. 
PK 2: Nhớ trong rừng xưa đoàn người Hy-bá trở về. Uống ăn thoả thuê Man-na nuôi sống toàn dân. Giờ đây đoàn con khao khát Thánh Thể Vua Trời. Tung hô muôn đời lòng Chúa khoan nhân.
2. Suy niệm 2: Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch hiệp nhất.
2.1.Đọc Lời Chúa: (1 Cor 10, 16-17) Kính mời cộng đoàn đứng – Một người Xóm 4 đọc.
Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.
Xướng: Đó là Lời Chúa.
Đáp: Tạ ơn Chúa.
* Kính mời cộng đoàn ngồi.
2.2 Đọc suy niệm 2: (Một người Xóm 4 đọc).
Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự hiệp nhất với Đức Kitô và với nhau là hiệu quả của bí-tích Thánh Thể, vì mỗi khi người tín hữu lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Đức Kitô, họ trở nên một thân thể với Ngài.
Thánh Thể là Bánh hiệp nhất mọi người với Đức Kitô: Thánh Phaolô chất vấn các tín hữu Corintô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” Truyền thống của các nước miền Cận Đông tin: Khi con người dâng lễ vật cho bất cứ thần nào, chính thần ấy nhập vào lễ vật họ dâng; và khi họ ăn phần dâng cúng được các tư tế trả lại cho họ, các thần sẽ vào trong thân thể họ và làm cho họ được khỏe mạnh, thông minh và nhân đức như các thần. Cũng vậy, khi người Kitô hữu nhận lãnh Mình Máu Thánh Chúa, họ trở nên một phần của thân thể Đức Kitô. Tương tự, một gia đình hay một cộng đoàn cùng lãnh nhận Mình Thánh Chúa, tất cả đều trở nên những phần tử của thân thể Đức Kitô. Tất cả đều dự phần vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa.
 Thánh Thể là Bánh hiệp nhất mọi người với nhau: Không phải các tín hữu chỉ thông hiệp với Đức Kitô, nhưng họ còn thông hiệp với nhau, “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” Theo thần học về thân thể của Đức Kitô, mỗi người chúng ta trở nên những chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu. Vì thế, mỗi người không còn giữ và làm theo ý riêng mình nữa; nhưng tất cả đều cùng chung một ý muốn và làm theo thánh ý của Đức Kitô, và như thế, họ cùng hiệp nhất với nhau. Nếu đã cùng hiệp nhất trong một thân thể của Chúa, các tín hữu không thể làm bất cứ điều gì chia cắt thân thể của Đức Kitô.
(Thinh lặng 1 phút – Ca đoàn không nên vội hát)
2.3. Bài hát: Bài Ca Hiệp Nhất. (ĐK – PK1 – ĐK – PK2 – ĐK) (Thành Tâm - TCVĐ trang 251; Cung C).
ÐK. Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ. Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha muôn đời.
PK1. Vì Ngài được sai đến, để tìm chiên khắp nơi xa xôi. Vì rằng Cha sai đến, đến đưa về đàn chiên duy nhất. Thì này nguyện xin Chúa, hãy thương ban Thánh Linh của Ngài. Hiệp nhất chúng con trong Chúa.
P2. Người người mọi dân nước cũng là con của Cha trên trời. Ðược Ngài thương cứu vớt bởi một lần hy sinh khổ giá. Thì này nguyện xin Chúa, hãy thương ban Thánh Linh của Ngài. Hiệp nhất chúng con trong Chúa.
3. Suy niệm 3: BÁNH BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
3.1. Đọc Lời Chúa: (Ga 6,51-58). Kính mời cộng đoàn đứng – Một người Xóm 4 đọc.
51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? "
53 Đức Giê-su nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.
54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,
55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.
57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.
58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời."
59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.
Xướng: Đó là Lời Chúa.
Đáp: Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa.
٭ Kính mời cộng đoàn ngồi.
3.2. Đọc suy niệm 3: A. Lượng đọc.
Sách Giáo lý Công giáo số 1358, Giáo Hội tóm lược ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể vào những điểm chính như sau:
1. Thánh Thể là sự cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha: Thánh Thể là lời chúc tụng để Giáo Hội bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì tất cả những ơn lành Ngài đã thực hiện qua việc sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Ý nghĩa trước hết của thánh lễ là “lễ tạ ơn” Thiên Chúa.
Câu chuyện kể về một phụ nữ thường xuyên mang theo mình cuốn sách mỏng. Chị đặt tên cho nó là cuốn sách ghi chép tiểu sử cuộc đời. Chị thường chia sẻ với bạn bè rằng nó chẳng mất nhiều thì giờ để đọc, vì cuốn sách chỉ có ba trang giấy. Lại chẳng có một chữ nào được viết trên đó cả. Trang đầu tiên màu đen. Chị nói rằng nó đại diện cho các tội lỗi xưa nay của chị. Trang thứ hai màu đỏ, nó biểu tượng cho máu Chúa Giêsu đã đổ ra vì tội lỗi của chị. Trang thứ ba màu trắng, đại diện cho chính chị sau khi đã được lau sạch trong máu của Chúa Giêsu Kitô, Người đã làm cho chị trở nên trắng hơn tuyết.
2. Thánh thể tưởng niệm sự hy sinh của Chúa Giêsu:
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã nghe nói đến nạn đói năm  Ất Dậu 1945 tại miền Bắc. Đó là một nạn đói thật khủng khiếp, giết hại gần hai triệu người.
Chuyện kể rằng, có hai mẹ con người kia cũng lâm vào cảnh tang thương ấy và nằm hấp hối chờ chết bên vệ đường. Người mẹ trước khi nhắm mắt, đã không thể nào cầm lòng được trước tiếng khóc của đứa con thiếu sữa. Bởi đó, bà đã làm một hành động táo bạo, đó là cắn đứt ngón tay trỏ, để đứa con được bú những giọt máu cuối cùng của mình thay cho dòng sữa đã cạn kiệt, với hy vọng nó sẽ được cứu sống.
Câu chuyện cảm động hy sinh đến giọt máu cuối cùng ấy không phải chỉ xảy ra một lần, nhưng nó còn xảy ra mỗi ngày trên bàn thờ, trong Bí Tích Thánh Thể.
Thánh Thể chính là sự tưởng niệm cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Theo ý nghĩa của Thánh Kinh “tưởng niệm” không chỉ có nghĩa là nhớ lại những biến cố của quá khứ, nhưng còn có nghĩa công bố những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người. Trong Tân Ước từ “tưởng niệm” còn có nghĩa là sự tái diễn có tính cách bí tích, làm cho trở thành hiện tại sự hy sinh của Chúa Kitô như Công đồng Vatican II đã nói: “Tất cả mỗi khi hy lễ thập giá mà Chúa Kitô, lễ Vượt Qua của chúng ta, được hiến tế trên bàn thờ, thì công cuộc ơn cứu chuộc của chúng ta được thực hiện”.
3. Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa Kitô: Nhờ quyền năng của Lời Ngài và của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội bằng nhiều cách: trong việc cầu nguyện của Giáo Hội, nơi những người nghèo khó, nơi các bệnh nhân, các tù nhân, trong bí tích của Ngài, trong hy lễ Thánh Thể, và nơi con người của thừa tác viên. Đặc biệt nhất là Ngài hiện diện dưới hình bánh và hình rượu trong Bí tích Thánh thể.
Truyện kể rằng, đó là ngày lễ Phục sinh ở trong tù. Có chừng hơn 10.000 tù nhân chính trị bị giam giữ bởi một chế độ tàn bạo và áp bức. Một nhóm tù nhân Kitô hữu muốn cử hành Bí tích Thánh thể, nhưng họ không có bánh lễ, không có rượu nho, không có chén thánh, cũng chẳng có sách lễ, không có Thánh Kinh, và không có cả linh mục nữa. Những tù nhân không phải là Kitô giáo cũng nhiệt tình giúp đỡ: “Chúng tôi sẽ giúp đỡ các anh. Chúng tôi sẽ nói chuyện rì rào rất êm ái để quí vị có thể gặp nhau mà không lôi kéo sự chú ý của các tên canh tù”. Một trong những tù nhân Kitô hữu lên tiếng góp ý với đồng đạo: “Chúng ta không có bánh lễ, cũng chẳng có lấy một giọt rượu nho, nhưng chúng ta sẽ cử hành như thể chúng ta có tất cả”. Và người tù nhân Kitô hữu đó bắt đầu hướng dẫn mọi người tham dự thánh lễ qua các nghi thức phụng vụ. Mọi người đều ngạc nhiên vì anh nhớ từng lời, từng kinh đã nghe được qua bao nhiêu thánh lễ ngày Chúa nhật từ khi còn bé. Khi đọc đến những lời của Chúa Giêsu đã nói trong bữa Tiệc Ly, anh quay sang người bạn tù bên cạnh mình. Rồi nắm lấy hai bàn tay mà nói: “Đây là mình ta sẽ bị nộp vì các con”. Và sau đó tất cả mọi người trong nhóm đi một vòng tròn, từng người một, mỗi người quay sang người bên cạnh, mở rộng đôi bàn tay và lập lại những lời của Chúa Giêsu: “Đây là mình ta sẽ bị nộp vì các con”.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là một mệnh lệnh được thi hành không chỉ trong thánh lễ với linh mục thừa tác viên chính thức của Giáo Hội, nhưng còn được sống thánh lễ và cử hành bằng chính đời sống của các Kitô hữu nữa. Thánh Inhaxiô thành Antiokia đã nói: “Thánh Thể là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”. Đây chính là bảo chứng của Vương Quốc tương lai, sự sống đời đời như lời Chúa phán hôm nay: “Đây là bánh từ trời xuống… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
(Thinh lặng 1 phút – Ca đoàn không nên vội hát)
3.3. Bài hát: Ta là bánh hằng sống  (ĐK – PK 1 – ĐK – PK3 - ĐK; kết thúc ở ĐK) (Kim Long - TCCĐ lớn trang 217; Cung Am; hoặc Sách Chầu Thánh Thể và Kinh tối trang 28).
ÐK: Ta là bánh hằng sống, là bánh ban xuống bởi trời. Ta là bánh trường sinh. Ai ăn sẽ sống muôn đời.
PK1. Ðây Mình Ta chính là của ăn, và Máu Ta thật là của uống. Người ăn bánh này không còn đói khát chi. Kẻ uống chén này sẽ được trường sinh.
PK3. Ðây Mình Ta chính là của ăn, và Máu Ta thật là của uống. Dù cho đất trời theo ngày tháng biến thay, Lời Chúa ban truyền muôn đời không phai.
III. PHẦN LỜI NGUYỆN CỘNG ĐOÀN
(Kính mời cộng đoàn đứng)
Chủ sự: (A. Lượng)
Trong giây phút này, chúng ta đang sống sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu Thánh Thể, và nhờ Chúa Giêsu, chúng ta hiệp nhất với Đức giáo hoàng và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới. Chúng ta cùng dâng lên Chúa những tâm tình nguyện xin.
Xướng viên: Ca viên Xóm 4 đọc lời 1 và 2. Ca viên Xóm 5 đọc lời 3 và 4.
1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa, vì Chúa đã đến trần gian để mặc khải cho chúng con Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những lần chúng con đã không dám tin vào tình yêu của Cha trên trời.
 Xướng: Chúng con nguyện xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa, vì Chúa đã hiến ban chính mình làm lương thực nuôi sống chúng con. Xin cho Đức giáo hoàng Phanxicô, các giám mục và các thừa tác viên trong Hội Thánh, cũng biến đời mình thành tấm bánh bẻ ra cho sự sống của muôn người.
Xướng: Chúng con nguyện xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
 3. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa, vì Chúa đã liên kết tất cả chúng con nên một trong gia đình Hội Thánh. Xin cho tất cả chúng con biết gìn giữ và vun trồng sự hiệp nhất trong Hội Thánh, để nhờ đó mọi người sẽ đón nhận Tin Mừng của Chúa.
Xướng: Chúng con nguyện xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa, vì Chúa đã sai chúng con ra đi rao giảng và làm chứng về lòng thương xót. Xin Chúa biến đổi tất cả chúng con thành khí cụ bình an và những chứng nhân tình yêu của Chúa.
 Xướng: Chúng con nguyện xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Chủ sự: (A. Lượng)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin thương đón nhận những ý nguyện chân thành cộng đoàn chúng con dâng lên Chúa cùng với những ý nguyện riêng tư của mỗi người hiện diện, xin Chúa ban Thần Khí Chúa xuống trên chúng con, để chúng con đủ sức thi hành những điều chúng con cầu xin. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
IV. PHẦN KẾT THÚC (Cô Sương)
1. Đọc 10 kinh Mân côi (Có thể bỏ phần này và cả Kinh đền tạ trái tim Chúa Giê-su nếu thiếu giờ - Kính mời cộng đoàn ngồi).
NĂM SỰ VUI
Thứ nhất :
Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
(1 Kinh lạy Cha – 10 Kinh kính mừng – 1 Kinh sáng danh)
2. Đọc kinh đền tạ trái tim Chúa Giê-su (Kính mời cộng đoàn quỳ)
Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi. Nay chúng con sấp mình xuống trước bàn thờ Chúa, hết lòng thờ phượng cung kính, cho được đền vì những sự vô nhân bất nghĩa, khắp thiên hạ hằng làm xỉ nhục Trái Tim Chúa hay thương dường ấy.
Song le chúng con nhớ lại, xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy, thì chúng con hết lòng ăn năn đau đớn, xin Chúa thương xót thứ tha. Chúng con sẵn lòng đền tội chúng con, cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi, hoặc bởi cố tình chẳng tin phục nhận biết Chúa là Đấng chăn chiên dẫn đàng chính thật, hoặc khinh dễ những điều đã khấn nguyện khi chịu phép Rửa Tội, mà rẫy bỏ giới răn Chúa là ách êm ái dịu dàng.
Bấy nhiêu tội đáng khóc lóc đau đơn dường ấy, thì chúng con quyết chí đền hết thay thảy, lại dốc lòng đền riêng những tội này, như cách ăn ở buông tuồng mất nết, những thói tục xấu xa làm dịp cho kẻ hãy còn thanh sạch mất lòng khiết tịnh, tội bỏ chẳng giữ các ngày lễ, sự nói lộng ngôn phạm đến Chúa cùng các Thánh, những lời xỉ nhục bỉ báng Đấng thay mặt Chúa cùng các Đấng làm Thầy, những điều ơ hờ khinh dể, cùng những tội gớm ghê phạm đến chính phép Bí Tích mến yêu. Sau hết, chúng con xin đền tội chung các nước thiên hạ hằng chống cưỡng chẳng nhận quyền, cùng chẳng vâng phục Hội Thánh Chúa truyền dạy. Chớ gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy! Ít là chúng con xin dâng công đền tội xưa Chúa đã dâng cho Đức Chúa Cha trên cây Thánh Giá, mà rầy còn dâng trên bàn thờ mọi ngày; lại xin dâng công nghiệp Đức Mẹ Đồng Trinh và các Thánh cùng các kẻ lành, cho được đền vì những sự vô phép mất lòng Chúa.
Chúng con thật lòng hứa cùng Chúa, từ rày về sau nhờ ơn Chúa giúp, thì chúng con sẽ giữ Đức Tin vững vàng, ăn ở thanh sạch, giữ luật Phúc Âm cho trọn, nhất là luật mến Chúa yêu người, cho được bù lại những tội chúng con cùng tội thiên hạ đã phụ ơn bội nghĩa cùng Chúa hay thương dường âý; lại hết sức ngăn ngừa, kẻo người ta còn phạm đến Chúa, cùng khuyên dụ cho nhiều người trở lại theo chân Chúa.
Lạy Đức Chúa Giêsu cực khoan cực nhân, chúng con cậy vì lời Đức Nữ Đồng Trinh Maria đã đồng công chuộc tội cầu bầu , xin Chúa nhận lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa, cùng xin ban cho chúng con được ơn bền đỗ, giữ lòng trung tín lo việc bổn phận làm tôi Chúa cho đến trọn đời, cho ngày sau chúng con hết thảy được về quê thật là nơi Chúa hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.
3. Cầu xin cho Đức Thánh Cha (Có thể hát bài Cầu cho ĐGH của Nguyên Hữu trong tập Chầu Thánh Thể của Giáo Xứ trang 22).
Này con là Đá, trên viên đá này Cha xây Giáo Hội muôn đời vinh quang. Này con là Đá, cho con sức hùng, Sa-tan vẫy vùng không hề chuyển rung.
Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Chúa gìn giữ Người tăng sức thêm lực và ban cho Người đời nay hạnh phúc. Đừng trao Người cho ác tâm quân thù, đừng trao Người cho ác tâm quân thù.
4. Hát : Bí tích tình yêu (TCVĐ trang 130; PK1 – ĐK – PK2 – ĐK; Cung C; Không đủ giờ, chỉ cần hát PK1 - ĐK)
PK1: Bí tích tình yêu! Máu thân Mình Chúa hiến thân chịu chết cho trần gian được ơn cứu rỗi. Bí tích tình yêu! Bí tích cao siêu! Chúa muốn nuôi dân Người lầm than năm tháng lưu đầy. Này đây là Máu Ta được ban làm của uống. Này đây Thân Ta ban làm bánh nuôi người thế. Bí tích tình yêu! Bí tích cao siêu! Ngài yêu thương ta, ôi tình thương cao vời thay!
ĐK: Thánh Thể nhiệm mầu. Chúng con quỳ đây dâng lên tòa Chúa. Dấu chứng tin yêu. Dâng khúc nhạc lòng cảm mến không ngơi!
PK2: Giê-su tình yêu, Chúa đang ngự đó. Mắt không nhìn thấy nhưng lòng con tin luôn Chúa (ở) đó. Chúa đoái nhìn con. Chúa muốn yêu con. Muốn đến thăm con cho hồn con vui sướng miên man. Đời con được Chúa thương. Hồn con được nuôi sống. Cần chi đâu vui hơn được Chúa thương ngự đến. Chúa đến cùng con, Chúa đến trong con. Giờ đây, ôi hân hoan, hạnh phúc dâng trào dâng.
5. Lời kết thúc của chủ sự: (A. Lượng) Buổi chầu lượt Kính Mình Máu Thánh Chúa đến đây chấm dứt. Xin cảm ơn cộng đoàn.                                                                       


GIOAKIM PHẠM VĂN LƯỢNG

Không có nhận xét nào: