Thứ Năm Tuần VII PS
Chi tiết
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Bài đọc: Acts 22:30, 23:6-11: Jn
17:20-26.
1/ Bài đọc I: 30 Hôm sau, vì muốn
biết chắc chắn người Do-thái tố cáo ông Phao-lô về điều gì, vị chỉ huy tháo xiềng
cho ông và ra lệnh cho các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng họp lại, rồi
ông đưa ông Phao-lô từ đồn xuống, để ra trước mặt họ.
6 Ông Phao-lô biết rằng một phần
Thượng Hội Đồng thuộc phái Xa-đốc, còn phần kia thuộc phái Pha-ri-sêu, nên ông
nói lớn tiếng giữa hội nghị: "Thưa anh em, tôi là người Pha-ri-sêu, thuộc
dòng dõi Pha-ri-sêu; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra
xét xử."
7 Ông vừa nói thế, thì người
Pha-ri-sêu và người Xa-đốc chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ.
8 Thật vậy, người Xa-đốc chủ
trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người
Pha-ri-sêu thì lại tin là có.
9 Người ta la lối om sòm. Có mấy
kinh sư thuộc phái Pha-ri-sêu đứng lên phản đối mạnh mẽ: "Chúng tôi không
thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói với
ông ấy? "
10 Hai bên chống đối gay gắt đến
nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác ông Phao-lô, nên mới ra lệnh cho lính xuống
lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa về đồn.
11 Đêm ấy Chúa đến bên ông
Phao-lô và nói: "Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở
Giê-ru-sa-lem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rô-ma nữa."
2/ Phúc Âm: 20 Con không chỉ cầu
nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,
21 để tất cả nên một, như Cha ở
trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ
tin rằng Cha đã sai con.
22 Phần con, con đã ban cho họ
vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một:
23 Con ở trong họ và Cha ở trong
con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha
đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở
đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng
vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con
trước khi thế gian được tạo thành.
25 Lạy Cha là Đấng công chính,
thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã
biết là chính Cha đã sai con.
26 Con đã cho họ biết danh Cha,
và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con
cũng ở trong họ nữa."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chia rẽ và hiệp
nhất
Hiệp nhất là điều ao ước của con
người cho gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội, và toàn thế giới. Nhưng sự hiệp nhất hệ
tại điều gì? Có phải là cùng chung một màu da hay nói cùng một ngôn ngữ? Nếu hiệp
nhất chỉ cần như thế, thì đã không có những cuộc nội chiến tương tàn như chiến
tranh Nam-Bắc tại Việt Nam! Có phải là mang cùng một tên gọi? Nếu thế, đã không
có quá nhiều giáo phái giữa các Kitô hữu! Hay tin vào cùng một Chúa? Cả ba tôn
giáo độc thần: Do-thái, Kitô Giáo, và Hồi Giáo đều tin vào một Chúa mà vẫn
không hiệp nhất với nhau! Các Đức Giáo Hoàng sau này đã kêu gọi và cổ võ cho sự
hiệp nhất bằng cách chú trọng nhiều đến điểm tương đồng giữa các tôn giáo, để
cùng nhau làm việc và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta
thấy sự hiệp nhất hòan hảo phải đặt căn bản trên sự thật và yêu thương quí trọng
nhau. Trong Bài Đọc I, Phaolô tuy là người rao giảng về hiệp nhất về nền học thần
học thân thể, đã nói những lời gây ra cuộc ẩu đả dữ dội giữa hai phái Pharisees
và Saduccees. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chú trọng đến việc làm theo thánh ý
Thiên Chúa và yêu thương. Đây là hai điều căn bản xây dựng sự hiệp nhất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính vì hy vọng rằng
kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.
1.1/ Phaolô gây chia rẽ giữa những
người Pharisees và Saduccees trong THĐ:
(1) Sự sống lại: Phaolô rất tinh
ý. Ông biết cả hai giáo phái đều chống ông về niềm tin vào Đức Kitô, nên ông
không đề cập trực tiếp đến Đức Kitô; nhưng ông đề cập đến sự sống lại mà hai
giáo phái khác biệt nhau, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị: "Thưa anh
em, tôi là người Pharisee, thuộc giòng dõi Pharisees; chính vì hy vọng rằng kẻ
chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử."
(2) Hậu quả của những gì Phaolô
nói: Ông vừa nói thế, thì người Pharisees và người Saduccees chống đối nhau,
khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Saduccees chủ trương rằng chẳng có sự sống
lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisees thì lại tin là có.
Người ta la lối om sòm. Có mấy
kinh sư thuộc phái Pharisees đứng lên phản đối mạnh mẽ: "Chúng tôi không
thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói với
ông ấy?" Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác
ông Phaolô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa
về đồn.
1.2/ Niềm tin của Phaolô vào sự
sống lại: Một người có thể trách Phaolô đã gây chia rẽ trong THĐ, và đã không
là sứ giả mang hòa bình tới cho mọi người; nhưng Phaolô hoàn toàn có lý khi làm
như thế vì những lý do sau:
+ Hiệp nhất lý tưởng là hiệp nhất
trong sự thật; chứ không hiệp nhất trong sự gian dối. Những người trong THĐ đã
không theo hướng dẫn của Lề Luật khi xét xử Chúa Giêsu, Phêrô, Phaolô, và các
môn đệ của Ngài. Một THĐ gồm những người như thế, con người không buộc phải
tuân theo, như Phêrô và Gioan đã từng nói: "Chúng tôi phải vâng lời Thiên
Chúa hơn vâng lời người đời." Phaolô không nói điều gì gian dối, nhưng
hoàn toàn đúng theo sự thật: Ông tin có sự sống lại, và chính vì điều này mà
ông vào tin Đức Kitô, khi Ngài hiện ra khuyến cáo ông trên đường ngã ngựa tại
Damascus. Sự sống lại là nền tảng chính yếu cho đức tin của Kitô Giáo, đến nỗi
Phaolô đã phải nói mạnh: "Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng
ta sẽ ra vô ích."
+ Hiệp nhất đòi con người phải
công bằng: Người Kitô hữu không phải ngây thơ đến độ "cứ đưa má cho người
ta vả;" nhưng có lúc họ phải chất vấn những người bắt nạt, như Chúa Giêsu
đã chất vấn viên sĩ quan của Thượng Tế, khi hắn vả mặt Ngài: "Nếu Ta nói
sai, hãy chứng minh; nếu ta nói phải, sao ngươi đánh Ta" (Jn 18:22)?
+ Hiệp nhất đòi người môn đệ phải
khôn ngoan: Phaolô biết cách phân tán lực lượng của kẻ thù; đồng thời ông cũng
biết cách đặt vấn đề cho con người phải suy nghĩ. Chính Chúa Giêsu cũng hài
lòng về những gì ông làm, khi "đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói:
"Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Jerusalem thế nào,
thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.""
2/ Phúc Âm: Để tất cả nên một,
như Cha ở trong con và con ở trong Cha.
2.1/ Mô hình lý tưởng của sư hiệp
nhất: Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
+ Hiệp nhất trong sự thật: mọi
người cùng chung một niềm tin vào Đức Kitô. Đây là lời cầu nguyện của Chúa
Giêsu cho hết mọi người, trong đó có chúng ta, những người đã tin vào Ngài:
"Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ
lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong
Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai
con." Trong lời cầu nguyện này, chúng ta thấy biểu lộ một niềm tin không
lay chuyển của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa và vào con người, cho dẫu Ngài đã thấy
trước sự phản bội của các môn đệ trong Cuộc Thương Khó. Ngài tin các môn đệ,
sau khi đã trải qua sóng gió, sẽ nhận ra sự thật, sẽ tin và làm chứng cho Ngài.
+ Hiệp nhất trong tình yêu: mọi
người cùng chung một tình yêu đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết rõ hai điều
căn bản cho sự hiệp nhất là sự thật và tình yêu, nên Ngài cầu xin với Chúa Cha:
"Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được
nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn
toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu
thương họ như đã yêu thương con." Tình yêu phải là đồng phục của hiệp nhất:
các tín hữu có thể khác biệt về những điều khác, nhưng phải cùng một tình yêu,
như Chúa đã nhấn mạnh: "Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ
Thầy, là các con yêu thương nhau" (Jn 13:35).
2.2/ Vinh quang của Chúa Cha ban
cho Chúa Giêsu: Tình yêu đòi hỏi sự hiệp nhất với nhau trong mọi nơi và mọi
lúc, khi vinh quang cũng như lúc gian khổ. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha liên kết
Ngài với các môn đệ luôn: "Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người
Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con,
vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian
được tạo thành." Vinh quang Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu là những điều
gì?
(1) Thập Giá là vinh quang của
Chúa Giêsu: Theo Gioan, khi chịu treo trên Thập Giá là lúc Chúa Giêsu được vinh
quang. Thiên Chúa cũng được vinh quang vì Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài hoàn tất.
Con người cũng được vinh quang vì từ nay con người không ở dưới ách của tử thần
nữa. Vì thế, khi các môn đệ chịu đựng đau khổ vì Chúa Giêsu, họ mang lại vinh
quang cho chính họ và cho Thiên Chúa.
(2) Hoàn toàn vâng lời làm theo
thánh ý Thiên Chúa là vinh quang của Chúa Giêsu: Trong giờ phút hấp hối ở Vườn
Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, vượt
qua mọi gian khổ để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, làm Chúa Giêsu được vinh
quang.
(3) Làm cho các môn đệ nhận biết
Chúa là vinh quang: "Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa,
để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."
Khi các môn đệ làm cho mọi người
nhận biết Thiên Chúa, họ làm cho Danh Chúa được cả sáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để có hiệp nhất trong gia đình
và cộng đoàn, chúng ta cần biết sống theo sự thật và yêu thương nhau bằng tình
yêu Thiên Chúa.
- Mỗi con người đều có ý kiến
khác nhau. Điều làm cho con người liên kết với nhau là cùng làm theo ý Thiên
Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét