Thứ Tư Tuần VI PS
Chi tiết
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Bài đọc: Acts 17:15, 22-34,
18:1; Jn 16:12-15.
1/ Bài đọc I: 15 Các
người tháp tùng đưa ông Phao-lô đến A-thê-na rồi từ đó trở về, mang theo lệnh bảo
ông Xi-la và ông Ti-mô-thê phải đến với ông Phao-lô càng sớm càng tốt.
22 Đứng giữa Hội đồng
A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: "Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng,
về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết.
23 Thật vậy, khi rảo qua
thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một
bàn thờ, trên đó khắc chữ: "Kính thần vô danh". Vậy Đấng quý vị không
biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.
24 "Thiên Chúa, Đấng tạo
thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong
những đền do tay con người làm nên.
25 Người cũng không cần được
bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi
loài sự sống, hơi thở và mọi sự.
26 Từ một người duy nhất,
Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã
vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ.
27 Như vậy là để họ tìm kiếm
Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở
xa mỗi người chúng ta.
28 Thật vậy, chính ở nơi
Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã
nói: "Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.
29 "Vậy, vì là dòng giống
Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ
thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.
30 "Vậy mà Thiên Chúa
nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền
cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối,
31 vì Người đã ấn định một
ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo
đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết."
32 Vừa nghe nói đến người
chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: "Để khi khác chúng tôi sẽ
nghe ông nói về vấn đề ấy."
33 Thế là ông Phao-lô bỏ họ
mà đi.
34 Nhưng có mấy người đã
theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Đi-ô-ny-xi-ô, thành viên Hội đồng A-rê-ô-pa-gô
và một phụ nữ tên là Đa-ma-ri cùng những người khác nữa.
1 Sau đó, ông Phao-lô rời
A-thê-na đi Cô-rin-tô.
2/ Phúc Âm: 12 Thầy
còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.
13 Khi nào Thần Khí sự thật
đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều
gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em
biết những điều sẽ xảy đến.
14 Người sẽ tôn vinh Thầy,
vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
15 Mọi sự Chúa Cha có đều
là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho
anh em.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người có
khả năng nhận biết Thiên Chúa và các hoạt động của Ngài.
Thiên Chúa là sự thật, và Ngài
đã tỏ mình ra cho con người qua việc tạo dựng, quan phòng, và các mặc khải
trong Kinh Thánh. Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến khả năng của con người có
thể hiểu những sự thật của Thiên Chúa. Bài Đọc I tường thuật Bài Giảng của
Phaolô cho dân thành Athens. Phaolô bắt đầu từ niềm tin và lòng kính sợ
Thiên Chúa của họ; để dẫn dắt họ đến nhu cầu cần phải tin vào Đức Kitô và ăn
năn xám hối, để được sống lại đời đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho
các môn đệ về sự cần thiết của Thánh Thần, mà Ngài sẽ xin Chúa Cha gởi tới cho
các ông. Ngài sẽ soi sáng cho các ông hiểu tất cả những gì Chúa Giêsu nói, và
giúp các ông hiểu biết mọi sự thật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài giảng của
Phaolô cho người Hy-lạp tại Areopagus, Athens
1.1/ Phaolô bắt đầu từ văn hóa
Hy-lạp: Để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả, nhà rao giảng cần hiểu biết
phong tục và văn hóa của những nơi mà Lời Chúa được gieo vào. Truyền thống Hy-lạp
thờ rất nhiều thần và văn hóa Hy-lạp đặc biệt chú trọng đến sự khôn ngoan. Các
thần của Hy-lạp đều được điêu khắc rất đẹp và đều có đền thờ riêng tùy địa
phương tôn sùng. Sự khôn ngoan của văn hóa Hy-lạp được bày tỏ qua các triết gia
và triết học của họ. Areopagus là nơi những người Hy-lạp khôn ngoan thường tụ tập
để tìm hiểu những triết thuyết của thế giới. Phaolô biết rõ những điều này, và
ông đã can đảm và chuẩn bị chu đáo để gieo Tin Mừng vào những người đang tìm kiếm
sự khôn ngoan. Đứng giữa Hội đồng Areopagus, ông Phaolô khen đức tính tôn kính
các thần của họ và dùng đức tính này để bắt đầu rao giảng Tin Mừng: "Thưa
quý vị người Athens, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo
hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của
quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: "Kính thần vô
danh." Vậy, Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng
cho quý vị."
1.2/ Nội dung chính của bài giảng
của Phaolô: Phaolô khôn ngoan bắt đầu với những điểm tương đồng mà khán giả của
ông dễ chấp nhận, trước khi tiết tới những điểm đặc thù của Kitô Giáo:
"Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng là Chúa Tể
trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không
cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người
ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự."
(1) Con người có khả năng nhận
biết Thiên Chúa: Phaolô nhấn mạnh đến việc thiên nhiên mặc khải sự hiện hữu và
quan phòng của Thiên Chúa: Nếu con người chịu quan sát và học hỏi nơi thiên nhiên,
họ sẽ nhận ra sự hiện hữu của Ngài: "Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã
tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những
thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm
Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở
xa mỗi người chúng ta."
- Nhu cầu phải hiểu biết đúng về
Thiên Chúa: "Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện
hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: "Chúng ta cũng thuộc dòng giống
của Người."
- Đả kích tội thờ bụt thần:
"Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh
giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc
hay đá.
(2) Nhu cầu phải xám hối, sự xét
xử, và sự sống lại: Đây là đích điểm mà Phaolô muốn nhắm tới, vì ông biết truyền
thống Hy-lạp không tin nhu cầu phải xám hối và sự sống lại. Trước tiên Phaolô
muốn họ ý thức về thực tại của tội, con người phạm tội vì không nhận biết Thiên
Chúa dù Ngài đã tỏ mình cho con người trong thiên nhiên: "Vậy mà Thiên
Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời đại người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người
truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối."
+ Đa số người Hy-lạp thời đó
không tin nhu cầu cần xám hối, vì họ tin Thiên Chúa không thay đổi: nếu Ngài
thay đổi để tha thứ tội cho con người, Ngài không còn là Thiên Chúa nữa.
+ Họ cũng chẳng tin việc Thiên
Chúa xét xử, vì họ không tin có đời sau và vì Thiên Chúa không bao giờ thay đổi.
+ Sự sống lại: Truyền thống Hy-lạp,
đặc biệt những người Epicureans, không tin có sự sống lại. Đối với họ, chết là
hết; sự chết lấy đi tất cả những gì con người sở hữu. Nên khi vừa nghe nói đến
người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: "Để khi khác chúng tôi
sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy." Thế là ông Phaolô bỏ họ mà đi.
Kết quả của sự rao giảng của
Phaolô tại Athens: Sách CVTĐ tường thuật: "Nhưng có mấy người đã theo ông
và tin Chúa, trong số đó có ông Dionysius, thành viên Hội-đồng Areopagus và một
phụ nữ tên là Damaris cùng những người khác nữa."
2/ Phúc Âm: Con người có khả
năng để hiểu biết những mặc khải của Thiên Chúa.
2.1/ Mặc khải của Thiên Chúa phải
tiệm tiến theo thời gian vì sự hiểu biết của con người giới hạn: Chúa Giêsu biết
rõ điều này, nên Ngài tâm sự với các ông: "Thầy còn nhiều điều phải nói với
anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi." Không như Thiên
Chúa, Đấng có khôn ngoan và quyền năng biết tất cả mọi sự một lúc, con người cần
có thời gian để học biết những điều căn bản, trước khi có thể hiểu những chân
lý cao siêu hơn. Ví dụ, một học sinh phải qua các cấp bậc tiểu học, trung học,
đại học, và cao học. Trong việc mặc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa cho con
người cũng thế: bắt đầu từ mầu nhiệm một Thiên Chúa, Đấng tạo thành và điều khiển
muôn lòai trong Cựu Ước; để chuẩn bị cho Đức Kitô đến qua mầu nhiệm Nhập Thể và
Cứu Chuộc trong Tân Ước; trước khi tiến đến mầu nhiệm Chúa Thánh Thần và các
công việc của Ngài, như Chúa Giêsu đề cập tới hôm nay.
2.2/ Mặc khải toàn vẹn của Thánh
Thần: Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: "Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người
sẽ dẫn anh em tới Tất cả sự thật (toàn vẹn). Người sẽ không tự mình nói điều
gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em
biết những điều sẽ xảy đến."
(1) Mặc khải đến từ Thiên Chúa:
Trước tiên con người cần biết: Tất cả sự thật đến từ Thiên Chúa. Con người
không sở hữu sự thật, nhưng chỉ khám phá ra sự thật, nó là quà tặng của Thiên
Chúa cho con người. Con người cũng không phát minh ra sự thật, nhưng sự thật đã
có sẵn trong trời đất và chờ đợi để con người khám phá và hiểu biết nó. Nói
tóm, chỉ một mình Thiên Chúa sở hữu sự thật.
(2) Thánh Thần sẽ làm cho con
người hiểu những gì Chúa Giêsu mặc khải: Đây cũng là nền tảng của việc mặc khải
về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: "Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những
gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế,
Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em." Cả Ba
Ngôi Thiên Chúa đều cộng tác trong việc làm cho con người hiểu thấu các mầu nhiệm
của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta được Thiên Chúa ban
cho có khả năng để tìm ra và nhận biết sự thật; nhất là nhận ra Thiên Chúa, Đấng
là sự thật trên hết các sự thật.
- Sự thật của Kitô Giáo không đến
với con người qua những suy niệm trừu tượng; nhưng qua một con người sống động
là Đức Kitô, và sự hướng dẫn từ trong tâm hồn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, khi
con người càng sống gần gũi với Chúa Giêsu và để Thánh Thần soi sáng, con người
càng khám phá ra sự thật.
1 nhận xét:
tạ ơn Chúa, cảm ơn người viết. @-@
Đăng nhận xét