1. Nhận xét mở đầu.
1/
Trong Phụng Vụ Tuần Thánh hiện nay, ngày chúa nhật Lễ Lá, chúng ta đọc
Bài Thương Khó theo Thánh Matthêu (năm A); thánh Mac-cô (năm B); thánh
Luca (năm C). Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh thì năm nào cũng đọc Bài Thương
Khó theo Thánh Gioan.
Cũng
là một phần trong các sách Tin Mừng, nhưng người đọc không công bố theo
công thức hàng ngày: “Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô...”, cũng không chào
chúc : “Chúa ở cùng anh chị em”, mà xướng : “Cuộc Thương Khó Đức Giêsu
Kitô theo thánh…” Công thức phụng vụ này nhiều khi làm chúng ta quên
rằng Cuộc Thương Khó cũng là Tin Mừng, và cùng với Tin Mừng Chúa Phục
sinh làm thành cốt lõi của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.
2/
Lời rao giảng đầu tiên của các Tông Đồ là công bố mầu nhiệm Chúa Giêsu
chết và phục sinh. Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu loan báo cái chết
và sự phục sinh của Chúa như hai thì của một biến cố duy nhất mà chúng
ta gọi là “mầu nhiệm Vượt Qua”, Chúa Giêsu vượt qua cái chết để vào cõi
sống và dắt chúng ta theo. Thời Trung Cổ, người ta thường vẽ Chúa Giêsu
Phục Sinh bước ra khỏi mồ, một tay dắt ông Adong, một tay dắt bà Evà;
hoặc một tay cầm thánh giá, một tay dắt ông Adong.
3/
Điều này giúp hiểu tại sao các sách Tin Mừng kể về cái chết của Chúa
Giêsu với nhiều chi tiết diễn tả những đau đớn, nhục nhã nhưng không cay
đắng, giận dữ, oán hận, trái lại rất điềm tĩnh, tế nhị và tinh vi nêu
lên những nét mà những người xét xử, hành hạ, sỉ nhục Chúa Giêsu tưởng
mình thắng thế, nhưng lại vô tình làm theo những gì đã được báo trước
trong Kinh Thánh. Chính yếu tố “hợp như lời Thánh Kinh” này giúp ta nhìn ra ý nghĩa thật của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
4/
Trong các sách Tin Mừng, trình thuật Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của
Chúa Giêsu nằm ở cuối sách, nhưng trong quá trình loan báo Tin Mừng thì
đây là điểm khởi đầu. Những người nghe lời công bố Tin Mừng và tin nhận
Đức Giêsu Nadarét là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa thì thống hối và chịu
phép Rửa. Họ họp với các môn đệ thành cộng đoàn tín hữu đầu tiên “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”
(Cv 2,42). Ở giai đoạn “giảng dạy” này các Tông Đồ mới đưa người tín
hữu ngược dòng, tìm hiểu những lời giáo huấn và những việc Chúa Giêsu đã
làm trước đó, dưới ánh sáng của biến cố chết và Phục sinh là biến cố
làm cho người ta nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, là
Đấng Cứu Độ trần gian. Sách Tin Mừng thu tập các yếu tố đã khai triển
trong quá trình giảng dạy này và trình bày “mạch lạc” (x. Lc
1,1-4), nghĩa là giúp cho người đọc thấy được cuộc sống, hành động và
lời rao giảng của Chúa và cuộc Thương Khó cùng sự phục sinh của Chúa ăn
khớp với nhau như thế nào.
5/
Vì thế trình thuật Cuộc Thương Khó và Phục sinh trong mỗi sách Tin Mừng
cũng có những tính cách riêng và phải đọc trong mạch văn của mỗi sách
Tin Mừng mới hiểu được; lý do là mỗi sách Tin Mừng có môt cách nhìn
riêng về Chúa Giêsu, cách nhìn này chi phối sự lựa chọn tư liệu, thứ tự
và cách thức trình bày, ăn khớp với nhau từ đầu đến cuối. Điều rất quan
trọng là đừng “xào chung” bốn bài Thương Khó với nhau hay bài Thương Khó
trong sách Tin Mừng này với các yếu tố trong toàn bộ sách Tin Mừng
khác, vì sẽ tự gây những thắc mắc khó khăn. Xin minh họa bằng một thí dụ
: trong sách Tin Mừng Mt 5,39 và Lc 6,29, Chúa Giêsu bảo: “Ai vả anh má bên này thì hãy giơ cả má bên kia nữa!”, nhưng trong sách Tin Mừng Gioan 18,22-23, khi tên thuộc hạ của Thượng Tế vả vào mặt Chúa để trấn áp thì Chúa không đưa má bên kia mà lại hỏi anh ta: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi”. Nếu xào chung thì hóa ra Chúa không thực hành lời Chúa dạy môn đệ à? Trong Mt và Lc, Chúa dạy về thái độ không trả thù và hóa giải bạo lực: suốt cuộc Thương Khó Chúa im lặng chấp nhận mọi sự hành hạ sỉ nhục, “để lại tấm gương cho chúng ta” như thánh Phêrô nói (x. I Pr 3,21-23); còn trong TM Gioan, Chúa Giêsu phải “làm chứng cho sự thật” nên Chúa không cho phép ai dùng bạo lực trấn áp sự thật.
2. Những yếu tố giúp hiểu bài Thương Khó theo thánh Matthêu.
1/ “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”
2/ “Em-ma-nu-en, Chúa ở cùng chúng ta”
3/ “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (8,17).
4/ “Người đưa công lý đến toàn thắng và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (12,17-21).
5/ “Khi Đức Giêsu giảng dạy tất cả những điều ấy xong…”
6/ “Đây là máu Thầy, Máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”
7/ Ba lần Chúa Giêsu báo trước.
Như
đã nói ở trên, quá trình khai triển sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa
Giêsu Kitô đi từ mầu nhiệm Khổ Nạn - Phục sinh ngược lên, nhưng khi viết
sách Phúc Âm thì lại đi xuôi từ đầu cuộc sống của Chúa Giêsu.
1-2/ Giêsu – Em-ma-nu-en:
Truyền thống rao giảng Tin Mừng trong đó sách Tin Mừng Matthêu được
viết ra, đã ngược lên tới thời thơ ấu của Chúa Giêsu, cho thấy Tin Mừng
ơn cứu độ không chỉ bắt đầu từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa (x. Cv 1,21-22), nhưng ngay từ khi thành thai trong lòng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria (Tin Mừng thời thơ ấu), Người đã là Đấng Kitô, “Đấng Cứu dân mình khỏi tội lỗi của họ”. Tin Mừng thời thơ ấu theo thánh Matthêu
cho thấy toàn thể mầu nhiệm Chúa Giêsu là sự thực hiện lời Thiên Chúa
hứa cho tổ phụ Ap-ra-ham và Đavit. Chúa Giêsu vừa là điểm tới của lời
hứa ban dòng dõi theo huyết nhục, vừa là khởi đầu mới để lời hứa được
thực hiện qua một dòng dõi mới, không phải do huyết nhục nhưng do Thánh
Thần. Khi sinh làm người, Chúa Giêsu đã là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để thiết lập Giao Ước Mới, nhưng khi đã chết và phục sinh để nhận mọi quyền trên trời dưới đất, thì Chúa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” và muôn dân được vào trong Giao Ước bằng Máu của Chúa, nhờ chịu phép rửa và tuân giữ mọi điều Chúa truyền dạy.
3/ Người tôi tớ đau khổ: Chết và phục sinh là cách Chúa cứu dân mình khỏi tội lỗi của họ. Tại sao lại như vậy? Sách Tin Mừng Mt
dẫn chúng ta vào mầu nhiệm này bằng cách vạch cho thấy đó là kế hoạch
của Thiên Chúa đã được các ngôn sứ loan báo. Ngay sau bài giảng trên núi
(công bố Luật của Giao Ước Mới, chúng ta sẽ trở lại điểm này), Chúa
Giêsu bắt đầu chữa lành bệnh tật, vốn được coi là hậu quả của tội lỗi, Mt lý giải bằng cách cho thấy đó là ứng nghiệm lời loan báo về người tôi tớ đau khổ trong sách Isaia 53,4: “Người đã mang lấy các bệnh hoạn tật nguyền của ta”.
Bài ca “người tôi tớ đau khổ” (Is 52,13 - 53,12) được cả bốn sách tin Mừng vận dụng để giải nghĩa cái chết và sự phục sinh của Chúa, mỗi sách vận dụng một cách khác nhau; Mt trích
dẫn rõ ràng ở đây để cho thấy rằng khi chữa lành bệnh tật thì không
phải Chúa xua trừ nó, nhưng là mang lấy vào thân mình. Mc theo
phong cách khác trong nghệ thuật kể chuyện, không trích dẫn, nhưng kể
rằng sau khi đưa tay chạm vào người phong cùi để cho người ấy được lành
thì Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được mà ở lại nơi hoang
vắng (thế chỗ người phong cùi!) (Mc 1,45 và Is 53,3). Bài ca này còn chứa nhiều yếu tố khác sẽ được ứng nghiệm trong mầu nhiệm Chúa Giêsu chết và Phục Sinh. Lc dùng như một sơ đồ để viết trình thuật cuộc Thương Khó.
4/ Người tôi tớ hiền lành: Sau bài giảng về cung cách và số phận của ngươi được sai đi loan báo Tin Mừng (Mt 10), trong đó Chúa Giêsu đã nói đến sự bách hại và điều kiện để làm môn đệ, Mt tiếp
tục kể việc Chúa Giêsu đi rao giảng, chữa lành và khi bị chống đối thì
Chúa lánh đi và cấm người ta không được tiết lộ Người là ai. Để lý giải
thái độ này của Chúa, Mt 12,16-21 trưng dẫn bài ca thứ nhất về người tôi tớ của Thiên Chúa trong Is 42,1-7. Hiền lành, khiêm nhượng, thinh lặng là cung cách của người tôi tớ “không yếu hèn, không chịu phục cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu”. Chúa Giêsu mời gọi “Hãy
mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và
khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm
ái, gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30). Cung cách hiền lành, khiêm
nhường và thinh lặng sẽ thể hiện tuyệt vời trong cuộc Thương Khó, qua đó
Chúa Giêsu sẽ thực hiện sứ mạng Thiên Chúa trao như được diễn tả trong
bài ca: “Ta đã gọi ngươi vì muốn làm sáng tỏ Đức Công Chính của Ta.
Ta đã nắm tay ngươi, giữ gìn ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh
sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù
những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối
tăm” (Is 42,6-7). Mt sẽ cho thấy khi chết là lúc Chúa Giêsu đi vào phá ngục tù của cõi chết mà đưa những người bị giam giữ trong đó ra khỏi tù.
5-6/ Tin Mừng thời thơ ấu của Mt đã có nhiều ám chỉ, so sánh với chuyện Môsê và dân It-ra-en trong sách Xuất Hành. Cấu trúc phần thân của sách Mt
gom lời giảng dạy của Chúa Giêsu thành 5 bài giảng, khiến chúng ta
không thể không nghĩ tới Ngũ Thư (5 cuốn sách đầu của Cựu Ước) được coi
là Luật Giao Ước do Môsê ghi chép. Bài giảng đầu tiên là bài giảng trên
núi, trong đó Mt trình bày Chúa Giêsu như là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để mở miệng dạy dỗ chúng ta: “Thấy đám đông dân chúng, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng…”
(bản dịch CGKPV 1999 - đáng tiếc là lần tái bản năm 2008, nhóm “CGKPV”
đã bỏ cách dịch này vốn theo sát bản Hy Lạp, làm mất đi một khía cạnh
quan trọng của sự tương phản với cảnh trên núi Xinai như thấy sau đây).
Quang cảnh và cách Thiên Chúa nói trong sách Xuất Hành 19-20 thật là khác:
“Ông
Môsê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân
núi. Cả núi Xinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà
xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh… Ông Môsê
nói và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm” (Xh 19,17-18).
Kết quả là: “Khi
nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn
dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa. Họ nói với ông Môsê: “Xin chính ông
nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói
với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh 20,18-19).
Lời
truyền dạy của Chúa Giêsu là Luật của Giáo Ước Mới. Trong bài giảng này
Chúa Giêsu không bãi bỏ luật Môsê nhưng làm cho nó nên trọn vẹn. Luật
Giao Ước Mới được ghi trong lòng, trong tim nên phải tuân giữ tận đáy
lòng, phải thực hành với cả tấm lòng chứ không phải chỉ bề ngoài (x. Gr 31,33-34 và Ed 36,25-27).
Mỗi bài giảng đều kết thúc với một câu chuyển tiếp giống nhau:
“khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, đám đông dân chúng sửng sốt” (7,26);
“khi Đức Giêsu ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó” (11,1);
“khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó” (13,53);
“khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Galilê” (19,1);
“khi Đức Giêsu giảng dạy TẤT CẢ những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá” (26,1).
Sau
bài giảng trên núi, câu chuyển tiếp nêu phản ứng của dân chúng, cấu
trúc tương tự trong sách Xuất Hành, nhưng nội dung khác hẳn: “Khi
nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn
dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa. Họ nói với ông Môsê: “Xin chính ông
nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói
với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh 20,18-19). Còn khi nghe Đức Giêsu thì “đám
đông dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy
như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29).
Dân ở núi Xinai nghe sấm sét thì sợ, xin Môsê nói, đừng để Thiên Chúa
nói. Kinh sư giảng dạy Luật Môsê, chỉ lặp lại những gì đã nghe chứ không
dám nói điều gì mới. Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền, hơn
cả Môsê, vì Người là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” để “ngồi trên núi và
mở miệng” rao truyền Luật Giao Ước Mới.
Sau bài giảng 2, 3, 4 câu chuyển tiếp nêu sự di chuyển trong không gian: rời chỗ đó, đi khỏi nơi đó, rời khỏi miền Galilê (bản dịch ở đây sát với bản Hy Lạp).
Sau bài giảng thứ năm, câu chuyển tiếp có thêm một yếu tố: TẤT CẢ, và không nêu di chuyển trong không gian, nhưng loan báo biến cố sắp xảy ra: “hai ngày nữa là lễ Vượt Qua và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá.” Điều Chúa đã báo trước 3 lần, bây giờ sắp xảy ra: hai ngày nữa.
Câu chuyển tiếp này gợi lại lời ở cuối sách Đệ Nhị Luật: “khi ông Môsê đã nói xong tất cả những lời ấy với toàn thể It-ra-en, thì ông bảo họ…” (32,45).
Nhưng lời Chúa Giêsu bảo môn đệ “hai ngày nữa là lễ Vượt Qua và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá” lại gợi nhớ việc lập Giao Ước trong Xh 24,1-8:
“Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Hãy lên với Đức Chúa…
Ông Môse xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật…
Ông Môsê chép lại mọi lời Đức Chúa…
Sáng
hôm sau ông Môsê dạy sớm…Ông Môsê sai các thanh niên trong dân It-ra-en
dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông
Môsê lấy một nửa phần máu đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên
bàn thờ.
Ông
lấy cuốn sách Giao Ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức
Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” Bấy giờ, ông Môsê lấy
máu rẩy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh
em, dựa trên những lời này”.
Trình tự diễn biến sau đó đối chiếu sát đoạn sách Xuất Hành:
“Ngày
thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu:
“Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”
“Chiều
đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ… Rồi Người cầm lấy chén
rượu… “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội…”
Trong sách Xuất Hành, theo lời Thiên Chúa truyền, ông Môsê lên với Đức Chúa trên núi và “xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa”.
Trong Tin Mừng Mt 24,1-26,1 chúng ta gặp lại Chúa Giêsu trên núi, lần này thì núi có tên:
“Chúa Giêsu ngồi trên núi Ôliu, các môn đệ tới gặp riêng Người và thưa: “Xin Thầy nói cho chúng con biết…”
Kết thúc: “khi Đức Giêsu giảng dạy TẤT CẢ những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá”
Khi Chúa Giêsu đổ máu mình ra và chết trên thánh giá, chính là lúc Chúa lập Giao ước bằng Máu của Chúa. Mặc dù trong bản văn Mt Chúa Giêsu chỉ nói Giao Ước, không có chữ “Mới” như trong bản văn Lc,
nhưng đây là Giao Ước bằng Máu của Chúa chứ không phải bằng máu các
con vật như ở núi Xinai, và máu này lại đem ơn tha tội nữa, nên đương
nhiên là Giao Ước Mới.
7/
Đến đây còn phải chú ý tới một điều trong thân sách Tin Mừng Mt, đó là
ba lần Chúa Giêsu báo trước cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Mặc dù trong
bài giảng về thân phận người được sai đi loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu đã
nói đến điều kiện để theo Chúa, trong đó có sự bách hại và sự từ bỏ gia
đình, Chúa vẫn chưa nói đến thập giá. Chỉ sau khi thánh Phêrô tuyên
xưng “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa mới bắt
đầu nói đến viêc Chúa phải lên Giêrusalem và bị giết chết và ngày thứ ba
sống lại. Sau đó Chúa nói đến điều kiện để theo Chúa là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Như vậy cuộc Thương Khó là con đường Chúa phải đi qua mới nhận được
quyền năng của Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Sau khi Phục Sinh
Chúa mới tuyên bố “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất… Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (28,20).
Chết và phục sinh là cuộc tấn phong của Đức Kitô, là sự hiển linh trọn vẹn của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
3. Chúa Giêsu tự ý đón nhận cuộc Thương Khó.
Cuộc
thương khó không phải là một bất ngờ với Chúa Giêsu, vì Chúa đã báo
trước ba lần, và khi kết thúc hoạt động rao giảng, Chúa báo rõ: “Còn hai ngày nữa…” (26,1).
Phe
lãnh đạo họp nhau âm mưu thủ tiêu Chúa Giêsu cho gọn lẹ, không để dân
chúng can thiệp. Trong khi ấy Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà một người từng
bị phong cùi và đón nhận chai dầu thơm quí giá do một người phụ nữ trút
lên đầu Chúa, coi như chuẩn bị mai táng Chúa.
Đavit
được Sa-mu-en đổ nguyên một sừng dầu lên đầu để xức dầu cho ông làm vua
(I Sm 16,1-13). Chúa Giêsu cũng sắp nhận mọi quyền trên trời dưới đất
qua cái chết và phục sinh, nên Chúa chấp nhận được xức dầu.
Người ta nhân danh người nghèo để coi đó là phí phạm, thì Chúa nhận mình là một người nghèo đặc biệt “không có mãi đâu”.
Nghĩa tử là nghĩa tận, chỉ có thể mai táng Chúa một lần thôi. Người
nghèo thì người ta luôn có bên cạnh. Cử chỉ của người phu nữ này đuợc
gằn liền với Tin Mừng về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa: “Tin Mừng này được loan báo ở đâu trong thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô”. Trước khi Chúa lập bí tích Thánh Thể để chúng ta làm mà nhớ tới Chúa thì Chúa đã bảo “kể lại việc này mà nhớ tới cô”. Mt
không cho chúng ta biết tên người phụ nữ này, chúng ta chỉ nhớ đến
“người phụ nữ đã đổ dầu thơm lên đầu Chúa Giêsu để chuẩn bị mai táng”.
Đứng trước cái chết của Chúa thì người ta chỉ có thể làm một điều: yêu
mến và biết ơn. Người phụ nữ không tên này là khung hình để trống cho
mỗi người ghép hình của mình vô.
Đối ngược với hình ảnh người phụ nữ yêu mến và quảng đại, Mt tả Giuđa, một người trong nhóm Mười Hai là những người thân tín nhất của Chúa, như một kẻ tham tiền đi bán Thầy.
Trong
khi người ta âm mưu giết Chúa và một người trong nhóm 12 tiếp tay cho
họ, thì Chúa Giêsu sai môn đệ đi dọn ăn lễ Vượt Qua. Trong bữa ăn này
Chúa cho nhóm 12 biết là một người trong các ông sẽ nộp Chúa, rồi Chúa
lập bí tích Thánh Thể như bí tích của Giao Ước Mới. Người ta mưu giết
Chúa nhưng Chúa dùng bàn tay sát nhân của họ để hoàn thành sứ mạng của
Chúa.
Chúa
lại ra núi Ô-liu để chính thức đi vào cuộc khổ nạn từ chính nơi Chúa đã
báo: hai ngày nữa! Chúa cũng chấp nhận cả sự phũ phàng là đêm nay đàn
chiên của Chúa sẽ tan tác: nhóm 12 sẽ bỏ Chúa và Phêrô, người đã tuyên
xưng “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” sẽ chối Chúa nhanh hơn
gà gáy. Chúa chấp nhận tất cả và Chúa báo cho họ biết là Chúa sẽ trỗi
dậy và về Galilê trước họ. Hẹn gặp lại ở Galilê, nơi Ngài và các môn đệ
đã bắt đầu, để lại bắt đầu.
Chúa
đi vào cầu nguyện để thưa “VÂNG” với Chúa Cha. Một mình đối diện với
Chúa Cha thì Chúa Giêsu không dấu nỗi buồn rầu xao xuyến: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”.
Nhóm 12 đã bỏ Chúa từ lúc này rồi. Ba người thân tín nhất cũng bỏ Chúa
một mình, không thức nổi với Chúa. Ba lần cầu nguyện, Chúa chỉ làm một
việc là nộp mình để thi hành ý muốn của Cha. Chúa đã chiến thắng nỗi
“buồn đến chết được” để ra đón cái chết: “Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!”
Chúa
Giêsu đã chiến thắng trong cầu nguyện rồi nên giờ đây Chúa hoàn toàn
làm chủ tình hình: Chúa ra đón kẻ phản nộp và những kẻ đến bắt Chúa.
Chúa vạch cho Giuđa thấy ông ta đang làm gì, Chúa ra lệnh cho môn đệ
không dùng bạo lực, hãy để cho kế hoạch của Thiên Chúa thể hiện.
Chúa
vạch trần sự ám muội của những kẻ đến bắt Chúa và cho thấy mọi toan
tình của họ không qua khỏi kế hoạch của Thiên Chúa mà các ngôn sứ đã
loan báo.
4. Phi pháp.
Luật
Rôma cũng như luật Môsê đều không chấp nhận bắt người ban đêm trừ khi
là bắt quả tang trôm cướp. Vì thế Chúa Giêsu bảo bọn thủ lãnh và sai nha
đến bắt Chúa: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt tôi…” Rồi Chúa cho biết đó là “để ứng nghiệm lời chép trong sách các ngôn sứ.” Bài ca “người tôi tớ đau khổ” đã nói “Người bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12).
Không
có luật pháp nào cho phép xét xử ban đêm, thế nhưng kinh sư và kỳ mục
đã tụ họp sẵn tại nhà thương tế Cai-pha chờ sai nha giải Chúa Giêsu tới.
Họ họp nhau không phải để xét xử, nhưng là “tìm lời chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình”. Hôm trước họ đã họp nhau “bàn tính dùng mưu bắt Đức Giêsu” (26,4), bây giờ bắt được rồi thì phải tính bước tiếp theo: “tìm lời chứng gian”. Họ thất bại thê thảm: “Nhưng họ không tìm ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian”. Chúa Giêsu là Đấng Công Chính, trong sáng đến nỗi tìm chứng gian cũng không nổi!
Đến lúc Thượng Tế Cai-pha chứng tỏ bản lãnh của ông: tìm chứng gian không được thì ông phải dựa vào sự thật để kết án tử hình: “nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không?”
Chúa Giêsu vẫn thinh lặng khi người ta tìm chứng gian. Bây giờ Thượng
Tế đòi biết sự thật nhân danh Thiên Chúa hằng sống. Sự thật ấy chính ông
ta phát biểu, trùng với lời tuyên xưng của thánh Phêrô lúc ở Galilê.
Chúa Giêsu xác nhận lời ông nói và còn giải thích thêm bằng lời trong
sách Da-ni-en 7,13. Thượng Tế hùng hồn minh họa lời phán xét bằng cử chỉ xé áo: “Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm thượng, quý vị nghĩ sao?”
“Họ liền đáp: nó đáng chết!”
Thượng tế thành công một trăm phần trăm! Họ hả hê đắc thắng. Chúa Giêsu
tiếp tục im lặng, mặc cho họ đấm đánh, khạc nhổ vào mặt và chế diễu. Người tôi tớ bị ngược đãi của bài ca thứ ba Is 50,4-9 đang ở trước mắt chúng ta: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, đưa má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”.
5. Phêrô khóc lóc thảm thiết.
Phêrô đã thề thốt quyết liệt: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy” (26,35). Nhưng khi Chúa Giêsu đã tự nộp mình thì “bấy giờ tất cả các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (26,56).
Có một người tỏ ra lì hơn: “Ông Phêrô theo Người xa xa, đến tận dinh thượng tế. Ông vào bên trong ngồi với đám thuộc hạ, xem kết cuộc ra sao?”
Kết
cuộc là thế này đây: đang khi trong đại sảnh, thượng tế dùng đến thủ
đoạn cuối cùng để yêu cầu Chúa Giêsu xác nhận điều ông Phêrô đã tuyên
xưng khi còn ở Galilê: “Lúc ấy ông Phêrô ngồi ngoài sân. Một người tớ
gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giêsu, người
Galilê!” Ông liền chối trước mặt mọi người: “Tôi không biết cô muốn nói
gì!”
Chuyện lặp lại nguyên văn với một người tớ gái khác. Lần thứ ba thì không phải một tớ gái mà là cả bọn đứng đó nhao nhao lên: “Đúng là bác cũng thuộc nhóm họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay”. Bị bắt thóp, hết đường chối, ông Phêrô cũng dùng biện pháp cuối cùng, đối xứng với thượng tế ở trong kia: “Bấy giờ ông liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi không biết người ấy”.
Nhưng có một lời mạnh hơn lời thề độc địa của ông: “Lúc đó gà liền gáy. Ông sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy đến ba lần”.
Tim ông tan chảy khi nhớ lại lời ấy: “Ông ra ngòai khóc lóc thảm thiết”.
6. Giuđa không biết khóc.
Cuộc họp ban đêm kết thúc với lời hô hoán: “Nó đáng chết!”. Nhưng chuyện không đơn giản, vì muốn giết được Chúa Giêsu phải qua tay tổng trấn Rôma là Philatô. “Trời
vừa sáng, tất cả các thượng tế và kỳ mục trong dân bàn kế hại Đức Giêsu
để giết được Người. Rồi họ trói Người lại và điệu đi nộp cho tổng trân
Philatô”.
Phêrô
theo vào trong sân để xem kết cuộc ra sao. Kết cuộc là ông chối Chúa ba
lần trước khi gà gáy, rồi nhờ tiếng gà gáy ông nhớ lại lời Chúa Giêsu
và “ra ngoài khóc lóc thảm thiết”.
Mt không cho biết Giuđa ở đâu trong đêm ấy.
Đến khi “họ trói Chúa Giêsu lại và điệu đi nộp cho cho tổng trấn Philatô” thì Mt cho chúng ta gặp lại Giuđa: “Bấy giờ Giuđa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận”.
Làm sao bây giờ?
Giuđa không nhớ lại lời nào của Chúa, nhưng nhớ lại lời những kẻ đã ngả giá với ông và quay lại gặp họ: “Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp máu người vô tội”.
Thật phũ phàng. Họ đâu phải là bạn hữu của Giuđa. Tiền trao cháo múc. Chúa Giêsu đã vào tay họ, tiền đã trao tay Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh.”
Đất sụp dưới chân Giuđa. Không còn ai, không còn gì trên mặt đất niú ông lại.
Giuđa bỗng thấy mình lơ lửng giữa trời và đất. Ông chọn ở lại trong tư thế này.
Sợi giây vĩnh viễn không bao giờ cho tiếng khóc bật lên từ cổ họng ông được nữa.
7. Philatô và máu người vô tội.
Các
tổng trấn Rôma cai trị xứ Giuđa từ khi A-khê-la-ô con của Hêrôđê Cả bị
phát lưu (năm 6 sau CGS), chẳng có vị nào yêu thương cái dân bị trị này.
Họ chỉ đua nhau tàn ác và bóc lột. Philatô sau này cũng sẽ bị phát lưu
vì quá tàn bạo.
Hôm nay lãnh đạo dân Giuđa lại tỏ ra phục quyền, dẫn một người đến xin ông Philatô xử. Philatô chỉ hỏi Chúa một câu: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Chúa cũng chỉ trả lời một lần. Câu trả lời của Chúa nghe bí ẩn : “Chính ngài nói đó”.
Những kẻ tố cáo thì um sùm. Chúa Giêsu chỉ im lặng. “Tổng trấn Philatô rất đỗi kinh ngạc”. “Thật vậy, ông thừa biết vì ghen tị mà họ nộp Người.”
Bà vợ làm cho ông thêm lúng túng với lời nhắn: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy”.
Philatô phải đối diện với những kẻ đòi giết. Làm sao né vụ này đây. Philatô đề nghị tráo con bài:
Tráo mạng Giêsu, người vô tội bằng mạng “một người tù khét tiếng tên là Ba-ra-ba”. Philatô tính sai nước cờ. Ba-ra-ba là người của họ! Họ xúi dân (đám đông có mặt đó) hô “Ba-ra-ba!”. Philatô ra mặt bênh người vô tội: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Nhưng họ chỉ muốn giết, không cần lý do gì cả: “Đóng đinh nó vào thập giá”.
“Ông
Philatô thấy đã chẳng đươc ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước
rửa tay trước mặt đám đông mà nói: ”Ta vô can trong vụ đổ máu người này.
Mặc các ngươi liệu lấy”.
Các thượng tế và kinh sư cùng đám đông hùa theo họ hiểu rất rõ cử chỉ của Philatô, và họ chấp nhận: “Máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi.” Philatô nhượng bộ hoàn toàn: “Bấy giờ ông thả Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giêsu thì ông truyền đánh đòn, rồi trao nộp Người để Người chịu đóng đinh vào thập giá.”
Có những điều nghịch lý cần nghiền ngẫm ở đây.
Các thượng tế và kinh sư phủi tay với Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh”
Philatô rửa tay trước mặt họ: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy”
Câu
hỏi của ông chứng tỏ ông biết và nhìn nhận Chúa Giêsu vô tội và đám
đông hiểu ông muốn nói gì. Khi định đoạt về số tiền Giuđa quăng trả lại,
các thượng tế và kinh sư biết đó là “giá máu”. Nhưng trong phút quyết
liệt này họ nhận trách nhiệm: “Máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi”.
Họ không biết là máu Chúa Giêsu là “máu Giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội”.
Cái vô lý là tất cả: Giuđa, Philatô, các thượng tế và kinh sư, đều nhìn nhận Chúa Giêsu vô tội nhưng vẫn bắt Chúa phải chết.
Giuđa nhìn nhận: “Tôi đã phạm tội nộp máu người vô tội”
Philatô với “bàn tay sạch” trao Chúa Giêsu để chịu đánh đòn. [Đánh đòn là để cho mau chết trên thập giá]. “Rồi ông trao nộp Chúa Giêsu để Người chịu đóng đinh vào thập giá”.
Mt
kể vắn tắt như thể lính đánh đòn rồi điệu đi đóng đinh không qua trước
mặt Philatô nữa, nhưng câu tóm tắt vừa nêu lại cho thấy là hai hồi khác
nhau và đều có sự chỉ đạo của Philatô: “Ông truyền đánh đòn rồi trao nộp để Người chịu đóng đinh vào thập giá.”
Lính của tổng trấn thực hiện việc đổ máu.
Đấng vô tội thì im lặng như con chiên bị đem đi làm thịt, “Người chẳng hề mở miệng”
Lính đem Chúa Giêsu đi đánh đòn, chế diễu dựa trên câu hỏi đầu tiên họ đã nghe từ miệng Philatô: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”
“Chế diễu chán… chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá”.
Thế là Giuđa nộp máu người vô tội, Philatô cũng nộp máu người vô tội.
Các thượng tế và đám đông hứng máu người vô tội cho mình và cho con cháu.
Mt 27,25 viết: “toàn dân đáp lại: Máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi”.
Trong lịch sử, người Kitô hữu thường hiểu rằng dân Do Thái bị tan tác
vì đã đổ máu Chúa Giêsu. Nhưng Sách Thánh không cho phép giải thích như
vậy, bởi vì Máu Chúa Giêsu là máu ban ơn tha tội như chính Chúa tuyên bố
khi lập bí tích Thánh Thể. Thư gởi tín hữu Hip-ri cũng nói: “Anh em
đã tới cùng vị trung gian Giao Ước Mới là Đức Giêsu và được Máu của
Người rảy xuống, máu đó kêu lên còn mạnh hơn cả máu A-ben” (Hr 12,24). Máu A-ben kêu lên xin Thiên Chúa xét xử, còn máu Chúa Giêsu “mạnh hơn” vì đem lại ơn tha tội và đưa vào Giao Ước mới.
“Ông Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động” (27,25)
Cái “ích” mà Philatô tìm là cái gì? Ông muốn tha Chúa Giêsu hay muốn dân để cho ông yên? Nếu ông muốn tha “người công chính” vì “ông thừa biết vì ghen tị mà họ nộp Người”
thì đề nghị của ông là sai lầm lớn. Nếu ông muốn bênh vực công lý thì
ông chỉ có một đường là thi hành trách nhiệm và chấp nhận hậu quả. Ông
cứ việc tuyên bố tha Chúa Giêsu vì không có lý do gì để buộc tội. Nhưng
cái “ích” mà ông tìm là được yên thân! Khi quyết định “trao nộp Người để chịu đóng đinh vào thập giá” thì ông cũng đi vào cái vòng di chuyển của họ: “vì ghen tị mà họ nộp Người” cho ông và gào xin “đóng đinh nó vào thập giá”, đến lượt ông thì vì muốn yên thân “ông trao nộp Người để chịu đóng đinh vào thập giá” như họ xin.
Tất cả những điều nghịch lý, những cái biết và không biết Mt gợi cho người đọc trình thuật cuộc Thương Khó này tới đây đã cho thấy là những gì ngôn sứ Isaia mô tả trong bài ca “người tôi tớ đau khổ” (52,13 – 53,12)
được thực hiện rất sát. Bài ca này làm rõ nghĩa cái chết có vẻ vô nghĩa
của Chúa Giêsu. Đến đây có thể tạm ngừng để nghiền ngẫm bài ca của Isaia một lần trước khi đọc tiếp bài Thương Khó.
8. Chúa Giêsu trên thập giá.
“Lính điệu Chúa Giêsu đi đóng đinh vào thập giá. Đang đi ra, chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn, chúng bắt ông vác thập giá của Người”.
Mt không
nói tại sao lại như vậy và chúng ta cũng đừng “chia trí” đi hỏi tại
sao. Hãy nhìn hình ảnh Si-môn vác thập giá và để cho những lời khác
trong sách Tin Mừng vang vọng trong tâm trí để hiểu Mt muốn truyền đạt điều gì.
Chúa
Giêsu đã tuyên bố điều kiện để theo Chúa là vác thập giá. Những người
đã theo Chúa bấy lâu nay đều đã bỏ chạy. Si-môn Phêrô, người thề thốt
hùng hồn quyết liệt nhất thì đã chối Chúa nhanh hơn gà gáy và bây giờ
đang ngồi đâu đó khóc lóc thảm thiết. Lính gặp một người trùng tên
Simôn, chỉ có điều ông là người Kyrênê, bên kia Địa Trung Hải… tình cờ
đi ngang bị lính gặp và bắt vác thập giá của Chúa.
Thập
giá của Chúa?! Thật ra thì cả trình thuật đã cho thấy rõ là Chúa vô
tội, mọi người trong cuộc đều nhận ra là Chúa vô tội. Vậy thì thập giá
này là của ai? Của mỗi người chúng ta là kẻ có tội đấy. Chúa vác là để
cho chúng ta có thể vác mà đi đàng sau Chúa. Vác thập giá một mình và đi
một mình thì chẳng có nghĩa gì cả. Simôn vác thập giá là hình tượng
người môn đệ đúng nghĩa Mt khắc họa cho chúng ta đấy.
Chúng cho Người uống rượu pha mật đắng (Tv 69,22) đến đây Mt
kể những chi tiết gợi nhớ các thánh vịnh về người công chính bị bách
hại: 69; 38; 22 và 18. Các thánh vịnh là lời kinh quen thuộc của các tín
hữu, nên chỉ cần nêu lên những từ ngữ quen thuộc trong đó là người nghe
liên kết được liền và thấy rõ Chúa Giêsu đang chịu số phận của người
công chính bị bách hai. Lời sách Thánh ứng nghiệm đến từng chi tiêt.
Đóng đinh Người vào thập giá xong…
Mt không nói đến hình dạng cây thập giá cũng không nói đến những chi
tiết khác, chúng ta cũng đừng “chia trí”, cư theo sát những gì được kể
cho chúng ta. Chúng đem áo Người ra bắt thăm. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người” (Tv 22,18-19).
“Người này là Giêsu, vua dân Do Thái”. Đó là bản án viết treo trên thập giá phía trên đầu Người. Thế là Philatô chiếu tướng ngược! Philatô đã hỏi Chúa Giêsu “Ông có phải là vua dân Do Thái không”;
dĩ nhiên là ông nghe qua những kẻ nộp Chúa Giêsu cho ông. Phe lãnh đạo
và đám đông nhất định đòi đóng đinh người vô tội, mặc dù Philatô nuốn
tha. Bị áp lực phải đổ máu người vô tội thì Philatô biến thành công
trạng của mình, bằng cách viết bản án như thế. Ông có thể báo cáo thành
tích là đã đóng đinh được vua dân Do Thái, mọi người đều có thể làm
chứng cho ông! Chuyện sẽ đến tai Hoàng đế ở Rôma và Philatô sẽ được ghi
công.
Một bất ngờ nữa trước mắt chúng ta: “Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, mỗt tên bên trái”.
Điều Chúa Giêsu chất vấn những kẻ đến bắt Chúa thì bây giờ họ trả lời:
họ đặt Chúa giữa hai tên cướp, coi như Chúa là tướng cướp. Hợp như lời
Kinh Thánh: “Người bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12).
“Kẻ qua người lại đều nhục mạ người”.
Dậu đổ bìm leo. Những cám dỗ của Xatan trong hoang địa bây giờ trở
thành khúc khải hoàn với một giàn hợp xướng nhiều bè: kẻ qua người lại,
thượng tế và kinh sư, hai tên cùng bị đóng đinh. Điệp khúc là một biến
tấu của câu “Nếu hắn là Con Thiên Chúa”. Nỗi đau xé lồng ngực Chúa Giêsu trên thập giá vì không chỉ Người, mà chính Chúa Cha bị nhục mạ, thách đố.
“Âu cũng vì Ngài mà con bị người đời thóa mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày…
Lời thóa mạ làm tim này tan vỡ, con héo hắt rã rời,
Nỗi sầu riêng mong người chia sớt, luống công chờ không được một ai,
đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu”
Thay vì đồ ăn chúng trao mật đắng, con khát nước lại cho uống giấm chua”
(Tv 69,8.21-22) .
9. Thiên Chúa trả lời
“Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín”
Lời mô tả này gợi cho chúng ta hình ảnh cuộc hiển linh của Thiên Chúa để phán xét: “Ta sẽ truyền cho mặt trời lặn giữa trưa, và khiến cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng” (Amốt 8,9) và cũng là để cứu độ. Khi đưa dân Chúa ra khỏi Ai Cập, “Chúa giăng mây làm màn che phủ họ” (Tv 105,39; x.Xh 14,19).
Khi Thiên Chúa xuống trên núi Xinai để ban truyền Luật Giao Ước thì “Núi
bốc lửa cao đến tận trời, trong bóng tói mây đen mù mịt. Đức Chúa phán
với anh em từ trong đám lửa, anh em nghe thấy tiếng nói nhưng không thấy
hình bóng nào, chỉ có tiếng thôi” (Đnl 4,11-12).
Cả
ba khung cảnh này đều có thể giúp chúng ta hiểu về bóng tối giữa trưa.
Thiên Chúa đến phán xét và cứu Con của Người đồng thời xác lập Giao Uớc
bằng Máu của Chúa Giêsu. Thiên Chúa trả lời những kẻ thách đố: “Hắn cậy vào Thiên Chúa thì bây giờ Thiên Chúa đến cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là con Thiên Chúa”.
Chính Thiên Chúa đã nói với Chúa Giêsu ở bờ sông Giođan và với các môn
đệ ở trên núi. Thiên Chúa hiển linh, lấy bóng tối che cho Con trong
cuộc Vượt Qua này. Thánh vịnh 18 (17) diễn tả cảnh người công chính tin tưởng vào Chúa và kêu cầu khi “sóng tử thần dồn dập chung quanh…” thì:
“Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù, ngự trên thần hộ giá, trên cánh gió lượn bay: Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen nghịt làm trướng che thân…”(câu10-12)
Trong quang cảnh hiển linh ấy, Mt cho chúng ta nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu qua thánh vịnh 22(21),
là thánh vịnh diễn tả rất sát hình ảnh Chúa Giêsu bị treo trên thập
giá. Lời cầu nguyện cũng bị xuyên tạc để chế diễu. Có kẻ đưa giấm lên
cho Chúa uống: ứng nghiệm thánh vịnh 69,22. Thánh vịnh 18 vừa kể trên : “Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa… Từ Thánh Điện Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu” (câu 7).
“Đức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn rồi trút hơi”
(dịch sát bản Hy Lạp). Tiếng thét này gợi lên tiếng của Thiên Chúa phán
xét và tiếng của Con Thiên Chúa đã nát tan kiệt sức. Cha Con gặp nhau
trong một tiếng thét chung, làm nên nét bi hùng nhất:
Khi Thiên Chúa hiển linh để bênh vực Đấng Ngài đã xức dầu: “Nổi trận lôi đình Ngài quát nạt”( Tv 2,5); “Chúa nổi sấm vang trời, Đấng Tối Cao lớn tiếng”( Tv 18,14).
Tv 38,9: “Bị suy nhược, nát tan kiệt sức, Tim thét gào thì miệng phải rống lên”.
10. Khai mở một kỷ nguyên mới
“Bỗng bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới.”. Bức
màn trướng trong Đền Thờ tức là bức màn ngăn nơi Cực Thánh, mỗi năm
thượng tế qua bức màn này vào phía trong nơi Cực Thánh một lần ngày lễ
xá tội (Xh 26,31-34; 36,35-36 và Levi,16). Thư Hip-ri, chương 9 diễn tả ý nghĩa của cái chết hiến tế của Chúa Giêsu: Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ chỉ là hình bóng: “Thánh Thần tỏ cho biết là lối vào thánh điện chưa được mở bao lâu lều thứ nhất vẫn còn đó” (Hr 9,8). “Đức
Kitô đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn… Máu của Đức Kitô còn
thanh tẩy lương tâm chúng ta… để chúng tra phụng thờ Thiên Chúa hằng
sống. Đó là máu của Đấng đã tự hiến tế, làm lễ vật vô tì tích cho Thiên
Chúa, nhờ Thần Khí hằng hữu thúc đẩy. Bởi vậy Người là trung gian của
một Giao Ước Mới” (Hr 9,11-15).
“Đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy”. Khi Thiên Chúa ngự xuống trên núi Xinai thì “cả núi rung chuyển mạnh” (Xh 19,18). Khi Thiên Chúa xuất hiện để bênh vực người công chính: “Trái đất bỗng ầm ầm rung chuyển, chân núi đồi chấn động lung lay và Chúa nổi lôi đình” (Tv 18,8).
Bóng
tối và động đất là dấu hiệu hiển linh của Thiên Chúa. Với cái chết của
Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã hiển linh để khai mở một ỷ nguyên mới, trong
đó Thiên Chúa thật sự “ở với chúng ta”, không còn bức màn ngăn cách.
Cuộc
hiển linh này là cuộc chiến thắng cả trong cõi chết: Chúa Giêsu đi vào
cõi chết, tiêu diệt cả quyền lực của cái chết vốn ngự trị từ khi tội lỗi
vào được thế giới loài người.
Mt sử dụng một ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh rất hiện đại để gợi cho chúng ta cảnh Chúa Giêsu đi vào cõi chết và chiến thắng.
Chúng
ta hãy mường tượng một cuốn phim, trong đó vị anh hùng phải tiêu diệt
cho được một kẻ thù hung dữ vốn ẩn núp rất kỹ. Cuối cùng trên màn hình
chúng ta thấy vị anh hùng một mình một súng thận trọng từng bước tiến về
một ngôi nhà trong rừng sâu mà ta chỉ đoán được vì có một đốm lửa phía
trước… rồi ta bỗng nghe tiếng súng nổ, lửa chớp qua khung cửa sổ vừa bật
tung… rồi im lặng … vị anh hùng với họng súng còn bốc khói đứng giữa
mấy cái xác chết, trong một góc, mấy ngượi bị bắt làm con tin đang ngóc
đầu lên, vừa mừng vừa sợ.
“Thấy
động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng
ông canh giữ Đức Giêsu đều rất sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con
Thiên Chúa”. Những người ngoại đạo nhận ra ý nghĩa của các dấu hiệu. Mt 8, 5-13 đã kể chuyện một viên đại đội trưởng đến xin Chúa chữa một tên đầy tớ của ông và được Chúa khen: “Tôi không thấy một người nào trong dân It-ra-en có lòng tin như thế” và Chúa tuyên bố: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng Ap-ra-ham, I-xa-ac và Gia-cop trong Nước Trời”.
Lời ấy đã thành sự thật ngay lúc này. Họ đã nhận ra sự hiển linh của
Thiên Chúa. Họ là những người đầu tiên nhận ra vị anh hùng đến giải cứu.
“Ở đó, có nhiều phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã đi theo Đức Giêsu từ Galilê để phục vụ Người…”
Nhìn hình ảnh này, chúng ta lại chợt hỏi, các bà đứng đây, tuy đứng
nhìn từ đàng xa, còn những người môn đệ thân tín thì đâu hết rồi! Mt cho chúng ta thấy nốt quang cảnh người “tội nhân lâm cơn cùng khốn” mô tả trong thánh vịnh 38,12: “Con bị tai ương, người thân kẻ nghĩa chẳng tới gần, bà con ruột thịt cũng đứng xa”. Chúa Giêsu vô tội nhưng đã bị liệt vào hàng tội nhân và chịu tất cả thân phận của một tội nhân, “nhưng thực ra Người đã mang lấy tội muôn người” (Is 53,12).
“Chiều đến, có một nguời giàu sang đến…”. Mt tiếp tục gợi
cho chúng ta hình ảnh người tôi tớ đau khổ, bị liệt vào hàng tội nhân,
chết giữa các tội nhân nhưng lại có phần mộ với người giàu có (Is 53,9).
Ông Giô-xép người Arimathê, là người giàu sang mà cũng là môn đệ Đức
Giêsu, lần đầu tiên xuất hiện trong sách Tin Mừng. Ông xin được xác Đức
Giêsu, “lấy tấm vải gai sạch mà liệm và đặt vào ngôi mộ mới ông đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông.”
Thế
là thập giá của Chúa thì ông Simôn vác nhưng Chúa chịu đóng đinh trên
đó, còn mộ của ông Giô-xép thì chính ông lai đặt xác Chúa Giêsu vào đó, “lăn tảng đá lấp cửa mộ, rồi ra về. Thế là trọn vẹn: người đã chết và chịu mai táng vì đã mang lấy tội lỗi của chúng ta.
Một lần nữa Mt kéo
chúng ta chú ý tới hai người phụ nữ cùng mang tên Maria, hai bà ngồi
lại đó, quay mặt vào mộ. Hình ảnh chuyển tiếp sang cảnh tiếp theo.
Ta hãy tạm ghi nhận tên các nhân vật: Giô-xép và Maria. Mở đầu sách tin Mừng, Mt đã kể trong gia phả: “ông Gia-cóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, do bà mà Đức Giêsu sinh ra, gọi là Kitô”.
Trong phần đầu gia phả có tên ông Giacop. Ông Giacop cũng có một người
con tên là Giuse, người đã bị bán sang Ai Cập, nhưng lại cứu được cả
gia đình khỏi chết đói bằng cách đưa cả gia đình sang Ai Cập. Ông Giuse
mới cũng có nhiệm vụ cứu “hài nhi và mẹ người” khỏi tay Herođê bằng cách trốn sang Ai Cập.
Khi
Chúa Giêsu chết thì laị có một ông Giuse cứu xác Chúa khỏi bị quăng vào
hố tập thể, mai táng đàng hoàng trong ngôi mộ của ông, có hai bà cùng
tên Maria ngồi quay vào mộ.
Trong truyện Môsê thì Môsê được đặt trong thúng, thả giữa đám sậy trên sông Nin, có “người chị (tên là Maria) đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra...” (Xh 2,1-5).
Cùng với hai bà ta hãy chờ xem cái gì sẽ xảy ra!
11. Chuyện bịp bợm cuối cùng, hồi một.
Giết
được Chúa Giêsu rồi mà phe thượng tế và kinh sư vẫn chưa chịu ngồi yên.
Họ đến xin Philatô cho niêm phong và đặt lính canh mộ. Họ gọi Chúa
Giêsu là “tên bịp bợm” và họ cũng biết lời Chúa báo trước là “sau ba ngày Ta sẽ trỗi dậy”, họ sợ môn đệ “đến
lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như
thế chuyện bịp bợm cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước”.
Lối châm biếm của Mt
thật là thú vị. Chúa bị bắt thì môn đệ chạy trốn hết, còn ai mà đến lấy
trộm xác! Có một ông môn đệ “chui” bỗng dưng xuất hiện thì lại để đi
xin xác mà chôn. Niêm phong và đặt lính canh để làm gì? Để làm chứng là
Chúa đã sống lại thật à?!
Hãy chờ xem ai là kẻ bịp bợm, đâu là chuyện bịp bợm truớc và đâu là chuyện bịp bợm cuối cùng?
12. Tin Mừng chiến thắng
“Khi ngày thứ nhât trong tuần sắp bắt đầu”, ta lại thấy hai bà trùng tên Maria hôm trước ngồi quay vào mộ bây giờ đi ra mộ.
“Bỗng
đất rung chuyển dữ dội; thiên sứ của Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng
đá ra, rồi ngồi lên trên, diện mạo Người như ánh chớp, và y phục trắng
như tuyết”.
Đất
lại rung chuyển dữ dội như khi Chúa Giêsu trút hơi. Lần này thì không
thấy đá vỡ, nhưng có sứ thần của Chúa từ trời xuống lăn tảng đá lấp cửa
mồ ra, rồi ngồi lên trên. Mt cho biết ngay nhân vật này là sứ thần của Chúa từ trời xuống, diện mạo như ánh chớp, áo trắng như tuyết, so với lúc Chúa Giêsu hiển dung: “dung nhan Người chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”
thì thua xa. Vậy thì đúng là thiên sứ chứ không phải là chính Chúa
Giêsu phục sinh. Sau khi Chúa Giêsu chiến thắng Xa-tan trong hoang địa
thì “có các thiên sứ đến hầu hạ Người”, hôm nay Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, vào trong vinh quang, thi thiên sứ đến với diện mạo như ánh chớp
để long trọng mở cửa mồ và ngồi lên trên. Hình ảnh rõ ràng diễn tả sự
chiến thắng, như trong đô vật, người chiến thắng ngồi lên trên kẻ thua.
Hình ảnh gợi lên thánh vịnh 110,1: “Bên hữu Cha đây Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.”
Tình thế đảo ngược: “Thấy Người, lính canh sợ hãi run rẩy và ra như chết” (dịch sát).
Còn các bà thì được thiên sứ cho biết là “phe ta” và cho biết cái gì đã xảy ra trong ngôi mộ mà hôm trước các bà đã ngồi nhìn: “Phần
các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng chịu đóng
đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các
bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế
này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi đến Galilê trước các
ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay. ”
Thế
là chuyện mà mấy ông thượng tế và Pharisêu lo sợ thì đã xảy ra, nhưng
không phải như họ tuởng tuợng: Người không còn trong mộ. Đất sợ rung
chuyển mạnh, lính sợ run lẩy bẩy, ra như chết; Thiên sứ từ trời xuống
phục vụ: mở cửa, tiếp khách, trả lời, mời các bà vô nơi Người đã nằm mà
kiểm chứng, truyền đạt mệnh lệnh. Mọi sự đúng như lời Chúa đã báo trước.
Ngay trên đường ra núi Ô-liu, khi Chúa Giêsu báo trước việc các môn đệ
tan tác thì Chúa đã bảo “sau khi trỗi dậy Thầy sẽ đến Galilê trước anh em.”
“Các bà vội vã rời khỏi mồ, vừa sợ hãi, vừa rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho các môn đệ Đức Giêsu”. Đi báo Tin mừng thì lòng đầy vui mừng, phải vội vã chứ làm sao mà đi chậm được!
Nhưng
Chúa Giêsu cũng nóng ruột không chờ được. Chúa đón gặp các bà, cho các
bà niềm vui được thấy, được ôm lấy chân Chúa và được nghe chính Chúa
truyền lại điều thiên sứ nói.
13. Chuyện bịp bợm cuối cùng, hồi cuối.
Trong
khi các bà rất đỗi vui mừng chạy đi báo tin, được Chúa đón gặp, cho
niềm vui trọn vẹn và xác nhận sứ mạng của các bà là đi báo tin cho các
môn đệ, thì bọn lính canh cũng hoàn hồn, lo lắng chạy về báo cáo cho
những người đã trao nhiệm vụ cho họ “biết mọi việc đã xảy ra”.
Lại một phen lúng túng hơn nữa. Họ họp, bàn và có giải pháp: tiền! lại
tiền! Công quỹ thiếu gì tiền! Người Việt nam thế kỷ 21 cũng nói: “Tiền
nhà nước tiêu như nước”. Hôm trước họ cho Giuđa ba chục đồng bạc để nộp
Chúa cho họ, hôm nay “họ cho lính một số bạc
lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: “Ban đêm đang lúc chúng tôi
ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”. Nếu sự việc này đến tai
tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với ông ấy và lo cho các anh được
vô sự”.
Thế là vừa có tiền vừa được nhà cầm quyền che chở!
Thực
tế hai ngàn năm trước lại phản ánh đúng bài vè trào phúng của người
Việt Nam thế kỷ hai muơi mốt, khai triển câu châm ngôn “có tiền mua tiên cũng được”:
“Ôi
đồng tiền, là tiên là phật, là sức bật của con người, là tiếng cười của
tuổi trẻ, là sức khỏe của người già, là cái đà của danh vọng, là cái
lọng để che thân, là cán cân của công lý. Ôi đồng tiền: hết ý”.
“Lính đã nhận số bạc và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay”.
Chỉ
cần có một giọt trí khôn cũng đủ để biết thắc mắc: “Sao bọn lính có
nhiệm vụ canh gác mà lại ngủ? Ngủ thì làm sao biết là môn đệ đến lấy
trộm xác? Sao lính không hoàn thành nhiệm vụ mà không bị phạt? Sau này
trong sách Công Vụ (ch.12,1-19), một toán lính 16 người canh ngục giữ
ông Phêrô. Ban đêm thiên thần vào ngục giải cứu ông Phêrô. Đến sáng cửa
ngục vẫn đóng, lính vẫn gác nghiêm chỉnh chứ không ngủ, nhưng không thấy
ông Phêrô đâu! Cả 16 người đã bị vua Agrippa truyền xử tử.
Nhưng chuyện cho tiền bọn lính để ra quán rượu tung tin, cũng làm trọn thêm lời thánh vịnh:
“Bọn ngồi lê đôi mách cứ gièm pha,
Quân rượu chè cũng đặt vè châm chọc” (Tv 69,13)
Thế là bằng một lối châm biếm thâm thúy, Mt
vạch cho thấy ai là kẻ bịp bợm, đâu là sự bịp bợm cuối cùng. thượng tế
và kỳ mục là giới lãnh đạo, có nhiệm vụ dạy dỗ dân, đã thành thầy dậy sự
dối trá.
14. Gia phả tiếp tục với những người rao giảng sự thật.
Mt tiếp tục kể chuyện mười một môn đệ sau khi nhận được tin nhắn của Chúa Giêsu: “Về Galilê gặp lại”. Tin nhắn vắn gọn được tiết lộ cho chúng ta không nói rõ điểm hẹn. Nhưng các môn đệ biết điểm hẹn: “các ông đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền”.
Trong truyện tổ phụ Ap-ra-ham, Thiên Chúa truyền cho ông: “Hãy
đem con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ac, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà
dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,3). Trong cuộc tế lễ này Thiên Chúa đã liệu một con cừu để thế cho I-xa-ac, rồi Thiên Chúa phán với ông Ap-ra-ham: “Ta
lấy chính Danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc
con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi,
sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời,
như cát ngoài bãi biển…” (22,16-17).
Hôm
nay Con thiên Chúa, sau khi dâng mình làm hy lễ, chỉ thị cho các môn đệ
về xứ Galilê, đến ngọn núi Chúa đã truyền. Hai ngọn núi này liên hệ gì
với nhau? Cả hai đều không có tên, nhưng trước là ngọn núi Thiên Chúa
truyền cho Ap-ra-ham, sau là ngọn núi Chúa Giêsu đã truyền cho các môn
đệ.
Tới nơi các ông gặp thấy Chúa đang chờ, “các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi”. Chúa cũng chẳng cần sửa dạy thêm, nhưng: “Chúa đến gần, nói với các ông”. Hôm Chúa lên núi để giảng (núi ấy cũng không có tên!) thì “Chúa ngồi xuống, các môn đệ tới gần, Chúa mở miệng dạy”, hôm nay thì “các ông bái lạy, Chúa đến gần, nói với các ông”.
Hôm nay Chúa không dạy các ông nữa mà truyền cho các ông đi dạy. Hồi sai các ông đi thực tập, Chúa bảo “không được đến với dân ngoại”, nhưng hôm nay vì Chúa đã được (Chúa Cha) trao mọi quyền trên trời dưới đất, nên Chúa sai các ông đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ… và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.
Còn Chúa làm gì? “Này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Chúa
Giêsu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Chúa đã nhận mọi quyền trên trời
duới đất và ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Bọn lính được sai
đi tung tin dối trá thì có tiền và có nhà cầm quyền bảo trợ. “Lính đã nhận số bạc và làm theo lời họ dạy”.
Các môn đệ đuợc sai đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ và dạy họ tuân
giữ mọi điều Chúa đã truyền thì không có tiền, không được nhà cầm quyền
bảo trợ, nhưng có “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Đấng đã nhận mọi quyền trên trời dưới đất trực tiếp ở với họ mọi ngày cho đến tận thế.
Hai ngọn núi.
Trên ngọn núi Thiên Chúa truyền cho Ap-ra-ham đem con lên tế lễ, Thiên Chúa hứa ban cho ông dòng dõi đông đúc và nhờ dòng dõi ông muôn dân sẽ được chúc phúc (22,16-18)
Trên ngọn núi Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ lời
Thiên Chúa hứa cho Ap-ra-ham được thực hiện. Chúa Giêsu vừa là dòng dõi
Ap-ra-ham vừa là Con Thiên Chúa, đã đầu thai bởi quyền năng Thánh Thần
và là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đứng trên núi này để sai nhóm Mười Một
đi làm cho muôn dân thành môn đệ, bằng cách làm phép rửa cho họ nhân
danh Cha và Con và Thánh Thần và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Người đã
truyền cho các ông.
Thế
là gia phả từ Ap-ra-ham tới Chúa Giêsu không ngừng lại nhưng tiếp tục
và mở rộng đến mọi dân tộc nhờ quyền năng Thánh Thần, mọi dân tộc thành
dòng dõi Ap-ra-ham nhờ phép rửa và giáo huấn của Chúa Giêsu.
Hai người phụ nữ cùng mang tên Maria.
Từ chương thứ hai, Mt đã gợi cho chúng ta đối chiếu với chuyện Môsê và dân It-ra-en bên Ai-cập trong sách Xuất Hành.
Pharaô
ra lệnh cho hai bà đỡ phải trông chừng khi đỡ cho các bà mẹ Hip-ri,
thấy con trai thì giết, thấy con gái thì cho sống. Hai bà kính sợ Chúa
nên không làm theo lệnh vua. Vua hỏi thì cac bà nói là các bà mẹ Hip-ri
khỏe lắm, bà đỡ chưa tới kịp thì họ đã sanh rồi. Hai bà trùng tên Maria,
đi ra mộ, tới nơi thì mộ đã mở toang rồi và thiên sứ đón ở cửa báo tin:
Người không còn ở đây vì Người đã trỗi dạy rồi. Cửa mồ đã mở, sự sống
mới đã ra khỏi mồ rồi.
Khi
Môsê bị bỏ trong đám sậy ở sông Nin, thì người chị tên là Maria đứng xa
xa trông chừng xem chuyện gì sẽ xảy ra. Hai bà cùng tên Maria đã đứng
xa xa nhìn xem khi Chúa Giêsu bị thả trong dòng nước của đau khổ và cái
chết, rồi hai bà ngồi nhìn vào mộ. Khi thấy công chúa đã vớt em lên thì
Maria chạy lại hỏi: bà có muốn con tìm cho bà một người mẹ để nuôi em bé
này không. Công chúa đồng ý. Maria chạy về gọi mẹ ra… Hai bà Maria đi
ra mộ để xem lại (Mt không nói là hai bà đem thuốc thơm để ưóp xác),
được tin Chúa đã trỗi dậy, vội vã chạy về báo tin cho môn đệ.
Nghệ thuật kể chuyện của Mt
ở phần này đạt tới đỉnh cao: không lý giải, nhưng gợi những hình ảnh để
cho chúng ta chiêm ngắm và nghiền ngẫm mà cảm nếm ý nghĩa của những
điều xảy ra, từ lúc Chúa đi vào cuộc Thương Khó cho đến lúc Chúa gặp lại
các môn đệ trên núi, vì ngôn ngữ loài nguời không thể diễn tả hết được.
Giêrusalem, Mùa Chay 2014
Linh Mục Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.
Tác giả:
Lm. Ng Công Đoan, SJ
(Giám đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh Gierusalem) Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=12327
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét