VRNs (01.02.2014) – Sài Gòn – Nghi thức rước kiệu linh ảnh, hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vàThánh lễ Minh Niên (Mồng 1 tết) được cử hành vào lúc 16 giờ 30 ngày 31.01.2014 tại khuôn viên lễ đài Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ đồng – Sài gòn, do cha Bề trên Giám Tỉnh Vinh sơn chủ sự cùng với sự tham dự đông đảo của quý cha đồng tế trong nhà Dòng, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân trong và ngoài giáo xứ.
Rước linh ảnh ĐMHCG và hành hương Minh niên trong ba ngày Tết là những truyền thống rất đáng trân trọng và linh thiêng của con cái Đức Mẹ tại Gx ĐMHCG này. Nó thể hiện lòng yêu mến, hiếu thảo và tâm tình tạ ơn của con cái từ khắp phương xa trở về với Mẹ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Trước khi thánh lễ bắt đầu là nghi thức rước kiệu linh ảnh và hành hương kính ĐMHCG. Nghi thức được xử hành cách sốt sắng và trang nghiêm, có đông đảo các hội đoàn, các nhóm và anh chị em giáo dân trong và ngoài giáo xứ cùng tham dự đoàn rước.
Ngày mồng 1 Tết, theo truyền thống của Giáo Hội Việt Nam là ngày cầu cho một năm mới trần đầy bình an trong cuộc sống và gia đình. Lấy ý tưởng của bài Tin Mừng, Cha Giám tỉnh Vinh sơn nhấn mạnh đến sự phó thác của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa, và Đức Maria chính là bảo chứng chắc chắn nhất của sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngài mời gọi cộng đoàn hãy năng chạy đến bên Mẹ và kêu cầu Mẹ sự trợ giúp của Mẹ trong hành trình làm người và đặc biệt trong cuộc sống trần gian này, để nhờ lời cầu bầu của Mẹ mà chúng ta được vững mạnh trong đức tin và lòng tín thác hoàn toàn trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa.
Trong số các đoàn con từ khắp nơi trở về với Mẹ trong thánh lễ chiều nay, có một nhóm áo xanh rất đặc biệt. Đó là các em thuộc gia đình tình thương Tê-Phan ( viết tắt của hai tên thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Phanxicô Asisi). Theo thầy Piô X Hoàng Văn Bình, người phụ trách gia đình tình thương cho biết, lý do lấy tên của hai thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Phanxicô Asisi đặt tên cho mái ấm của mình là vì muốn đi theo và sống hai tinh thần khiêm nhường và âm thầm của các ngài.
Ngày 7.10 tới đây là kỷ niệm tròn 29 năm thành lập gia đình tình thương này. Đối tượng chăm sóc chủ yếu là các em có hoàn cảnh bất hạnh nhất, đau thương nhất. Cụ thể là các em mồ côi, bệnh tật như bại não, mù… nhưng không chỉ là một tật mà là đa tật. Có những em vừa mù hai mắt, vừa bại não và vừa bại liệt, có em câm, bệnh down và suy tim. Hiện nay gia đình Tê-Phan có khoảng 51 em, là cơ sở chăm sóc và phát triển toàn diện cho các em, có nghĩa là các tất cả các em đều được đến trường học hết, được hòa nhập với môi trường xã hội chứ không phải chỉ nuôi ăn không. Niềm mong ước của gia đình Tê-Phan là cố gắng hết sức để giúp các em được đổi đời. Không phải cam chịu với các đau cái khổ của mình nhưng là vượt lên số phận, sống và trở thành con người hữu ích cho Giáo Hội và xã hội trong khả năng ít ỏi của mình.
Vì các em là những trẻ mồ côi nên Tết các em chẳng có nơi đâu để về. Và đã từ rất lâu rồi, có lẽ bắt đầu từ ngày thành lập gia đình Tê-Phan, các em đã chọn cho mình một nơi để về trong những ngày đầu năm mới này, đó là trở về với Mẹ Maria - Mẹ Hằng Cứu Giúp của các em. Các em không cha không mẹ, nhưng các em có một người mẹ lớn hơn rất nhiều và hằng yêu thương các em. Có lẽ với hoàn cảnh đặc biệt của mình, gia đình Tê-Phan càng cảm nghiệm và xác tín hơn về sự che chở, yêu thương và chăm sóc của Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp. Chính vì vậy, mỗi lần các em được rước kiệu, hành hương kính ĐMHCG và được tham dự thánh lễ với cộng đoàn nơi đây là một niềm vui lớn lao. Theo thầy Bình, các em rất háo hức và vui sướng được đến đây trong những ngày đầu năm mới này. Các em vui không phải vì được đi chơi hay bầu khí lễ hội, nhưng vui vì các em cảm nghiệm thấy có Chúa và Mẹ ở cùng các em.
Sự hiện diện của các em như là một minh chứng rõ ràng cụ thể về lòng tín thác vào Thiên Chúa “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
Cuối thánh lễ là nghi thức làm phép Lộc thánh, mỗi người lên nhận cho mình một Lộc thánh như là Lời Chúa ban cho mỗi người trong năm mới này và đó chính là kim chỉ nam là ánh sáng hướng dẫn cho chúng ta.
Trần Phương VRNs.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét