CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 06/9 - 12/9/2013

Nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/115895.htm

1. Buổi triều yết chung sáng thứ Tư 11 tháng 9

Giáo Hội là Mẹ của chúng ta. Mẹ mang đến cho chúng ta sự sống và đồng hành với chúng ta

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng thứ Tư 11 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Giáo Hội như một người Mẹ. Ngài giải thích rằng giống như cha mẹ, Giáo Hội mang đến cho ta cho cuộc sống, nuôi dưỡng và đồng hành với con cái trong suốt cuộc đời. Suy tư trên mối dây ràng buộc mạnh mẽ này, Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng một phần của mối quan hệ này dẫn đến hệ quả là chúng ta phải trình bày với những người khác về đức tin của mình cũng như giới thiệu Mẹ Giáo Hội với họ.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về Giáo Hội, tôi muốn trình bày những suy tư trên một hình ảnh thường được sử dụng bởi các Giáo Phụ tiên khởi và Công Đồng Vatican II: đó là Giáo Hội là Mẹ của chúng ta. Khi suy tư về kinh nghiệm của tình mẫu tử, chúng ta hiểu rằng Giáo Hội thật sự là mẹ của chúng ta.

Đầu tiên, là bà mẹ của chúng ta, Giáo Hội ban cho chúng ta món quà là sự sống. Thông qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được tái sinh làm con cái Thiên Chúa và nhận được cuộc sống mới của mình. Dù đức tin là một hành động cá nhân, chúng ta cũng nhận ra rằng đức tin đến với chúng ta qua những người khác - gia đình và cộng đồng là những người dạy chúng ta về niềm tin của chúng ta.

Thứ hai, là mẹ của chúng ta, Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta, giúp chúng ta phát triển, dạy chúng ta con đường phải theo, và đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, đặc biệt là trong bệnh tật và đau khổ, thông qua các Bí tích và Lời Chúa.

Thứ ba, nhiệm vụ của chúng ta là bước ra và chia sẻ tình mẫu tử của Giáo Hội bằng cách đưa người khác đến với đời sống đức tin. Và vì vậy chúng ta phải tự hỏi mình xem chúng ta có yêu mến Giáo Hội là Mẹ của chúng ta, là người giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin Kitô? Và chúng ta phải tự hỏi là làm thế nào để chúng ta vượt qua chính mình để đem Chúa Kitô đến những người khác? Như những con cái trung tín, chúng ta hãy mang ánh sáng của Chúa Kitô cho đến tận cùng trái đất.

2. Đức Giáo Hoàng lên án việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp

Đức Thánh Cha Phanxicô tái kêu gọi hòa bình trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật. Ngài cảm ơn những người hành hương đã tham gia trong ngày chay tịnh và cầu nguyện hôm thứ Bảy mùng 7 tháng 9, quy tụ tất cả những người thuộc các tôn giáo và niềm tin khác nhau trên toàn cầu.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi bày tỏ lòng biết ơn đến các nhà chức trách dân sự, cũng như các thành viên của các cộng đồng Kitô giáo và các tôn giáo khác, và những người nam nữ thiện chí, những người nhân dịp này đã chay tịnh và cầu nguyện, ăn chay và suy tư. Nhưng nhiệm vụ vẫn còn: chúng ta phải tiến bước trong lời cầu nguyện và trong các hoạt động cho hòa bình ".

Đức Thánh Cha giải thích rằng chỉ có một cuộc chiến duy nhất mà nhân loại phải giải quyết đó là cuộc chiến chống lại cái ác, chống lại sự lừa dối, và chống lại não trạng hành động hoàn toàn chỉ nhắm vào các lợi ích kinh tế.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

"Chiến tranh mà làm gì, nếu anh chị em không có khả năng chiến đấu trong cuộc chiến tranh sâu đậm chống lại cái ác này? Chẳng có cái lý nào cho quá nhiều cuộc chiến...Trong số những thứ khác, cuộc chiến tranh chống lại điều ác có nghĩa nói không với hận thù huynh đệ tương tàn, và những dối trá mà nó sử dụng, nói không với bạo lực dưới mọi hình thức; nói không với sự gia tăng của vũ khí và việc mua bán chúng trên thị trường chợ đen. Có biết bao nhiêu là vũ khí! Cơ man nào là vũ khí. Thành ra không thể hoài nghi: chiến tranh ở đó, chiến tranh ở kia, khắp mọi nơi có chiến tranh, có thật sự là một cuộc chiến để giải quyết các vấn đề hay chỉ là một cuộc chiến thương mại để bán các khí giới này vào thị trường buôn bán vũ khí bất hợp pháp?

Nhắc lại các tình huống bi đát đang diễn ra tại Syria, Ai Cập, Iraq và Li-băng, Đức Thánh Cha đã yêu cầu tất cả mọi người hãy cầu nguyện cho một nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông.

3. Buổi canh thức cầu cho hòa bình

Chiều tối ngày thứ Bẩy mùng 7 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô cho hòa bình tại Syria, Trung Đông và các nơi trên thế giới.

Buổi cầu nguyện, được chính Đức Thánh Cha loan báo trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 1 tháng 9 vừa qua, đã khởi sự lúc 7 giờ tối và kéo dài đến 11 giờ đêm. Đây là buổi cầu nguyện dài nhất từ trước đến nay do một vị Giáo Hoàng chủ sự. Rất nhiều nơi trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và tổ chức các thánh lễ, các buổi cầu nguyện cầu cho hòa bình. Cả các tín hữu Kitô không Công Giáo, tín đồ tôn giáo khác cũng tổ chức cầu nguyện theo thể thức của họ.

Trong số hàng trăm ngàn người hiện diện tại Quảng trường, cũng có đại diện của các cộng đoàn Arập và những người không tín ngưỡng, nhiều giới chức chính quyền Italia và thành phố Roma, như ông Mario Mauro, Bộ trưởng quốc phòng, Ông Mario Giro, thứ trưởng ngoại giao Italia, với phái đoàn Cộng hòa Trung Phi gồm 17 người. Nhiều đại biểu quốc hội, các vị đại diện 20 nước cạnh Tòa Thánh, v.v. Về phía các chức sắc có hơn 40 Hồng Y và Giám Mục, cùng với một số Giám Mục Chính Thống giáo.

Từ 4 giờ rưỡi chiều, Quảng trường Thánh Phêrô bắt đầu mở ra để đón nhận các tín hữu tham dự. Vì ngày mùng 7 tháng 9 cũng là ngày ăn chay trong tinh thần thống hối để cầu xin ơn hòa bình, nên từ lúc 5 giờ, đã có 50 linh mục giải tội túc trực tại hai vòng cột bên phải và bên trái của Quảng trường để đón nhận các tín hữu muốn hòa giải với Thiên Chúa và Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng “hòa bình đích thực nảy sinh từ con tim của người được hòa giải với Thiên Chúa và anh chị em mình”.

Lúc 6 giờ rưỡi, bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 1 tháng 9 đã được một xướng ngôn viên đọc lại để nhắc nhở các tín hữu hiện diện về ý nghĩa buổi canh thức cầu nguyện đặc biệt này.

Đức Thánh Cha đã tiến vào quảng trường lúc 7 giờ tối, và sau lời chào phụng vụ của ngài, ca đoàn và các tín hữu hát kinh “Veni Creator” cầu xin Thánh Linh của Chúa Phục Sinh linh hoạt và hướng dẫn buổi cầu nguyện. Tiếp đến là ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma đã được 4 vệ binh Thụy sĩ rước lên lễ đài. Có hai thiếu nữ và 2 thanh niên tháp tùng mang hoa kính mừng Đức Mẹ.

Phần đầu tiên của buổi cầu nguyện là kinh Mân Côi với 5 mầu nhiệm mùa Vui. Vào đầu mỗi chục kinh có một đoạn Kinh Thánh được công bố, kèm theo một bài suy niệm và một bài thơ của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Và sau mỗi chục kinh Kính Mừng có thêm lời cầu: “Lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con!” Kinh Mân Côi kết thúc với bài thánh ca Lạy Nữ Vương và kinh cầu Đức Bà.

Sau bài suy niệm của Đức Thánh Cha là phần Thờ Lạy Mình Thánh Chúa. Hai nữ tu Phi châu mang lên bàn thờ hai bó hoa lớn rồi Mặt Nhật Mình Thánh Chúa được thày phó tế đặt trên bàn thờ.

Buổi chầu Mình Thánh Chúa có phần hướng dẫn, diễn ra qua 5 hồi: mỗi hồi có một bài sách thánh về đề tài hòa bình, rồi lời nguyện của Đức Thánh Cha cũng về chủ đề hòa bình, sau đó là những lời khẩn cầu dưới hình thức đáp ca để xin ơn bình an. Tiếp đến là bài thánh ca, và nghi thức dâng hương. Có 5 đôi vợ chồng đến từ Syria, Ai Cập, Thánh Địa, Hoa Kỳ và Nga tiến lên bỏ hương vào lò than đặt bên phải bàn thờ. Mỗi hồi trong buổi chầu Thánh Thể được kết thúc trong thinh lặng để mỗi người thờ lạy Thánh Thể trong tâm hồn.

Buổi cầu nguyện được nối tiếp với giờ độc vụ với hình thức dài hơn dành cho các buổi canh thức, với các thánh vịnh, bài đọc trích từ sách Ngôn Sứ Giêrêmia (37,21;38,14-28), đoạn bài giảng của thánh Lêô Cả Giáo Hoàng về các mối phúc (Disc. 95,6-8) và sau cùng là đoạn Tin Mừng được chọn cho phần canh thức này trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn 20, kể lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ ở trong nhà đóng kín vì sợ người Do thái. Chúa chúc bình an cho họ, trao ban Thánh Thần và sai họ ra đi. Chúa cũng ban quyền tháo giải cho các môn đệ. Chúa hiện ra 8 ngày sau đó và lần này có cả Tông đồ Tôma. Ngài đã hoán cải và làm cho ông tuyên xưng niềm tin nơi ngài.

Cuối giờ độc vụ, trời đã quá 10 giờ 15, Đức Thánh Cha và cộng đoàn đã cầu nguyện trong thinh lặng, gần 30 phút, rồi mọi người Chầu Mình Thánh trước khi ngài ban phép lành kết thúc.

4. Đặc sứ Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc lên án khả năng Hoa Kỳ mở cuộc tấn công quân sự đánh vào Syria

Tuyên bố rằng "cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện," sứ thần Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã lên án khả năng Hoa Kỳ mở cuộc tấn công quân sự vào Syria.

"Giúp Syria có nghĩa là tìm kiếm các giải pháp chính trị và nhân đạo thông qua đối thoại và hòa giải, chứ không phải là những chiến thuật xâm lược quân sự", Đức Tổng Giám Mục Francis Chullikatt đã giảng như trên tại Nhà thờ Thánh Patrick ở New York hôm Chúa Nhật mùng 8 tháng 9.

"Khi cuồng phong chiến tranh đang gào thét xung quanh Syria trong thời điểm này, chúng ta hãy kêu gọi xây dựng và lập lại hòa bình thông qua tất cả các khả năng vẫn chưa cạn kiệt. Làm sao chúng ta lại có thể nghĩ rằng tấn công quân sự là lựa chọn duy nhất? Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện."

Đức Tổng Giám Mục nói thêm:

“Làm sao chúng ta lại có thể vẫn còn thờ ơ với thảm họa nhân đạo mà những cuộc không kích sẽ để lại sau đó? Ai có thể chịu trách nhiệm cho một thảm kịch bi đát như vậy? Ai sẽ che chở cho những người tị nạn và những người di dân, và biết bao những cô nhi quả phụ? Tới giờ phút này, không ít hơn một phần ba dân số của Syria đã phải chạy nạn rồi.

5. Đức Giáo Hoàng chào đón tân đại sứ Ba Lan tại Tòa Thánh

Sáng thứ Ba mùng 10 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tân đại sứ Ba Lan cạnh Tòa Thánh, là ông Piotr Nowina-Konopka. Đức Giáo Hoàng và vị tân đại sứ đã nói về tình hình tại Syria, việc phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới ở Krakow.

Đại sứ Piotr Nowina-Konopka nói với các ký giả:

"Tôi đã hết lo lắng. Khi bạn bước vào Điện Tông Tòa, bạn bắt đầu có một chút lo lắng. Nhưng lo lắng này sớm chấm dứt, ngay lập tức kể từ khi chúng tôi gặp nhau. Cái cách Đức Giáo Hoàng nhìn bạn, cách ngài nói ... Bạn cảm thấy như ngài đã biết bạn trong một thời gian khá dài ".

Đại sứ Ba Lan đã giới thiệu gia đình và các nhân viên của Đại sứ quán Ba Lan.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã không bỏ lỡ cơ hội để bông đùa với đại sứ và vợ của ông.

"Hạnh phúc kết hôn được 38 năm."

"Khi tôi nghe về một cuộc hôn nhân lâu dài, tôi luôn luôn hỏi, ai là xếp của ai?"

"Đó là một câu hỏi rất hay. Đó là sự thật, cô ấy là xếp của con."

"Anh ấy rất khiêm tốn."

Vị Tân Đại sứ cũng cho biết sự thẳng thắn của Đức Giáo Hoàng nhắc nhở ông về Đức Gioan Phaolô II.

6. Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng không chỉ đơn giản là sự lạc quan hoặc tâm trạng tốt, hy vọng bắt nguồn từ Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha Francis đã giải thích ý nghĩa thực sự của niềm hy vọng, một trong các nhân đức ngài đã liên tục đề cập đến trong triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Trong thánh lễ sáng thứ Hai 9 tháng 9 tại nhà nguyện Casa Santa Marta, ngài nói hy vọng có ý nghĩa lớn hơn là sự lạc quan của các Kitô hữu.

Đức Thánh Cha nói:

"Chúa Giêsu, là niềm hy vọng, là Đấng đổi mới tất cả mọi thứ. Hy vọng là một phép lạ liên tục. Chúa đã không chỉ thực hiện những phép lạ chữa lành. Thực ra, đó chỉ là những dấu chỉ, tiên báo cho những gì Ngài đang thực hiện trong Giáo Hội. Phép lạ đổi mới mọi thứ là những gì Ngài thực hiện trong cuộc sống của tôi, trong cuộc sống của bạn, trong cuộc sống của chúng ta. Ngài kiến tạo lại. Và những gì Ngài đã xây dựng lại chính là lý do cho niềm hy vọng của chúng ta. Chúa Kitô là Đấng đổi mới mọi điều tuyệt vời của thụ tạo, Ngài là lý do của niềm hy vọng của chúng ta. Và hy vọng này không là phù phiếm bởi vì Ngài thành tín. Ngài không thể từ bỏ chính mình. Đây là bản chất của hy vọng. "

Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi Kitô hữu về thái độ của Đức Trinh Nữ Maria sau cái chết của Chúa Giêsu con Mẹ cho đến khi Ngài sống lại vào ngày Chúa Nhật như một ví dụ điển hình về niềm hy vọng.

7. Đức Giáo Hoàng nói với các vị lãnh đạo thế giới: Hãy gạt sang một bên việc theo đuổi một giải pháp quân sự vô ích tại Syria

Đức Thánh Cha Phanxicô đang dốc hết mọi nỗ lực để tránh một cuộc tấn công quân sự vào Syria. Diễn biến mới nhất là một bức thư ngài gửi cho các vị lãnh đạo thế giới đang họp tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20, diễn ra tại St. Petersburg, Nga. Với những lời mạnh mẽ, Đức Thánh Cha viết rằng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, "những lợi ích một chiều" đã can thiệp vào việc tìm kiếm "một giải pháp có thể tránh được vụ thảm sát vô nghĩa hiện đang diễn ra".

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến mỗi nhà lãnh đạo G-20 và yêu cầu họ hãy "gạt sang một bên việc theo đuổi một giải pháp quân sự vô ích". Cha Federico Lombardi, Phát ngôn viên Toà Thánh Vatican đã trình bày bức thư trong cuộc họp báo hôm thứ Năm. Đức Thánh Cha viết: "Thưa các vị lãnh đạo hiện diện, thưa mỗi một vị hiện diện, tôi đưa ra lời kêu gọi chân thành đến với các vị nhằm giúp tìm cách khắc phục tình trạng xung đột và gạt sang một bên việc theo đuổi một giải pháp quân sự vô ích. Thay vào đó, hãy có một cam kết mới nhằm tìm kiếm, với sự can đảm và lòng quyết tâm, một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán của các bên, được sự hỗ trợ nhất trí của cộng đồng quốc tế".

Bức thư là một sứ điệp rõ ràng gửi đến Tổng Thống Hoa Kỳ, Pháp, và Thủ tướng Anh là những người đang ráo riết tìm kiếm sự hỗ trợ cho khả năng can thiệp quân sự ở Syria.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quan hệ với Các Quốc Gia của Tòa Thánh cũng đã triệu tập tất cả các đại sứ cạnh Tòa Thánh để giải thích lập trường của Đức Giáo Hoàng về cuộc xung đột Syria.

Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ trưởng Quan hệ với Các Quốc Gia của Tòa Thánh cho biết: "Trên hết, cần phải hành động hướng đến việc nối lại đối thoại giữa tất cả các bên có liên quan để đạt được sự hòa giải của người dân Syria. Cần phải bảo vệ sự thống nhất của đất nước, tránh một hiến pháp phân rẽ các thành viên của xã hội. Thêm vào đó, điều rất quan trọng là phải đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, cùng với sự thống nhất đất nước".

Nhà ngoại giao hàng đầu Vatican cũng yêu cầu phe đối lập phải tránh xa những kẻ cực đoan.

8. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Siro Malankara

Hôm 05/09/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Thượng Phụ Moran Baselius Marthoma Paulose II, Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Siro Malankara, có trụ sở tại bang Kerala, Ấn Độ. Mặc dù Giáo Hội Chính Thống Siro Malankara không hiệp thông đầy đủ với Rôma, nhưng quan hệ đại kết đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua. Cả 2 vị Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II đều đã có các cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo trước đây của Giáo Hội Chính Thống Siro Malankara.

Đức Thánh Cha nói: "Tình huynh đệ tông đồ đã hiệp nhất các môn đệ đầu tiên trong việc phục vụ cho Tin Mừng của họ, ngày nay cũng kết hiệp các Giáo Hội chúng ta, mặc dù nhiều chia rẽ đã nảy sinh trong quá trình lịch sử đôi khi buồn thảm, những chia rẽ, mà nhờ ơn Chúa chúng ta đang nỗ lực vượt qua trong sự vâng phục thánh ý Chúa và lòng mong muốn của Ngài".

Cuộc hội kiến giữa hai vị lãnh đạo tôn giáo diễn ra trong bầu khí rất thân mật. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng Đức Thượng Phụ một cuộn giấy cói bản văn Tin Mừng, và ngài đã nhận một số quà tặng do các vị giám mục chính thống của Ấn Độ gửi tặng. Trong số các quà tặng có một bộ dao kéo và trà Ấn Độ: một biểu tượng của lòng biết ơn về sự hiếu khách của ngài.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô thăm trung tâm tiếp cư Astalli

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ những người tị nạn tại Trung Tâm Astalli ở Rôma hôm thứ Ba mùng10 tháng 9.

Đức Thánh Cha đã đến thăm Bếp nấu Súp cho người nghèo tại Trung Tâm, nơi hàng ngày cung cấp 400 phần ăn nóng cho những người tị nạn. Đức Thánh Cha cũng đã chào mừng những người tị nạn và nói chuyện với họ. Đa số đến từ Phi Châu và Miền Cận Đông, nhất là từ Syria và Ai Cập – nơi các Kitô hữu Coptic đang chạy trốn những bạo tàn, chiến tranh, bệnh dịch, và đàn áp.

Sau đó Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ kế cận là nhà thờ Gesù, gần Quảng Trường Venise, nơi có mộ Thánh I-Nhã thành Loyola: đây sẽ là lần thứ hai ngài đến thăm trụ sở trung ương của Dòng Tên tại Rôma.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến đây lần thứ nhất để thăm các bạn dòng ngày 31 tháng 7 vừa qua, nhân dịp Lễ Thánh I-Nhã thành Loyola, sáng lập Dòng Tên, và kính viếng thánh tích cánh tay phải của Thánh Phanxicô Xavier: là cánh tay ban phép lành và rửa tội. Ngài đã cầu nguyện tại ngôi mộ của Cha Pedro Arrupe (1907-1991), bề trên tổng quyền Dòng Tên từ 1965 đến 1981: chính cha đã thành lập Dịch Vụ Dòng Tên cho người tị nạn, vì theo cha, “những người tị nạn đã bị mất hết tất cả, họ là những người nghèo khó nhất trong các người nghèo.”

10. Đức Giáo Hoàng gọi điện thoại cho một phụ nữ có thai bị tình lang ruồng bỏ

Anna là một phụ nữ 35 tuổi sống ở Rôma. Cô phát hiện mình có thai, nhưng cha của đứa bé nói với cô rằng anh đã có gia đình, và rằng anh sẽ không chăm sóc đứa bé. Anh khuyên cô phá thai.

Tuyệt vọng, cô đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô xin ngài cho một lời khuyên.

Nhưng điều bất ngờ lớn nhất đã xảy ra một vài ngày sau đó khi Anna nhận được điện thoại từ chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Cô khẳng định rằng đó là một cuộc điện thoại ngắn và đầy xúc động. Đức Thánh Cha bảo cô đừng để người ta cướp đi niềm hy vọng của cô. Ngài bảo cô rằng rằng khi đứa bé được sinh ra, nếu cô không thể tìm được một linh mục rửa tội cho nó, thì chính ngài sẽ làm điều đó.

Đáp lại, cô Anna đảm bảo với ngài rằng nếu đó là một bé trai, cô sẽ đặt theo tông hiệu Giáo hoàng của ngài là Phanxicô.

11. Ai Cập: Kitô hữu sống trong lo sợ sau khi quân Huynh Đệ Hồi Giáo chiếm được thành phố Dalga.

Tất cả các nhà thờ Kitô Giáo, kể cả một tu viện có bề dày lịch sử 1600 năm tại thành phố Dalga, miền Nam Ai Cập đã hoàn toàn bị cướp phá và đốt cháy. Không còn một nhà thờ nào còn nguyên vẹn.

Từ ngày 3 tháng 7, sau khi quân đội lật đổ Mohammed Morsi, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đã cướp được chính quyền tại thành phố 120,000 dân này. Dalga là một trong những thành phố có đông anh chị em tín hữu Kitô.

Từ đó cho đến nay, 20,000 anh chị em tín hữu Kitô đã sống trong niềm lo sợ vì không biết ngày mai sẽ ra sao. Quân đội đã mở nhiều cuộc tấn công tái chiếm nhưng vẫn chưa thanh công.

Một nhà hoạt động nhân quyền địa phương cho biết

"Các tín hữu Coptic trong Dalga sống trong những hoàn cảnh hết sức nhục nhã. Họ sống trong nỗi kinh hoàng và không thể sống một cuộc sống bình thường."

Thông tấn xã quốc tế Assyria, trích dẫn tờ báo Ai Cập Al- Dostour, báo cáo rằng tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo đã đã áp đặt luật jizya, là loại thuế áp đặt trên những người không theo Hồi giáo.

12. Tổng Thống Evo Morales nói với Đức Giáo Hoàng: ''Đối với tôi, ngài là Anh Phanxicô''

Hôm 09/06/2013, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã kết thúc chuyến thăm Âu Châu của ông với cuộc hội kiến thân mật với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trái với mối quan hệ căng thẳng giữa vị Tổng Thống và Giáo Hội Công Giáo Bolivia, cuộc hội kiến diễn ra trong bầu khí trìu mến.

Đức Thánh Cha: “Xin chào buổi sáng ngài Tổng Thống! Ông có khoẻ không?”

Tổng thống Bolivia: "Xin chào Ngài. Thật vui làm sao khi gặp lại ngài".

Đức Thánh Cha: "Tôi rất vui được gặp ngài".

Tổng thống Bolivia: "Đối với tôi, ngài là Anh Phaxicô"

Đức Thánh Cha: "Hãy cứ nên theo cách đó".

Toà Thánh Vatican đưa ta thông cáo rằng cả hai vị lãnh đạo đã thảo luận về các chủ đề như tình hình kinh tế xã hội và tôn giáo ở Bolivia, và cuộc chiến chống bất bình đẳng và nghèo đói.

Họ cũng nói về những đóng góp của Giáo Hội đối với quốc gia Nam Mỹ này trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và phúc lợi dành cho trẻ em, gia đình và người già.

Một trong những chủ đề đáng chú ý nhưng không được đề cập là vấn đề Giáo Hội song song do Tổng Thống Evo Molares đề xướng, vốn bị Hội đồng Giám Mục Bolivia chỉ trích nặng nề. Nhưng thông cáo của Toà Thánh chỉ ngụ ý rằng cần phải có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Giáo Hội và Nhà nước.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng Tổng Thống Morales một huy hiệu Giáo Hoàng và hai quyển sách, bao gồm tài liệu Aparecida, tóm tắt những ý chính từ hội nghị thượng đỉnh năm 2007 của các giám mục Mỹ Châu La tinh. Tài liệu này luôn là một trong những món quà mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tặng cho các vị lãnh đạo Mỹ châu Latinh mà ngài tiếp kiến.

Về phần mình, Tổng thống Bolivia tặng Đức Giáo Hoàng một quyển sách về những tuyên bố mang tính lịch sử của đất nước ông đối với con đường thoát ra Thái Bình Dương.

Đức Giáo Hoàng và Tổng Morales đã kết thúc cuộc hội kiến bằng những cái ôm thân mật. Sau đó, Tổng Thống có cuộc gặp gỡ riêng với Quốc Vụ Khanh Toà Thánh Vatican là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone.

13. Đức Thánh Cha Phanxicô: Kitô hữu phải có thái độ vui vẻ

Trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu mùng 06 tháng 9 tại Nhà trọ Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng thái độ của các Kitô hữu phải là vui mừng và hân hoan như trong lễ hội. Ngài nói thêm rằng con người phải tin tưởng vào quyền năng của Chúa Kitô, là tân lang của Giáo Hội, và ngài cũng yêu cầu các Kitô hữu sống với niềm vui thường được tìm thấy trong các tiệc cưới.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: "Chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ để đổ sự mới mẻ này của Tin Mừng, là rượu mới này, vào trong bình cũ là những thái độ cũ rích của chúng ta... Đó là tội lỗi, chúng ta đều là những người tội lỗi. Cần thừa nhận rằng: "Đó là tội lỗi". Đừng nói cái này đi đôi được với cái này. Đừng nói thế! Bình cũ không thể đựng rượu mới. Đây là tính mới mẻ của Tin Mừng. Chúa Giêsu là tân lang, là chàng rể, là người kết hôn Giáo Hội, là người yêu thương Giáo Hội, Đấng ban sự sống của mình cho Giáo Hội. Chúa Giêsu là người đã tổ chức tiệc cưới này! Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải vui với niềm vui của lễ hội, niềm vui được là Kitô hữu. Ngài cũng yêu cầu chúng ta là mọi điều phải thuộc về Ngài. Nếu chúng ta có điều gì đó không thuộc về Ngài, hãy ăn năn, xin tha thứ và tiến về phía trước".

Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng cuộc hôn nhân kết hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội cho thấy tại sao Giáo Hội xem hôn nhân như là "bí tích tuyệt vời".

14. Các vị lãnh đạo Giáo Hội Âu Châu trao tận tay Đức Giáo Hoàng Phanxicô bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và các bức thư của trẻ em.

Các phái đoàn từ Hội đồng các Giám mục Âu châu đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một quyển sách với các tác phẩm nghệ thuật và những bức thư của trẻ em Âu châu gửi trực tiếp đến Đức Thánh Cha. Sau buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón và ban phép lành cho phái đoàn, trong đó có một trẻ mồ côi Moldova 11 tuổi, người đã tặng Đức Giáo Hoàng một thánh giá nhỏ bằng gỗ do em làm trong trại mồ côi của mình.

Bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và các các bức thư của trẻ em từ 5 đến 11 tuổi là những đứa trẻ sống ở vùng ngoại ô của các thành phố lớn của Âu châu. Hội đồng đã lập dự án nhằm bày tỏ lòng kính trọng những lưu ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để "đi đến những vùng ngoại biên", hay ngoại thành, để loan báo Tin Mừng.

15. Đức Hồng Y Errázuriz của Chilê bước sang tuổi 80, số cử tri bầu Giáo Hoàng giảm xuống còn 111 vị

Đức Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Santiago là Đức Hồng Y Francisco Javier Errázuriz Ossa đã bước sang tuổi 80 vào ngày 5 tháng Chín vừa qua, do đó vị Hồng Y Chilê không còn đủ điều kiện bỏ phiếu ở Cơ Mật Viện tương lai. Số lượng cử tri bầu Giáo Hoàng giảm xuống còn 111 vị.

Đức Hồng Y Errázuriz Ossa sinh năm 1933 tại Santiago. Ngài được phong chức linh mục năm 1961, và được tấn phong Tổng Giám Mục vào năm 1991. Trong thời gian đó, ngài làm việc với các sinh viên đại học ở Chilê và chủ trì Phong trào Schoenstatt mà ngài là thành viên.

Sau khi làm việc tại Rôme một vài năm vào thập niên 90, Đức Hồng Y quay trở về Chilê, nơi ngài lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục của đất nước này, cũng như Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh và Caribê (CELAM).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã vinh thăng Hồng Y cho ngài vào năm 2001, và ngài đã từng tham gia vào Cơ Mật Viện năm 2005 và 2013. Mới đây nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Francis Errázuriz Ossa vào một ủy ban đặc biệt gồm 8 vị Hồng Y sẽ cố vấn cho ngài trong việc cải cách của Giáo Triều Rôma và quản trị Giáo Hội.

16. Hãy rao giảng Chúa Kitô không chút sợ hãi, xấu hổ hay vênh váo

Trong thánh lễ sáng thứ Ba mùng 10 tháng 9, tại nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng cuộc đời của mỗi người Kitô hữu nên tập trung vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô. Ngài nhấn mạnh rằng có ba phẩm chất làm cho con người chúng ta không xứng đáng là người môn đệ Chúa: đó là sợ hãi, xấu hổ, và vênh váo.

Đức Thánh Cha nói:

"Có rất nhiều Kitô hữu sống như không có mầu nhiệm Phục Sinh, họ là các Kitô hữu không có Chúa Phục Sinh. Họ cùng tiến vào ngôi mộ với Chúa Giêsu, khóc lóc, đưa ra những lời tốt đẹp, nhưng rồi dừng lại ở đó. Khi nghĩ đến thái độ của các Kitô hữu mà không có Chúa Phục Sinh này, tôi đã tìm thấy ba điều này nhưng chắc là còn nhiều hơn nữa, đó là sợ hãi, có những Kitô hữu sống với nỗi sợ, rồi tới xấu hổ là những người cảm thấy xấu hổ vì đức tin của mình; và bên cạnh đó cũng có những người vênh váo. Ba thái độ này không có chỗ trong Chúa Phục Sinh! Sự sợ hãi thể hiện nơi những người trong buổi sáng sau biến cố Phục Sinh, những người đi trên đường E-mau ... Họ ra đi vì họ sợ hãi. "

Đức Giáo Hoàng nói rằng trong một thời đại mà tất cả mọi thứ được giải thích thông qua lăng kính khoa học, một số người có thể cảm thấy xấu hổ khi tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nhưng Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng đức tin vào Chúa Kitô bằng xương bằng thịt là những gì chinh phục thế giới nhất.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của thói kiêu ngạo và vênh váo, khi đặt chiến thắng cá nhân lên trên chiến thắng của Chúa Kitô.

Không có nhận xét nào: