CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Tâm lý đám đông


Có một hiện tượng phổ biến trong xã hội hôm nay mà người ta gọi là “tâm lý đám đông”, “sống theo phong trào”. Do hiện tượng này, việc đánh giá một hành động hay một lời nói không còn dựa trên những chuẩn mực đạo đức của truyền thống hay của các tôn giáo, nhưng dựa theo đám đông. Một hành động tự nó là xấu, nhưng có nhiều người làm, thì tự nhiên nó bớt xấu đi, thậm chí hành động đó được coi là bình thường. Và, một khi được coi là bình thường, thì không cần phải áy náy hay bận tâm về “tính luân lý” của hành động đó nữa. Cách đây vài chục năm, việc một cặp vợ chồng bỏ nhau là điều hổ nhục cho hai dòng họ, vì thế mà cha mẹ đôi bên tìm đủ mọi cách để hàn gắn những rạn nứt, vừa để bảo vệ hạnh phúc gia đình, vừa giữ thể diện với những người xung quanh. Ngày nay, tình trạng ly hôn ngày càng nhiều, nên nhiều bậc cha mẹ và các bạn trẻ dựa vào “tâm lý đám đông” để lập luận: “Ôi giào, xung quanh ta có đầy người làm thế”. Và như thế, một việc tự nó là không bình thường đã trở nên bình thường vì có nhiều người làm như vậy. Có thể kể đến lối suy nghĩ tương tự về nạn phá thai, nghiện ngập, trộm cắp hay nhiều loại hình tệ nạn khác.
Báo chí tuần qua thu hút nhiều quan tâm của độc giả khi đưa những thông tin về một sự kiện có liên quan đến ngành y. Số là tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), có một số dược sĩ vì lòng tham đã “nhân bản” những kết quả xét nghiệm, xào xáo nhằm trục lợi từ quỹ bảo hiểm. Chị Hoàng Thị Nguyệt, công tác tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Hoài Đức và hai đồng nghiệp đã không chấp nhận việc làm trái lương tâm đó, nên đã can đảm tố cáo hành vi gian lận. Điều ngạc nhiên là sau khi chị Nguyệt phát đơn tố cáo thì chị bị đuổi việc và bị tố cáo ngược lại. Cấp trên đã can thiệp, chị Nguyệt và hai người đồng nghiệp được trả lại danh dự, nhưng trong một khung cảnh bất bình thường, theo kiểu “mặt cười miệng mếu”. “Sáng 16-8-2013, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức khen thưởng cho chị Hoàng Thị Nguyệt và hai người có đơn tố cáo sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Nhiều ý kiến cho rằng buổi lễ chỉ diễn ra trong vòng 30 phút sơ sài, buồn tẻ, hình thức, đặc biệt mức thưởng 320.000 đồng cho một người là quá ít, thậm chí là “xúc phạm người tố cáo tiêu cực” (VnExpress ngày 19-8-2013).
Qua sự kiện này, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng của tâm lý đám đông. Vâng, chị Nguyệt và hai người đồng nghiệp là những người lương thiện, đáng khen, nhưng đối với phần lớn tập thể cán bộ nhân viên của bệnh viện Hoài Đức, thì chị không có chỗ ở đây, vì chị không nghĩ như họ, không đồng quan điểm với họ. Trong khi một số đông toa rập với nhau để làm những điều khuất tất nhằm trục lợi, thì chị suy nghĩ và hành động ngược lại. Chị không hành động giống như đám đông, như tập thể. Chị giống như một cung đàn rất hay nhưng lạc điệu giữa một mớ âm thanh hỗn tạp nhằm phục vụ lợi ích một số cá nhân đang muốn vơ vét cho đầy túi tham. Vì thế, trong cơ quan này, không có chỗ cho chị. Tố cáo người làm sai là việc tốt, nhưng trong bối cảnh xã hội mà xem ra ở đâu cũng sai như thế, thì việc tố cáo lại coi là không bình thường và khó chấp nhận. Vì thế mà những người phụ nữ này đã buồn bã kết luận: “đấu tranh” thì “tránh đâu”.
Trong thông điệp đầu tiên của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Ngày nay, chân lý thường bị giảm xuống thành sự xác thực chủ quan của mỗi người, chỉ có giá trị cho cuộc sống cá nhân” (Lumen Fidei, số 34). Tâm lý đám đông cũng đang ảnh hưởng tai hại đến đời sống đức tin và luân lý. Đức tin bị coi là một hành vi cá nhân, tùy chủ quan nhận định của mỗi người. Khá nhiều bạn trẻ lơ là với việc sống đạo vì họ lập luận xung quanh mình có nhiều người cũng thế. Nhiều bạn trẻ đua theo phong trào sống thử, phá thai, vì nghĩ rằng đó là một lối sống của xã hội mới, xã hội hiện đại và nhất là vì có rất nhiều người cùng quan điểm với họ. Họ đã đánh mất cảm thức về tội, không còn áy náy lương tâm khi phạm tội. Họ lợi dụng danh nghĩa tự do để làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ giống như người đã trót vấy bùn đen, tiếp tục nhấn chìm vì nghĩ đàng nào cũng đã nhiễm bùn rồi. Kết quả là những cuộc đời không có tương lai, trở thành gánh nặng đè lên vai người thân. Cũng cần nhắc đến trách nhiệm của những bậc phụ huynh trước tâm lý đám đông. Có những người cha người mẹ không quan tâm đến đời sống đức tin cũng như đạo đức xã hội của con cái mình. Không ít người đã chép miệng thanh minh “thời thế bây giờ nó như vậy”.
Chúng ta không để dòng nước “thời thế” lôi cuốn. Con người thụ động để cho dòng đời lôi cuốn sẽ tự biến mình thành một khúc gỗ trôi sông. Chỉ có con người có bản lĩnh mới dám can đảm lội ngược dòng, “tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến”.
“Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào (Nước Trời)” (Lc 13,24). Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta một giải pháp, một con đường để đạt tới hạnh phúc. Tâm lý đám đông bao giờ cũng tạo ra những con đường dễ dãi, hấp dẫn đối với mọi người. Thời nào cũng thế, người ta có khuynh hướng lảng tránh những hy sinh, khước từ những cố gắng. Và khi tìm những điều dễ dãi để đáp ứng những nhu cầu của bản năng, người ta tìm ra đủ mọi thứ lập luận bảo vệ cho hành động và lối sống của mình. “Bước qua cửa hẹp” còn có nghĩa là đi qua cửa có tên là Giêsu, vì chính Người tuyên bố: “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9). Đi qua cửa Giêsu tức là nhận làm môn sinh và nỗ lực thụ giáo với Người.
Hạnh phúc Nước Trời là kết quả của những cố gắng của cá nhân mỗi người chứ không phải là dựa vào đám đông. Thánh Phaolô khuyên giáo dân Philipphê “Anh em hãy biết kính giới và run sợ mà gia công lo việc cứu rỗi chính mình” (Pl 2,12). Giữa cuộc đời đầy biến động chao đảo này, người Kitô hữu được mời gọi can đảm sống theo sự thật, noi gương Đức Giêsu, Đấng đã đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc đời tối tăm, là vị Chứng Nhân trung thành, Đấng yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta (x. Kh 1,5-8). Sự chọn lựa ý muốn của Chúa Cha đã khiến Người phải trả giá là khổ hình thập tự, nhưng Người đã đón nhận trong sự vâng phục và trung thành để qua đó, vinh quang Chúa Cha được thể hiện qua biến cố đau thương này.
Đại uý James Mulligan là một tù binh Hoa Kỳ bị bắt và cầm tù năm 1966 tại trại giam Hỏa Lò (Hà Nội). Trong tối tăm của ngục tù, anh vẫn vững vàng cậy trông. Mỗi ngày, anh đều lần hạt Mân côi và cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con sức mạnh và lòng kiên quyết vững vàng. Chẳng có ai hay biết ngoài một mình con với Chúa, nhưng chỉ cần như vậy mà thôi. Chúa đã chịu khổ hình vì niềm tin của Chúa, còn con đây cũng đang chịu khổ hình vì niềm tin của con. Đúng vẫn là đúng cho dù không ai đúng cả; còn sai vẫn là sai cho dù mọi người đều sai hết” (trích trong bài thuyết trình của tiến sĩ Charles Rice, nhân ngày lễ ra trường của sinh viên đại học Notre-Dame, Hoa Kỳ, tháng 5-2010. Bài thuyết trình có tựa đề: Thiên Chúa không hề chết, Ngài cũng chẳng mỏi mệt).
“Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5,37), một điều tưởng chừng như rất đơn giản mà trong thực tế không dễ dàng thực hiện, bởi lẽ chúng ta có khuynh hướng sống theo đám đông, “gió chiều nào che chiều đó”. Vì thế mà nhiều khi ta đánh mất chính mình, và cũng vì thế mà cái ác, cái xấu vẫn đang tồn tại trong cuộc sống chúng ta.
(Nguồn: WHĐ)

Không có nhận xét nào: