CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Suy Tôn Lời Chúa Chúa Nhật XXII Thường Niên C – Lc 14,1.7-14



Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật XXII Thường Niên C – Lc 14,1.7-14
Thứ Tư – 28/8/2013
CẦU NGUYỆN VÀ XIN ƠN THÁNH THẦN
Lạy Chúa Giê-su, nguyện xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên cộng đoàn chúng con, giúp chúng con hiểu và sống Lời Chúa qua bài Tin Mừng chúng con suy niệm hôm nay để xứng đáng là Ki-tô hữu, là môn đệ của Chúa. (Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Lc 14,1.7-14
A.   LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn!
Chủ đề của bài Tin Mừng chúng ta vừa đọc là…
SỐNG KHIÊM NHƯỜNG VÀ LÒNG HIẾU KHÁCH
Và Giáo Hội sẽ công bố bản văn Tin Mừng này vào Chúa Nhật XXII Thường Niên C vài ngày tới đây.
B.   TÌM HIỂU CHI TIẾT
Chúng ta có thể tìm hiểu bản văn theo bố cục sau đây:
1/ Giới thiệu bối cảnh: (Câu 1) - 1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Họ cố dò xét xem Người cư xử thế nào, nhưng họ không nhận ra Đức Giê-su đang quan sát cách cư xử kiêu căng của họ.
Trước và sau mỗi Giáo huấn, mời cộng đoàn hát:
Khiêm nhường là tự biết mình, biết mình nhỏ bé đơn sơ.
Khiêm nhường là tự biết rằng, tất cả là ơn Chúa ban tặng.

Bài ca ý lực tại:  http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20130825/22829
2/ Giáo huấn 1: (Câu 7-11): Sống khiêm nhường
7 “Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi.” Thời đó, những chỗ gần với chỗ của chủ nhà là những chỗ quan trọng nhất và mỗi người Pha-ri-sêu dự tiệc cứ muốn chọn những chỗ đó. Nhân cơ hội đó, Đức Giê-su dạy cho các khách dự tiệc một cách cư xử tốt hơn:
8 "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
Nhận xét và giáo huấn của Đức Giê-su nhắc nhở giáo huấn của người Do-thái tóm lại trong Cn 25,6-7:
6 Trước long nhan, đừng lên mặt kiêu kỳ,
chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng.
7 Thà được người ta bảo : "Xin mời ông lên trên !"
còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng.
Bữa tiệc trong dụ ngôn được ví như bữa tiệc của ngày chung thẩm mà Thiên Chúa là chủ bữa tiệc. Vị trí và chỗ ngồi của mỗi người trước mặt Thiên Chúa đã được dành sẵn, được xác định bằng thái độ sống của mỗi người ngay lúc này. Đó là chỗ dành riêng cho ta trong bữa tiệc đó, không ai có thể tranh giành với ta được.
Điều mỉa mai trong dụ ngôn là giả như ông chủ nhà đã nhận thức được Đức Giê-su là ai, hẳn ông đã mời ngay Đức Giê-su lên chỗ danh dự.
Cộng đoàn hát:
Khiêm nhường là tự biết mình, biết mình nhỏ bé đơn sơ.
Khiêm nhường là tự biết rằng, tất cả là ơn Chúa ban tặng.

Giáo huấn 2: (Câu 11-14): Lòng hiếu khách.

12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."
Giáo huấn thứ hai nhấn mạnh đến lòng hiếu khách, nhưng điểm đặc biệt trong lời giáo huấn này là cần phải tiếp đón và có lòng rộng rãi đối với những người không thể đáp trả lại, như người nghèo, người khuyết tật. Một lần nữa, đó là vấn đề những thái độ của chúng ta. Chúng ta có loại trừ người khác vì chúng ta ích kỷ hoặc kiêu căng không?
Đức Giê-su luôn quan tâm đến với mọi người. Người tiếp xúc với những người không được coi là “đáng kính”. Nước Thiên Chúa phải được mở và thật sự được mở ra cho mọi người, bất kể họ thuộc địa vị xã hội nào, bởi vì trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi đang cần được cứu độ.
Cộng đoàn hát:
Khiêm nhường là tự biết mình, biết mình nhỏ bé đơn sơ.
Khiêm nhường là tự biết rằng, tất cả là ơn Chúa ban tặng.
Tóm lại, giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng Luca dạy ta hai điều:
Một là Sống Khiêm Nhường với mọi người, đặc biệt với Chúa.
Hai là Lòng Hiếu Khách, đặc biệt với người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù vì họ là hiện thân của Chúa.
GỢI Ý ÁP DỤNG
1. Truyện : Chiếc tầu Titanic.
 Kỷ niệm đáng ghi nhớ và đáng học hỏi nhất cho con người thời nay là câu chuyện chiếc tầu Titanic. Người ta nghĩ rằng bàn tay con người có thể làm nên một con tầu không thể chìm là một sự vô cùng kiêu ngạo. Mọi con tầu do con người chế tạo đều có thể chìm. Bằng việc tuyên bố chúng ta có thể làm ra một con tầu không có thể chìm được với kỹ thuật tân tiến hiện đại đã thách thức quyền năng của Thiên Chúa. Đúng như lời thánh Phaolô nói về tinh thần của thời đại này là kiêu căng (Rm 12,3; 1Cr 4,7). Tinh thần kiêu căng đó đã thúc đẩy người ta viết vào mạn tầu mấy chữ :”No Pope, no God” : không có giáo hoàng, không có Thiên Chúa ! Và trong chuyến hải hành đầu tiên từ Anh sang Mỹ, sự gì đã xẩy ra như chúng ta đã biết. Một tai họa đã giáng xuống như câu chuyện xây tháp Bebel trong Cựu ước (St 11,4).
Qua câu chuyện trên, chúng ta nhớ lại lời tông đồ Phê-rô đã từng nói: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (1 Pr 5,5-6).
2. Khiêm nhường để phục vụ, đó là lòng hiếu khách đích thực.
          Đức Giêsu phán :”Con Người đến không phải được phục vụ nhưng đến để phục vụ”(Mc 10,45). Phục vụ là hành động của một người tôi tớ, mà người tôi tớ thì phải phục vụ cho ông chủ. Đức Giêsu đã hạ mình xuống để phục vụ chúng ta, để tôn chúng ta lên làm Chúa, còn Ngài lại trở thành tôi tớ. Ngài làm gương cho chúng ta về tinh thần bác ái vô vị lợi.
          Sách có chữ rằng : “Phú quí đa nhân hội, bần cùng thân thích ly” : Giầu có thì thiên hạ bâu, nghèo khó thì bà con rời rạc.
          Theo cách xử sự thông thường người ta thích những người giầu có, giao du với họ trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Nếu có phục vụ người ta thì cũng chỉ phục vụ “theo nguyên tắc :”Do ut des” : cho đi để lấy lại. Chỉ những ai có tinh thần siêu nhiên và siêu thoát thì mới có thể có được một sự phục vụ vô vị lợi. Cái cho đi không nhất thiết là của cải vật chất mà cũng có thể là những giá trị tinh thần, thời gian, sức khỏe v.v… Có ít cho ít, có nhiều cho nhiều với tình yêu chân thành như Chúa Giê-su dạy.
3. Cầu nguyện cho ngày họp mặt lương dân 7/9/2013
Sống khiêm nhường và lòng hiếu khách là một trong những cách thế truyền giáo. Giáo Xứ ĐMHCG có tổ chức buổi mạn đàm về “Thực hành niềm tin Công Giáo trong xã hội hôm nay” dành cho những ông bà, chị em lương dân vào tối Thứ Bảy, 07/9/2013, lúc 19 giờ 30, tại Phòng Hiệp Nhất Lớn sau Nhà Thờ. Chúng ta có thể tham dự và mời lương dân chúng ta quen biết cùng đến dự với chúng ta.
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1.  8 "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (Lc 14,8-9).
2. Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại." (Lc 14,13-14).
LỜI NGUYỆN
1. Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin giúp chúng con thật lòng sống khiêm hạ trước mặt Chúa và trước mặt mọi người như Lời Chúa dạy: Khiêm hạ trong việc thờ phượng Chúa khi tham dự Thánh lễ và cử hành các bí tích hoặc làm các việc đạo đức hằng ngày. Khiêm hạ trong cuộc sống đời thường đối với tha nhân, sẵn sàng chịu thua thiệt để tạo tình hiệp nhất, yêu thương, ngay cả với lương dân, ngay cả với những người chúng con gặp gỡ hằng ngày.
2. Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin giúp chúng con thật lòng hiếu khách, biết tiếp đãi tha nhân như Chúa đã tiếp đãi chúng con trên bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể khi chúng con dâng Thánh lễ tạ ơn, tôn vinh, chúc tụng, ngợi khen Chúa. Chúa đã không loại trừ những người nghèo: nghèo của cải, tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo học vấn, nghèo đạo đức v.v… Hơn ai hết, những con người nghèo ấy rất cần đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Xin giúp chúng con đón nhận họ trong vòng tay yêu thương.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Gioa-kim Phạm Văn Lượng

Không có nhận xét nào: