CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Người viết thư thuê xuyên thế kỷ

Mấy chục năm nay, bất cứ người dân Sài Gòn nào có dịp đến bưu điện trung tâm thành phố đều quen thuộc với một người đàn ông gầy gò ngồi ở một góc nhỏ chính giữa bưu điện, cạnh bên có treo tấm biển nhỏ “ Nơi chỉ dẫn và viết giúp”.

Ông là Dương Văn Ngộ, sinh năm 1930, , gia nhập đội ngũ nhân viên Bưu điện Sài Gòn từ năm 17 tuổi, ông đọc thông viết thạo hai ngoại ngữ Pháp và Anh do là cựu học sinh trường Petrus Ký và học thêm Anh văn ở hội Việt – Mỹ ( trước 1975). Sau 1975, ông tiếp tục là một nhân viên mẫn cán cho đến năm 1990 thì nghỉ hưu theo chế độ. Do sự cống hiến bền bỉ cho ngành, ông được lãnh đạo bưu điện trung tâm Sài Gòn đặc cách cho một góc làm việc tại nơi này với công việc hàng ngày là tư vấn, dịch và viết thư thuê cho bất kỳ ai có nhu cầu.

Trò chuyện với ông, tôi nhận ra bên trong người đàn ông gầy gò và bé nhỏ này một nhân cách đáng kính phục. Ông không bao giờ “bịa” thư tình, hay viết thuê cho những người “giả khổ” viết thư kể lể vòi vĩnh người thân ở nước ngoài gửi tiền về cho dù họ có trả ông số tiền cao đến mấy đi nữa, tình cảm thì phải có thật và không ai được lừa gạt người khác nhất là người thân của mình chỉ vì tiền, ông nói. Ngoài ra, Ông Ngộ cho rằng, giao tiếp bằng thư, hình thức quan trọng lắm. Lời lẽ, câu cú, cách trình bày, thậm chí cách viết dòng địa chỉ cũng cho thấy văn hóa của người gửi. Vì thế, ông viết cẩn thận bản mẫu của khách để không chỉ chuyển tải đúng ý mà còn phát hiện ra những sai sót, kịp điều chỉnh. Mỗi lá thư viết hay dịch thuê ông lấy tiền công từ 5 đến 10 ngàn tùy độ khó, người nào nhìn có vẻ lam lũ quá thì ông không nhận tiền hay chỉ lấy tượng trưng tiền giấy mực….


Một ngày làm việc của ông Ngọ bắt đầu khoảng 8h, có hôm ông đi trễ chừng 10 phút do kẹt xe hay sức yếu nên không thể đạp xe nhanh . Xếp gọn chiếc túi xách nặng chịch dưới gầm, ông bày biện lên bàn gọn gẽ những vật dụng cần thiết: Từ điển Anh – Pháp –Việt, kính lúp, bút viết, bút lông màu, giấy trắng, sổ tay hướng dẫn cách trình bày thư tín, các mẫu thư photo ông từng viết….

Sáng sớm chưa có khách ông dạo quanh chào hỏi mọi người như, sự có mặt của ông đã thân quen với tất cả các nhân viên bưu điện, sự có mặt của ông dường như giúp cho tòa bưu điện cổ kính này, như trở nên có hồn và lãng mạn hơn…

Năm nay đã 80 tuổi, con cháu đề huề đều có công ăn việc làm ổn định và thừa sức phụng dưỡng, ông vẫn làm công việc yêu thích của mình vì nhớ mọi người và không muốn làm phiền con cháu. Sự cần mẫn của ông có lẽ còn hơn nhiều công chức trẻ đang ăn lương nhà nước

Mặc dù tôi có thể chọn nơi khác thuận tiện hơn nhưng hàng tháng tôi vẫn ghé bưu điện trung tâm SG thanh toán tiền điện thoại chỉ để được nhìn thấy ông vẫn còn đó, chăm chút tỉ mỉ với công việc của mình, đối với tôi, ông là một biểu tượng văn hóa sống của thành phố này, tôi sợ ngày mà ông sẽ ra đi (điều không thể tránh khỏi) cảm giác bưu điện trung tâm Sài Gòn sẽ vắng đi điều gì thân thương lắm...




















Không có nhận xét nào: