VRNs (01.06.2013) – Hà Nội – NGƯỜI CÔNG GIÁO TIẾP CẬN KINH THÁNH NHƯ THẾ NÀO?
Một câu truyện vui kể rằng có một nữ tu
kia kỷ niệm 50 năm Khấn Dòng, khi được hỏi soeur mơ ước điều gì nhất thì
soeur trả lời: mơ ước được làm quyển Kinh Thánh trong thánh lễ để được
các cha hôn mỗi ngày. Dĩ nhiên, đây chỉ là câu truyện vui. Tuy nhiên, nó
cũng cho thấy một thực tế là Hội Thánh Công giáo kính trọng Sách Thánh
cách đặc biệt vì tin rằng đó là Lời Chúa, là khuôn vàng thước ngọc
(canon = sự đo lường) cho đời sống đức tin và luân lý của Hội Thánh.
Chúng ta cùng tìm hiểu cách Hội Thánh tiếp cận bộ Kinh Thánh.[1]
Cách tiếp cận truyền thống
Kinh Thánh là một bộ sách kỳ diệu. Đối
với nhiều người, Kinh Thánh là nguồn nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và
văn chương một thời. Nhưng đối với người Công giáo, Kinh Thánh còn hơn
thế nhiều, đó là Lời Chúa trong ngôn ngữ loài người, nghĩa là vừa có
khía cạnh loài người vừa có khía cạnh siêu việt thiêng liêng. Khía cạnh
loài người được diễn tả qua nét chữ, văn phong, việc biên soạn các nguồn
tài liệu của các tác giả,… Khía cạnh thiêng liêng được diễn tả qua ba
hạn từ chính đó là mạc khải, linh hứng và không sai lầm. Ba hạn từ này
nhìn chung nói lên nguồn gốc thần linh của Sách Thánh, bộ sách ghi lại
sự kiện Thiên Chúa tự bày tỏ chính mình ra cho con người, hầu dẫn đưa
con người đi trên nẻo đường dẫn đến ơn cứu độ đời đời là sự hiệp thông
với Thiên Chúa.
Cách tiếp cận mới: Kinh nghiệm Công giáo
Một câu truyện kể rằng có một cô gái kia
đang tham dự lớp giáo lý dự tòng, khi nghe giảng Thiên Chúa là một người
cha thì cô gái bỏ ra về. Khi được hỏi lý do tại sao bỏ lớp học, cô gái
đáp: Tôi đã có một ông bố quá tồi tệ, xấu xa và độc ác với vợ con, bây
giờ tôi không thể chấp nhận thêm một ông bố nào nữa. Điều này cho thấy
những kinh nghiệm của con người ảnh hưởng không nhỏ đến việc họ hiểu
Kinh Thánh hoặc tìm hiểu Thiên Chúa.
Gần đây, một số nhà chú giải Kinh Thánh
đã nhấn mạnh đến vai trò của kinh nghiệm con người trong việc đọc hiểu
Kinh Thánh. Đó thật sự là một trong những khám phá giá trị của ngành
nghiên cứu Kinh Thánh. Các nhà chú giải này chú ý đặc biệt đến hoàn cảnh
và vai trò của người đọc cũng như những gì họ mang vào bản văn Kinh
Thánh. Nhiều yếu tố cá nhân thật sự có ảnh hưởng đến việc đọc hiểu Kinh
Thánh. Câu truyện cô gái trên đây chẳng hạn. Tương tự, một phụ nữ nông
thôn sẽ đọc Kinh Thánh với những cái nhìn khác với một linh mục chuyên
về Kinh Thánh. Vị linh mục này cũng sẽ đọc Kinh Thánh với cái nhìn khác
với một Tổng giám đốc của một công ty kinh doanh. Hiện tượng này được áp
dụng trong “những cộng đoàn cơ bản” tại châu Mỹ La-tinh. Các Kitô hữu
bình dị quy tụ lại và cùng nhau đọc Kinh Thánh. Họ áp dụng một tiến
trình khởi đi từ chính những kinh nghiệm chính trị xã hội của họ, rồi
sau đó họ đọc và suy tư về bản văn Kinh Thánh và cố gắng khám phá những
điểm chung hoặc tương tự / loại suy (analogy = analogia gốc tiếng Hy-lạp
có nghĩa là “so sánh” = ana + logos = tương đương)[2]
giữa kinh nghiệm của họ và Kinh Thánh. Những người tham gia tin rằng
thật sự có những nét tương đồng sâu xa giữa bản văn Kinh Thánh và cuộc
sống của họ hôm nay. Mục tiêu họ nhắm đến là biện phân dưới ánh sáng của
Kinh Thánh điều Thiên Chúa đang muốn nói với họ và những gì họ cần làm
để cải thiện cuộc sống của họ cũng như những người khác. Chính từ các
cộng đoàn cơ bản này đã khai sinh nền thần học giải phóng. Tương tự,
những nhóm Công giáo ủng hộ quyền phụ nữ cũng áp dụng cấu trúc này một
cách thành công.
Lối học Kinh Thánh chung với nhau và tìm
kiếm sự tương đồng trong Kinh Thánh trên đây được hàm ẩn trong cái gọi
là “sự tưởng tượng Công giáo” do thần học gia David Tracy và nhà xã hội
học Andrew Greeley đề xuất. Greeley định nghĩa “sự tưởng tượng Công
giáo” là một cái nhìn về thế giới, “trong đó Thiên Chúa hiện diện khắp
nơi và người ta ứng đáp lại Người trong tính cách một cộng đoàn.”
Sự tưởng tượng Công giáo tìm cách khám
phá Thiên Chúa trong mọi sự. Nó tìm kiếm mạc khải của Thiên Chúa trong
thế giới tự nhiên cũng như những công trình nghệ thuật của con người,
hạn như các kiệt tác hội họa và Vương Cung Thánh Đường vĩ đại ở châu Âu.
Nó nhấn mạnh đến sự tương đồng (analogy) và phép ám dụ (metaphor) như
những cách giúp nắm bắt phần nào hoạt động của Thiên Chúa trong thế
giới. Trong khi sự tưởng tượng biện chứng (dialectical) của Tin Lành
nhấn mạnh nét “khác” và siêu việt của Thiên Chúa, thì sự tưởng tượng
loại suy (analogical) của Công giáo nhấn mạnh sự gần gũi và cận kề của
Thiên Chúa. Ví dụ: trong khi sự tưởng tượng loại suy thích nói về Thiên
Chúa bằng hình ảnh “mục tử”, “đá tảng”, thì sự tưởng tượng biện chứng
lại thích nói rằng đây là những hình ảnh “duy nhất” dành cho các thuộc
tính của Thiên Chúa và rằng thật ra Thiên Chúa không phải là một mục tử
hoặc một tảng đá. Sự tưởng tượng biện chứng mang tính “hoặc cái này hoặc
cái kia” (either/or), còn sự tưởng tượng loại suy thì mang tính “cả cái
này lẫn cái kia” (both/and).
Sự tưởng tượng Công giáo nhấn mạnh đặc
biệt đến không gian và thời gian cũng như khám phá bàn tay Thiên Chúa
trong tình yêu của con người, trong gia đình cũng như đời sống cộng
đồng, trong cấu trúc xã hội cũng như phẩm trật, và thậm chí cả trong
những đau khổ và mất mát. Những cái nhìn này đã được chuyển trao từ thế
hệ này sang thế hệ khác chủ yếu ngang qua các câu truyện và tường thuật
(hoặc trình thuật = narrative) được kể lại trong gia đình hoặc cộng đồng
địa phương.
Dù không phủ nhận tưởng tượng biện chứng
có nguồn gốc từ Kinh Thánh, nhưng chúng ta có thể nói rằng phần lớn Kinh
Thánh mang nét tưởng tượng loại suy. Kinh Thánh đầy ắp những hình ảnh
và ám dụ muốn diễn đạt những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Thiên
Chúa. Những tưởng tượng loại suy ấy thông tri mầu nhiệm Thiên Chúa chủ
yếu ngang qua các câu truyện và những tường thuật lớn, cũng như đặc biệt
đề cao những nơi thánh (hạn như Đền thờ Giêrusalem), lịch các ngày lễ
hội của người Do-thái. Nó tìm kiếm Thiên Chúa trong tình yêu của con
người (sách Diễm ca), trong đời sống cộng đồng (dân Thiên Chúa), và thậm
chí cả trong đau khổ (các Thánh vịnh than vãn, sách Gióp).
Sự tưởng tượng loại suy trong truyền
thống Công giáo trên đây rất hữu ích cho việc đọc và giải thích Kinh
Thánh hôm nay. Greeley gọi sự tưởng tượng loại suy của đạo Công giáo là
một “truyền thống thấp” (đây là một hạn từ của ngành xã hội học nhắm ám
chỉ một truyền thống xuất phát “từ bên dưới”, hoặc từ đời sống chung
cộng đồng của con người, khác với “truyền thống cao” xuất phát “từ trên
cao”, nghĩa là từ các phẩm trật Hội Thánh hoặc các thần học gia). Tuy
nhiên, với tinh thần “cả cái này lẫn cái kia” của đạo Công giáo, có lẽ
nên nhớ rằng “truyền thống cao” cũng có những đóng góp quan trọng vào
cách người Công giáo đọc Kinh Thánh. Theo đó, người Công giáo cần đọc và
giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh và dưới sự hướng dẫn của Chúa
Thánh Thần, để có thể đạt đến ơn cứu độ.
Như vậy, khi kết hợp hài hòa cả hai
truyền thống, “cao” (truyền thống thần học) và “thấp” (truyền thống loại
suy và ám dụ), người Công giáo có thể khám phá rất nhiều điều sâu xa
diệu vợi của Kinh Thánh, có thể nói là không bao giờ hết, càng đọc càng
mê, và nhờ sống theo đó mà có thể đạt đến hạnh phúc đích thực.
LM. JM. Mười Một, CSsR
[1] Bài viết chủ yếu là bài lược dịch Chương 3 “How Do Catholics Approach the Bible?” trong quyển How Do Catholics Read the Bible của cha Daniel J. Harrington, SJ., 33-41.
[2] Phan Tấn Thành, OP., Nhập Môn Thần Học, 35.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét