LỜI NGỎ:
Chủ nghĩa nhân bản ở xã hội phương Tây ra đời trong thời kỳ được gọi là “Phục hưng” (khoảng thế kỷ XV – XVII), phát triển mạnh mẽ cùng với thời đại khoa học nhằm giải quyết vấn đề đời sống con người và những giá trị liên quan đến các hiện tượng trên hành tinh. Trong khi đó, chủ nghĩa nhân bản của Phật giáo cũng rất thịnh hành tại Á châu. Riêng với Nho giáo và Lão giáo thì tuy không hình thành hẳn một chủ nghĩa nhân bản cụ thể, nhưng quan điểm vẫn bàng bạc khắp trong các giáo thuyết. Còn Kitô Giáo thì sao ? Kitô Giáo cũng không đưa ra một chủ thuyết nhằm xây dựng một chủ nghĩa nhân bản như các chủ nghĩa theo trường phái triết học (chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa cộng sản v.v…), vì tự bản tính, Kitô giáo không thể và không phải là một trường phái ý thức hệ theo quan điểm triết học trần thế. Tại sao ? Chính bởi vì Kitô giáo là một tôn giáo được xây dựng từ nguồn gốc của con người nhằm phục vụ cho hạnh phúc con người, mà nguồn gốc con người (nhân bản) lại xuất phát từ nơi Thiên Chúa. Nói khác hơn, tự bản chất Kitô giáo đã là một “CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN ĐÍCH THẬT” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, 9).
Vì tình yêu, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, muôn loài. Khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa đã phán bảo “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28), và “Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, con người ấy phải được tự do và đuợc hướng dẫn theo chính phán đoán của mình” (“Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo”, 11).Rõ ràng, nguồn cội con người xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu (“… chỉ có một Thiên Chúa thật duy nhất, Đấng là nguồn mạch của mọi loài thọ sinh ; toàn thể thế giới này hiện hữu bởi quyền năng của Lời sáng tạo. Hệ quả là tạo vật của Ngài là điều rất thân thiết với Ngài, vì nó được an bài và ‘dựng’ nên bởi Ngài” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 9), nên Người chính là “nhân bản” vậy (“Lịch sử quan hệ ái tình giữa Thiên Chúa và Israel, ở mức thâm sâu nhất, bao gồm trong sự kiện là Ngài đã ban cho Israel Torah (Lề Luật), qua đó mở mắt cho dân Israel thấy bản chất thật sự của con người, và chỉ cho dân Người thấy con đường dẫn đến chủ nghĩa nhân bản đích thật. Quan hệ này chứa đựng trong sự kiện là con người qua cuộc sống trung tín với Thiên Chúa duy nhất, sẽ tự cảm nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương, và khám phá ra những niềm vui trong sự thật và trong sự công chính – đó là niềm vui nơi Thiên Chúa mà rồi ra sẽ trở nên hạnh phúc thiết yếu của con người” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 9).
Bài 1 :
NHÂN BẢN
I. KHÁI NIỆM :
I.1. Nhân bản là gì ? Ai cũng biết ‘nhân’ là người, con người ; ‘bản’ là cái gốc, cái nền tảng. Vậy ‘nhân bản’ là cái gốc của con người từ khi mới hình thành (trong bụng mẹ) đến lúc chào đời. Con người, khi ấy mới chỉ là một sinh vật có bản năng, chưa có ý thức, tri thức, dục vọng ; nói khác hơn, con người lúc ấy hoàn toàn tốt lành, không bị lôi cuốn hay vướng mắc một sự gì của hệ luỵ trần gian. Vì thế mới có câu “người mới sinh, tính vốn lành” (“nhân chi sơ, tính bản thiện” – Nho giáo), “trẻ thơ giống như một tờ giấy trắng” (tục ngữ VN) trên đó chưa in một tì vết nào.
I.2. Nhân bản xét theo nhãn quan xã hội : Cái gốc của con người là như vậy, nhưng con người sẽ không mãi mãi như vậy, bởi con người là một sinh vật có lý trí, có tăng trưởng. Cũng giống như “cây cam trồng ở bờ nam sông Hoài thì ra trái ngọt, nhưng đem trồng sang bờ bắc sông Hoài thì trái lại chua” (Ngụ ngôn Trung Quốc), con người theo thời gian tăng trưởng sẽ ảnh hưởng bởi môi trường, hấp thụ bởi môi sinh (từ gia đình tới học đường, xã hội), nên cái gốc ấy sẽ dần biến đổi (có thể trở thành càng ngày càng tốt lành, mà cũng có thể trở nên ngày một hư đốn, tồi tệ). Và từ đó, xã hội phải đề ra vấn đề giáo dục và răn đe : Giáo dục nhân bản theo chiều hướng đi lên, và đặt ra những định chế, luật lệ nhằm răn đe, sửa chữa những lệch lạc, sai lầm. Từ đó có những nguyên tắc quy định về nhân quyền, nhân vị.
I.3. Nhân bản xét theo nhãn quan tôn giáo : Cũng từ nhãn quan rất đời thường như thế, nhìn vào thân phận con người, rồi đi xa và sâu hơn để tìm đến cội nguồn là con người đươc sinh ra từ thần linh, sẵn có thần tính nên mới thiện hảo. Vậy nên phải bảo dưỡng và giáo dục làm sao cho đạt tới cùng đích : trở nên hoàn thiện như thần linh. Đại đa số các tôn giáo đều công nhận nguồn gốc con người xuất phát từ một vị thần linh tối thượng (tuy cách gọi có khác nhau : Ông Trời, Đấng Tạo Hoá, Đấng Tối Cao…).
II. NHÂN BẢN KITÔ GIÁO :
Có thể tóm lược đặc tính nhân bản Kitô giáo trong công thức : nhân bản xã hội + hồng ân Thiên Chúa = nhân bản Kitô giáo. Tại sao lại thế ? Vì ‘nhân bản’ Kitô giáo vừa được hiểu theo nghĩa “cái gốc của con người”, vừa được hiểu theo nghĩa “cái gốc của yêu thương” (Ở Việt Nam, cách đây hàng thế kỷ, nhiều anh em các tôn giáo khác vẫn hay gọi Đạo Công giáo là “Đạo Bác ái”, “Đạo yêu thương”). Để diễn tả bằng chữ viết theo mẫu tự Latinh, cả 2 nghĩa trên đều được viết là “nhân”, nhưng nếu viết bằng chữ Hán thì có khác. Đem chiết tự từ Hán Việt ‘Nhân’ bản xã hội, thì như đã trình bày trên : ‘nhân’ là người – một con người cụ thể trong xã hội loài người. Còn ở từ ‘Nhân’ bản Kitô giáo, thì vì con người có nguồn gốc từ Tình yêu Thiên Chúa (vì Tình Yêu, Thiên Chúa tạo dựng con người) nên con người là biểu tượng Tình Yêu Thiên Chúa. Khi viết, từ Hán Việt này gồm 2 từ : ‘nhân’ (người) + ‘nhị’ (số 2), cũng phát âm là ‘nhân”, và có nghĩa là ‘lòng thương người’ (lòng thương yêu của một cá nhân, tất phải có đối tượng để thể hiện tình yêu đó – thêm một cá nhân nữa = nhị nhân – 2 người – đó là đặc tính ‘tượng ý’ của chữ Hán). Tóm lại, ở cả 2 cách viết chữ “nhân” đều có chữ ‘người’, một đàng thì nói về cái gốc của con ‘người’, một đàng thì nói về lòng thương ‘người’, mà thương người thì phải có người cho và người nhận, nên có thể nói ‘Nhân bản Kitô giáo’ bao hàm ý nghĩa sâu rộng hơn ‘nhân bản’ xã hội, vì lòng nhân của con người vừa có tính đối thần ("Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22. 37). lại vừa có tính đối nhân (“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình – Mt 22. 39) ; “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” – Ga 13, 34).
III. KẾT LUẬN :
Như vậy, nhân bản học Kitô giáo đã khẳng định một chân lý : nhân bản con người không phải tự nhiên mà có, mà là do Thiên Chúa – Đấng chí nhân, chí thánh – ban tặng khi Người dựng nên loài người. Nhận chân được điểm then chốt đó, người Kitô hữu phải cảm tạ Thiên Chúa vì hồng phúc Người đã ban cho, đồng thời phải biết trân trọng công trình tác tạo tuyệt vời ấy bằng cách trau giồi và phát triển những đức tính nhân bản của mình ngày một hoàn thiện hơn.
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
2/- Có gì khác biệt hoặc mâu thuẫn giữa 2 quan điểm về nhân bản giữa xã hội với Kitô giáo ?
3/- Đức tính nhân bản có tăng trưởng theo thời gian, tuổi tác không ? Tại sao ?
4/- Có thể trau giồi, rèn luyện, giáo dục nhân bản được không, và bằng phương cách nào ?
5/- Các tu sĩ, linh mục thường chọn một câu Kinh Thánh mà họ đắc ý nhất, để làm châm ngôn cho đời tu của mình. Anh (chị) nghĩ sao ? Hãy thử chọn cho mình một câu Kinh Thánh làm châm ngôn sống, và cho biết tại sao anh (chị) lại chọn cau ấy ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét