VRNs (28.04.2013) – Sài Gòn – Một Chút Suy Niệm Về Lịnh Truyền Của Chúa Ki-tô Trong Ga 13:34)
Thưa Anh Chị Em thân mến trong Chúa Ki-tô,
Không một đề tài nào đã từng làm tiêu tốn
giấy mực, thời giờ, và công sức con người cho bằng đề tài tình yêu.
Thiên hạ đã nói về tình yêu, đang bàn về tình yêu, và sẽ còn tiếp tục
thuyết giảng về tình yêu.
Mặt khác, không một lãnh vực nào trong
đời sống con người gánh chịu nhiều nỗi bi thương vì vô vàn vô số lợi
dụng và lạm dụng như lãnh vực tình yêu.
Ngày nay, tình yêu bị giản lược thành
tình dục, chỉ còn là một hành động bản năng. Tình yêu bị phẫu thuật tạo
hình, bị tiêm thuốc tăng trọng, bị biến đổi gien, bị biến thành công cụ
của ác tà.
Hậu quả tất nhiên là khó mà tìm thấy trong xã hội loài người dung mạo chân thật của tình yêu.
Có lẽ từ đây một tình yêu vị tha, vô điều
kiện, cao thượng, thanh thoát, thủy chung như nhứt, chỉ còn hiện hữu
trong chuyện cổ tích thần tiên!
Tất cả những gì đang xảy ra chung quanh
đều nhứt tề dập tắt đi bất kỳ một tia hy vọng mong manh nào đó còn sót
lại trong cõi lòng chúng ta.
Giáo huấn—và trên hết là gương mẫu cuộc
sống—của Chúa Ki-tô khẳng định một điều ngược lại với xu hướng bi quan
đang bao trùm xã hội loài người. Chúa dạy: tình yêu chân chính, đúng
nghĩa vẫn đang sống và tác động mạnh mẽ để thay đổi thế giới.
Đó là tình yêu của một Con Người chỉ biết yêu thương mà không đòi được yêu đáp trả.
Đó là tình yêu của một Con Người vẫn cứ yêu thương, mặc cho nhiều phen bị nhẫn tâm bạc nghĩa bội tình, bị bán đứng rẻ mạt.
Đó là tình yêu của một Con Người, bầm dập
đắng cay vì bạo hành, bất công, thù hận ngút trời, lúc nào cũng yêu
thương một cách hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng như mối tình đầu.
Đó là tình yêu của một Con Người dám đât
lên chiếu bạc cuộc đời chính sinh mạng mình để thế chấp cho chân tính
tình yêu: “Không tình yêu nào vĩ đại cho bằng tình yêu của người dám thí
mạng vì người mình yêu” (xc Ga 15:13).
Đó còn là tình yêu của một Đấng Thiên
Chúa, hóa thân làm Con Người, để cứu sống tình yêu của loài người, và để
dạy loài người nhờ biết yêu thương nhau mà được ơn cứu sống..
Tình yêu đã được cứu sống đó phải được những con người đã được cứu sống nêu lên thật cao và phát tán ra thật sâu thật rộng.
Đó là ý nghĩa lịnh truyền của Chúa Ki-tô: “Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con” (Ga 13:34).
Thông thường không cần ai dạy bảo con
người cũng biết yêu mình hơn yêu kẻ khác. Do đó, các bậc hiền nhân, các
vị giáo tổ đều dầy công khuyên nhủ mọi người biết yêu tha nhân như yêu
chính bản thân mình. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân—điều mình không ưng
thì chớ gây ra cho người” (xc Tb 4:15).
Giữa cõi đời tràn ngập vụ lợi và vị kỷ,
nếu có ai đó biết sống vị tha quên mình—chẳng hạn gương anh hùng liều
chết cứu người—luôn luôn được mọi người thán phục, tôn vinh như báu vật
hiếm hoi của nhân loài.
Hình như Chúa Ki-tô không muốn tín hữu
của Chúa chỉ bằng lòng với hai mức độ thương yêu nói trên. Chúa đẩy
hành vi bác ái lên tầm cao của Đấng Cứu Nhân Độ Thế: “yêu như Chúa
yêu.” Lời dạy của Chúa hàm ngụ hai điều. Một là, yêu thương không
thiên vị, noi gương Thiên Chúa Đấng ban mưa thuận gió hòa cho thánh nhân
lẫn tội nhân (Mt 5:35); hai là, một khi đã chấp nhận thách đố của bác
ái thì cũng phải sẵn sàng chịu đau khổ và gục chết đau thương như gương
Chúa trên thánh giá.
Từ đây yêu thương trở thành căn tính của người môn đệ Chúa Ki-tô (xc Ga 13:35).
Kẻ tự xưng là tín hữu Chúa Ki-tô nhưng chỉ biết thù oán đồng loại rốt cuộc chỉ là kẻ dối trá (xc 1 Ga 3:20).
Từ đây một biên cương, một chiến tuyến được vạch ra giữa con cái Thiên Chúa và con cái Ác Tà:
“Căn cứ vào điều nầy mà người ta phân
biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công
chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình,
thì cũng vậy” (1 Ga 3:10).
Con cái ma quỷ có mọi thứ khiến thiên hạ
thèm khát, ganh tị: như quyền lực, tiền tài, danh vọng, lạc thú. Đơn
giản vì ma quỷ bố thí cho họ tất cả những thứ đó, đánh đổi việc họ chấp
nhận quỳ xuống thờ lạy chúng (xc Mt 4:9).
Nhưng có một thứ ma quỷ không bao giờ có thể chu cấp cho họ, đó là tình yêu.
Ma quỷ, vốn là cựu thiên thần, có trí tuệ
siêu phàm, hiểu biết tường tận các lẽ nhiệm mầu của vũ trụ càn khôn,
chấp nhận không chút nghi nan chân lý về Thiên Chúa, song đã vĩnh viễn
đánh mất khả năng biết ngưỡng mộ, yêu mến, và tri ân Thiên Chúa.
Đó chính là bản chất của cái hỏa ngục ma quỷ luôn phải mang theo suốt đời.
Đó cũng chính là nỗi bất hạnh của những
kẻ sống trong hận thù, chủ trương hận thù, khích động hận thù, trục lợi
bằng hận thù, điên cuồng ra sức thiêu rụi nhân loại trong biển lửa hận
thù.
Đối với những con người nầy cuộc sống sẽ
vô nghĩa, vô vị nếu không có mùi tanh của máu, vị mặn đắng của nước mắt
tuôn chảy vì chuỗi dài vô tận đau khổ, bất công, đàn áp, tù đày, chém
giết.
Thật đáng sợ khi phải đối đầu với những
danh tánh, những bộ mặt đang cam tâm để cho Ác Tà sử dụng mà gieo tai
giáng họa trên nhân loại nầy (xc “Thông Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm
2005” của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II.)
Song đồng thời thật đáng thương cho những
con người bị biến thành công cụ đắc lực trong gọng kềm Ác Tà mà giả như
có muốn thoát thân đi nữa thì họ cũng đành thúc thủ vô phương vô vọng.
Những con người như họ phải sống trong một nghịch lý vô cùng kinh sợ.
Như loài sinh vật hiếm khí và hiếm
quang—quen sống trong môi trường thiếu khí trời và thiếu ánh sáng—những
con người nầy rất dị ứng với bầu trời thông thoáng gió tự do của Chúa
Thánh Thần (xc Ga 3:8; 2 Cr 3:17), và tràn ngập ánh sáng chân lý của Lời
Chúa (xc Ga 1:9). Phản ứng của họ rất điên cuồng, mù quáng nên không
hề biết mình đang hủy diệt nguồn dưỡng khí và ánh sáng vốn vô cùng cần
thiết cho quá trình sinh tồn và phát triển của chính mình.
Tuy nhiên, nhìn theo một góc độ khác, cho
dầu có cơ hội hết sức thuận lợi để hoàn lương và làm lại cuộc đời, họ
vẫn không đủ dũng khí để bước ra vùng trời lộng gió và chan hòa ánh thái
dương. Thời kỳ sống buông thả theo phần u minh của bản năng đã hội đủ
điều kiện để hình thành trong họ một con người khác, xa lạ với các khái
niệm nhân vị, nhân bản, nhân phẩm, nhân quyền. Hầu như các phẩm chất
cao quý nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, các giá trị căn bản như tính lương
thiện, ý thức liêm sỉ, lòng tự trọng, tính chân thật, lòng biết ơn, đã
vỡ vụn hoặc bốc hơi, theo mức độ họ đã từng đàn áp, chà đạp, phỉ nhổ,
tàn phá các giá trị cao quý quý đó nơi người khác Ý thức hệ Ác Tà đã
biến họ thành một chủng loại khác mang bộ mặt người, mặc quần áo người,
nói tiếng người, ăn uống thực phẩm dành cho người, nhưng không có bộ óc
và trái tim người, Việc tái hội nhập vào cộng đồng loài người đối với
những con người như thế thật vô cùng nan giải.
Ai có thể giải cứu những nạn nhân đáng
thương nầy khỏi quyền lực Ác Tà? Ai có thể phục hồi lại cho họ phẩm
chất cao quý của con người? Ai có thể đưa họ vào mối tương quan huynh
đệ thân ái với đồng loại, và nối kết tình phụ tử với Thiên Chúa? Còn ai
có thể làm được công cuộc đội đá vá trời đó nếu không phải là chính
Đấng đã sáng tạo họ theo hình ảnh thánh thiện của Thiên Chúa?
Chỉ có Thiên Chúa, Đấng toàn năng không
ngừng sáng tạo, sẽ thay tim hóa đá của họ bằng quả tim biết yêu thương
và đầy trắc ẩn (xc Êd 36:26).
Chỉ có Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Thế do Thiên
Chúa cử đến trần gian, sẽ biến đổi họ thành tạo vật mới, để sống cuộc
đời mới, chẳng những trong tư cách con người, mà còn trong phẩm giá con
cái Thiên Chúa nữa (xc 2 Cr 5:17; Rm 8:14-15).
Người tín hữu Chúa Ki-tô với vai trò muối
đất và ánh sáng trần gian (xc Mt 5:13-14), là men trong bột (xc Mt
13:33), được Chúa kêu gọi cộng tác vào đại cuộc biến đổi nhân loại.
Thách đố dành cho các môn đệ Chúa Ki-tô
là “không được để ác tà chế ngự nhưng phải chế ngự ác tà bằng điều
thiện” (xc Rm 12:17; 1 Pr 3:9).
Tại cứ điểm dầu sôi lửa bỏng nầy, lịnh truyền yêu thương của Chúa Ki-tô tỏa sáng như Con Đường Giải Thoát của Chân Lý Cứu Độ.
Chúa Nhựt 28 tháng 4, năm 2013
Lm P.X. Nguyễn văn Nhứt, O.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét