HÃY SÁM HỐI, TRỞ VỀ CÙNG THIÊN CHÚA
Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm C – Lc 13,1-9
Thứ Tư – 27/02/2013
XIN ƠN THÁNH THẦNTrong tâm tình hướng về Mùa Chay Thánh, mùa cầu nguyện, ăn chay, làm việc lành phúc đức, sám hối trở về với Chúa, kính mời cộng đoàn hiệp ý xin Chúa Thánh Thần ngự đến giúp chúng ta tham dự giờ suy tôn Lời Chúa chiều nay thật sốt sắng.
(Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Lc 13,1-9.
- A. LỜI MỞ ĐẦU
Giáo Hội sẽ công bố Tin Mừng Lc 13,1-9 vào Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C với chủ đề:
HÃY SÁM HỐI, TRỞ VỀ CÙNG THIÊN CHÚA
- B. TÌM HIỂU CHI TIẾT DƯỚI HÌNH THỨC SUY NIỆM
Hát: Chúa là Đấng từ bi nhân ái, không chấp nhất mà chỉ có xót thương.
Suy Niệm 1: NẾU KHÔNG SÁM HỐI THÌ SẼ CHẾT HẾT NHƯ VẬY (Lc 13,1-5)Mở đầu trình thuật, tác giả Tin Mừng Luca cho biết, có mấy người đến kể cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Đức Giêsu đã nêu lên hai biến cố thời sự để dạy những bài học quan trọng. Hai biến cố khác hẳn nhau: Một biến cố mang tính chính trị còn biến cố kia là một tai nạn, nhưng cả hai trường hợp đều có nhiều người chết.
Trong biến cố thứ nhất, tổng trấn Philatô cho giết một số người Galilê ngay cả khi họ đang dâng lễ tế lên Thiên Chúa. Cuộc đời họ chấm dứt thình lình vào lúc họ đang cử hành những lễ nghi đạo đức nhất trong nơi rất thánh là đền thờ.
Chúng ta không rõ tại sao ông Philatô đã quyết định cho giết người trong đền thờ. Dân chúng nghĩ rằng, những người Galilê ấy chắc là thật sự xấu mới bị giết cách đó. Dân suy đoán rằng, Thiên Chúa không ưa những lễ vật của những người ấy và vì thế đã để cho hành vi phạm thánh này xảy ra.
Rồi Đức Giêsu xét đến biến cố thứ hai, lần này hoàn toàn là một tai nạn, khi một ngọn tháp đổ xuống đè chết mười tám người.
Đức Giêsu nói rõ là trong cả hai trường hợp, những người đã chết không xấu hơn những người đang nghe Người nói hay không xấu hơn bất cứ ai khác, kể cả bọn lính Rô-ma. Đức Giêsu nhấn mạnh rằng, tất cả mọi người lúc này đây phải sám hối và từ bỏ tội lỗi, bằng không tất cả sẽ bị Thiên Chúa xét xử và trừng phạt. Đó chính là chuyện sống còn của mỗi người. Đức Giêsu sẽ nói rõ hơn giáo huấn của Người qua dụ ngôn cây vả không sinh trái chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần cuối bản văn Tin Mừng.
Hát: Chúa là Đấng từ bi nhân ái, không chấp nhất mà chỉ có xót thương.
Suy Niệm 2: ĐỜI SỐNG THAY ĐỔI SẼ SINH HOA TRÁI NƯỚC THIÊN CHÚA (Lc 13,6-9)Trình thuật cho biết, sau đó, Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
Đức Giêsu giáo huấn dân chúng bằng dụ ngôn đã kể. Người bảo những người đang nghe đừng có như cây vả. Đời sống thay đổi sẽ sinh hoa trái Nước Thiên Chúa, và Lời giảng dạy của Người là cơ hội để họ xem xét lại đời sống, sám hối và trở về với Thiên Chúa.
Hát: Chúa là Đấng từ bi nhân ái, không chấp nhất mà chỉ có xót thương.
Kết luận: Suy niệm Tin Mừng giúp chúng ta rõ nét bốn điều sau đây:Thứ nhất: Điều ác do kẻ thù của ta gây ra không tệ hơn điều ác do ta gây ra đâu. (Lc 6,32).
Thứ hai: Công lý của Thiên Chúa vượt quá công lý của chúng ta rất xa, và chỉ thể hiện thật sự ở thế giới bên kia (trường hợp ông La-da-rô và người phú hộ (Lc 16,19).
Thứ ba: Những bất hạnh ở đời mà chúng ta coi là “hình phạt của Thiên Chúa” chỉ là những dấu hiệu, những biện pháp giáo dục mà Thiên Chúa gửi đến để làm chúng ta ý thức về tội lỗi của mình mà sám hối quay về cùng Thiên Chúa.
Thứ tư: Hãy tin Thiên Chúa là tình yêu, Người có quyền năng biến đổi sự dữ thành sự lành cho những ai tin cậy, yêu mến Người.
GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Tôi và chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng và tỏ thái độ cao ngạo rằng, mình đạo đức hơn người khác rồi chê trách ai đó, bảo rằng họ khô khan, nguội lạnh, tội lỗi, bị trừng phạt như thế là đáng tội, không kêu ca vào đâu được, thậm chí lấy thước của mình để đo người khác, buộc ai đó phải đạo đức như mình, siêng năng đọc kinh, tham dự thánh lễ như mình. Người khác hoặc ai đó ở đây chính là người thân trong gia đình, là người trong xóm giáo, giáo xứ với mình, là người cùng phục vụ cộng đoàn với mình cho dù những người này đã từng có tì vết, tội lỗi công khai. Hãy nhớ lại trong Tin Mừng: Chính Đức Giêsu đã không hề kết án người tội lỗi.
2/ Đọc bản văn Tin Mừng, chúng ta có thể hiểu được rằng, Ông chủ vườn chính là Thiên Chúa Cha, Đấng thưởng phạt công minh (nhất là theo quan niệm của người Do-thái thời Cựu-Ước). Còn người làm vườn chính là Đức Giêsu, Đấng nhân hậu từ bi, giàu lòng thương xót, Người luôn kiên nhẫn đợi chờ kẻ tội lỗi sám hối, quay về cùng Thiên Chúa, chứ không phải Người đầu hàng kẻ gian ác, để chúng tự tung tự tác lao vào con đường bất chính. Hiểu như thế, tôi và chúng ta, mỗi người hãy nhìn lại chính mình để thấy rằng mình là tội nhân, vì không ai được sinh ra trong cõi nhân gian này mà không mắc tội (tội nguyên tổ và tội mình làm) ngoại trừ Đức Giêsu và Mẹ của Người. Biết thân phận mình như vậy, mỗi người chúng ta hãy sám hối, tin vào Tin Mừng, trở về cùng Thiên Chúa để được ơn tha thứ, ơn cứu độ, được sự sống vĩnh cửu.
3/ Cây vả không sinh trái trong dụ ngôn phải chăng ám chỉ con người tội lỗi của mỗi người chúng ta. Đúng! Mỗi người chúng ta là một cây vả khô cằn, đã bao năm không sinh lợi gì cho ông chủ khiến ông chủ ra lệnh cho người làm vườn chặt đi vì để như vậy chỉ làm chật đất, hư đất. Đời sống thiêng liêng của chúng ta không sinh lợi gì cho Thiên Chúa, cho tha nhân; thay vào đó chỉ làm điều gian ác bất chính gai mắt Chúa, xốn mắt tha nhân. Quả thật, cái rìu luôn đặt bên gốc cây vả không sinh trái, án phạt của Thiên Chúa luôn kề cận mỗi người chúng ta, chỉ chờ đợi ngày Thiên Chúa chặt đi và quẳng vào lửa. Mỗi người chúng ta nhân cơ hội này, gẫm suy tình thương của Chúa, Người luôn kiên nhẫn, chờ đợi chúng ta sám hối quay về làm hòa cùng Thiên Chúa.
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1/ “Không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (câu 3và 5).
2/ “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” (câu 7)
3/ “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Câu 8 và 9).
LỜI NGUYỆN
1/ Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức mình tội lỗi hơn người khác, không bao giờ làm quan tòa xét đoán, lên án họ cho dù họ có phạm lỗi công khai, vì công lý của Chúa bao giờ cũng khác với công lý của thế gian.
2/ Lạy Chúa Giêsu, lòng nhân hậu và thương xót của Chúa, sự kiên nhẫn đợi chờ của Chúa luôn mời gọi chúng con sám hối, quay về nẻo chính đường ngay. Xin đón nhận chúng con như người cha nhân hậu đón nhận người con hoang đàng trở về sau bao tháng ngày xa cha, sống thác loạn trong tội lỗi.
3/ Lạy Chúa Giêsu, mỗi chúng con là một cây vả không sinh trái. Xin giúp chúng con biết hợp tác với người làm vườn là Ngài, để Ngài chăm bón cho đời sống thiêng liêng của chúng con mỗi ngày thêm tăng trưởng nên ích cho phần rỗi chúng con, nên chứng nhân loan báo Tin Mừng cho lương dân, chia sẻ đức tin cho những ai chưa biết Chúa trong Năm Đức Tin 2013 và Năm Thánh sắp mở ra trong Giáo Xứ của chúng con.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Biên soạn: Gioa-kim Phạm Văn Lượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét