CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 09.A CHÚA NHẬT 3 Thường Niên Năm A 22-01-17



Học thuộc lòng đoạn Kinh Thánh
Lời Chúa:  "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". (Mt 4,17)
Lời Chúa:  Is 8,23b – 9,3; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23
LỰA CHỌN CỦA CHÚA GIÊSU - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Địa lý nước Do Thái chia làm ba miền. Miền Nam được gọi là Giuđêa. Miền Trung là Samaria. Miền Bắc là Galilêa. Thủ đô Giêrusalem thuộc về miền Nam. Đây là trung tâm chính trị và tôn giáo. Vua Hêrôđê đóng đô ở Giêrusalem.
Đền thờ Giêrusalem là trái tim của dân tộc Do Thái. Hằng năm người ở mọi miền tuôn về Giêrusalem dự lễ. Đây cũng là nơi quy tụ quyền lực tôn giáo. Có dinh thầy cả thượng phẩm. Có các luật sĩ, biệt phái, văn nhân. Người ở Giuđêa coi Giêrusalem là đền thờ duy nhất, đạo ở Giuđêa là chính thống. Họ tẩy chay người ở Samaria, coi Samaria là ngoại đạo vì người ở Samaria xây cất đền thờ riêng trên núi Garidim. Người ở Giuđêa không bao giờ đi lại tiếp xúc với người Samaria. Còn miền Galilêa ở phía Bắc, tuy không có đền thờ đối nghịch với Giuđêa, nhưng bị Giuđêa khinh miệt vì đó là nơi pha tạp đủ mọi sắc dân, là đất của dân ngoại.
Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã không chọn rao giảng tại Giêrusalem. Bởi vì Giêrusalem là vùng toàn tòng theo đạo, nhưng lại kiêu căng hợm mình, loại trừ người khác. Khi mới sinh ra, Chúa Giêsu đã phải chạy trốn bạo vương Hêrôđê. Hôm nay Hêrôđê con ông lại ra lệnh giết thánh Gioan Baotixita chỉ để thỏa mãn ước vọng ngông cuồng của một phụ nữ. Chúa Giêsu đã không chọn Giêrusalem làm điểm xuất phát, bởi vì các thày thượng tế, các văn nhân, luật sĩ, biệt phái đã chai đá, luôn tìm cách bắt bẻ, chứ không biết mở rộng tâm hồn đón nhận giáo lý của Người.
Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng quê nghèo khiêm tốn, nhưng dân cư thuộc đủ mọi chủng tộc đã biết mở lòng đón nhận giáo lý của Người. Người đã chọn Galilêa vì ở đây không có loại trừ, mọi người biết đón nhận nhau, chung sống hòa thuận. Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng đất bị khinh miệt, dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã không để giáo lý của Người bị đóng khung trong bốn bức tường đền thờ, bị giới hạn trong một khung cảnh địa lý và dành riêng cho một giai cấp. Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã vạch ra cho Giáo Hội một đường hướng. Đó là ra đi, ra đi không ngừng nghỉ, ra đi đến những chân trời xa lạ, ra đi đến với mọi người thuộc đủ mọi chủng tộc, ngôn ngữ, màu da. Đó là đi đến với những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Việc lựa chọn môn đệ của Chúa Giêsu cũng rất độc đáo. Người không lựa chọn môn đệ trong đền thờ, nhưng lựa chọn môn đệ giữa chợ đời. Người không lựa chọn những kẻ nhàn hạ rảnh rang, nhưng lựa chọn những người đang tất bật làm việc. Người không chọn những người trí thức uyên thâm, thông kinh hiểu luật, nhưng lựa chọn những anh thuyền chài, đơn sơ, cục mịch. Ý định truyền giáo của Người là rất rõ ràng. Người lựa chọn những người dám ra đi, dám mạo hiểm, sẵn sàng từ bỏ, không ngần ngại, không do dự. Người lựa chọn những con người có trái tim mở rộng, biết hy sinh quên mình, không bám víu vào bất cứ một điểm tựa nào, dù là lề luật, dù là đền thờ, dù là kiến thức. Buông tất cả để chỉ nắm lấy Thiên Chúa. Bỏ tất cả để chỉ đi theo Chúa.
Những lựa chọn của Chúa Giêsu khiến tôi hiểu rằng: Người yêu thích những tâm hồn rộng mở biết sống hài hòa, biết đón nhận anh em. Người yêu thích những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, ưa thích sống đời khiêm nhường bình dị. Người yêu thích những tâm hồn nồng nàn yêu thương. Đó là những tâm hồn dễ dàng đón nhận và chia sẻ Tin Mừng. Đó là những thửa đất tốt cho hạt giống Tin Mừng nảy mầm, đơm bông kết trái.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con để con đón nhận được Lời Chúa và để Lời Chúa sinh nhiều bông hạt.

ĐGH Phanxico : "CÁC TÔNG ĐỒ CÓ NHIỀU TỘI LỖI, NHƯNG CÁC NGÀI KHÔNG NÓI XẤU NHAU"
Lm Nguyen Van Agostino chuyển ngữ



Đức Giáo Hoàng Phanxico cử hành Thánh lễ tại giáo xứ Santa Maria ở Guidonia thuộc Roma. "Một cộng đoàn của những người lắm chuyện thì không thể có được đời sống chứng tá"
"Có một tội mà tôi không tìm thấy nơi những người của các Tông Đồ, được kể lại trong Tin Mừng: họ là những kẻ phản bội, những kẻ hèn nhát, nhưng không nói xấu nhau." Đó là những gì Đức Giáo Hoàng nói trong bài giảng Thánh Lễ cử hành trong giáo xứ Santa Maria tại Guidonia, một vùng ngoại ô phía đông của thủ đô.
"Họ đã phản bội Chúa, ngài nói thêm - nhưng có điều này họ không có, là lắm lời, chúng ta đều là tội nhân, nhưng một cộng đoàn nơi có nhiều ông và nhiều bà lắm chuyện là một cộng đoàn không thể làm chứng, tôi chỉ nói thế này: bạn muốn có một giáo xứ hoàn hảo không? Thì đừng lắm chuyện, đừng, nếu bạn có một cái gì đó chống lại một ai thì cứ gặp mặt mà nói. Đây là một dấu hiệu cho thấy Chúa Thánh Thần hiện diện tại một giáo xứ, các tội lỗi khác, tất cả chúng ta có, một bộ sưu tập các tội lỗi, người thì có tội này, kẻ phạm tội kia, chúng ta đều là tội nhân, nhưng trong đó có một tội phá hủy một cộng đoàn là lắm chuyện, nói chuyện xấu sau lưng người ta».
Trong khi trích dẫn trước đó về Giu-đa, Đức Giáo Hoàng đã nói rằng chúng ta không biết những gì xảy ra với anh ta bởi vì "Thiên Chúa có lòng thương xót", tuy nhiên các tông đồ khác cũng đã bỏ rơi Chúa Giêsu.
Trong chuyến thăm này cua ngài tại nhà thờ giáo xứ Santa Maria ở Setteville Guidonia, Đức Phanxico muốn dành những giày phút đặc biệt và riêng tư để thăm cha phó, Don Joseph Berardino, 47 tuổi, bị bệnh nặng từ ba năm nay. Qua cuộc gặp gỡ riêng tư này của Đức Thánh Cha Phanxicô kéo dài khoảng mười phút, ngài muốn mang lại sự hỗ trợ và thêm năng lực của mình bằng những giây phút cầu nguyện và nói lên lời động viên với linh mục.
Đức Phanxico cũng gặp những thực tế mục vụ của giáo xứ. Đặc biệt: ba mươi bệnh nhân, các bạn trẻ của các lớp giáo lý, các đôi vợ chồng đã rửa tội con cái của họ trong năm 2016, và các tác viên mục vụ. Và sau hết ngài cũng đã giải tội cho một số giáo dân.
Những cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha đến các giáo xứ Roma đã bị đình chỉ trong Năm Thánh đặc biệt của lòng thương xót. Đây là lần thứ hai Đức Phanxico tới Setteville Guidonia. Thật vậy, vào ngày 16 tháng 3 năm 2014, Đức Bergoglio đã viếng thăm giáo xứ Santa Maria dell'Orazione.
"Nhiều Kitô hữu - Đức Phanxico đã nhận xét trong bài giảng - tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Nhưng họ có thật sự làm chứng về Chúa Giếu không? hoặc đối với một số người trở nên Kitô hữu nó chỉ là một cách sống, là một fan hâm mộ, theo một triết lý nào đó. Trở thành một Kitô hữu trước hết là để làm chứng cho Chúa Giêsu. Các Tông đồ đã làm như thế cho đến khi tử đạo. Các ngài đã thí mang sống của mình".
"Các tông đồ - Đức Giáo Hoàng nói tiếp - họ không làm một khóa học để làm chứng cho Chúa Giếu. Các ngài đã cảm thấy tron chính mình có Chúa Thánh Thần. Các ngài là người tội lỗi, đến cả việc phản bội Chúa, như Thánh Phêrô. Tuy nhiên, cho dù là tội nhân các ngai vẫn để mình được cứu độ . Là nhân chứng không có nghĩa là thánh nhân. Nó có nghĩa là một tội nhân biết tin vào sự tha thứ của Chúa."
"Tôi muốn để lại cho anh chị em - Đức Thánh Cha kết luận - một thông điệp: khi đọc Tin Mừng tôi không tìm thấy một số tội lỗi nơi các tông đồ ... không nói xấu nhau; không "bôi nhọ nhau". Loại tội này các ngài không phạm. Các ngài có những tội lỗi khác nhưng chưa bao giờ hành động chống lại cộng đoàn. Ai hành động chống lại cộng đoàn thì không làm chứng tá. Vì vậy, trong các giáo xứ cần phải có: đoàn kết với nhau và không bao giờ phá hoại người khác.Lắm chuyện là phá hủy cộng đoàn. Chúng ta phải làm chứng nhân cho dù chúng ta đều là tội nhân. Ước gì Chúa ban cho anh chị ân sủng này."
Cuối cùng, Đức Phanxico để kết thúc chuyến thăm của ngài như thế này: "anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Và không nên lắm chuyện!".

GIÁO LÝ :  Mục vụ gia đình: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân



Câu Giáo lý 347: H./ Bí tích Hôn Phối được cử hành thế nào? 
T./ Bí tích Hôn Phối được cử hành cách công khai, trước sự chứng kiến của vị đại diện Hội Thánh và những người làm chứng [343].
Người Công giáo và vấn đề lập bàn thờ gia tiên

Hỏi : Đạo Công Giáo ngày nay có cho phép gia đình Công Giáo được lập bàn thờ ông bà cha mẹ đã khuất hay không ? Có được thắp nhang đèn, van vái trước bàn thờ tổ tiên, tổ chức giỗ chạp theo phong tục cổ truyền đối với người quá cố như các gia đình Việt Nam khác không có đạo không ?
Trường hợp gia đình cha mẹ con chỉ thờ phượng ông bà tổ tiên thôi thì khi lập gia đình chúng con có thể khấn lạy ra mắt ông bà tổ tiên của gia đình mình cũng như bên gia đình nhà vợ không ?

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích DCCT giải đáp:

Anh M. thân mến,
       Như anh đã biết người Công Giáo cũng có bổn phận thảo hiếu với cha mẹ và tổ tiên ông bà. Ngoài việc chăm lo phụng dưỡng khi còn sống mà cả khi đã qua đời cũng luôn phải nhớ ơn, xin lễ và và cầu nguyện cho các ngài nữa.
Nhân câu hỏi của anh về việc lập bàn thờ cho ông bà, cha mẹ đã khuất và giỗ chạp theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam tôi xin trích Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam làm tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965 xin Tòa Thánh áp dụng huấn thị Plane compertum est(8-12-1939) về việc tôn kính tổ tiên đã được Bộ Truyền giáo chấp thuận Ngày 20-10-1964 :
Thể thức áp dụng Huấn thị Plane compertum est
1) Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.
Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.
2) Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công Giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.
Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công Giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự… thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong giáo luật, khoản 1258 (GL 1917).
Một văn kiện nữa là thông cáo của Hàng Giám Mục Việt Nam sau Đại Hội toàn quốc kỳ VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc đã diễn ra tại Nha Trang từ ngày 12 đến 14 tháng 11 năm 1974 cụ thể hoá hơn nữa những gì được thực hiện phù hợp với tinh thần hội nhập văn hoá của quê hương, đất nước . Kết thúc khóa họp, 7 giám mục tham dự ra thông cáo về “Lễ Nghi Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên.” Các giám mục chấp thuận và cho thi hành quyết nghị của Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 19 tháng 4 năm 1972.

Thông cáo giải thích thêm 6 điểm của quyết nghị 1972:
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Ðược tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
Hi vọng những điều vừa trình bầy giúp anh và nhiều người khác hiểu rõ lập trường của Hội Thánh đối với phong tục của dân tộc Việt Nam. Việc tôn kính tổ tiên không những chỉ là một việc nên làm mà còn là bổn phận và nghĩa vụ của con cháu theo lệnh truyền của Chúa là thảo kính cha mẹ, giới răn đứng ngay sau việc thờ phượng Chúa.


Cậu bé “thiểu năng trí tuệ”, thành thiên tài vĩ đại nhất thế kỷ nhờ 1 câu nói của người mẹ



Đó là một ngày đẹp trời vào những năm 1854~1855, khi cậu bé Thomas mới khoảng 7 tuổi. Hôm ấy, Thomas chạy từ trường về nhà và nói với mẹ: “Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này!”
Bà Nancy Elliott cẩn thận mở ra đọc, bên trong là lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Thomas. Bỗng nước mắt bà giàn giụa khiến cậu bé Thomas đứng ngẩn người ra vì kinh ngạc, cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó?
Ngập ngừng một lát, bà Nancy đọc to lá thư cho con trai mình:
“Con trai của ông bà là một Thiên Tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.
Nhiều năm sau đó, mẹ của Thomas đã qua đời, còn con trai bà thì trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, người được mệnh danh là “Thầy phù thủy ở Menlo Park” nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại.
Một ngày khi Thomas xem lại những kỷ vật của gia đình, cậu vô tình nhìn thấy một tờ giấy gập nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Thomas tò mò đã mở ra đọc, trước mắt cậu chính là lá thư của thầy giáo năm nào. Trên đó viết:
“Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí (tâm thần). Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”.
 Thomas đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư ấy. Về sau, cậu viết trong nhật ký rằng:
“Thomas Alva Edison là một đứa trẻ rối trí, mà, nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ”.
Câu chuyện trên là một giai thoại nổi tiếng về thiên tài sáng chế Thomas Edison. Việc thầy giáo gọi Edison là đứa trẻ “rối trí” là có thật, việc Edison bị đuổi học là có thật, và việc Edison được mẹ kèm cặp riêng tại nhà cũng là có thật.
Ngày nay chúng ta nhắc về Thomas Edison như một nhà phát minh lỗi lạc, một biểu tượng của trí tuệ và thành công. Thế nhưng tuổi thơ của ông lại gắn liền với một chuỗi những thất bại. Các giáo viên trong trường ruồng bỏ và coi Edison là đứa trẻ đần độn “không thể dạy dỗ được”; cha của ông thì cho rằng Edison có vấn đề về thần kinh và chậm phát triển, mãi tới 4 tuổi mới bắt đầu biết nói; bác sĩ gia đình thì e ngại rằng trí não của Edison bị tổn hại từ thuở lọt lòng; bản thân ông cũng là đứa trẻ yếu ớt và hay đau ốm, đến mức người ta lo sợ rằng Edison sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành…
Thế nhưng, khi tất cả mọi người đều quay lưng và nói rằng Edison là không có triển vọng, thì vẫn có một người luôn đặt trọn niềm tin vào ông. Đó chính là “người mẹ của Thiên tài” bà Nancy Elliott – người không bao giờ từ bỏ hy vọng vào con trai mình. Chính tình yêu và sự hy sinh vĩ đại ấy đã nâng đỡ và đánh thức tiềm năng trong ông, gieo vào ông những hạt giống của niềm tin để chúng nảy nở, đơm hoa, rồi kết trái. Và nếu không có một người mẹ như bà Nancy Elliott, có lẽ nhân loại chúng ta sẽ vắng bóng những chiếc bóng đèn điện, những chiếc máy quay đĩa, máy chiếu phim, máy ghi âm, và hàng ngàn phát minh ưu việt khác.
MỞ CỬA NHÀ THỜ
Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, CSsR



#GNsP (17.01.2017) – Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng” 46.“ …chúng ta phải giống như người cha của đứa con hoang đàng, luôn luôn để cửa mở hầu khi đứa con trở về, nó có thể vào ngay trong nhà.
Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng…”
Chúng ta nghĩ sao về lời của Đức Thánh Cha Phanxicô?
Hãy đi một vòng các nhà thờ quanh khu vực, quanh thành phố của chúng ta đang ở, đếm xem mấy nhà thờ mở cửa, mở cổng, cả ngày. Đếm xong sẽ thấy cách sống đạo của chúng ta, và sẽ có ngay câu trả lời tại sao công việc loan báo Tin Mừng của chúng ta trì trệ.
MẮC NỢ...
Ôi linh mục ! Một cuộc đời mắc nợ !
Đến bao giờ mới trả cho xong?
Nhìn lại chính mình : Ôi kiếp phận long đong
Nợ lời cam kết từ thuở lên bàn thánh.
Nợ bài Thánh Vịnh chưa tròn của giờ Kinh Sáng
Nợ những giờ Chầu Thánh Thể chiều đông…
Mắc nợ bao người kẻ liệt ngóng trông,
Mắc nợ bài giảng chưa xong của ngày Chúa Nhật…
Mắc nợ người nghèo bàn tay thân mật,
Mắc nợ những em thơ ánh mắt dễ thương…
Tôi nợ người trẻ nhiệt huyết để lên đường,
Nợ các gia đình những lần ủi an thăm viếng…
Nợ đức khó nghèo, nợ lòng trong trắng,
Để nêu gương thánh thiện cho đời.
Nợ bao nhiêu cuộc sống lứa đôi,
Trái tim yêu thương và ánh nhìn thông cảm.
Nợ những bước chân của trưa nắng gắt, của chiều đông lạnh,
Để về thăm bao địa chỉ khó nghèo,
Những cụ già, những bệnh nhân trong xó tối hẩm hiu…
Khao khát chờ mong, chỉ một lần, gặp người mục tử !
Nợ những anh chị em cùng tôi chung một lý tưởng,
Tình huynh đệ, hiệp nhất và chung chia sướng khổ vui buồn.
Nợ những người lương, người phật, cả những kẻ vô thần,
Cuộc sống chứng nhân và tinh thần bao dung đối thoại.
Nợ màu trắng của mây, nợ màu xanh của lá,
Vũ trụ đẹp vô cùng sao lòng vẫn cứ khô ran…
Nợ đức hy sinh, lòng nhẫn nhục, nợ trái tim vàng, …
Mà những người cọng tác vẫn hằng luôn mong đợi…
Nợ những cô gái, những chàng trai bên vệ đường tội lỗi,
Họ vẫn mãi chưa về tìm lại mái ấm của người Cha…
Thánh lễ chiều nay sao vắng tiếng thánh ca ?
Ôi linh mục Một cuộc đời làm sao ta trả hết !
LM. Trương Đình Hiền
Những Quy Định về Thủ Tục Hôn Phối Công Giáo
tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn



 1. Chuẩn bị trước khi đăng ký Hôn phối
1.1 Giáo lý Hôn nhân : đôi bạn phải học tối thiểu 3 tháng. Học sớm càng tốt để xuất trình chứng chỉ khi đăng ký Hôn phối. Hoặc đăng ký Hôn phối rồi tiếp tục học, miễn sao trước ngày cưới phải có chứng chỉ.
1.2 Hồ sơ Hôn phối cần chuẩn bị :
a- Giấy xác nhận và giới thiệu của Trưởng khu
b- Giấy giới thiệu của cha xứ bên kia
c- Chứng chỉ Rửa tội mới cấp không quá 6 tháng (có ghi chú quan trọng : tình trạng độc thân).
d- Chứng chỉ Thêm sức (nếu chưa, thì kiếm nơi học khoá căn bản để kịp chịu Thêm sức).
e- Chứng chỉ Giáo lý Hôn nhân (bản chính kèm bản sao).
f- Sổ gia đình Công giáo và Tờ khai gia đình Công giáo của giáo xứ đang thụ lý hồ sơ.
g- Giấy Chứng nhận Kết hôn (bản chính kèm bản sao).

1.3 Sổ gia đình Công giáo : mua mới.
2. Đăng ký Hôn phối
2.1 Đăng ký Hôn phối bên đàng trai hay đàng gái đều được cả. Bên nào nhận làm lễ cưới thì đăng ký bên ấy. Người bán cư trú cũng được đăng ký Hôn phối.
2.2 Trình diện : ít nhất 3 tháng trước ngày dự định xin lễ cưới, đôi bạn cùng cha hoặc mẹ đến trình diện nơi cha xứ Thụ lý Hồ sơ Hôn phối. Nếu không còn cha mẹ, thì người thân nhất đi thay : anh chị, chú bác, cô dì…
2.3 Xuất trình Hồ sơ Hôn phối như mục 1.2 ghi trên.
2.4 Đôi bạn tự viết Tờ khai Hôn phối, sau đó từng người gặp riêng cha xứ để trình bày khúc mắc, nếu có
2.5 Bạn ở giáo xứ bên kia : viết Tờ khai Hôn phối để cha xứ chứng thực (như ở Gp….), rồi đem Tờ khai này cùng với giấy giới thiệu của cha xứ đưa sang cho cha xứ bên này.
2.6 Cha xứ và đôi bạn xác định thời gian, địa điểm xin lễ cưới (phối hợp giữa ngày lễ cưới và ngày tiệc cưới).
2.7 Cha xứ lập Tờ rao Hôn phối, gửi tờ rao cho cha xứ bên kia (sau 3 lần rao, đến xin kết quả đem về), dù bên kia là tân tòng, cha xứ cũng phải nhận rao (khu xóm có thể biết tình trạng để trình báo). Nơi đâu đôi bạn cư ngụ quá 6 tháng (lúc đó : nam trên 20 tuổi, nữ trên 18 tuổi) thì phải gửi đến Tờ rao Hôn phối.
2.8 Trường hợp xin cử hành lễ cưới ở nơi khác, thì cha xứ sẽ gửi giấy giới thiệu kèm với toàn bộ Hồ sơ Hôn phối
2.9 Nếu Hồ sơ chưa đủ (td. đến ngày cưới mới có chứng chỉ Giáo lý Hôn nhân, mới có Giấy Chứng nhận Kết hôn), thì cứ viết Tờ khai Hôn phối trước và xin đăng ký ngày giờ lễ cưới sẵn (trước 3 tháng), sau đó ít nhất 3 tuần trước ngày cưới phải đến đăng ký chính thức (bổ túc giấy tờ), để kịp rao 3 lần.
3. Chuẩn bị lễ cưới
3.1 Tập Nghi thức Hôn phối vài ngày trước lễ cưới, đem theo Sổ gia đình công giáo mới : ghi đầy đủ lý lịch.
3.2 Nộp lại Tờ rao Hôn phối từ xứ bên kia.
3.3 Bổ túc giấy tờ, nếu còn thiếu.
3.4 Liên hệ với nhà thờ về việc ca đoàn, hoa, nến, trang trí…
3.5 Xưng tội, nếu đã quá 1 tháng – nên thưa là chuẩn bị lễ cưới, để cha giải tội có lời khuyên thích hợp.
4. Hôn phối với ngoại kiều
4.1 Học Giáo lý Hôn nhân như mục 1.1 nêu trên.
4.2 Hồ sơ Hôn phối như mục 1.2c-d-e-f nêu trên.
4.3 Giấy Chứng nhận Kết hôn do Sở Tư pháp cấp, không bắt buộc nộp Visa.
4.4 Giấy giới thiệu do cha xứ của đương sự ở ngoại quốc cấp kèm với chứng chỉ Giáo lý Hôn nhân.
4.5 Cha chánh xứ có thể cho rao hôn phối trước, dù một trong hai người chưa có mặt ở Việt Nam; nhưng không được nhận xác định ngày cử hành hôn phối, nếu chưa đầy đủ giấy tờ cần thiết.
5. Chuẩn Hôn phối khác đạo
5.1 Đôi bạn đều phải học Giáo lý Hôn nhân như mục 1.1 nêu trên
5.2 Hồ sơ Hôn phối của người Công giáo như mục 1.2
5.3 Đôi bạn viết Đơn xin Phép chuẩn Hôn phối khác đạo, để cha xứ xác nhận và đệ trình Toà TGM chấp thuận.
5.4 Nghi thức Hôn phối được cử hành trong nhà thờ (hoặc nơi thích hợp) ngoài thánh lễ.
5.5 Không nhận thủ tục Phép chuẩn Hôn phối khác đạo cho những người ở xa đến.
5.6 Không nhận thủ tục Phép chuẩn Hôn phối khác đạo với trường hợp ngoại kiều. Tuy nhiên, Toà TGM có thể ban phép chuẩn cho trường hợp riêng : nếu có một linh mục ở ngoại quốc nơi đôi bạn cư ngụ viết giấy xác nhận bảo đảm hướng dẫn đời sống đức tin cho bạn Công giáo.
6. Ghi chú        
6.1 Dự tòng : nên rửa tội trước ngày cưới khoảng 1-3 tháng, kèm giấy Chứng nhận Kết hôn (bảo đảm lấy nhau).
6.2 Tân tòng : sau khi được rửa tội phải gửi ngay chứng chỉ rửa tội cho cha xứ nơi mình cư trú để được nhập xứ : từ nơi đây giới thiệu hôn phối hoặc mở hồ sơ hôn phối, chứ không phải tại nhà thờ đã cho rửa tội.
6.3 Trường hợp chuẩn Hôn phối khác đạo, cha xứ bên ngoại cũng rao hôn phối (có khi khu xóm biết hoàn cảnh). Do thuận lợi, cha xứ bên ngoại cũng được thụ lý hồ sơ hôn phối của phép chuẩn hôn phối khác đạo.

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc phê chuẩn ngày 10.08.2015

CÁC NGÀY LỄ TRONG TUẦN:
Thứ Ba 24-1: T. Phanxico Salêsiô Giám mục. tiến sĩ H.thánh
Thứ Tư 25-1: Thánh Phaolo tông đồ trở lại ( lễ kính)
Thứ Năm 26-01: Thánh Thêmôthêô và Titô, giám mục ( lễ nhớ)


Không có nhận xét nào: