Nguồn: http://chuacuuthe.com/
Khi đề cập đến vấn đề tội nguyên tổ và sự chết, nhiều người đã người đặt ra vấn nạn: phải chăng tội nguyên tổ và sự chết là định mệnh mà con người phải gánh chịu? Trong khi đó, có nhiều giải thích được trưng ra để giải đáp cho vấn nạn trên. Trong số đó, có người ta dựa vào thuyết nhân quả để giải thích căn do của sự dữ và sự chết, nhưng xem ra thuyết nhân quả không thuyết phục trước khái niệm về một Thiên Chúa công bằng: thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ. Và rồi, không ít người cảm thấy bối rối trước khái niệm về Thiên Chúa vừa công bằng, lại vừa nhân từ vô cùng. Vì lẽ đó, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho vấn nạn trên, nếu như người ta chỉ dựa trên những suy luận duy lý.
Cách riêng, có thể đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan 18,1 – 19,42 làm cho nhiều người có cảm tưởng đau khổ, sự dữ và sự chết như thể một màn tối bao phủ trên Đức Giêsu. Điều đó khiến họ tự hỏi, phải chăng Đức Giêsu cũng là một trong số những nạn nhân đáng thương hơn hết giữa một nhân loại đáng thương? Bên cạnh đó, có không ít người tỏ ra thương cảm trước những đau khổ về thể lý lẫn về tinh thần quá lớn mà Đức Giêsu đã gánh chịu; rồi vội vàng đi đến việc qui trách nhiệm cho những người đương thời là những người đã trực tiếp gây ra đau khổ và cái chết của Đức Giêsu. Chẳng hạn như các thượng tế, các kinh sư và những người thuộc nhóm Pharisiêu là những kẻ chủ mưu; quan Philatô hèn nhát, nhu nhược; Giuđa hám tiền, phản bội bán đứng Thầy của mình cho các những kẻ thù ghét Đức Giêsu; đám đông dân chúng bị giật dây, cuồng tín, nên đã trở mặt đòi đóng đinh Đức Giêsu; binh lính hành xử mù quáng, dã man qua việc lấy đội mão gai lên đầu; rút thăm áo choàng của Đức Giêsu như một trò chơi cá cược. Khi Đức Giêsu trút hơi trên thập giá, họ vẫn lấy giáo đâm thấu tim của Người. Thậm chí, người ta cũng không ngần ngại phê bình Phêrô và các môn đệ khác vì sợ liên lụy, nên người thì chối Thầy của mình, kẻ thì lẩn tránh xa xa; ngoại trừ Gioan…
Nếu tự vấn lương tâm mình, và nhìn vào xã hội chúng ta đang sống, chúng ta nhận thấy không phải chỉ có một Caipha lạm quyền, ưu mô, thủ đoạn; cũng không phải chỉ có mình Philatô hèn nhát, hám quyền, hám lợi, hay đâu chỉ có mình Giuđa mới hám tiền; hoặc không chỉ Phêrô khi xưa mới chối Thầy; và cũng không chỉ có những binh lính khi xưa mới bị sai khiến hành xử dã man, mù quáng.
Hẳn là không ai có thể phủ nhận những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu là do sự độc ác của con người gây ra. Tuy nhiên, đau khổ và cái chết mà Chúa Giêsu gánh chịu không phải là một tai ương tình cờ ấp xuống trên Người, mà là một chọn lựa vâng theo thánh ý Chúa Cha cách trọn vẹn. Vì lẽ đó, trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Khi đề cập đến sự vâng phục của Chúa Giêsu, tác giả của thư gởi tín hữu Hipri cũng dạy rằng: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Hr 5,8-9).
Ngoài ra, qua việc hiến mình chịu chết trên thập giá, chúng ta nhận ra khuôn mặt Người Tôi Trung công chính mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, đó chính là Chúa Giêsu. Người được sai đến để gánh lấy tội lỗi của loài người chúng ta và có thể làm cho chúng ta nên công chính: “…Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11).
Như vậy, Chúa Giêsu đến thế gian không nhằm dạy người ta một khái niệm về giải thoát, nhưng đã chịu chết trên thập giá và đã phục sinh, để giải thoát nhân loại khỏi tội và sự chết.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã chịu chết để giải thoát chúng con khỏi tội lỗi và sự chết. Xin giúp chúng con thật lòng ăn năn, chừa bỏ tội lỗi và luôn cố gắng noi gương Chúa, luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha trong mọi sự để chúng con cũng được vinh quang phục sinh với Người.
Giacôbê Võ Minh Quang, C.Ss.R.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét