- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm, Năm B
Bài đọc: Hos 11:1, 3-4, 8c-9; Eph 3:8-12, 14-19; Jn 19:31-37.
1/ Bài đọc I: 1 Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về.
3 Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng.
4 Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.
8 Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành!
Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma, để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được?
Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. 9 Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận,
sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.
Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.
sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.
Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.
2/ Bài đọc II: 8 Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô,
9 và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, 10 để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. 11 Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.12 Trong Đức Ki-tô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.
14 Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, 15 là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất.
16 Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. 17 Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, 18 để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, 19 và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: 31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.
32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su.33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.
34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.
36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 37 Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Tâm Chúa Giêsu
Chúng ta thường rất ghét người phản bội, nhất là sự phản bội từ những người mà chúng ta đã yêu thương, hy sinh, và lo lắng mọi sự cho họ như: vợ chồng, con cái, bạn kết nghĩa ... Nhưng nếu xét về mối liên hệ của chúng ta dành cho Đức Kitô, chúng ta cũng chẳng khác chi những người phản bội hay vô ơn bạc nghĩa; vì chúng ta đã không đền đáp cho cân xứng những gì Ngài đã làm cho chúng ta: ơn cứu tử, ơn được làm con Thiên Chúa, ơn nuôi dưỡng hằng ngày qua BT Thánh Thể, ơn dạy dỗ qua Kinh Thánh, ơn răn dạy và thúc đẩy làm hòa với Thiên Chúa, và ơn thánh bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm.
Các Bài Đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu Thiên Chúa, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong Bài Đọc I, tiên tri Hosea nhắc nhở cho dân Do-thái biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ như tình phụ tử của người cha dành cho con; thế mà họ đã phản bội Ngài như những dân thành tội lỗi nhất của Cựu Ước. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Ephesô về tình yêu của Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài. Theo Kế Hoạch này, Ngài chọn dân Do-thái làm dân riêng trước để yêu thương và dạy dỗ họ; nhưng khi Đức Kitô đến, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ mở rộng đến tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, thánh Gioan ghi lại một biến cố quan trọng trong những giờ phút cuối cùng của Đức Kitô trên Thập Giá: một tên lính không đập gẫy ống chân Ngài; nhưng dùng ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Ngài, tức thì Nước cùng Máu chảy ra. Nước để rửa sạch tội cho con người qua BT Rửa Tội để con người xứng đáng làm con Chúa, và Máu để nuôi dưỡng con người qua BT Thánh Thể và cung cấp đời sống thần linh cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tình thương Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel.
1.1/ Mối tình phụ tử: Tiên tri Hosea dùng nhiều hình ảnh để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Trong trình thuật hôm nay, tiên tri ví Thiên Chúa như người cha và Israel như người con: ''Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.'' Khi dân Israel còn làm nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa vì yêu họ, nên đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai-cập qua sự lãnh đạo của ông Moses để ban cho họ một vùng Đất Hứa chảy sữa và mật. Ngài đã dạy dỗ họ từng ly từng tí, và ban Thập Giới để họ biết sống xứng đáng như Dân Riêng của Ngài.
Ephraim và Manasseh là hai con của Joseph, và được tổ phụ Jacob chúc lành như 12 chi tộc của Israel. Ephraim nằm về phía Bắc và thuộc vương quốc Israel khi bị chia đôi. Nhiều tác giả đã dùng tên Ephraim để gọi vương quốc Israel phía Bắc (Isa 7:2, Jer 31:9; Eze 37:16, 19), và Judah để gọi vương quốc phía Nam.
1.2/ Sự phản bội của Israel: Mặc dù được Thiên Chúa yêu thương, dạy dỗ, và bảo vệ cẩn thận; Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa bằng cách vi phạm các giới răn, quay lưng lại với Thiên Chúa, và chạy theo các thần ngoại bang. Theo giao ước trên núi Sinai, Thiên Chúa có quyền để mặc họ cho quân thù giày xéo, hay khiến lửa diêm sinh từ trời xuống tiêu diệt họ, như đã từng tiêu diệt các thành tội lỗi như 5 thành Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim, và Zoar (Gen 14:2, 8). Nhưng tình yêu Thiên Chúa đã ngăn cản Ngài làm chuyện đó cho Israel: ''Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.''
2/ Bài đọc II: Tình thương Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.
2.1/ Tình thương Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Kitô:
(1) Hai đặc quyền được ban cho Phaolô: thấu hiểu và loan truyền tình thương cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô: ''Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.''
(2) Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: Theo Kế Hoạch này, Thiên Chúa chọn dân Do-thái là dân riêng trước, rồi sau đó lan ra đến mọi dân tộc. Ý định cứu độ tất cả đã có từ đầu; nhưng hiện thực với sự xuất hiện của Đức Kitô. Phaolô viết: ''Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật... Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.''
(3) Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để loan truyền Kế Hoạch Cứu Độ cho mọi người: ''để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.''
2.2/ Tình thương của Thiên Chúa và của Đức Kitô vượt quá sự hiểu biết của con người.
(1) Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa: Giống như Gioan, thánh Phaolô tin tưởng Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu. Ngài yêu con người như người cha yêu thương con cái, và tình phụ tử của Thiên Chúa là "nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất."
(2) Biểu lộ của tình thương Thiên Chúa: Để biểu lộ tình thương cho con người, Thiên Chúa đã làm hai việc trọng đại, như chúng ta đã đề cập đến trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi:
- Ban Thánh Thần của Ngài cho con người: để soi sáng, củng cố mạnh mẽ, và làm cho đời sống nội tâm của các tín hữu được vững vàng.
- Ban Người Con Một của Ngài là Đức Kitô: Thánh Phaolô cầu nguyện: ''Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.''
3/ Phúc Âm: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
3.1/ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu:
(1) Khác biệt giữa phong tục của Rôma và Do-thái: Người Rôma để xác chết của nạn nhân bên ngoài cho đền khi tan biến. Người Do-thái chôn cất nạn nhân. Trình thuật kể: ''Hôm đó là ngày áp lễ (Vượt Qua), người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabbath, mà ngày Sabbath đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.''
(2) Chúa Giêsu bị đâm thâu: ''Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.''
(3) Ý nghĩa của Nước và Máu: Các thánh Giáo Phụ đã suy tư về biến cố này và cắt nghĩa:
+ Nước tượng trưng cho BT Rửa Tội và Máu tượng trưng cho BT Thánh Thể.
+ Nước tượng trưng cho sự thanh tẩy tội lỗi và Máu tượng trưng cho sự sống.
+ Nước tượng trưng cho sự sống và Máu tượng trưng cho Thánh Thần.
+ Như bà Evà được tạo từ cạnh sườn ông Adong, Hội Thánh cũng được phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu.
3.2/ Làm chứng cho tình thương Thiên Chúa: ''Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.'' Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
(1) Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua không tì tích: ''Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.'' Tin Mừng Gioan tiên báo Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa bỏ tộ trần gian ngay từ đầu (Jn 1:29); và theo truyền thống, con chiên dùng trong lễ Vượt Qua phải là con chiên không tì tích, và không một khúc xương nào của con chiên này bị bẻ gẫy (Exo 12:46, Num 9:12).
(2) Lời tuyên bố về lòng sùng kính Thánh Tâm: ''Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.'' Biến cố này làm trọn những gì đã được loan báo bởi tiên tri Zechariah (Zech 12:10) và được tác giả Sách Khải Huyền tuyên bố sẽ xảy ra trong Ngày Cánh Chung (Rev 1:7). Nhiều người cũng dùng những lời này như lời tiên tri về sự sùng kính Thánh Tâm của con người như đang xảy ra trong thời đại chúng ta.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không thể tách rời tình thương Thiên Chúa ra khỏi tình thương của Đức Kitô. Khi chúng ta cảm nhận tình thương của Đức Kitô, cũng là lúc chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa.
- Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa đã thương yêu và muốn cứu chuộc tất cả mọi người; nhưng khi Đức Kitô nhập thể, Ngài chính thức loan truyền ơn cứu độ cho mọi người.
- Thiên Chúa luôn yêu thương và trung thành giữ lời hứa, nhưng con người luôn bất trung và phản bội. Mừng Lễ Thánh Tâm là dịp chúng ta nhìn lại tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta và quyết tâm đền tạ những tội lỗi chúng ta và nhân loại đã không ngừng xúc phạm đến Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét