CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Sự cần thiết của thời gian.



Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Thứ Sáu Tuần 9 TN, Năm lẻ 

Bài đọc: Tob 11:5-15; Mk 12:35-37. 

1/ Bài đọc I: 5 Bà An-na ngồi, ngó trước ngó sau con đường mà con bà đã đi.6 Thấy cậu đang đến, bà bảo cha cậu: "Này con ông đang đến với người bạn đồng hành của nó!"7 Thiên sứ Ra-pha-en nói với Tô-bi-a trước khi cậu đến gần cha: "Tôi biết là mắt cha em sẽ mở ra.8 Hãy tra mật cá vào mắt ông. Thuốc sẽ làm cho các sẹo trắng teo lại và bay ra khỏi mắt ông. Cha em sẽ thấy lại được, sẽ nhìn thấy ánh sáng."9 Bà An-na chạy đến ôm choàng lấy cổ con và nói: "Con ơi, mẹ lại thấy con! Từ nay, mẹ có chết cũng được!" Rồi bà khóc oà lên.10 Ông Tô-bít đứng lên, chân đi loạng quạng bước qua cửa sân mà ra.
11 Tô-bi-a đi về phía ông, tay cầm mật cá; cậu thổi vào mắt ông. Cậu giữ chặt lấy ông và nói: "Thưa cha, xin cha cứ tin tưởng!" Cậu bôi thuốc cho ông và để thuốc ngấm.
12 Rồi cậu lấy hai tay bóc vẩy ra khỏi khoé mắt ông.
13 Ông ôm choàng lấy cổ cậu, vừa khóc vừa nói: "Con ơi, cha đã thấy con! Con là ánh sáng cho đôi mắt cha!" 14 Rồi ông nói:
"Chúc tụng Thiên Chúa! Chúc tụng Danh cao trọng của Người.
Chúc tụng mọi thiên sứ thánh thiện của Người!
Ước gì Danh cao trọng của Người che chở chúng ta!
Chúc tụng mọi thiên sứ đến muôn đời! Vì tôi đã bị Người đánh phạt,
nhưng nay lại được thấy Tô-bi-a, con tôi!"
15 Tô-bi-a hoan hỷ bước vào nhà, miệng vang lời chúc tụng Thiên Chúa. Tô-bi-a kể cho cha cậu biết là cuộc hành trình của cậu đã thành công, cậu đã mang bạc về, đã cưới vợ là cô Xa-ra, con gái ông Ra-gu-ên như thế nào, và hiện giờ cô sắp tới, đang tiến gần đến cửa thành Ni-ni-vê.

2/ Phúc Âm: 35 Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: "Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?
36 Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.
37 Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? " Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú. 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của thời gian.

            Con người bị lệ thuộc vào thời gian; Thiên Chúa làm chủ thời gian. Con người khi làm bất cứ việc gì đều muốn có kết quả ngay; nhưng Thiên Chúa đòi con người phải chờ đợi. Trong thực tế, làm việc gì cũng cần phải có thời gian, trước khi nhìn thấy kết quả: trồng cấy, học hành, đầu tư ... Trong việc tập luyện nhân đức cũng thế: thời gian cần để thử luyện đức tin để phân biệt đức tin vững vàng với đức tin yếu kém; thời gian cần để chứng minh đâu là tình yêu chung thủy với tình yêu qua đường; thời gian cần để đào tạo sự kiên trì và trung thành, thay vì những nông nổi và cảm xúc nhất thời.          
            Bắt đầu Sách Tobit, chúng ta đã đặt hai câu hỏi: "Thiên Chúa có thấy những việc lành con người làm hay không?" và "Tại sao người lành phải đau khổ?" Lý do của hai câu hỏi là vì ông Tobit luôn cố gắng ăn ở theo sự thật: cho con đi mời người nghèo về để cùng ăn uống chung, chôn xác kẻ chết; nhưng ông vẫn bị mù và bị châm biếm bởi vợ! Trình thuật trong Bài Đọc I hôm nay cho thấy kết quả của những cố gắng của ông Tobit: ông được khỏi mù, ông lấy được tiền đã gởi người khác, ông đã lấy được vợ cho con ông và đã chữa cô ta khỏi ách nô lệ của quỉ Asmodeus. Điều này chứng minh: Tất cả mọi chuyện tốt đẹp xảy ra cho những ai cố gắng ăn ở theo sự thật và vững lòng trông cậy nơi Thiên Chúa. Điều quan trọng là phải kiên trì và trung thành, chứ không được đòi hỏi phải có kết quả ngay.
            Trong Phúc Âm, vì con người lệ thuộc thời gian, nên đa số không hiểu: làm sao Đức Kitô có thể trở thành Chúa Thượng của vua David được, vì Ngài có sau David cả 1,500 năm? Nhưng Chúa Giêsu muốn con người phải suy nghĩ khi Ngài trích dẫn lời Thánh Vịnh 110:1 này để tìm hiểu đâu là sự thật, vì lời Kinh Thánh không thay đổi, và chính vua David đã nói như vậy. Họ chỉ còn một cách hiểu là chấp nhận mặc khải của Đức Kitô: "Trước khi Abraham có, Ta đã có, vì Ta Hằng Hữu." Chỉ khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài mới có sau David, khi xét theo gia phả con người mà thôi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Được con chữa khỏi mù, lấy được vợ cho con, và đòi được nợ.

1.1/ Thiên-sứ Raphael hướng dẫn Tobia chữa ông Tobit khỏi mù:
            (1) Tình cha con: Đức tin của ông Tobit và những việc lành của ông đã ảnh hưởng rất lớn trên đức tin và cách hành xử của Tobia con ông. Chúng ta có thể đan cử ít ví dụ: Tobia tuyệt đối vâng lời cha và thiên sứ; cậu lấy Sarah không phải vì tình dục nhưng vì tình yêu chân thành; cậu luôn lo lắng đến bệnh tình của cha. Đây phải là gương sáng cho những người cha trong gia đình: Nếu các ông muốn con cái kính sợ Thiên Chúa, các ông hãy kính sợ Thiên Chúa trước. Nếu các ông muốn con cái ăn ngay ở lành, hãy làm trước và tạo cơ hội cho các con ăn ngay ở lành.
            Kế hoạch chữa mắt cho ông Tobit đã nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, khi Ngài gởi thiên sứ Raphael đến cho gia đình. Trước khi về đến nhà, thiên sứ Raphael nói lời chỉ dẫn cho Tôbia trước khi cậu đến gần cha: "Tôi biết là mắt cha em sẽ mở ra. Hãy tra mật cá vào mắt ông. Thuốc sẽ làm cho các sẹo trắng teo lại và bay ra khỏi mắt ông. Cha em sẽ thấy lại được, sẽ nhìn thấy ánh sáng."
            Khi được vợ cho biết Tobia đang tiến về nhà, ông Tobit đứng lên, chân đi loạng quạng bước qua cửa sân mà ra. Tobia đi về phía ông, tay cầm mật cá; cậu thổi vào mắt ông. Cậu giữ chặt lấy ông và nói: "Thưa cha, xin cha cứ tin tưởng!" Cậu bôi thuốc cho ông và để thuốc ngấm. Rồi cậu lấy hai tay bóc vẩy ra khỏi khoé mắt ông. Ông ôm choàng lấy cổ cậu, vừa khóc vừa nói: "Con ơi, cha đã thấy con! Con là ánh sáng cho đôi mắt cha!"
            (2) Tình mẹ con: Bà Anna chắc chắn thương con, vì bà Anna luôn ngồi, ngó trước ngó sau con đường mà con bà đã ra đi. Bà cũng lo cho gia đình khi phải bươn chải ra ngoài kiếm đồng tiền về lo cho gia đình khi chồng bị mù. Bà chỉ có một khuyết điểm là đã không kiên nhẫn và không cầm được tính nóng giận, khi nghi ngờ sự quan phòng của Thiên Chúa và chất vấn về thái độ "quá đạo đức" của chồng mình. Nếu chồng con của Bà nghe lời Bà, và quay lưng lại với Thiên Chúa, làm sao Bà hưởng được những kết quả tốt đẹp như hôm nay. Vì thế, các bà mẹ trong gia đình đừng đay nghiến chồng khi thấy các ông "quá đạo đức;" nhưng hãy lo lắng nhiều khi các ông không đạo đức và không sống theo sự thật Thiên Chúa dạy.
            Thấy cậu đang đến, bà bảo cha cậu: "Này con ông đang đến với người bạn đồng hành của nó!" Rồi Bà Anna chạy đến ôm choàng lấy cổ con và nói: "Con ơi, mẹ lại thấy con! Từ nay, mẹ có chết cũng được!" Rồi bà khóc oà lên.

1.2/ Tobia báo cho cha biết mọi điều ông muốn được thành công: Tobia hoan hỷ bước vào nhà, miệng vang lời chúc tụng Thiên Chúa. Tobia kể cho cha cậu biết là cuộc hành trình của cậu đã thành công, cậu đã mang bạc về, đã cưới vợ là cô Sarah, con gái ông Raguel như thế nào, và hiện giờ cô sắp tới, đang tiến gần đến cửa thành Nineveh. Khi nghe con tường thuật kết quả chuyến đi, ông Tobit lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa: "Chúc tụng Thiên Chúa! Chúc tụng Danh cao trọng của Người. Chúc tụng mọi thiên sứ thánh thiện của Người! Ước gì Danh cao trọng của Người che chở chúng ta! Chúc tụng mọi thiên sứ đến muôn đời! Vì tôi đã bị Người đánh phạt, nhưng nay lại được thấy Tobia, con tôi!"

2/ Phúc Âm: Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua David?
           
            Thiên Chúa hằng hữu, Ngài không lệ thuộc vào thời gian; nhưng trong Kế Hoạch Cứu Độ, Ngài muốn cho Con của Ngài nhập thể. Khi Chúa Giêsu nhập thể, Ngài chịu lệ thuộc vào thời gian. Một cách giúp chúng ta có thể hiểu câu hỏi này, là cách cắt nghĩa theo hai bản tính:
            (1) Theo nhân tính: Đức Kitô là con vua David vì Ngài xuất thân từ giòng dõi của David, như Matthew đã cẩn thận chép lại (Mt 1:1-18).
            (2) Theo thiên tính: Ngài luôn hiện hữu và cao trọng hơn vua David, vì "chính vua David được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa (Chúa Cha) phán cùng Chúa Thượng tôi (Đức Kitô): bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con." Chúa Giêsu muốn chứng minh thiên tính của Người bằng cách trưng dẫn lời Thánh Vịnh 110:1 này. Ngài mời gọi đám đông suy nghĩ: "Chính vua David gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?" Đám đông phải đi tới kết luận như Gioan Tẩy Giả: Người đến sau tôi nhưng Người có trước tôi và cao trọng hơn tôi; phần tôi, tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người (Jn 1:15, 27).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            - Con người chúng ta không đủ khôn ngoan để thắc mắc sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi nào không hiểu được những biến cố xảy ra trong cuộc đời, hãy biết khiêm nhường xin Thiên Chúa soi sáng để có thể hiểu được.
            - Chúng ta không bao giờ được xin Thiên Chúa đối xử công bằng theo như những gì chúng ta làm cho Ngài; vì nếu Ngài đối xử công bằng, chúng ta đã không còn có mặt trong thế gian này, vì tội lỗi chúng ta luôn nhiều hơn công phúc.
            - Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi nhìn thấy kết quả. Đừng kêu trách, than khóc, và nhất là, từ bỏ lối sống "ăn ngay ở lành" mà Thiên Chúa đã dạy bảo. 


Không có nhận xét nào: