- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OPThứ Tư Tuần 10 TN1, Năm lẻBài đọc: 2 Cor 3:4-11; Mt 5:17-19.1/ Bài đọc I: 4 Nhờ Đức Ki-tô, chúng tôi dám tin tưởng vào Thiên Chúa như vậy.5 Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa,6 Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống.7 Nếu việc phục vụ Lề Luật - thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá - mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang - dù đó chỉ là vinh quang chóng qua -,8 thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao?9 Vì việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao?10 So với vinh quang tuyệt vời này, thì vinh quang xưa kia chẳng vinh quang gì.11 Thật vậy, nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao?2/ Phúc Âm: 17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giao Ước mới kiện toàn Giao Ước cũTác giả Sách Giáo Sĩ nói về sự cần thiết của thời gian: "Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng" (Eccl 3:1-3).Thánh Phaolô nói về sự cần thiết của kinh nghiệm: "Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con" (I Cor 13:11). Khi nhìn lại quãng đời niên thiếu, nhiều người hối hận vì họ không thể nào ngờ mình lại vô tư và thiếu chín chắn như thế; nhưng trong tiến trình trở thành người trưởng thành, họ phải trải qua những kinh nghiệm như vậy.Cũng thế, khi so sánh hai Giao Ước cũ và mới trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, chúng ta cần để ý đến tiến trình thời gian và kinh nghiệm, vì Thiên Chúa không làm sự gì vô ích. Vì con người không thể tiếp nhận một lúc, nên Ngài phải chuẩn bị mọi sự theo thời gian, mặc dù Ngài không bị lệ thuộc vào thời gian. Vì khả năng con người giới hạn, nên Ngài phải chuẩn bị từ chỗ bất toàn đến chỗ hoàn hảo, mặc dù Ngài có uy quyền để thực hiện cái hoàn hảo ngay. Trong tiến trình trở nên hoàn hảo: phải có cái cũ thì mới có cái mới, và cái mới làm hoàn hảo cái cũ; nếu không có cái cũ thì cũng chẳng có cái mới.Các Bài Đọc hôm nay là những ví dụ của tiến trình trở nên hoàn hảo. Trong Bài Đọc I, khi thánh Phaolô bị chất vấn bởi những người Do-thái thủ cựu, Ngài so sánh cho họ thấy sự hoàn hảo của giao ước mới trên giao ước cũ, và kết luận: vì giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ; nên vinh quang có được do việc phục vụ giao ước mới cũng lớn hơn vinh quang có được do việc phục vụ giao ước cũ. Trong Phúc Âm, khi nhiều người thuộc phái Pharisees nghĩ Chúa Giêsu đến để dạy dân chúng phá bỏ Lề Luật, nên Ngài tuyên bố: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn."KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:1/ Bài đọc I: Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ.1.1/ Tranh chấp giữa hai giao ước cũ và mới: Giống như Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng đã từng có kinh nghiệm về sự tranh chấp giữa Lề Luật của Moses và những giáo huấn của Đức Kitô. Theo kinh nghiệm bản thân, ông đã từng nhiệt thành bắt bớ các tín hữu theo đạo mới, vì ông cho lối sống của họ là hoàn toàn ngược lại với Lề Luật và truyền thống; cho đến khi Đức Kitô tỏ uy quyền của Ngài trên đường đi Damascus. Kinh nghiệm này giúp ông yêu thương và thông cảm với những người Do-thái khó chấp nhận giáo huấn của Đức Kitô; mặc dù họ không ngừng bắt bớ ông như họ đã từng bắt bớ Chúa Giêsu.Trong trình thuật hôm nay, ông chia sẻ kinh nghiệm của ông về hai Giao Ước với họ như sau: "Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thánh Thần. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thánh Thần mới ban sự sống."(1) Giao Ước cũ: Giao ước căn cứ trên chữ viết là Giao Ước Thiên Chúa làm với dân trên núi Sinai. Trong Giao ước này, Ngài đã ban cho họ Thập Giới viết trên đá qua tay ông Moses, và căn dặn họ như sau:Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu. Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Jordan để vào chiếm hữu. (Deut 30:15-18)Mặc dù đã được căn dặn kỹ càng như thế, nhưng không một ai trong Israel có thể tự hào mình không bao giờ vi phạm Thập Giới; và hậu quả là tất cả đều phải chết như lời Thiên Chúa báo trước. Nhưng Thiên Chúa không muốn con người phải chết, đó là lý do tại sao Ngài thiết lập với con người một giao ước mới.(2) Giao Ước mới: Tiên tri Jeremiah đã tiên báo về giao ước này như sau:Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Judah một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết Đức Chúa," vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Israel sẽ tồn tại mãi. (Jer 31:31-34)1.2/ Vinh quang của việc phục vụ Thánh Thần: Phaolô cũng so sánh vinh quang có được do sự phục vụ giữa hai Giao ước, và kết luận như sau: "Nếu việc phục vụ Lề Luật - thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá - mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Moses được, vì mặt ông chói lọi vinh quang - dù đó chỉ là vinh quang chóng qua - thì việc phục vụ Thánh Thần lại không được vinh quang hơn sao?"2/ Phúc Âm: Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.2.1/ Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật: Nhiều Kinh-sư nghĩ, khi Chúa Giêsu chỉ trích họ về việc rửa tay và giữ ngày Sabbath, là Ngài muốn hủy bỏ tất cả Lề Luật và truyền thống của tổ tiên. Thực ra, Ngài chỉ phê bình thói giả hình và khinh thường Lề Luật của họ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ điều này với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành."2.2/ Sự quan trọng của Lề Luật: Khi nói "giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ," cả Chúa Giêsu và thánh Phaolô không bao giờ có ý muốn nói Lề Luật Thiên Chúa ban qua Moses trở thành vô hiệu. Các tín hữu vẫn phải giữ Lề Luật của Thiên Chúa như Chúa Giêsu dạy: "Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời."ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:- Hai thái cực cần tránh: có những người không thích thay đổi, họ muốn giữ tỉ mỉ từng chi tiết của Lề Luật và truyền thống; ngược lại, có những người dễ dàng thay đổi như chong chóng, họ phê bình và đả kích tất cả những gì trong quá khứ.- Người khôn ngoan là người phải biết suy xét và so sánh cẩn thận, để nhận ra những gì của quá khứ là tốt cần giữ lại, những gì là xấu cần bỏ đi; đồng thời biết nhận ra những cái hay đẹp của hiện tại để học hỏi và áp dụng.
Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015
Giao Ước mới kiện toàn Giao Ước cũ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét