Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Năm Tuần I BNPS
Bài đọc: Acts 3:11-26; Lk
24:35-48.
1/ Bài đọc I: 11 Anh cứ
níu lấy ông Phê-rô và ông Gio-an, nên toàn dân rất kinh ngạc, chạy ùa tới các
ông tại hành lang gọi là hành lang Sa-lô-môn. 12 Thấy vậy, ông Phê-rô
lên tiếng nói với dân: "Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều
đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi
lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?
13 Thiên Chúa của các tổ phụ
Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi
Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt
quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. 14 Anh em đã chối bỏ Đấng
Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. 15 Anh
em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy
từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.
16 Chính nhờ lòng tin vào
danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng
cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước
mắt tất cả anh em. 17"Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động
vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em.18 Nhưng, như vậy là
Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo
trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình.
19 Vậy anh em hãy sám hối
và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.
20 Như vậy thời kỳ an lạc
mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Đấng Ki-tô Người đã dành cho
anh em, là Đức Giê-su. 21 Đức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời,
cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh
ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa. 22 Thật vậy, ông Mô-sê đã
nói: Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi
dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em,
anh em hãy nghe. 23 Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt
trừ khỏi dân. 24 Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Sa-mu-en đến các vị kế
tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống. 25 "Phần
anh em, anh em là con cháu của các ngôn sứ và của giao ước mà Thiên Chúa đã lập
với cha ông anh em, khi Người phán với ông Áp-ra-ham: Nhờ dòng dõi ngươi, mọi
gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. 26 Thiên Chúa đã cho Tôi
Trung của Người trỗi dậy để giúp anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh
em, bằng cách làm cho mỗi người trong anh em lìa bỏ những tội ác của
mình."
2/ Phúc Âm: 35 Còn hai
ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế
nào khi Người bẻ bánh. 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su
đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" 37 Các ông
kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.
38 Nhưng Người nói:
"Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? 39 Nhìn chân
tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em
thấy Thầy có đây? "
40 Nói xong, Người đưa tay
chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn
đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" 42 Các
ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các
ông.
44 Rồi Người bảo: "Khi
còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật
Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng
nghiệm."
45 Bấy giờ Người mở trí cho
các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép
rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải
nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ
sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều
này.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm thế nào để
biết và tin chắc Chúa đã sống lại?
Mỗi năm, vào dịp các Kitô hữu
chuẩn bị kỷ niệm cuộc Thương Khó, cái chết, và sự sống lại của Chúa Giêsu, các
tuần báo Mỹ như Times và Newsweek luôn đặt những câu hỏi giật gân chung quanh
việc sống lại của Chúa như: Chúa Giêsu có thực sự sống lại không? Không một
nhân chứng nào thấy tận mắt lúc Chúa sống lại và ra khỏi mộ! Ngành khảo cổ
không tìm thấy vết tích gì cả về ngôi mộ của Chúa. Tại sao lại có hai nơi đều
nhận là “mộ Chúa” bên Jerusalem? Mục đích của họ là để con người đặt lại niềm
tin vào sự sống lại đời sau, đúng như thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô không sống
lại, niềm tin của chúng ta vô ích.”
Nhưng đi tìm những dữ kiện quanh
ngôi mộ trống là cách thấp nhất để chứng minh sự kiện Chúa sống lại. Các Bài Đọc
hôm nay cho chúng ta những bằng chứng cao hơn. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô
minh chứng sự kiện Chúa sống lại bằng việc làm cụ thể: Ngài dùng quyền năng của
Chúa Kitô phục sinh để chữa lành một người què từ lúc mới sinh, và minh chứng sự
kiện phục sinh đã được các ngôn sứ đề cập đến nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu trực tiếp hiện ra với các tông đồ, và Ngài đã ăn uống trước
mặt các ông để chứng minh Ngài là người thật, chứ không phải là ma hay ảo ảnh
mà các ông đang sợ hãi. Ngài cũng dùng lời Kinh Thánh để chứng minh Ngài phải
chịu đau khổ và được sống lại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phêrô và Gioan chứng
minh Chúa đã sống lại thật.
1.1/ Phêrô làm chứng cho Chúa Phục
Sinh bằng việc chữa lành: Phêrô muốn chứng tỏ với dân 2 điều:
(1) Quyền chữa lành không đến từ
con người: Ông Phêrô lên tiếng nói với dân: "Thưa đồng bào Israel, sao lại
ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã
làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng
tôi?”
(2) Quyền chữa lành đến từ Đức
Kitô:
- Đức Kitô, Người mà anh em giết
đi, đã sống lại: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của
Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan
Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống,
nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi
xin làm chứng.”
- Đức Kitô ban cho Phêrô uy quyền
chữa lành: “Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà Người đã làm cho kẻ anh em
nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được
khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.”
1.2/ Phêrô làm chứng cho Chúa bằng
việc giải thích Kinh Thánh.
(1) Chúa Giêsu phải chịu khổ
hình: Việc các thủ lãnh Do-thái giết Chúa Giêsu không phải là chuyện ngẫu nhiên
xảy ra; nhưng đã được sắp đặt trước bởi Thiên Chúa, và được loan báo trước bởi
hầu hết các ngôn sứ của Người (Isaiah, Jeremiah, Hoseah). Ông Phêrô trấn an
dân: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết,
cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những
điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người
phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người
xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ
đến, khi Người sai Đấng Kitô Người đã dành cho anh em, là Đức Giêsu.”
(2) Chúa Giêsu làm trọn lời loan
báo của các ngôn sứ: Những gì xảy ra cho Đức Kitô khi Ngài sống trên trần gian,
đã được loan báo trước bởi các ngôn sứ; mỗi ngôn sứ loan báo một khía cạnh của
cuộc đời Ngài. Tổng hợp tất cả lời loan báo của các ngôn sứ cho chúng ta sự hiểu
biết về cuộc đời của Ngài. Ông Phêrô liệt kê 3 ngôn sứ trong trình thuật hôm
nay:
- Lời chứng của Moses: “Từ giữa
đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn
sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy
nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân” (Deut
18:15-20).
- Lời chứng của Samuel và các
ngôn sứ khác: Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Samuel đến các vị kế tiếp, khi lên
tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống (Lk 1:70).
- Lời chứng mà Thiên Chúa đã hứa
với tổ phụ Abraham: “Nhờ dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc
phúc” (Gen 22:18, 26:4). Thiên Chúa đã cho Tôi Trung của Người trỗi dậy để giúp
anh em trước tiên, và sai đi chúc phúc cho anh em, bằng cách làm cho mỗi người
trong anh em lìa bỏ những tội ác của mình.
2/ Phúc Âm: Chúa hiện ra với các
tông đồ.
2.1/ Chúa chứng minh cho các
tông đồ biết Ngài là người thật: Khi một người nhìn thấy hồn người chết hiện về,
cảm tưởng của họ chắc cũng như các tông đồ: “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là
thấy ma.” Để chứng minh Ngài là người thật, Chúa Giêsu làm hai việc:
(1) Cho các ông sờ vào thân thể
Ngài: Người nói với các ông: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?
Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt
như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông
xem.
(2) Ăn uống trước mắt các ông:
Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở
đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người
cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
2.2/ Chúa chứng minh cho các
tông đồ những lời Kinh Thánh đã nói về Ngài.
(1) Toàn bộ Kinh Thánh cần thiết
để hiểu Đức Kitô: Chúa Giêsu nhắc lại những lời dạy dỗ của Ngài cho các ông khi
Ngài còn ở với các ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em
rằng tất cả những gì Sách Luật Moses, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã
chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Các ông không thể hiểu những lời
này mà không có Đức Kitô; đồng thời các ông cũng không thể hiểu cuộc đời Chúa
Kitô mà không được soi sáng bởi những lời này.
(2) Tiên-tri Hosea đã nói về sự
sống lại của Ngài: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ
hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Hos 6:2).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta đừng bao giờ để các
báo chí lung lạc niềm tin vào Chúa sống lại của chúng ta.
- Có nhiều bằng chứng về sự kiện
Chúa sống lại: những lần Ngài hiện ra với các môn đệ, những phép lạ các môn đệ
nhân danh Ngài là làm, cuộc sống chứng nhân và thay đổi hoàn toàn của các môn đệ,
Kinh Thánh, và những cuộc trở lại của nhiều người. Chúng ta không chỉ có 2 nhân
chứng như Luật đòi, nhưng ức triệu nhân chứng cho sự sống lại của Chúa Giêsu.
- Lịch sử Giáo Hội hơn 2000 năm
qua là bằng chứng hùng hồn Chúa Giêsu vẫn đang họat động và ở lại trong Giáo Hội
giữa bao chống đối, bắt bớ, và tù đày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét