CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Hiệu quả của Lời Chúa



Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Thứ Bảy Tuần I TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 4:12-16; Mk 2:13-17.

1/ Bài đọc I (năm lẻ): 12 Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.
13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.
14 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.
15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.
16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

3/ Phúc Âm: 13 Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ.
14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.
15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người.
16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! "
17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệu quả của Lời Chúa

Theo truyền thống Do-Thái, một khi lời nói phát xuất từ miệng một người, nó có thể hiện hữu cách độc lập. Nó không chỉ là một âm thanh với một ý nghĩa; nó còn là một năng lực thóat ra để hòan thành ý định của người nói. Ví dụ, biết bao việc làm là hậu quả của những lệnh truyền của vua chúa và các vĩ nhân trên thế giới. Điều này càng đúng hơn với Lời Chúa. Theo Tiên-tri Isaiah: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11).
Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc đề cao sự quan trọng của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-Thái so sánh Lời Chúa với thanh gươm sắc bén hai lưỡi, có khả năng xuyên thấu mọi chỗ bí ẩn của con người. Trong Phúc Âm, Lời Chúa Giêsu có sức hấp dẫn một người thu thuế như Matthew, và làm cho ông trở nên một Tông-đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Lời Chúa nhập thể trong thân xác con người.

1.1/ Sự quan trọng của Lời Chúa: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách thần trí với linh hồn, khớp xương với tuỷ sống.” Phân tích từ ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của Lời Chúa.
- Sống động: Lời Chúa không phải là tác phẩm văn chương hay triết lý, cho dầu hay đến đâu chăng nữa; nhưng vẫn sống động và cần thiết cho con người ở mọi nơi, mọi thời. Đây là lý do tại sao không một Sách nào trong lịch sử con người có nhiều người đọc bằng Kinh Thánh.
- Hữu-hiệu: Khi một người quyết định sống theo Lời Chúa, họ trở thành con người hòan tòan mới. Việc Matthew bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu là một trường hợp điển hình.
- Xuyên-thấu: Lời Chúa sắc-bén hơn cả gươm hai lưỡi. Người Hy-Lạp quan niệm con người là tập hợp của 3 phần chính: (1) linh hồn là cái làm cho con người sống; (2) thần trí là đặc điểm làm con người suy tư và lý luận; và (3) thân xác. Tác-giả có ý muốn nói Lời Chúa thử thách đời sống thể lý cũng như tâm linh của con người.
- Phê-bình: Lời Chúa phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Tâm tình thuộc về phần cảm xúc của con người; trong khi tư tưởng thuộc về phần trí tuệ của con người.
Nói tóm, “Không có loài thọ tạo nào có thể ẩn giấu trước Lời Chúa; nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” Con người không thể trốn tránh và che phủ trước Lời Chúa; chúng ta phải diện-đối-diện với Thiên Chúa và trả lời cho tất cả những việc chúng ta đã không làm theo Lời Chúa dạy.

1.2/ Kinh nghiệm của Chúa Giêsu: Đây là một giáo lý hòan tòan mới và là một cuộc cách mạng tôn giáo; vì các tôn giáo bấy giờ tin Thiên Chúa và đau khổ không thể ở chung với nhau. Đối với người Do-Thái, một Thiên Chúa uy quyền không thể chịu đau khổ. Đối với Phái Khắc Kỷ (Stoics), Thiên Chúa không được có cảm xúc (apatheia), vì sẽ bị dân thuyết phục và lợi dụng để cầu xin; và như thế, họ hơn Chúa. Đối với Phái Khóai Lạc (Epicureans), Thiên Chúa phải tách rời thế giới. Ngài sung sướng và hạnh phúc hòan tòan rồi, không cần phải biết đến thế giới con người. Kitô Giáo đi ngược lại với các tôn giáo này, khi tin Chúa Kitô đã trải qua mọi kinh nghiệm trên trời cũng như dưới đất để thấu hiểu, để đồng cảm, và để cứu giúp con người.
(1) Kinh nghiệm trên trời: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.”
(2) Kinh nghiệm dưới đất: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”
Vì đã có tất cả các kinh nghiệm trên trời cũng như dưới đất, Chúa Giêsu biết cách mang Thiên Chúa đến cho con người, và mang con người về cho Thiên Chúa. Hai điều chính Chúa Giêsu có thể giúp con người:
- Cảm thương: Không một nỗi cơ cực nào con người phải trải qua mà Chúa Giêsu không phải chịu, và còn hơn chúng ta nữa. Khi chúng ta phải quằn quại trong đau khổ, chúng ta không muốn chạy đến một chúa vô cảm của Do-Thái và Hy-Lạp; nhưng đến với một Chúa đã trải qua gian khổ như chúng ta để được đồng cảm.
- Trợ giúp: Người có thể giúp chúng ta cách hiệu quả nhất là Người đã trải qua mọi gian nan và thử thách như chúng ta, và đã chiến thắng. Chúng ta hãy chạy lại với Ngài để được giúp.

3/ Phúc Âm: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

3.1/ Chúa Giêsu gọi Lêvi, người thu thuế: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.” Người Do-Thái quan niệm: người thu thuế như ông Lêvi là người tội lỗi công khai, vì đã toa rập với nước ngòai để bóc lột dân chúng. Họ bị ngăn cấm không cho vào Đền Thờ, và được xếp hạng cùng với hàng đĩ điếm và trộm cướp. Chúa Giêsu không những chọn Matthew, mà còn công khai dùng bữa với các người thu thuế khác tại nhà ông. Thái độ của Matthew rất anh hùng và dứt khóat, vì một khi đã bỏ nghề thu thuế là ông đã mất tất cả về phương diện vật chất. Nhưng bù lại, ông đã nhận được rất nhiều về phương diện tinh thần: bình an vì từ nay không còn bị khinh thường, trở thành Tông-đồ, và trở thành Thánh-sử để loan báo Tin Mừng của Chúa.

3.2/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Biệt-phái: Có hai phản ứng chính trong cuộc trở lại của Matthew:
(1) Những kinh-sư thuộc nhóm Biệt-phái: Thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!"
(2) Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
Ngược lại với cách cư xử của con người, Thiên Chúa không giữ quá khứ tội lỗi của con người; trái lại Ngài không ngừng kêu gọi con người từ bỏ quá khứ tội lỗi để hướng về tương lai. Như một bác sĩ rành nghề, Chúa Giêsu biết Ngài có thể chữa bệnh cho Matthew, và dùng những tài năng sẵn có của ông cho việc rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Lời Chúa có sức để làm những chuyện không thể đối với con người.
- Lời Chúa có khả năng thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện.
- Chúng ta phải dành địa vị quan trọng cho Lời Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua thời gian bỏ ra, cố gắng khắc phục khó khăn, và thực thi Lời Chúa.


Không có nhận xét nào: