CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Khôn ngoan tỉnh thức chờ Chúa đến


Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật XXXII Thường Niên A – Mt 25,1-13
Thứ Tư – 5/11/2014
I/ CẦU NGUYỆN VÀ XIN ƠN THÁNH THẦN
Lạy Chúa Giê-su, nguyện xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên cộng đoàn chúng con, giúp chúng con hiểu và sống Lời Chúa qua bài Tin Mừng chúng con suy niệm hôm nay: Phải khôn ngoan, tỉnh thức, chờ đợi Ngày Chúa đến lần thứ hai.
 (Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
II/ GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Mt 25,1-13
A.    LỜI M ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn! Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa đọc, Giáo Hội sẽ công bố vào Chúa Nhật XXXII Thường Niên A nhằm mời gọi các Ki-tô hữu…
Phải khôn ngoan, tỉnh thức, chờ đợi Ngày Chúa đến lần thứ hai.
Khôn ngoan là một nhân đức cần thiết trong cuộc sống. Người khôn ngoan là người biết tiên liệu và dự phòng mọi thứ có thể xảy ra bất ngờ. Khôn ngoan không có nghĩa là học cao, vì có cả một bụng chữ cũng chưa chắc khôn ngoan. Người không học nhiều nhưng vẫn có thể khôn ngoan. Sống lâu cũng chưa chắc khôn ngoan hơn người ít tuổi. Menander (342-291 trước công nguyên) xác định: “Tóc bạc không sinh ra sự khôn ngoan”. Sự khôn ngoan là một nhân đức liên quan sự tỉnh thức. Sự tỉnh thức hoặc sự cảnh giác rất cần thiết. Sách Giảng Viên cho biết: 
“Người khôn biết mở mắt nhìn, kẻ dại bước đi trong tăm tối” (Gv 2:14).
Các Bài đọc Chúa Nhật XXXII Thường Niên A đều xoay quanh đức khôn ngoan. Riêng bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải biết khôn ngoan chuẩn bị trong khi chờ đợi Ngày Chúa Quang Lâm, vì không ai biết khi nào sẽ xảy ra.
B.     TÌM HIỂU CHI TIT
1/ Trình thuật Tin Mừng Mt 25,1-13 là dụ ngôn “Mười Cô Trinh Nữ”  nêu rõ chủ đề đã nêu. Đây là một trong các dụ ngôn quen thuộc, đặc biệt nói về thời điểm cánh chung, ngày Đức Kitô Quang Lâm. Ngày ấy chắc chắn sẽ đến, nhưng không ai biết ngày nào hay giờ nào, ngày ấy cũng là ngày tận thế riêng của mỗi người chúng ta. Trong dụ ngôn, Đức Kitô được ví như chàng rể, còn cô dâu và các phù dâu được ví như Giáo Hội và các tín hữu, Ngày Đức Kitô Quang Lâm được ví như ngày chàng rể đến đón dâu.
2/ Dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể: Theo phong tục của người Do-Thái, đám cưới thường xảy ra ban đêm; vì thế đèn và dầu là hai thứ không thể thiếu cho các họat động xảy ra ban đêm. Bạn thân của cô dâu là những người sẽ tháp tùng cô dâu trong suốt thời gian cưới. Chú rể sẽ không cho biết thời giờ tới: có thể chập tối, có thể giữa đêm, hay hừng đông; vì thế tất cả mọi sự phải sẵn sàng. Mười cô trinh nữ được xếp thành 2 hạng: khôn ngoan hay khờ dại tùy thuộc vào việc có mang dầu dự bị theo hay không.
Các cô trinh nữ này chắc chắn đã được nghe nói hay tự mình chứng kiến những đám cưới đã xảy ra trước và biết chàng rể có thể đến trễ, dầu đốt mãi rồi cũng hết, phải có đèn sáng để đón chàng rể... Biết trước như thế nhưng không phải ai cũng biết chuẩn bị cho tương xứng. Năm cô khôn ngoan biết phòng xa nên mang bình dầu dự trữ theo. Năm cô khờ dại không mang dầu dự trữ theo có thể vì:
o   Một là không tiên liệu trước;
o   Hai là có thể đoán già đoán non chàng rể sẽ tới sớm;
o   Ba là nghĩ rằng có thể mượn được dầu của người khác nên mang làm gì cho phiền phức!
 3/ Giờ chàng rể đến: Chầu lâu gối mỏi, “vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.” Và khi các cô đang ngủ thì đèn cũng tắt ngúm vì hết dầu. Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi!"
(1) Sửa soạn đèn: Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Nếu đã có đèn và dầu sẵn, mọi sự đều dễ dàng để ra nghênh đón chàng rể.
(2) Mượn dầu: Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!" Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn."
* Điều giúp suy tư: Dầu còn có thể cho được nếu dư thừa, nhưng có những thứ không thể cho và cũng không thể mượn, mà tự cá nhân phải tập luyện như: đức tin, tình yêu dành cho Thiên Chúa, Đức Khôn Ngoan, các đức tính tốt, và những việc lành giúp ích người khác. Làm sao có thể mượn tình yêu của người khác để yêu Chúa?
(3) Đi mua dầu giữa ban đêm: Các cô dại không còn cách nào khác phải đi tìm mua dầu nhưng hàng quán nào mở ban đêm? Khi nhận ra tình thế nguy ngập thì đã quá muộn. Đức Khôn Ngoan dạy con người biết tiên liệu những gì sẽ xảy ra, nhưng các cô dại đã không tìm học Đức Khôn Ngoan.
 4/ Hậu quả phải lãnh nhận: Không biết không có tội, nhưng vẫn phải chịu hậu quả:
(1) Các cô khôn ngoan đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.
(2) Các cô khờ dại sau cùng cũng đến gõ cửa và gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!" Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!"
Và Chúa Giêsu kết luận:
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
 Mặc dầu đã được báo trước bởi chính Chúa Giêsu, và Giáo Hội đã lặp đi lặp lại mỗi năm vào thời điểm này, thế mà vẫn có những Ki-tô hữu vô tư không chịu chuẩn bị. Họ không thể trách Chúa nếu bị tống ra ngoài. Điều nguy hiểm mà ma quỉ thường lợi dụng để cám dỗ con người là Ngày ấy còn xa.
Một lưu ý cần biết cho Ki-tô hữu. Sự khôn ngoan chuẩn bị sẵn sàng ấy phải:
Một là: Đầy đủ. Đèn cháy từ lúc sớm, nếu không có sẵn dầu để châm thêm vào lúc cần thiết, thế là không đủ.
Hai là: Hiện tại. Chính lúc Chúa Ki-tô đến, đèn phải cháy sáng. Cả một đời đạo đức, đến xế chiều cuộc đời, chểnh mảng, thế cũng hỏng.
Ba là: Đích thân. Khi Chúa Ki-tô đến, đích thân mình phải có đèn của mình sáng. Không vay mượn nhân đức hay công nghiệp của ai khác, đừng cậy vào người nào khác. Cả kho dầu của hãng buôn cũng không thay thế cái đèn dầu của mình đã tắt.
III/ GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Tìm sự khôn ngoan đích thực: Chúng ta phải có lòng khao khát và chuyên tâm học hỏi để tìm ra sự khôn ngoan đích thực cho cuộc đời. Đức Khôn Ngoan đích thực của Cựu Ước chính là Đức Kitô của Tân Ước.
2/ Chết là bước vào cõi hằng sống: Chết không phải là hết, nhưng bắt đầu một cuộc sống mới với Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta không được sống như những người không có niềm hy vọng vì họ không tin có cuộc sống mai sau. Họ chỉ biết kiếm tiền và tận hưởng những thú vui đời này.
3/ Nghênh đón Chúa trong tư thế sẵn sàng: Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ hành trang cần thiết để nghênh đón Chúa: có những cái không thể mua vào lúc cuối; có những cái không thể xin như: đức tin và tình yêu chúng ta dành cho Đức Kitô, Đức Khôn Ngoan và các nhân đức, và những công việc lành chúng ta làm cho người khác.
IV/ LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1/ Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! " Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn." (Mt 25, 8-9).
2/ Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! " Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! "  (Mt 25, 10-12).
3/ Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào. (Mt 25,13).
V/ LỜI NGUYỆN
1. Hội Thánh luôn nhắc các tín hữu chuẩn bị chờ ngày Chúa rước về quê trời. Xin cho mọi thành phần Hội Thánh cố gắng sống thánh thiện hằng ngày, để sẵn sàng đón Chúa đến trong ngày sau hết đời mình.
2. Chúa đến bất ngờ, vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết. Xin cho chúng ta luôn tỉnh thức, nhiệt tâm chu toàn bổn phận hằng ngày đối với Chúa và với mọi người.
3. Ðèn dầu của các cô khôn ngoan chính là lời cầu nguyện và việc bác ái hằng ngày. Xin cho các tín hữu Chúa biết siêng năng cầu nguyện và sống bác ái với mọi người.
4. "Các  trinh nữ  khở dại mang đèn mà không mang dầu, nên bị bỏ lại khốn khổ".  Xin cho cộng đoàn chúng ta biết lo chuẩn bị đón Chúa với dầu đèn đầy đủ.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Gioa-kim Phạm Văn Lượng


Không có nhận xét nào: