CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

HƯỚNG NGHIỆP – ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI



HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ
(Từ 15 giờ 00 đến 17 giờ 00 Thứ Bảy 29/11/2014).
HƯỚNG NGHIỆP – ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
(Khoảng 45 phút).
ĐỀ CƯƠNG
*Trước Lời Mở Đầu, thực hiện trò chơi trên giấy: “Em ước mơ hay thích làm nghề gì sau này? Vì sao?”
A.   LỜI MỞ ĐẦU
“HƯỚNG NGHIỆP, ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI” là đề tài khá rộng, không thể nói trong một buổi cho thỏa đáng hầu đáp ứng sự mong đợi nơi các em là những thính giả đang lắng nghe. Vậy với đề tài này, Thầy không có tham vọng đi sâu vào TÂM LÝ LỨA TUỔI, đặc biệt lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy, mời các em cùng lắng nghe HƯỚNG NGHIỆP, ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI theo nội dung dưới đây. (Đọc lướt qua các đề mục).
B.   NỘI DUNG
I/ CÁC ĐỘ TUỔI (Lướt nhanh).
1. Ăn ngủ (thể lý): Trẻ sơ sinh còn trong vòng tay của mẹ, chỉ ăn và ngủ để thân xác mau lớn.
2. Ăn học (thể lý + tinh thần): Ngoài việc ăn cơm và những thực phẩm trong bữa ăn thường ngày để thân xác phát triển theo luật tự nhiên, còn phải học để tinh thần, tâm linh phát triển hài hòa với thân xác. Dưới đây là các độ tuổi tương ứng với từng cấp học từ mầm non, mẫu giáo đến Đại Học.
a)  Mầm non + Mẫu giáo: ...tháng tuổi (tùy trường) + 3 tuổi đến 5 tuổi
b)  Cấp I: Lớp 1 – Lớp 5 (6 tuổi đến 10 tuổi)
c)  Cấp II: Lớp 6 – Lớp 9 (11 tuổi đến 14 tuổi)
d)  Cấp III: Lớp 10 – Lớp 12  (15 tuổi đến 17 tuổi).
e)  Trung Học Chuyên Nghiệp – Cao Đẳng – Đại Học (18 tuổi trở lên).
3. Làm ăn: (tuổi lao động). Làm để có ăn hoặc ăn để có sức làm là chu kỳ sống và làm việc theo luật tự nhiên mà Thiên Chúa ban cho loài người.
a)  Tốt nghiệp ra trường với sự nghiệp, hoài bão trước mắt.
b)  Hoặc RA ĐƯỜNG cũng phải làm ăn, nếu thi rớt không được tốt nghiệp.
4. Tuổi nổi loạn & ăn chơi bỏ bê việc học: Trong độ tuổi ăn học, tuổi nào cũng có thể nổi loạn gây bất ổn cho việc học tập, đặc biệt tuổi dậy thì (nữ: 9 – 13 tuổi; nam: 10 – 16 tuổi). Phụ huynh, học sinh cần cảnh giác. Ví dụ minh họa:
a) Bất mãn với cha mẹ, bỏ nhà đi hoang, bỏ học.
b) Bất mãn với thầy cô giáo, cương quyết “một đi không trở lại” vì tâm lý bị ức chế, hoặc vì một lý do tiềm ẩn nào khác mà đương sự không hé lộ cho bất kỳ ai.
Chú thích quan trọng:
1)  Học có phương pháp tùy theo từng môn. Những phương pháp này có thể do Thầy Cô trao lại cho học sinh, hoặc do chính bản thân học sinh tự mày mò tìm lấy để sao cho việc học của mình khả quan, tiến bộ từng ngày. Ví dụ: Cách nhớ các công thức toán học, cách nhớ các từ ngữ có quan hệ ngữ nghĩa với nhau cả môn Ngữ Văn lẫn môn Ngoại Ngữ.
2)  Tập trung lắng nghe khi Thầy Cô giảng bài, hướng dẫn làm bài tập. Như vậy, các em sẽ nắm được ít nhất 50% kiến thức ngay tại lớp.
3)  Văn ôn võ luyện. Việc học sẽ không thể thành công nếu SIÊNG NĂNG BẤT THƯỜNG, học chí chết trong một thời gian ngắn để rồi sau đó buông lơi, chểnh mảng, thờ ơ, không đều đặn, không còn tha thiết. Sự học đòi kiên nhẫn, bền chí luôn mãi suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí suốt đời nếu còn gắn bó với sự nghiệp. Chẳng những học ở trường học mà còn học ở trường đời, và tu nghiệp hằng năm theo qui định của ngành.
4)  Biết cân đối thời gian hợp lý cho mỗi môn, môn chính lẫn môn phụ. Hoàn thành xong bài học, bài làm đúng kỳ hạn không để nước tới chân mới nhảy. Còn thời gian, nên ôn lại các môn chính như Toán, Văn, Ngoại Ngữ. Nên ôn môn chính mỗi ngày, không đợi đến ngày có trong thời khóa biểu mới học. Và nên chuẩn bị trước một bài mới cho mỗi môn học.
5)  Biết giữ sức khỏe thể lý (tránh nhịn đói vào buổi sáng hoặc ăn không đủ no vì sẽ giảm trí thông minh), ngủ đủ giấc, không ngủ nướng, không để thiếu ngủ (ít nhất ngủ 8 tiếng / 1 ngày), tránh bạ đâu nằm đó, lúc nào cũng muốn nằm, thích nằm, đây là dấu hiệu tỏ ra người kém nghị lực, thiếu ý chí, trừ khi ốm đau bệnh tật, và sức khỏe tinh thần (tránh những đam mê xấu, tư tưởng xấu, buồn vui thất thường khiến thiếu sự tập trung trong học tập) để việc học có kết quả.
6)  Biết phối hợp giải trí lành mạnh với việc học. Ví dụ: Đọc truyện các thánh, sách nhân bản, xem phim giáo dục, bóng đá, văn nghệ, múa hát, diễn kịch, đặc biệt nên biết một môn năng khiếu. Nam có thể chơi Guitare, Organ, Piano, kèn, sáo, nữ có thể nấu ăn, cắm hoa, múa hát v.v...
7)  Nhận biết sở trường (điểm mạnh), sở đoản (điểm yếu) của bản thân đối với từng môn học, với ngành nghề đã chọn. Ví dụ biết mình dễ hiểu, dễ học môn này nhưng khó hiểu, khó học môn  kia. Biết mình có khiếu nhớ về số liệu nhưng khó nhớ tên danh nhân lịch sử cùng địa danh. Biết mình có khiếu nấu ăn, nấu ăn ngon nhưng cắm hoa lại không khéo, hoặc ngược lại v.v… Sở trường thể hiện ở sự đam mê, thích thú, miệt mài dù có lao nhọc. Sở đoản thường gây chán nản, buông xuôi, không tha thiết. Biết mình làm việc này dễ thành công vì có năng khiếu còn việc kia dù mất công sức, mất thời gian nhưng thành quả cũng chẳng tới đâu.
8)  Tuyệt đối không “ghét bỏ” môn nào theo qui định của Bộ Giáo Dục để tránh rơi vào điểm liệt, điểm khống chế, ví dụ điểm 0. Những môn học mà điểm xếp loại càng yếu kém lại càng phải được quan tâm. Phải vượt qua giai đoạn phổ thông để chuyên sâu vào giai đoạn chuyên nghiệp.
9)  Không để bạn xấu cuốn hút vào những tệ nạn xã hội hiện hành, phải tuyệt đối tránh xa cạm bẫy với ơn Chúa, với quyết tâm, ý chí cao, dù chỉ một lần cũng không thử. Chẳng hạn xì ke, ma túy, hút chích, ngay cả “thói nghiện game” cũng có nguy cơ hủy hoại con người về cả tinh thần lẫn thể xác. Học sinh, sinh viên ở thành phố dễ rơi vào những cạm bẫy này mà cuộc đời họ không thể ngóc đầu lên. Chẳng hạn, đã một thời báo chí đăng tin một nam sinh viên trường y đã vướng vào nghiện ma túy khiến cho tiêu tan sự nghiệp. Một ngàn trường hợp may ra cứu được một theo PHƯƠNG PHÁP GIÊ-SU TRỊ LIỆU nếu tuyệt đối cầu khẩn danh Ngài với quyết tâm của bản thân và của người thân. Một trường hợp khác, một nhóm nam nữ học sinh phổ thông cấp III cùng nhau đến trường học, cùng nhau biến mất, nhà trường không biết, cha mẹ không hay. Khi cha mẹ đến trường tìm con thì hỡi ơi, chẳng thấy con đâu. Cha mẹ lo cuống cuồng, nhà trường lo sốt vó, tới tấp gọi điện thoại đây đó… Khoảng một tuần lễ sau, các anh chị từng cặp từng cặp ngồi trên xe gắn máy đủ loại lao vút từ Vũng Tầu về Thành phố Sài-gòn sau thời gian du hí với nhau mà không cần biết cha mẹ lo lắng đến nỗi ruột gan bời bời như thế nào, nhà trường “nóng như lửa đốt” ra sao.
10)   Không hướng ngoại, không chạy theo thị hiếu của quần chúng, của đám đông, của bạn bè trong việc chọn trường, chọn nghề, đặc biệt những nghề “hot” hiện nay mà thiếu suy nghĩ chín chắn rằng, trường ấy, nghề ấy có phù hợp với mình không?
II/ MỘT SỐ TÁC ĐỘNG TỪ TÌNH BẠN, TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG.
1. Tình bạn: Chọn bạn như thế nào?  (Một triết gia có nói: “Hãy nói cho tôi biết về những người bạn của bạn. Tôi sẽ nói bạn là người như thế nào?”)
2. Tình yêu: Nên hay không nên yêu trong giai đoạn này?. Hướng giải quyết những tình cảm đã và đang nảy sinh?
3. Quan hệ trong gia đình (những sự hỗ trợ, xung đột từ gia đình đã và đang chi phối):
4. Nhà trường: Có chương trình hướng nghiệp? Thầy cô định hướng như thế nào?
III/ HƯỚNG NGHIỆP (Thực hiện trắc nghiệm “Lựa chọn ngành nghềphù hợp” trước khi triển khai chi tiết Phần II).
1. Học sinh chọn Khối A, B, C hoặc D  v.v... sau khi thi đậu tuyển sinh lớp 10. Chọn khối thi là giai đoạn đầu của việc hướng nghiệp.
2. Các Khối Lớp:
a)   Khối A: Toán – Lý – Hóa 
b)   Khối A1: Toán – Lý – Tiếng Anh (Số 1,2,3,4 chỉ môn ngoại ngữ nhà trường có dạy như Anh, Pháp, Trung, Nga).
c)   Khối B: Toán – Hóa – Sinh  (Khối B, C, D cũng có B1, C1, D1 v.v... nghĩa là có môn ngoại ngữ).
d)   Khối C: Văn – Sử – Địa
e)   Khối D: Toán – Văn – Tiếng Anh.
3. Khối thi đặc biệt:
a) Bên cạnh 4 khối thi thông thường là A, B, C, D còn có 7 khối thi khác được gọi là khối thi đặc biệt gồm: V, T, M, N, H, R, K. Các môn thi của các khối này cũng rất khác so với khối thi thông thường.
b) Cụ thể:
Khối V: Toán, lý (đề thi khối A), vẽ mỹ thuật (nhân hệ số 2).
Khối T: Sinh, toán (đề thi khối B), năng khiếu thể dục thể thao (nhân hệ số 2).
Khối M: Văn, toán (đề thi khối D), năng khiếu (nhân hệ số 1, thi môn hát, kể chuyện, đọc diễn cảm).
Khối N: Văn (đề thi khối C, 2 môn năng khiếu nhạc (nhân hệ số 2, thi môn thẩm âm, tiết tấu, thanh nhạc).
Khối H: Văn (đề thi khối C), năng khiếu - mỹ thuật (nhân hệ số 2, thi môn hình họa chì, vẽ trang trí màu).
Khối R: Văn, sử (đề thi khối C), năng khiếu (nhân hệ số 2).
Khối K: Toán, lý, môn kỹ thuật nghề.
c)  Hầu hết, các khối thi đặc biệt đều có môn nhân hệ số 2 (trừ khối K, M) nên điểm chuẩn đầu vào của những khối này thường cao vọt hơn hẳn điểm chuẩn của các khối thông thường.
4. Lưu ý:
a) Cách chọn Khối như trên là theo hướng dẫn của Bộ Giáo Dục năm học   2013 – 2014.
b) Năm 2015, thi Tốt Nghiệp THPT và Đại Học sẽ gộp lại thành một được gọi chung là Kỳ Thi Quốc Gia. (Tham khảo tài liệu của Bộ Giáo Dục:
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG ÁN THI TỐT NGHIỆP THPT VÀ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CAO ĐẲNG TỪ NĂM 2015.)
o  Nếu em nào chỉ thi tốt nghiệp THPT thì sẽ phải thi bốn môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ (tùy thuộc vào ngoại ngữ từng trường giảng dạy, có thể là Anh, Pháp, Trung, Nga) và một môn tự chọn trong năm môn còn lại là Hóa, Lí, Sinh, Địa, Sử.
o  Nếu thi Đại Học thì ngoài ba môn bắt buộc và một môn tự chọn thì thí sinh phải thi thêm hai môn trong khối thi mình chọn.
o  Đầu năm 2015, Bộ Giáo Dục sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.
c)  Các bước chọn:
o  Chọn khối thi: Dựa trên sở thíchkhả năng của các em vào các môn học.
o  Chọn nhóm ngành, chọn ngành (dựa trên bản “Trắc nghiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp”)
o  Chọn trường: Ưu tiên công lập, rồi đến ngoài công lập. Chọn hệ Đại học – Cao đẳng – Trung cấp… học phí và điều kiện một số trường tiêu biểu (đặc biệt là trường năng khiếu).
5. Vai trò của Giáo Viên Chủ Nhiệm và Các Trường Đại Học đối với công tác HƯỚNG NGHIỆP HỌC SINH...
a) Giáo Viên Chủ Nhiệm: Nhà tư vấn khá hiệu quả vì nắm rõ học lực của học sinh xuyên  suốt quá trình học tập.
b) Ban Giám Hiệu mời các trường đến giới thiệu chương trình đào tạo (có quà tặng để chiêu dụ học sinh).
c) Những ai khác nữa có thể hỗ trợ các em trong tiến trình hướng nghiệp, bởi vì hôm nay chỉ là đủ thời gian để tạo cho các em biết mình cần thao thức thế nào cho tương lai của mình. (Các Sơ, Thầy Cô, gia đình, hoặc Thầy Lượng – Email: pvl030575@gmail.com)
IV/ THCN – CAO ĐẲNG – ĐẠI HỌC: BẬC HỌC MỞ RA CHO HỌC SINH MỘT NGHỀ TRONG TƯƠNG LAI.
*Một số ngành nghề tiêu biểu hiện nay dựa vào chương trình đào tạo của các trường (Tham khảo tài liệu internet – In phổ biến mỗi Khối thi một bộ).
V/ ƠN GỌI HAY ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI.
1. Đời sống thánh hiến: Đời sống tu trì, dâng mình cho Chúa để phục vụ Hội Thánh theo linh đạo của Hội Dòng với ba lời khấn truyền thống của Giáo Hội: Vâng phục – Khó nghèo – Khiết tịnh.
2. Đời sống hôn nhân – gia đình: Hôn nhân tự nhiên hoặc Hôn nhân Công giáo.
3. Đời sống độc thân: Sống độc thân giữa đời nhưng không đi tu.
4. Vỗ cánh bay xa.
a) Nghĩa đen (cụ thể): Không còn sinh sống tại “Gia đình Thiên Phúc” vì những lý do riêng.
b)  Nghĩa bóng (tinh thần): Dấn thân phục vụ Giáo Hội, phục vụ người nghèo, loan báo Tin Mừng v.v... ở những vùng đất mới, ở những môi trường mới theo đặc sủng Chúa mời gọi mỗi người.
C.   LỜI KẾT
Hãy tự biết mình, biết mình giỏi môn nào, dở môn nào, biết mình thích hay có khả năng ngành nghề nào hoặc ngược lại, biết mình không có khả năng về ngành nghề nào (dựa vào bản trắc nghiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp), và tự quyết trong việc hướng nghiệp, định hướng tương lai cho bản thân. Hướng nghiệp, định hướng tương lai cho bản thân phải được khởi sự từ lúc có trí khôn, có ước mơ, từ lúc bước chân đến trường học, đặc biệt là từ lớp 6 trở lên; ví dụ một học sinh lớp 6, khi hỏi ước mơ sau này, em trả lời rằng, em ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt cho bệnh nhân nghèo, và em đã thực hiện được ước mơ của mình. Ở cấp III, đặc biệt lớp 12, chỉ là bước cuối cùng ở bậc học phổ thông. Giáo viên, cha mẹ, hay người có trách nhiệm chỉ tư vấn, gợi ý. Là Ki-tô hữu, người tin Chúa, đi theo Chúa, các em phải biết phó thác vào bàn tay Chúa quan phòng để Ngài dẫn dắt các em trên bước đường tương lai, tương lai trần thế dấu chỉ tương lai Nước Trời. Vấn đề là các em có  biết chìa đôi tay của mình ra cho Chúa dẫn dắt hay không, nghĩa là các em phải có sự đóng góp phần của mình, phải có sự nỗ lực của bản thân. Ở đây, Thầy muốn nói đến sự cố gắng trong học tập theo bổn phận của người học sinh – sinh viên nói chung, và cách riêng bổn phận của từng người trong các em đang hiện diện nơi đây trong giờ phút này.
Kết thúc chuyên đề, Thầy chúc các em được mọi sự may lành theo thánh ý Chúa trong vấn đề học tập, luôn hăng hái tiến thân để phục vụ Giáo Hội, phục vụ quê hương Việt Nam trong khả năng Thiên Chúa ban.
*Cuối phần thuyết trình, mỗi em ghi thắc mắc rồi gửi lại Thầy Lượng.
D. CÂU HỎI THẢO LUẬN (Phân 02 NHÓM – Thời gian thảo luận: 30 phút).
Câu 1: Bạn dự kiến chọn Khối thi nào khi đặt chân bước vào Cấp III, hoặc đã chọn Khối nào khi đang học Cấp III, tại sao? (Nêu lý do càng chi tiết càng tốt.)
Câu 2: Với việc chọn Khối thi như vậy, bạn dự định sẽ học hoặc đã học chuyên ngành nào, trường nào? Bạn có thể nêu lên hai ngành học bạn thích theo thứ tự ưu tiên.
Câu 3: Bạn nghĩ rằng, bạn sẽ ở lại Gia Đình Thiên Phúc Củ Chi mãi mãi hay sẽ bay xa đến một nơi nào khác theo ước vọng hoặc ơn gọi của bạn, dĩ nhiên bạn phải có ít nhất một nghề bỏ túi và nếu có thể thì thêm một nghề dự phòng để tự kiếm sống, nuôi sống bản thân và để phục vụ Giáo Hội, xã hội?
*Biên Bản thảo luận của nhóm, xin ghi trên giấy và nộp lại Thầy Lượng.
E. ĐÚC KẾT THẢO LUẬN (Thời gian còn lại, khoảng 45 phút).
1.   Mỗi nhóm cử đại diện phát biểu ý kiến chung của nhóm.
2.   Thầy Lượng giải đáp thắc mắc, nhận xét, đúc kết chung.
3.   Ý kiến của Sơ Hoa.
Người hướng dẫn: GIOAKIM PHẠM VĂN LƯỢNG

Chân thành cảm ơn tất cả những ai đã đóng góp ý kiến để tôi thực hiện chuyên đề này.
PVL

Đọc thêm:

6- Khoảnh khắc chọn định khoa, ngành học


Không có nhận xét nào: