Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 31 TN2
Bài đọc: Phil 3:17-4:1; Lk
16:1-8.
1/ Bài đọc I: 17 Thưa
anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống
theo gương chúng tôi để lại cho anh em.
18 Vì, như tôi đã nói với
anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối
nghịch với thập giá Đức Ki-tô:
19 chung cục là họ sẽ phải
hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng
hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.
20 Còn chúng ta, quê hương
chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến
cứu chúng ta.
21 Người có quyền năng khắc
phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng
ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.
1 Bởi vậy, hỡi anh em thân
mến lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi. Anh em rất
thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy.
2/ Phúc Âm: 1 Đức
Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản
gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông.
2 Ông mới gọi anh ta đến mà
bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh
tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!
3 Người quản gia liền nghĩ
bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi.
Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.
4 Mình biết phải làm gì rồi,
để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!
5 "Anh ta liền cho gọi
từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu
vậy?
6 Người ấy đáp: "Một
trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi
xuống mau, viết năm chục thôi.
7 Rồi anh ta hỏi người
khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ
lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm
thôi.
8 "Và ông chủ khen tên
quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn
khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giá trị của
tiền bạc
Mục đích của Thiên Chúa khi cho
con người sống trên trần gian không phải để đầu cơ tích trữ của cải, nhưng là để
làm vinh danh Thiên Chúa, và để xứng đáng lãnh nhận cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
Tiền bạc là của Thiên Chúa ban cho con người xử dụng, nó chỉ là phương tiện
sinh sống chứ không phải đích điểm. Con người cần biết xử dụng tiền của để mưu
ích cho mình và tha nhân trong cuộc sống đời này để chuẩn bị cho cuộc sống đời
sau. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Philipphê đừng quên
mục đích cao trọng của cuộc đời để chỉ tôn thờ của cải vật chất. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu khen người quản lý bất lương vì ông biết dùng của cải vật chất để
mua bạn bè; ông hy vọng họ sẽ giúp ích lại cho ông trong tương lai.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thái độ sống các
tín hữu cần có về cuộc đời.
1.1/ Đừng chỉ nghĩ đến những của
cải thế gian: Nếu chết là hết, con người cứ việc làm hết cách để kiếm tiền và
hưởng thụ; nhưng vì chết không hết, nên các tín hữu không được sống theo kiểu của
thế gian, kiểu của những người không tin Thiên Chúa và cuộc sống đời đời mai
sau. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu của ngài đề phòng lối sống này vì những lý
do sau đây:
(1) Sống theo thế gian là sống đối
nghịch với Thập Giá Đức Kitô: “Như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ
tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với Thập Giá Đức Kitô.
Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn.
Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” Trong đọan văn này, Thánh
Phaolô không cắt nghĩa rõ ràng thế nào là lối sống theo thế gian và thế nào là
sống đối nghịch với Thập Giá Đức Kitô; nhưng chúng ta có thể thấy ngài cắt
nghĩa rõ ràng hơn trong (2 Tim 3:2-4): “Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền
bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc
nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ,
ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu
Thiên Chúa.”
(2) Hậu quả của lối sống theo thế
gian: Tất cả những ai sống theo lối sống này, sẽ không được thừa hưởng vinh
quang Thiên Chúa hứa ban, và “chung cục họ sẽ phải chịu hư vong.”
1.2/ Hãy nghĩ đến những sự trên
trời: Là những tín hữu đã được rửa sạch tội lỗi bằng Máu Thánh của Đức Kitô và
đã được giao hòa với Thiên Chúa, họ có quyền hy vọng được thừa hưởng những gì
Thiên Chúa và Đức Kitô đã dọn sẵn cho họ trên Thiên Đàng: “Còn chúng ta, quê
hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời
đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền
năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển
của Người.”
2/ Phúc Âm: Phải biết dùng những
của cải thế gian.
Trước khi phân tích dụ ngôn này,
chúng ta cần lưu ý một điều: Khi xử dụng dụ ngôn, tác giả chỉ muốn nêu bật một
điều chính, và không bao giờ có ý làm thỏa mãn tất cả mọi điều; vì sẽ rất khó để
thực hiện. Điểm Chúa Giêsu muốn nêu bật trong dụ ngôn này là cách hành xử của
viên quản lý khi anh biết anh sẽ mất việc.
2.1/ Người quản gia bất lương:
Ngay từ đầu trình thuật đã cho khán giả biết đây là một quản gia không tốt, và
đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. Một người quản gia tốt không phải chỉ
biết cách làm việc mà còn phải biết trung tín với chủ. Người quản lý này có thể
rất khôn ngoan, nhưng không trung tín; vì anh bị tố cáo đã phung phí tài sản của
chủ. Vì thế, chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về
anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm
quản gia nữa!”
2.2/ Người quản gia khôn lanh:
Ông biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị cho tương lai của
ông: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc
đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất
chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Ông nghĩ ra cách dùng tài
sản của chủ để mua chuộc nhân tâm: Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến,
và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp:
"Một trăm thùng dầu ô-liu.” Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác
đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.” Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn
bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa.” Anh ta bảo:
"Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.” Với 50 thùng dầu
ôliu bớt cho con nợ thứ nhất và 200 giạ lúa bớt cho con nợ thứ hai, anh hy vọng
sẽ được họ thương chia bớt cho phần nào khi cơn túng cực tới. Anh cũng có thể
nghĩ trước, nếu họ không chịu chia chác, anh sẽ tố cáo với chủ và họ sẽ phải
hòan lại cho chủ.
2.3/ Chủ khen cách cư xử của người
quản lý bất lương: Trước tiên chúng ta cần chú ý là ông chủ không khen tư cách
của người quản lý: ông gọi hắn là bất lương. Điều ông chủ khen là cách cư xử
khôn khéo của hắn: biết đặt con người trên tiền của; còn người là còn tiền, bao
giờ hết người mới hết tiền.
Nhiều người đã xử sự sai khi đặt
tiền của trên con người; hậu quả là họ mất cả người lẫn tiền. Ví dụ: Khi tìm được
người có tài và tin cậy, chủ phải trả họ đồng lương tương xứng mới có thể giữ họ
làm việc cho mình; nếu không họ sẽ làm cho hãng khác và chủ bị thiệt hại vì
không kiếm được người đủ khả năng. Hay có những người chồng quá chi li cho việc
tiêu xài trong nhà nên mất vợ, vì không biết đánh giá đúng những việc vợ làm
cho mình: chăm giữ con, nấu ăn, rửa chén, thu dọn nhà cửa …
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta sống trên đời này
không phải là để ra sức vơ vét của cải, vì chúng ta biết rất rõ: chúng ta không
thể mang theo được gì khi xuôi hai tay nằm xuống.
- Chúng ta phải biết xử dụng của
cải Chúa ban để sinh lợi ích cho mình và tha nhân ở đời này; đồng thời biết
dùng tiền của để đầu tư sinh lợi cho cuộc sống mai sau.
- Chúng ta đừng bao giờ quên nấc
thang giá trị để biết hành xử cho đúng: (1) Thiên Chúa, (2) con người, và (3) của
cải vật chất. Đảo lộn thứ tự của nấc thang giá trị này, sẽ mang lại những hậu
quả vô cùng tai hại cho người làm nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét