CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa.



Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Thứ Bảy Tuần 27 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Gal 3:23-29; Lk 11:27-28.

1/ Bài đọc I: Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mặc khải. Như thế Lề Luật đã thành người giám hộ dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin.

Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa. Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.

Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.

2/ Phúc Âm: Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! " Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa."


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa.

- Con người thích được hưởng đặc quyền và khi có đặc quyền lại lên mặt khinh thường người khác: người Do-Thái hãnh diện vì được Thiên Chúa ban Lề Luật và được làm dân riêng của Thiên Chúa nên khinh thường Dân Ngọai; người tự do hãnh diện vì sự tự do của mình và đối xử bất công với những người nô lệ; đàn ông trong các quốc gia Cận Đông hãnh diện về vai trò làm chủ trong gia đình và khinh thường đàn bà; người làm quan hay có địa vị trong gia đình thường đối xử với những người trong gia đình ưu tiên hơn những người ngòai gia đình. Những đặc quyền như thế xảy ra ở mọi nơi và trong mọi lãnh vực; nhưng không thể xảy ra với Thiên Chúa. Trước mặt Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng.
- Trong Bài đọc I, thánh Phaolô tuyên bố xóa bỏ mọi thứ phân biệt: Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô; không còn chuyện phân biệt Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà.
- Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: Mọi người đều có thể trở nên mẹ, anh, chị, em của Thiên Chúa bằng việc nghe và giữ Lời Ngài; đặc ân này không chỉ dành cho Đức Mẹ mà thôi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa.

1.1/ Vai trò của Lề Luật trong Chương Trình Cứu Độ của Thiên Chúa: Thánh Phaolô nói: “Trước khi đức tin đến, Lề Luật giữ vai trò của người giám hộ.” Trong quốc gia Hy-Lạp, người giám hộ “paidagwgo.j” thường là người tin cậy và lớn tuổi trong số các đầy tớ của chủ nhà. Ông được trao nhiệm vụ hướng dẫn em bé về phương diện luân lý, làm sao cho em bé học được tất cả những đặc tính cần thiết để trở nên người trưởng thành tốt lành. Nhiệm vụ mỗi ngày của ông là đưa đón em bé từ nhà tới trường và từ trường về nhà. Ông không có trách nhiệm phải dạy em bé học, đó là bổn phận của thầy giáo. Thánh Phaolô lấy hình ảnh người giám hộ để áp dụng cho Lề Luật: như người giám hộ dắt em bé tới trường giao cho thầy giáo, Lề Luật cũng hướng dẫn con người tới Chúa Giêsu.

Người Do Thái rất hãnh diện vì Lề Luật và họ từ chối không để cho bất cứ ai làm giảm giá trị Lề Luật của họ. Đối với họ, con đường duy nhất dẫn tới Thiên Chúa là giữ cẩn thận tất cả những gì Lề Luật dạy.

1.2/ Vai trò của đức tin trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, khi một người đã tới được với Chúa Kitô, Lề Luật sẽ không còn cần nữa. Nhờ đức tin, tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Có hai điểm quan trọng thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến ở đây:
(1) Bí Tích Rửa Tội: Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. BT Rửa Tội không chỉ rửa sạch các tội lỗi nhưng còn làm cho con người được tháp nhập vào thân thể của Chúa Kitô. Biểu tượng của sự tháp nhập là tấm áo trắng mà người tân tòng được mặc lấy trong ngày Rửa Tội.
(2) Tất cả mọi người đều bình đẳng trong Chúa Kitô: Cũng theo thánh Phaolô: “Một khi đã thuộc về Chúa Kitô, sẽ không còn chuyện phân biệt Do-Thái hay Hy-Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” Thánh Phaolô đã đảo ngược tất cả lời cầu nguyện trong phần Kinh Sáng của người Do-Thái: “Cám ơn Thiên Chúa đã không sinh con ra là người Dân Ngọai, nô lệ, hay đàn bà.” Tất cả các đặc quyền bị xóa hết khi con người trở nên một thân thể với Chúa Kitô. Mọi người đều phạm tội và là con nợ trước mặt Chúa. Tất cả đều cần ơn tha thứ của Thiên Chúa; và mọi khi đã được tha thứ, mọi người đều bình đẳng với nhau.

1.3/ Mọi người đều có cơ hội trở thành con cháu của tổ phụ Abraham: Theo thánh Phaolô: Nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa. Như vậy, đức tin vào Chúa Kitô làm cho con người trở thành giòng dõi của tổ phụ Abraham, chứ không phải bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật.

2/ Phúc Âm: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

2.1/ Đặc quyền được làm Mẹ Chúa: Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" Người Việt-Nam cũng quan niệm giống như người phụ nữ này khi nói “Phúc đức tại mẫu.” Người con được khôn ngoan, thánh thiện, tài giỏi là do công ơn của bà mẹ đã 9 tháng cưu mang, 3 năm bú mớm. Không phải chỉ có người phụ nữ nhận ra diễm phúc của Đức Mẹ, sứ thần Gabriel cũng chào Đức Mẹ trong giây phút Truyền Tin: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà" (Lk 1:28). Bà Elisabeth, người chị họ của Đức Mẹ, cũng đã thốt lên: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lk 1:42).

2.2/ Mẹ Chúa cũng phải nghe và giữ Lời Chúa: Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." Thọat nghe những lời này, một người có thể cho là lời khinh thường Đức Mẹ, vì Chúa đối xử với Đức Mẹ cũng như đối xử với những người khác, chẳng có gì đặc biệt hơn. Nhưng cuộc đời Đức Mẹ đúng là cuộc đời mà cụ già Simeon đã tiên báo: “Còn phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2:35). Đức Mẹ cũng phải đồng công chịu đựng đau khổ với Chúa. Trong mọi biến cố, Đức Mẹ không bao giờ mở miệng trách con; nhưng luôn lắng nghe con và giữ mọi sự trong lòng để suy niệm (Lk 2:52).

2.3/ Mọi người đều có cơ hội trở nên mẹ, anh/chị/em của Chúa: Đây là điều đáng mừng cho tất cả chúng ta, vì Chúa Giêsu cho mọi người đều có cơ hội bình đẳng để trở nên người thân thiết với Ngài. Từ chối không nghe hay không thực hành Lời Chúa là cách duy nhất không được trở nên mẹ và anh/chị/em của Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Tất cả những ai tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa là trở nên một thân thể với Ngài; vì thế, mọi phân biệt phải được xóa bỏ: giai cấp, chủng tộc, phái tính… Mọi người đều là con Thiên Chúa và anh chị em với nhau.
- Tiêu chuẩn được hưởng đặc quyền của Thiên Chúa không giống như tiêu chuẩn của con người. Ngài mở rộng cho tất cả mọi người chứ không chỉ giới hạn vào một gia đình, một số người thân quen, hay một quốc gia được chọn.
- Điều kiện để trở nên thân nhân của Chúa là nghe và giữ Lời Chúa. Không ai được miễn trừ điều kiện này cho dẫu là Mẹ của Thiên Chúa



Không có nhận xét nào: