CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Đức Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế.


Kính Sinh Nhật Đức Mẹ
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP


Bài đọc: Mic 5:1-4a; Mt 1:1-16, 18-23.

1/ Bài đọc I: 1 Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.
2 Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con.
Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.
3 Người sẽ dựa vào quyền lực ĐỨC CHÚA, vào uy danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Người
mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,
vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.
Người sẽ chiến thắng Át-sua 4 Chính Người sẽ đem lại hoà bình. Khi Át-sua xâm nhập xứ sở
và giày đạp đất nước chúng ta, chúng ta sẽ đặt bảy mục tử và tám thủ lãnh chống lại chúng.

2/ Phúc Âm: 1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;
3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;
4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;
5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;
6 ông Gie-sê sinh Đa-vít. 1 Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn
7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa;
8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;
9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;
10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;
11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;
13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;
14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;
15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;
16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.
19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.
21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."
22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:
23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."




GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế.

Vào năm 431, Giáo Hội nhóm họp Công Đồng tại Thánh Đường Đức Mẹ Maria tại Ephesus, để tuyên bố tín điều "Đức Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa." Lý do có tín điều này vì giám-mục Nestorius của Constantinople, tuy công nhận Chúa Giêsu mang hai bản tính: Thiên Chúa và nhân loại; nhưng vì bản tính nhân loại bị ảnh hưởng bởi tội lỗi, nên Đức Mẹ chỉ là Mẹ Đức Kitô, chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc tìm về nguồn gốc của Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Micah nói trước 700 năm về sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai: Ngài thuộc giòng tộc của vua David; tuy sinh ra trong thời gian, nhưng Ngài có trước từ đời đời; và tuy sinh ra trong thân phận con người, nhưng Ngài dùng uy danh của Thiên Chúa mà cai trị nhân loại. Trong Phúc Âm, Matthew bắt đầu Tin Mừng với gia phả đầy đủ của Đức Kitô, kéo dài cho tới vua David, tới tổ-phụ Abraham. Đức Kitô tuy sinh ra trong gia phả con người; nhưng không theo cách thức con người, vì Mẹ Maria mang thai là bởi quyền năng của Thánh Thần.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnhIsrael.

1.1/ Lời tiên đoán của tiên-tri Micah về Đấng Cứu Thế: Tiên-tri Micah sống khoảng 700 BC, nói về nơi xuất hiện của Đấng Cứu Thế: "Phần ngươi, hỡi Bethlehem Ephrathah, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel." Bethlehem là chỗ sinh trưởng của vua David, cách khoảng 7 km về phía Nam của Jerusalem. Vua David thuộc chi tộc Judah. Ephrathite là một thị tộc nhỏ bé nhất của chi tộc Judah, thị tộc này định cư ở Ephrathah.
Tiên-tri Micah tiên đoán Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong tương lai; "nhưng nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa." Gioan Tẩy Giả cũng tuyên bố về Đấng Cứu Thế như sau: "Người đến sau tôi; nhưng có trước tôi" (Jn 1:15). Cả hai đều có ý muốn nói về Đấng Cứu Thế như sau: xét về nguồn gốc, Đấng Cứu Thế hiện hữu trước; nhưng xét về thời gian sinh ra, Ngài có sau. Trong Tin Mừng Matthew, khi ba nhà đạo sĩ từ phương Đông mất ánh sao dẫn đường, họ vàoJerusalem để hỏi về nơi sinh của vua dân Do-thái. Nhà vua cho triệu tập các thượng tế và kinh sư để tra cứu về nơi sinh của Đấng Cứu Thế, và họ tìm ra tại Bethlehem, xứ Judah, theo lời của tiên tri Micah đã viết (Mt 2:5-6).

1.2/ Uy quyền của Đấng Cứu Thế: Tuy sinh ra như một con người; nhưng "Ngài sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người, mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất."
Những gì tiên-tri Micah tiên đoán về triều đại của Đấng Cứu Thế đều được hoàn tất bởi Đức Kitô. Ngài được Chúa Cha ban cho mọi quyền hành trên trời cũng như dưới đất; và Ngài
dùng quyền này để khống chế ma quỉ, sóng gió, chữa lành mọi bệnh tật, và tiêu diệt kẻ thù cuối cùng của con người là sự chết. Sau đó, Ngài sẽ lên ngôi cai trị, dân chúng sẽ được mọi sự lành bằng an, và triều đại của Ngài sẽ kéo dài đến vô tận.

2/ Phúc Âm: Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con vua David, con tổ phụ Abraham.

2.1/ Sự quan trọng của gia phả: Truyền thống Do-thái đề cao sự quan trọng của gia phả. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp nhiều lần những đề cập đến gia phả (x/c Gen 5:1, 10:1, 11:10, 27). Sở dĩ người Do-thái quan trọng hóa gia phả là vì họ muốn xem ai thuộc giòng tộc hoàn hảo nhất, không bị ảnh hưởng bởi giòng máu ngoại lai. Khi một người bị quá nhiều giòng máu ngoại lai, người ấy có thể bị mất đặc quyền được gọi là người Do-thái, Dân Riêng của Thiên Chúa. Một thầy tư tế phải chứng minh mình thuộc giòng tộc của Aaron; và nếu thầy tư tế đó kết hôn, người đàn bà đó phải có gia phả rõ ràng, ít nhất là năm đời. Khi Ezra thành lập hàng tư tế sau khi từ chốn lưu đày trở về, ông đã từ chối chức tư tế của: con cái của Habaiah, con cái của Koz, và con cái của Barzillai; vì ông không tìm thấy gia phả của họ trong Thượng Hội Đồng (x/c Ezra 2:62).

2.2/ Những điều quan trọng tìm thấy trong gia phả của Đức Kitô: Gia phả của Ngài được chia làm 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn gồm 14 đời:
(1) Từ tổ-phụ Abraham tới vua David: Thời của tổ-phụ Abraham đánh dấu việc Thiên Chúa chọn dân tộc Israel và hứa sẽ ban cho ông con cháu đông đúc và dẫn vào Đất Hứa. Thời của vua David đánh dấu sự lớn mạnh của vương quốcIsrael. Đây là thời đại hoàng kim của Israel, vì vua David đã thống nhất 12 chi tộcIsrael, mở rộng bờ cõi và lên ngôi cai trị họ. Danh xưng của Chúa Giêsu là "Con vua David" đã được nhắc tới 58 lần bởi các nhân vật khác nhau trong Tân Ước, chứng tỏ người Do-thái rất quan tâm đến gia phả của Đức Kitô. Họ chờ đợi Đấng Thiên Sai, xuất thân từ giòng dõi vua David, sẽ đến giải phóng họ khỏi tay quân thù, và lên ngôi cai trị muôn đời.
(2) Từ vua David tới Thời Lưu Đày bên Babylon: Sau thời của David, vương quốc Israel bắt đầu xuống dốc: bắt đầu bằng việc chia đôi đất nước, chạy theo vua chúa và các thần ngoại bang, vương quốc miền Bắc bị rơi vào tay của vua Assyria năm 721 BC, vương quốc miền Nam bị rơi vào tay của vua Babylon năm 587 BC. Từ vua quan đến dân chúng đều bị dẫn đi lưu đày trong vòng 50 năm cho đến năm 538 BC, khi vua Ba-tư là Cyrus nghe lời Thiên Chúa phóng thích cho dân Do-thái được hồi hương.
(3) Từ Thời Lưu Đày bên Babylon đến Đức Kitô: Đây được coi là thời gian hy vọng vào Đấng Thiên Sai, mà nhiều ngôn sứ loan báo, sẽ đến. Ezra và Nehemiah lãnh đạo việc xây dựng lại Đền Thờ và khôi phục đất nước. Phần lớn người Do-thái chỉ quan tâm đến việc giải phóng đất nước khỏi tay quân thù; vì thế, họ chờ đợi một Đấng Thiên Sai uy quyền, sẽ dùng sức mạnh và quyền năng để tiêu diệt quân thù, và khôi phục địa vị cho vương quốc Israel như thời vua David.

2.3/ Thời đại của Đức Kitô, Đấng cứu Thế: Theo gia phả con người, Chúa Giêsu là con ông Giuse và bà Maria. Ông Giuse là con vua David và Chúa Giêsu cũng sinh ra tại Bethlehem, nơi mà vua David đã sinh ra. Trình thuật Matthew nói rõ Maria có thai là "do quyền năng Chúa Thánh Thần." Khi thấy Maria có thai trước khi hai ông bà về chung sống; ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con vua David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu."
+ Chính Chúa Giêsu sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ: Ngược lại với lòng mong muốn của đa số dân Do-thái về một Đấng Thiên sai uy quyền, sẽ đến giải phóng dân khỏi ách nô lệ của ngoại bang; Đức Kitô chấp nhận thân phận của một Đấng Thiên Sai đau khổ: chịu chết trên Thập Giá, để giải thoát toàn dân khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết.
+ Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaiah: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Isa 7:14). Bản Bảy Mươi dùng chữ "pathernon" để chỉ "trinh-nữ;" trong khi Bản MT, dùng chữ "almah:" có thể là một người phụ nữ trẻ hay một người đồng trinh. Truyền thống Công Giáo dùng cả Isa 7:14 và Mt 1:18 để xác tín: Mẹ Maria trọn đời đồng trinh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tin các tín điều đã được nghiên cứu cẩn thận và được tuyên bố bởi Giáo-Hội qua các Công Đồng. Đừng để các lạc thuyết mê hoặc chúng ta.
- Thiên Chúa đã chuẩn bị cho nhân loại ngay từ đầu một Kế Hoạch Cứu Độ. Theo Kế-hoạch này, Đức Kitô sẽ đến trong thân xác con người để chuộc tội cho con người. 

Không có nhận xét nào: