CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Một góc nhìn về cải cách giáo dục – thi cử

140810003


http://www.chuacuuthe.com/2014/08/mot-goc-nhin-ve-cai-cach-giao-duc-thi-cu/

VRNs(11.08.2014) – Khánh Hòa – Cải cách giáo dục thế nào? Liệu có thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn mấy thập niên lay hoay càng cải càng tắc?
Không phải chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng cũng ít nhất trải qua 2 đại học và tự nghiên cứu nghiền ngẫm thêm nhiều chục năm, tôi không thể đưa ra phương án toàn diện, nhưng xin được trao đổi về 2 câu chuyện liên quan, mong mọi người cùng đọc và cho ý kiến chỉ giáo:

1. CHUYỆN NHÀ BÁC HỌC ANHXTANH VƯỢT SÁT HẠCH VẤN ĐÁP TRUNG HỌC
Thời trung học, Anhxtanh rất thông minh, nhưng học hành tài tử. Ông thày muốn nhân đợt sát hạch vấn đáp cuối kỳ, sẽ cho cậu một bài học, bằng cách đánh trượt, để chăm chỉ, siêng năng hơn. Đến kỳ sát hạch, thày ngã bệnh, bèn dặn đồng nghiệp thay thế ông thực hiện ý đồ ấy.
Vào phòng thi, Anxtanh bốc trúng câu hỏi: “Bạn có trong tay một cái khí áp kế, hãy trình bày cách đo chiều cao của một ngọn tháp”.
- Thưa thày, có nhiều cách ạ.
- Cứ trình bày.
- Cách thứ nhất, em đo chiều dài cái khí áp kế (50cm chẳng hạn), rồi trèo theo ống dẫn nước mưa, đo xem được bao nhiêu lần chiều dài cái khí áp kế, rồi nhân lên. Cách này tuy có hơi vất vả, nhưng người ít học có thể làm được, cho sai số chấp nhận được…
- Cũng được.
- Cách thứ hai: Không cần phải trèo tháp, mà đo chiều dài bóng tháp đổ xuống mặt đất, tính góc hợp bởi mặt đất và đường thẳng nối đỉnh tháp với đỉnh bóng, dùng phương pháp giải tam giác lượng để tính ra chiều cao tháp.
- Tốt, còn cách nào nữa không?
- Thưa thày, còn nhiều lắm ạ. Nhưng em biết thày muốn em trả lời theo đáp án của thày là đo áp suất khí quyển sát mặt đất, rồi đo áp suất trên đỉnh tháp, theo công thức cứ lên cao một mét, áp suất khí quyển lại giảm đi bao nhiêu… tính ra chiều cao tháp. Nhưng thưa thày, nếu học sinh chỉ học mỗi cách ấy, làm sao sau này ra cuộc sống, hay học lên nữa, tự nghiên cứu… có thể linh hoạt tùy hoàn cảnh (chẳng hạn quên mất số liệu về tương quan áp suất và cao độ trong khí quyển), phát huy tính năng động và sáng kiến? Làm sao thế hệ sau hơn thế hệ trước, nhân loại ngày càng tiến bộ? Mọi con đường chẳng đều dẫn về La Mã đó sao?
Lâm tình huống ấy, ông thày thay thế, tuy muốn thực hiện ý đồ đồng nghiệp, cũng đành cho điểm tối ưu 5/5, với lời dặn vớt vát: chăm học nhé (!).

2. CÁCH THI VĂN VÀ LỰA CHỌN – ĐÃI NGỘ HIỀN TÀI
Nhiều thập kỷ nay, môn văn nói riêng (cũng như các môn xã hội nói chung) bị rẻ rúng. Nhiều người có lý khi cho rằng, đó là nguyên nhân chủ yếu của xu thế đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp.
Thời phong kiến, những người đỗ đạt cao (thi văn – mà người đời bây giờ cho là nho học cổ hủ) được bổ làm quan, rất vinh hiển
Thời đại kỹ thuật tân kỳ (chế từ máy nghe lén, đến tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân hủy diệt), môn văn bị xem nhẹ, người theo học các môn xã hội ở bậc đại học hoặc cao hơn, thường ra làm việc với thu nhập chết đói.
Ngày trước, thí sinh có thể nhận đề thi, với 3 từ đơn giản: “Vịnh miếu làng”. Viết thế nào, là hoàn toàn tự do (thơ, phú, văn xuôi…). Người khai thác khía cạnh đời sống tâm linh, kẻ nhắm tới lịch sử các loại hình kiến trúc trong đời sống xã hội, người bàn về công đức tiền nhân… Chẳng hề có barem đáp án mẫu từng chi tiết như thi văn ngày nay. Nhưng các giám khảo ngày ấy, qua bài làm, có thể nhận biết được kiến thức, và cao hơn là tài năng, chí khí, nhân cách, triển vọng… của thí sinh mà cho điểm. Cách thi văn như ngày nay, không phải cốt nhằm đào tạo và phát huy hiền tài, mà chỉ sản xuất ra hàng loạt lớp ROBOT NGƯỜI, không hơn không kém! (rất cần cho thể chế độc tài).
Nhiều người biết câu chuyện những nghiên cứu phát minh của Anxtanh có đóng góp vào việc chế tạo thành công bom nguyên tử, và sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Truman quyết định cho ném “vuốt đuôi” 2 trái bom này xuống Nhật bản, giết oan hàng chục vạn thường dân, Anhxtanh vô cùng hối hận và day dứt… Thực tế cho thấy, thông thường các chính khách đều xuất thân từ giới khoa học xã hội: luật, quản lý kinh tế, quản lý hành chính… Các nhà khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng kỹ thuật, dù có tài giỏi đến đâu, cũng chỉ là công cụ của chính giới cai trị toàn xã hội. Nếu chính giới không thật sự là HIỀN TÀI, nhân loại sẽ không tránh khỏi tai ương thảm họa.
Võ Văn Tạo


Không có nhận xét nào: