CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

KHẮC PHỤC TÍNH ĐỐ KỴ







Nguồn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100008155093621




Bài học này hay quá , cần phải phổ biến càng nhiều càng tốt .

Là con người chúng ta không ai không có tính đố kỵ, hoặc ít, hoặc nhiều mà thôi. Thấy người ta giỏi hơn mình hoặc có điểm nào đó nổi trội hơn mình là sinh ra đố kỵ. Đố kỵ là con dao hai lưỡi, trong phần lớn trường hợp, tính đố kỵ làm tổn thương cả hai người, cho nên nhà văn hình dung đố kỵ là ác Quỷ. Đại văn hào Sếch-xbia mô tả đố kỵ là “con quỷ mắt xanh”, nhà văn khác miêu tả lòng đố kỵ là “cái u của linh hồn”.

Tính đố kỵ là một tật nguyền nghiêm trọng trong tính cách của con người, không hay ho gì cả. Đố kỵ khiến con người rơi vào tình trạng căng thẳng, buồn đau và hết chịu nổi. Nhưng nếu sự đố kỵ đó được thay thế bằng nỗ lực chủ quan nhằm thay đổi vị thế bất lợi của mình, cân bằng lại tâm lý ở tầm cao hơn, thì sự đố kỵ sẽ biến thành cạnh tranh lành mạnh. Khi đố kỵ thăng hoa thành cạnh tranh lành mạnh, kẻ đố kỵ vươn lên để rút ngắn khoảng cách với người bị đố kỵ. Người bị đố kỵ không cam chịu bị lép vế, tiếp tục phấn đấu để duy trì và phát triển ưu thế của mình, thế là hai bên đố kỵ biến thành hai đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy nhau cùng tiến bộ.

Đố kỵ làm phát sinh và thúc đẩy cạnh tranh như trên đã nói, trên ý nghĩa này mà nói, đố kỵ quả là vĩ đại. Đáng tiếc là số người biến đố kỵ thành sự vươn lên tích cực quá ư là ít ỏi, tuyệt đại đa số biến nó thành hành vi đối lập, thù hằn, công kích và phá hoại. Nhà văn Ban-dắc than rằng: “đố kỵ nấp trong lòng, như rắn độc nấp trong hang.”

Người có tính đố kỵ không muốn chấp nhận người khác hơn mình, thấy người ta có được địa vị, danh vọng và những thứ khác mình không có là ghen ghét. Họ chỉ mong cái gì mình không làm được thì người khác cũng không làm được, mình không có thì người khác cũng không được có.

Tính đố kỵ rất có hại, với người đố kỵ, nó là một yếu điểm về bản chất. Một người phụ nữ công chức hiền lành, nếu nhiễm cảm xúc đố kỵ, sẽ trở thành con người thiển nghĩ và cố chấp, lúc nào cũng nhằm làm hại người khác để bù đắp hẫng hụt tâm lý trong mình, dẫn đến nhiều hành động ngu ngốc. Kẻ đố kỵ thường bị ức chế về tâm lý, tâm thức họ luôn luôn bị ám ảnh, căng thẳng. Vậy làm thế nào khắc phục tính đố kỵ để nó thăng hoa thành cạnh tranh lành mạnh?

Mở rộng tầm nhìn, cởi mở tấm lòng

Cần phải nhớ rằng, người giỏi hơn bạn nhiều lắm, đố kỵ một hai người thì có ích lợi gì? Chỉ cần bạn vươn lên, đuổi kịp người ta.

Phải tôn trọng người khác

Tục ngữ nói, muốn người khác tôn trọng mình, thì mình phải tôn trọng người khác trước. Cần phải thừa nhận ưu thế và sở trường của người khác, thậm chí thán phục người giỏi giang hơn mình về mặt nào đó.

Nhận rõ tác hại của tính đố kỵ

Kẻ đố kỵ thường phải lao tâm khổ tứ trong việc công kích và làm hại người bị đố kỵ, làm ảnh hưởng xấu tới công việc của mình, rút cuộc người bị thiệt thòi vẫn là kẻ đố kỵ.

Khơi dậy tính đố kỵ tích cực

Tính đố kỵ tích cực thường sinh ra lòng tự trọng và ý thức cạnh tranh lành mạnh. Khi bạn thấy mình đang ngấm ngầm đố kỵ một đồng nghiệp giỏi hơn mình về mặt nào đó, bạn hãy tự vấn tại sao lại như thế và hậu qủa sẽ ra sao nếu không dừng lại. Khi bạn có được kết luận rõ ràng, bạn sẽ thấy muốn đuổi kịp người ta, mình phải quyết tâm vươn lên, đạt được tiến bộ trong học tập và công tác. Bạn có thể biến đố kỵ thành động lực vươn lên, thăng hoa xúc cảm đố kỵ thành ý thức phấn đấu không mệt mỏi và quyết tâm vươn lên.

Nói tóm lại, đối với thành công của người ta, nếu có đố kỵ thì hãy đố kỵ tích cực chớ đừng đố kỵ tiêu cực, nghĩa là tập trung sức lực và trí tuệ của mình vào việc thực hiện mục tiêu cao hơn của mình. Không đố kỵ tiêu cực, nghĩa là vui mừng trước thành công của người khác, không ghen tị và tìm cách dèm pha, hãy tìm cách hoàn thành tốt công việc của mình.

Như thế, cuộc đời bạn sẽ có sự đền đáp xứng đáng.

ST

Không có nhận xét nào: