CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

ĐỨC GIÊ-SU CHỮA NGƯỜI MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH ĐƯỢC SÁNG



Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật IV Mùa Chay, Năm A – Ga 9,1-41
Thứ Tư – 26/3/2014
LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU
Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.
                        Thánh Vịnh 117 (116) 
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chữa người mù từ thuở mới sinh, xin Chúa cũng chữa chúng con khỏi mù lòa về lòng tin để chúng con tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Ngài. Xin Thánh Thần Chúa ngự đến giúp chúng con hiểu, sống Lời Chúa qua Tin Mừng Ga 9,1-41 chúng con tìm hiểu chiều nay.
 (Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Ga 9,1-41.
LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn!
Giáo Hội sẽ công bố Tin Mừng Ga 9,1-41 vào Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A với chủ đề:
LÀ SỰ SÁNG, ĐỨC GIÊ-SU CHỮA NGƯỜI MÙ         
TỪ THUỞ MỚI SINH ĐƯỢC SÁNG
A.   TRÌNH TỰ BÀI TIN MỪNG
Đoạn trích Tin Mừng khá dài, tuy nhiên để dễ hiểu, chúng ta dựa vào bố cục sau đây:
Ga 9,1-5:  Hoàn cảnh câu chuyện.
Ga 9,6-7:  Việc chữa lành.
Ga 9,8-12:  Người mù và những người láng giềng
Ga 9,13-17:  Nhóm Pharisêu điều tra sơ bộ.
Ga 9,18-23:  Cha mẹ anh mù bị thẩm vấn.
Ga 9,24-34:  Điều tra anh mù lần thứ hai.
Ga 9,35-38:  Từ sáng mắt đến sáng tâm hồn.
Ga 9,39-41:  Nhóm Pharisêu bị lên án là mù quáng.
B.    TÌM HIỂU CHI TIẾT
Ga 9,1-5:  Hoàn cảnh câu chuyện.
Mở đầu, trình thuật kể rằng, ra khỏi Đền Thờ, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến cho người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” 
Người Do-thái thời Đức Giê-su vẫn quan niệm khuyết tật hoặc bệnh tật thể lý là do hình phạt từ Thiên Chúa. Dân gian Việt Nam cũng vẫn  thường nói: Trời phạt, Trời có mắt hoặc Chúa phạt tỏ tường. Các vị tư tế thời Cựu Ước đã liên đới các khuyết tật, bệnh tật thể lý với tội lỗi là phương cách để duy trì quyền lực của họ trên lương tâm dân chúng.  Đức Giêsu giúp các môn đệ của Người thay đổi ý nghĩ của họ: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh!” 
Công trình của Thiên Chúa cũng là công trình của Đức Giê-su. Đó là công trình cứu độ, yêu thương. Và cụ thể với trích đoạn Tin Mừng Ga 9,1-41, công trình ấy được thể hiện nơi người mù như thế nào: làm anh ta sáng mắt thể lý và sáng mắt tâm hồn để anh thấy được ơn cứu độ nơi Đức Giê-su.
 “Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm việc Đấng đã sai Ta; đêm đến không ai có thể làm việc được nữa.  Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian.
Ngày và đêm là thời hạn cuộc sống và hoạt động của một người, thường được ví với một ngày lao động. Sứ vụ của Đức Giê-su soi sáng cho thế gian, cũng được ví với một ngày lao động như vậy (11.10). Dù biết rằng, việc Đức Giê-su hoạt động ở trần gian, chỉ gợi được chút ít niềm tin nơi một số người Do-thái, nhưng Đức Giê-su vâng lệnh Cha, Đấng đã sai Người, cứ tiếp tục lao công, bao lâu còn là ngày, tức thời sứ vụ của Người còn kéo dài (8.56; x. Lc 13.32). Đêm đến (13.31) không thể làm được nữa. Người cứ làm công việc của Cha cho đến giây phút cuối cùng đời mình. Khi nào Người ra đi, chịu chết, đó là dấu đêm đến: Ánh sáng đã tắt. Thế mà Người lại chính là “Sự sáng thế gian” (8,12;9,5).
Giả sử ta chỉ hiểu như thế thì xem ra có chút chua xót hay ngậm ngùi trong giọng nói của Đức Giê-su. Ngày thì quá ngắn, công việc thì nhiều (Mt 9,37; Lc 10,2), đúng như có ai đó nói rằng: “Đường còn dài, mà trời lại sắp tối”. Thực ra không phải như vậy! Điều sắp chấm dứt nói ở đây là công việc mặc khải cho người Do-thái, và nói rộng ra là cho tất cả những ai nhắm mắt từ chối Người, tẩy chay Người. Câu nói của Đức Giê-su không chút nào than vãn, chua xót về công việc của Người, nơi thế giới sẽ chấm dứt với cái chết của Người. Vì công việc Người mặc khải Thiên Chúa cho thế giới vẫn sẽ còn được tiếp tục qua các môn đệ, qua Hội Thánh Người đã thiết lập trên trần gian, trong đó có cả chúng ta, những Ki-tô hữu hôm nay, cũng phải tiếp tay với Người để lo công việc của Cha: Loan Tin Mừng cho muôn dân thiên hạ, nghĩa là Sự Sáng vẫn tiếp tục hiện diện trên trần gian này. Chẳng thế mà Đức Giê-su đã nói: “Chúng ta phải lao công vào các việc của Đấng đã sai Ta”.
Ga 9,6-7:  Việc chữa lành.
Trình thuật kể tiếp: Đức Giêsu nhổ nước bọt xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, xoa bùn lên mắt người mù, đây là việc thứ nhất; và bảo anh ta đến hồ Si-lô-ác mà rửa, đây là việc thứ hai.
Với cách chữa trị hết sức bình dân mà giới y học xưa nay xem ra chẳng mấy vệ sinh vì dễ bị nhiểm trùng, và đứng trên bình diện tôn giáo, cũng có thể xem như là tà thuật, nhưng Đức Giê-su đã thổi vào đó một hiệu lực siêu phàm mới lạ nhưng rõ ràng. Nhờ vào cách thế ấy, anh mù mới có cơ hội đi rửa mắt tại hồ Si-lô-ác. Đức Giê-su sai anh đi rửa mắt cũng là một cách thử thách lòng tin của anh ta vào Người. Anh ta đã vâng nghe lời Người, đi và trở lại thì được lành.  Đây là phép lạ!  Ý kiến của thánh Gioan nói rằng Si-lô-ác có nghĩa là sai đến.  Chúa Giêsu là Đấng được sai đến bởi Chúa Cha để làm các công việc của Thiên Chúa, những phép lạ của Chúa Cha.  Phép lạ của việc “sai đến” này là người mù đã bắt đầu trông thấy.
Ga 9,8-12:  Người mù và những người láng giềng
Vấn đề anh mù được sáng mắt bắt đầu bùng to, và gây rắc rối.  Những người thường thấy anh, bố thí cho anh đã nhảy vào cuộc, họ tìm hiểu xem anh có phải là kẻ mù thường ngồi ăn xin ở đó không, tức là một chỗ nào ở ven bờ tường Đền Thờ. Còn những người láng giềng khi thấy anh ta trở về với đôi mắt sáng, họ ngạc nhiên, họ không nhận ra anh ta nữa. Họ nghi ngờ hỏi nhau: “Không phải hắn là tên ngồi ăn mày đó sao?”; kẻ bảo thế nọ: “Chính hắn đó!” hoặc kẻ khác lại nói: “Không đâu! Nhưng là một đứa nào giống nó” (c.9). Họ không đồng ý được với nhau. Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây”. Hành động của Đức Giêsu, vốn là Sự Sáng của thế gian, không đưa tới việc ca ngợi hay tôn vinh Thiên Chúa sau khi chứng kiến phép lạ, nhưng lại đưa tới sự chia rẽ. Chức năng của ánh sáng luôn làm phân rẽ.
  Và họ hỏi anh:  “Vậy, làm sao mắt anh mở ra được như thế?”  Người trước kia bị mù làm chứng:  “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: ‘Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa’. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy”. Họ  lại hỏi:  “Ông ấy ở đâu?” – Anh ta trả lời: “Tôi không biết!”  Họ không hài lòng với câu trả lời của người mù, và để làm rõ vấn đề, họ liền dẫn anh ta đến trước những người Pharisêu, những kẻ có thẩm quyền tôn giáo. 
Ga 9,13-17:  Nhóm Pharisêu điều tra sơ bộ.
Hôm đó là ngày Sabát và trong ngày Sabát, người ta cấm chữa bệnh.  Khi bị tra hỏi bởi những người Pharisêu, người trước kia bị mù thuật lại mọi việc một lần nữa.  Một số người Pharisêu, mù quáng trong việc tuân thủ theo lề luật, nói:  “Người này không thể nào bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabát!”  Họ không thể thừa nhận rằng Đức Giêsu có thể là một dấu hiệu của Thiên Chúa, bởi vì Người đã chữa lành người mù trong ngày Sabát.  Nhưng những người Pharisêu khác, phải đối mặt với phép lạ, trả lời:  “Làm sao một kẻ tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?”  Họ cũng lại bất đồng ý kiến với nhau đám dân chúng trên!  Vì vậy, họ quay lại hỏi người mù:  “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?”  Và anh ta làm chứng:  “Người là một vị ngôn sứ!”
Ga 9,18-23:  Cha mẹ anh mù bị thẩm vấn.
Những người Pharisêu, nay được gọi là người Do Thái, không tin rằng anh ta bị mù mà nay nhìn thấy được, vì họ nghĩ rằng đó là chuyện lừa dối.  Cho nên, họ đã gọi cha mẹ anh đến và hỏi:  “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?”. Một cách rất cẩn thận, cha mẹ anh ta trả lời rằng:  “Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh, nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết.  Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy!”  Khôn lớn nói ở đây không phải tuổi thành niên, mà tuổi có thể trả lời trước tòa án: Theo luật Do-thái, ít nhất là 13 tuổi.
Sự mù lòa của các người Pharisêu trước bằng chứng của việc chữa lành tạo nên sợ hãi trong dân chúng.  Và bất cứ ai tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế thì bị trục xuất khỏi hội đường.  Cuộc đối thoại với cha mẹ của người mù tiết lộ sự thật, nhưng những kẻ có thẩm quyền tôn giáo đã không chấp nhận điều này.  Sự mù lòa của họ trở nên trầm trọng hơn bởi vì lời chứng được đưa ra. Lề luật chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật (Ga 8,17), nhưng giờ đây, họ đã không chịu chấp nhận.
Ga 9,24-34:  Điều tra anh mù lần thứ hai.
Họ lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo:  “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa!  Phần chúng ta, chúng ta biết ông ấy là một kẻ tội lỗi.”  Ở đây:  “Hãy tôn vinh Thiên Chúa” là một lời thề trước tòa án, và ở đây, có nghĩa là:  “Hãy cầu xin sự tha thứ vì lời nói dối mà anh vừa mới nói!”  Người mù đã trả lời:  “Người ấy là một ngôn sứ!”  Theo những người Pharisêu, lẽ ra anh ta đã nên nói:  “Người ấy là kẻ tội lỗi!”  Nhưng người mù thông minh.  Anh ta trả lời:  “Nếu đó là một kẻ tội lỗi, tôi không biết, tôi chỉ biết rằng trước đây tôi bị mù và bây giờ tôi trông thấy!”  Không có lời phản bác nào về sự thật này!  Lần nữa, những người Pharisêu lại hỏi y:  “Người đó đã làm gì cho anh?  Người đó đã mở mắt anh thế nào?”  Người mù trả lời pha một chút mỉa mai:  “Tôi đã nói với các ông rồi…  Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Người chăng?”  Sau đó họ đã nguyền rủa anh ta và bảo:  “Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê, chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Mô-sê, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến! Anh ta nói: “Nếu người này không bởi Thiên Chúa, thì ông ấy đã không làm được gì”. 
Đối diện với sự mù lòa của những người Pharisêu, ánh sáng đức tin phát triển ở người mù.  Anh ta không chấp nhận lập luận của những người Pharisêu và thú nhận rằng Đức Giêsu đến từ Chúa Cha.  Lời tuyên xưng đức tin này khiến anh ta bị trục xuất khỏi hội đường. Điều này cũng xảy ra trong các Giáo Hội, và ngày nay cũng thế: Những ai quyết định trung thành với Chúa Giêsu thì có nguy cơ bị loại trừ, hay ít nữa bị xếp vào loại công dân hạng bét trong xã hội họ đang sống.
Ga 9,35-38:  Từ sáng mắt đến sáng tâm hồn.
Đức Giêsu đã không bỏ rơi những kẻ bị bách hại vì Người.  Khi Đức Giêsu hay tin việc anh ta bị trục xuất. Người gặp lại  anh ta, Người giúp anh ta tiến một bước xa hơn bằng cách mời gọi anh ta lãnh nhận đức tin và hỏi:  “Anh có tin vào Con Thiên Chúa không?”  Anh ta thưa:  “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”  Đức Giêsu đáp:  “Anh đang nhìn thấy Người; và chính Người đang nói với anh đây.”   Anh ta liền thốt lên:  “Thưa Ngài, tôi tin!”, đồng nghĩa với: “Lạy Chúa, con tin!” Và anh ta sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu.  Thái độ đức tin của người mù trước Chúa Giêsu là một trong những sự tin tưởng tuyệt đối và chấp nhận hoàn toàn.  Anh ta chấp nhận mọi việc từ Chúa Giêsu.  Đó là đức tin đã duy trì các cộng đoàn Kitô hữu cho đến ngày nay.
Ga 9,39-41:  Biệt phái bị lên án là mù quáng.
Người mù, đôi mắt thể lý không thể nhìn thấy, cuối cùng lại sáng mắt hơn những người Pharisêu. Những người Pharisêu nghĩ rằng họ sáng mắt hơn người mù từ thuở mới sinh.  Tự trói buộc với một lề luật cổ xưa, họ nói dối khi họ nói họ có thể trông thấy.  Không ai có thể mù lòa hơn những người không muốn nhìn thấy!
Tóm lại, con đường đức tin của người mù cũng chính là con đường đức tin của mỗi Ki-tô hữu hôm nay: Lắng nghe Lời Chúa, thực thi ý Chúa, và tuyệt đối tin tưởng vào Chúa Giêsu Ki-tô, Con Thiên Chúa, và là Chúa của chúng ta. Amen.
GỢI Ý SUY GẪM VÀ THỰC HÀNH
1/ Tôi có thể học được gì khi so sánh phản ứng của người Pha-ri-sêu và cách đối xử của Đức Giê-su với người mù?
2/ Tôi có sai lầm không khi chỉ dùng đôi mắt thịt để nhìn rồi phán đoán về người khác dựa trên dáng vẻ bên ngoài hoặc địa vị xã hội của họ? Còn Thiên Chúa thì khác, Người nhìn thấy tận đáy lòng con người chứ không nhìn dáng vẻ bên ngoài (1Sm 16,7).
3/ Người Pha-ri-sêu tưởng rằng họ làm điều Thiên Chúa muốn, nhưng rốt cuộc họ hành động chống lại Thiên Chúa. Bằng cách sống nào, tôi có thể tránh chính mình cũng làm như thế?
4/ Tôi đã được gặp gỡ Thiên Chúa cách nào khiến tôi cảm thấy đủ tin tưởng vào kinh nghiệm thiêng liêng của mình để có thể đứng vững khi người khác chất vấn tôi về niềm tin của tôi vào Thiên Chúa?
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1/ "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga 9,3).
2/ Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian." (Ga 9,5).
3/ Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi!31 Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy.32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì."
4/ "Thưa Ngài, tôi tin.", nói xong, anh sấp mình xuống trước mặt Đức Giêsu.
LỜI NGUYỆN
1. "Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian". Chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh, nhờ các hoạt động tích cực của Hội Thánh, mà luôn là hiện thân của Chúa Kitô, là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian.
2. "Không phải do tội của anh ta, hay của cha mẹ anh, mà anh bị mù". Chúng ta cầu nguyện cho những Kitô-hữu đang sống trong tình trạng tội lỗi, sớm có cơ hội nhìn thấy tình thương Chúa, mà trở về, và tận hưởng nguồn ơn cứu rỗi.
3. "Anh ta bị mù là để cho thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa tỏ hiện". Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu biết dùng lời nói, việc làm, sức khoẻ và tật nguyền của mình mà làm cho danh Chúa được cả sáng.
4. "Tôi đến thế gian này chính là để cho người không xem thấy, được thấy". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, luôn sáng mắt đức tin, để nhận thấy Chúa ở khắp nơi, và giúp cho nhiều người xem thấy Chúa.

Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Gioa-kim Phạm Văn Lượng

Không có nhận xét nào: