Thứ Sáu Tuần 7 TN2
- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Sáu Tuần 7 TN2
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Bài đọc: Jam 5:9-12; Mk 10:1-12.
1/ Bài đọc I: 9 Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa.
10 Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.
11 Kìa
xem: chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em
đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa
nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
12 Nhưng,
thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy
cái gì khác mà thề. Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải
nói "không", như thế, anh em sẽ không bị xét xử.
2/ Phúc Âm: 1 Đức
Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông
đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy
dỗ họ.
2 Có
mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng
có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.
3 Người đáp: " Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?"
4 Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ."
5 Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.
9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."
10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.
11 Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;
12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải kiên nhẫn và trung thành giữ lời hứa.
Càng ngày chúng ta càng chứng kiến những cảnh con người bất trung với
Thiên Chúa và phản bội lẫn nhau nhiều hơn: bỏ đạo, không thực hành đạo,
hồi tục, ly dị, ly thân, cha mẹ giết con, từ con, con cái giết cha mẹ.
Có rất nhiều lý do đưa đến những thảm cảnh này, nhưng hai lý do nổi bật
là con người ngày nay không còn biết kính sợ Thiên Chúa và hy sinh chịu
đựng đau khổ.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật những lý do đưa tới sự phản bội và
những đức tính cần thiết để trung thành với Thiên Chúa và với nhau.
Trong bài đọc I, thánh Giacôbê nhấn mạnh tới đức tính kiên nhẫn để chịu
đựng đau khổ để có thể sống chung với nhau trong khi chờ đợi Ngày Chúa
đến. Chịu đựng đau khổ là phương thức cần thiết để con người chứng tỏ
niềm tin yêu của họ dành cho Thiên Chúa và dành cho nhau. Trong Phúc Âm,
những người Pharisees muốn thử xem Chúa Giêsu có dạy khác với luật của
Moses về vấn đề ly dị. Chúa thẳng thắn trả lời họ Luật không được ly dị
là Luật bất khả phân ly của Thiên Chúa ngay từ đầu. Lý do ông Moses cho
phép ly dị là vì lòng chai dạ đá của con người, chứ không phải trong ý
định của Thiên Chúa. Nếu con người biết kính sợ Thiên Chúa, họ không bao
giờ dám làm chuyện này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì Ngày Chúa quang lâm đã gần tới.
1.1/
Phải chuẩn bị và luyện tập nhân đức: Thánh Giacôbê dùng ví dụ của nhà
nông, trong khi chờ đợi mùa gặt hái, họ phải bón phân, tỉa cành, giết
sâu bọ, để cây có thể cho nhiều trái và hoa quả tốt tươi. Con người cũng
thế, họ không chỉ kiên nhẫn chờ đợi Ngày Chúa đến, nhưng còn phải kiên
trì cầu nguyện và tập luyện các nhân đức cần thiết. Thánh Giacôbê liệt
kê những điều cần thiết phải làm:
(1) Phải ăn ở thuận hòa: Con người thường có thói quen lấy mình làm
tiêu chuẩn để phán xét tha nhân, dù nhiều khi rất thiển cận và bất công.
Cách tốt nhất để giúp con người ăn ở thuận hòa là đừng bao giờ phán xét
người khác khi không có trách nhiệm, để rồi sẽ không bị phán xét bởi
Thiên Chúa; vì chúng ta đong đấu nào cho tha nhân, Thiên Chúa sẽ dùng
đấu ấy mà xét xử chúng ta. Ngài khuyên các tín hữu: "Thưa anh em, anh em
đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa vị Thẩm Phán
đang đứng ngoài cửa."
(2) Noi gương các ngôn sứ: "Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên
nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh
Chúa." Các ngôn sứ không sợ chấp nhận hậu quả của việc nói sự thật, các
ngài sẵn sàng chấp nhận sự ghét bỏ và truy tố của con người. Hơn nữa,
con người không dễ thay đổi, các ngài phải kiên nhẫn chờ đợi để thay đổi
và giúp con người làm hòa với Thiên Chúa.
1.2/
Mục đích của đau khổ: Tác giả nhắc lại câu truyện ông Job. Thiên Chúa
để Satan hành hạ ông mọi cách để xem ông có trung thành tin tưởng và yêu
thương Ngài không. Ông Job đã chiến thắng mưu kế của Satan và trung
thành với Thiên Chúa. Ngài đã thưởng công cho ông xứng đáng với lòng
kiên trì. Hơn nữa, theo thánh Giacôbê (1:2-4) và Phaolô (Rom 5:3-4), đau
khổ còn rèn luyện con người quen chịu đựng để trở nên thập toàn; không
gì có thể làm lung lay đức tin của người đã quen chịu đựng đau khổ.
Về việc thề hứa, Giacôbê lặp lại những lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ
(Mt 5:33-37). Chúa Giêsu có cấm con người không được thề dưới bất cứ
hoàn cảnh nào không? Theo văn mạch, Ngài không cấm điều đó, nhưng nhấn
mạnh tới việc con người phải nói sự thật: Hễ "có" thì phải nói "có",
"không" thì phải nói "không;" thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỉ mà ra.
Vì thế, khi con người nói “có” với Thiên Chúa hay với tha nhân, con
người phải giữ lời cho dẫu có phải hy sinh, và ngay cả thiệt hại tới
tính mạng. Với một người luôn trung tín với những gì mình nói, thề hứa
là chuyện dư thừa. Với những kẻ không trung tín với những gì mình nói,
thề hứa cũng là chuyện dư thừa, vì họ nói mà không làm.
2/ Phúc Âm: Vấn đề ly dị
2.1/
Yếu đuối của con người: Có mấy người Pharisees đến gần Đức Giêsu và hỏi
rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để
thử Người.
(1) Luật của Moses: Chúa Giêsu hỏi: "Thế ông Moses đã truyền dạy các
ông điều gì?" Họ trả lời: "Ông Moses đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy
vợ." Đức Giêsu nói rõ lý do có luật này của Moses:: "Chính vì các ông
lòng chai dạ đá, nên ông Moses mới viết điều răn đó cho các ông.''
(2) Tại sao Giáo Hội cho phép ly dị, nếu đó là Luật Thiên Chúa? Chúng
ta cần phân biệt hai điều: Thứ nhất, lý tưởng mà Thiên Chúa muốn con
người đạt tới. Lý tưởng này không bao giờ thay đổi; và thực tế cũng
chứng minh nhiều người đã đạt tới lý tưởng này. Nhiều cặp vợ chồng đã
trung thành với nhau đến khi chết, dù phải trải qua bao gian khổ. Thứ
hai, yếu đuối và tội lỗi làm con người không đạt tới lý tưởng của Thiên
Chúa. Khi con người không đạt được lý tưởng, không có nghĩa là lý tưởng
của Thiên Chúa muốn không thể thực hiện được, hay Lề Luật của Thiên Chúa
sai; nhưng con người phải khiêm nhường thống hối vì yếu đuối tội lỗi
của mình. Hội Thánh gỡ dây hôn phối là vì những tội lỗi, yếu đuối, và
cứng lòng của con người.
2.2/
Những lý do để Giáo Hội dùng tháo gỡ dây Hôn Phối: Có nhiều lý do để
gỡ; một cách tổng quát là con người không chịu học hỏi hay coi thường
Bí-tích Hôn Phối như:
- Cha mẹ ép buộc con cái phải lấy người chúng không muốn, vì cha mẹ
tham quyền cao, chức trọng, hay lợi nhuận vật chất. Trường hợp này, con
cái thiếu tự do để kết hôn.
- Con người kết hôn bừa bãi: Đa số trường hợp Giáo Hội giải quyết là
trường hợp "lack of form," có nghĩa: không kết hôn theo Lề Luật của Giáo
Hội; vì thế, không thành Bí-tích. Chẳng hạn, làm hôn thú giả vì muốn
xuất ngoại, vì tham tiền, hay vì bất cứ lý do nào khác.
- Vợ chồng không chịu tìm hiểu nhau kỹ lưỡng trước khi kết hôn: Lấy
người đã có gia đình, lấy người bị ngăn trở không được kết hôn, lấy
người không cùng tôn giáo.
- Vợ chồng không sống đức tin và không chịu lãnh nhận ơn thánh từ các
bí-tích: Làm sao có khôn ngoan, sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc
sống?
- Con người không có sức chịu đau khổ: Trường hợp của những người bị
người phối ngẫu ly dị. Với ơn thánh, con người có thể vượt qua sự cô đơn
và những đòi hỏi của thân xác.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đau khổ không thể thiếu trong cuộc đời, vì chúng là phương tiện để
chúng ta chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho
tha nhân.
- Khi Thiên Chúa truyền chúng ta làm điều gì, Ngài biết chúng ta có khả
năng làm chuyện đó. Chúng ta cần phải tin tưởng và làm theo những gì
Chúa dạy, tập luyện để sống nhân đức, và tận dụng các ơn thánh Thiên
Chúa ban qua các bí-tích.
- Nếu chúng ta trung thành với Thiên Chúa, Ngài sẽ trung thành với
chúng ta; nhưng nếu chúng ta phản bội Ngài, Ngài cũng sẽ không nhận
chúng ta trong Ngày sau hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét