Thứ Bảy Tuần I TN2
- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Bảy Tuần I TN2
Bài đọc: I Sam 9:1-4, 17-19, 10:1a; Mk 2:13-17.
1/ Bài đọc I (năm chẵn): 1 Có một người thuộc chi tộc Ben-gia-min tên là Kít, con ông A-vi-ên; ông A-vi-ên là con ông Xơ-ro; ông Xơ-ro là con ông Bơ-khô-rát; ông Bơ-khô-rát là con ông A-phi-ác; ông A-phi-ác là con một người Ben-gia-min. Ông Kít là một người có thế giá.
2 Ông có một người con trai tên là Sa-un, một người trẻ và đẹp trai; trong số con cái Ít-ra-en, không có người nào đẹp trai hơn ông. Ông cao hơn toàn dân từ vai trở lên.
3 Các con lừa cái của ông Kít, cha ông Sa-un, bị lạc; ông Kít bảo ông Sa-un, con ông: "Con hãy đem một trong các người đầy tớ đi với con và lên đường đi tìm lừa."
4 Ông Sa-un đi qua miền núi Ép-ra-im, rồi đi qua đất Sa-li-sa, mà không tìm thấy. Họ đi qua đất Sa-a-lim: cũng không thấy gì. Ông đi qua đất Ben-gia-min, mà không tìm thấy.
17 Khi ông Sa-mu-en thấy ông Sa-un thì Đức Chúa mách bảo ông: "Đây là người mà Ta đã nói với ngươi: chính nó sẽ cai trị dân Ta." 18 Ông Sa-un lại gần ông Sa-mu-en ở giữa cửa thành và nói: "Xin ông làm ơn cho tôi biết nhà thầy thị kiến ở đâu." 19 Ông Sa-mu-en trả lời ông Sa-un rằng: "Tôi là thầy thị kiến đây. Ông hãy lên nơi cao, trước mặt tôi. Các ông sẽ dùng bữa với tôi hôm nay. Sáng mai tôi sẽ để cho ông đi và sẽ nói cho ông biết tất cả những gì đang làm ông bận tâm.
1 Ông Sa-mu-en lấy lọ dầu và đổ trên đầu ông Sa-un, rồi hôn ông và nói: "Chẳng phải Đức Chúa đã xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người sao?''
2/ Phúc Âm: 13 Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ.
14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.
15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người.
16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!"
17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Công hiệu của Lời Chúa
Theo truyền thống Do-Thái, một khi lời nói phát xuất từ miệng một người, nó có thể hiện hữu cách độc lập. Nó không chỉ là một âm thanh với một ý nghĩa, nó còn có một năng lực thoát ra để hoàn thành ý định của người nói. Ví dụ, biết bao việc làm là hậu quả của những lệnh truyền của vua chúa và các vĩ nhân trên thế giới. Điều này càng đúng hơn với Lời Chúa. Theo tiên-tri Isaiah: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11).
Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc đề cao sự quan trọng của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa chọn ông Saul để làm vị vua đầu tiên của Israel, và Ngài xếp đặt mọi sự để ông ngôn-sứ Samuel gặp và xức dầu phong vương cho ông. Trong Phúc Âm, Lời của Chúa Giêsu có sức hấp dẫn một người thu thuế như Matthew, làm cho ông bỏ dĩ vãng và sự nghiệp thu thuế, để trở nên một Tông-đồ và một Thánh-ký nhiệt thành của Chúa Giêsu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm chẵn): Đức Chúa đã xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người.
1.1/ Thiên Chúa chọn Saul làm vua đầu tiên của Israel: Nhìn lại cách chọn người lãnh đạo của Thiên Chúa, chúng ta thấy Ngài không theo cách chọn lựa của con người. Con người thường có khuynh hướng chọn người trong những dòng tộc quan trọng, Thiên Chúa chọn Saul từ dòng dõi Benjamin, một dòng tộc nhỏ nhất trong 12 chi tộc của Israel. Khi chọn David để thay thế Saul cũng thế, Thiên Chúa không chọn các người con lớn và khỏe mạnh của ông Jesse; nhưng lại chọn David, người con út là đứa chăn chiên đang ở ngoài đồng.
Sau khi đã chọn lựa, Ngài quan phòng để ngôn-sứ Samuel có cơ hội gặp Saul bằng việc mất các con lừa. Vì chuyện mất lừa, nên ông Kish, cha ông Saul, sai con ông đi tìm lừa: "Con hãy đem một trong các người đầy tớ đi với con và lên đường đi tìm lừa." Ông Saul đi qua miền núi Ephraim, rồi đi qua đất Shalishah, mà không tìm thấy. Họ đi qua đất Saalim: cũng không thấy gì. Ông đi qua đất Benjamin, mà không tìm thấy. Khi thấy trời đã tối, Saul muốn quay trở về nhà để cha mình khỏi mong mỏi; nhưng người đầy tớ thúc giục ông đi vào thành trước mặt để vấn ý thầy thị kiến cho biết những con lừa cái thất lạc hiện đang ở đâu.
1.2/ Ông Samuel xức dầu phong vương cho Saul: Cùng lúc ấy, Thiên Chúa cũng mặc khải cho ông Samuel trong một thị kiến, về người mà Ngài đã chọn để làm vua đầu tiên của Israel (I Sam 9:16). Khi ông Samuel thấy ông Saul thì Đức Chúa mách bảo ông: "Đây là người mà Ta đã nói với ngươi: chính nó sẽ cai trị dân Ta."
Khi ông Saul lại gần ông Samuel ở giữa cửa thành và nói: "Xin ông làm ơn cho tôi biết nhà thầy thị kiến ở đâu." Ông Samuel trả lời ông Saul rằng: "Tôi là thầy thị kiến đây. Ông hãy lên nơi cao, trước mặt tôi. Các ông sẽ dùng bữa với tôi hôm nay. Sáng mai tôi sẽ để cho ông đi và sẽ nói cho ông biết tất cả những gì đang làm ông bận tâm."
Hôm sau, ông Samuel dậy sớm để tiễn Saul lên đường; và trên đường đi, ông Samuel lấy lọ dầu và đổ trên đầu ông Saul, rồi hôn ông và nói: "Chẳng phải Đức Chúa đã xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người sao?'' Và ông Samuel cũng cho ông Saul biết về chuyện những con lừa cái đã được cha ông tìm lại được.
Qua sự quan phòng kỳ diệu này cho chúng ta thấy tất cả tiến trình chọn người và phong vương được xếp đặt bởi Thiên Chúa. Saul không biết và cũng không có ý định trở thành vua. Khi Thiên Chúa đã chọn ai, Ngài sẽ xếp đặt mọi sự để việc ấy thành sự.
2/ Phúc Âm: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.
2.1/ Chúa Giêsu gọi Lêvi, người thu thuế: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.”
Người Do-Thái quan niệm: người thu thuế như ông Lêvi là người tội lỗi công khai, vì đã toa rập với nước ngòai để bóc lột dân chúng. Họ bị ngăn cấm không cho vào Đền Thờ, và được xếp hạng cùng với hàng đĩ điếm và trộm cướp. Chúa Giêsu không những chọn Matthew, mà còn công khai dùng bữa với các người thu thuế khác tại nhà ông. Thái độ của Matthew rất anh hùng và dứt khoát, vì một khi đã bỏ nghề thu thuế là ông đã mất tất cả về phương diện vật chất. Nhưng bù lại, ông đã nhận được rất nhiều về phương diện tinh thần: bình an vì từ nay không còn bị khinh thường, trở thành Tông-đồ, và trở thành Thánh-sử để loan báo Tin Mừng của Chúa.
2.2/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Biệt-phái: Có hai phản ứng chính trong cuộc trở lại của Matthew:
(1) Những kinh-sư thuộc nhóm biệt-phái: Thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!" Họ có lý phần nào khi kết tội Chúa Giêsu, vì như quan niệm của cha mẹ Việt-nam "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng." Nhưng quan niệm này không thể áp dụng cho Đức Kitô, vì Ngài đến để chinh phục và mang con người về cho Thiên Chúa.
(2) Đức Giêsu nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." Ngược lại với cách cư xử của con người, Thiên Chúa không giữ quá khứ tội lỗi của con người; trái lại Ngài không ngừng kêu gọi con người từ bỏ quá khứ tội lỗi để hướng về tương lai. Như một bác sĩ rành nghề, Chúa Giêsu biết Ngài có thể chữa bệnh cho Matthew, và dùng những tài năng sẵn có của ông cho việc rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lời Chúa có sức để làm hiện thực những chuyện không thể đối với con người. Chúng ta đừng bao giờ khinh thường hiệu quả của Lời Chúa.
- Lời Chúa có uy quyền thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện. Khi chúng ta quyết định áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ gặt hái những kết quả mà chúng ta không bao giờ nghĩ có thể đạt được.
- Chúng ta phải dành địa vị quan trọng cho Lời Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua việc chúng ta dành thời gian, cố gắng khắc phục khó khăn, và thực thi Lời Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét