VRNs (01.10.2013) – Hà
Nội - PHƯƠNG PHÁP TÓM TẮT CHƯƠNG
Một chú bé đi học Anh văn về đến nhà và reo lên
với ông bố cách tự hào: “Bố ơi, con biết nghĩa của từ ‘Kinh Thánh’ (Bible).” Ông
bố mỉm cười hỏi: “Con muốn nói gì, con biết nghĩa của từ Kinh Thánh?” Chú bé trả
lời: “Vâng, con muốn nói là con đã luận ra từ đó viết tắt cho cái gì!” Ông bố
nói: “Được rồi, vậy thì con nói đi, từ ‘Bible’ là viết tắt của cái gì?” Cậu bé
đáp: “Dễ thôi bố. Đó là từ viết tắt của ‘Thông tin cơ bản trước khi rời khỏi
Trái Đất’ (Basic Information Before Leaving Earth).”
Kinh Thánh không phải sách giáo khoa dạy trời đất
được hình thành như thế nào nhưng là quyển sách được linh hứng dạy chúng ta con
đường thiêng liêng để lên trời. Để được lên trời và thông hiệp vào sự sống đời
đời của Thiên Chúa, các tín hữu cần hiểu và sống Lời Chúa. Phương pháp học Lời
Chúa ở bài này mang tên “Tóm tắt một chương Kinh Thánh.”[1]
Định nghĩa
Phương pháp tóm tắt chương nhằm tìm hiểu một cách
tổng quát những nội dung chính của một chương Kinh Thánh, bằng cách đọc qua
chương này ít là khoảng năm lần, đặt những câu hỏi về nội dung, rồi ghi lại cách
ngắn gọn những tư tưởng chính của chương. (Đây là một phương pháp đơn giản, nhằm
giúp tìm hiểu khái quát một chương; còn đi sâu vào phân tích chương đó thì sẽ
được trình bày ở phương pháp sau).
Càng đọc Kinh Thánh nhiều lần càng làm cho Lời
Chúa trở nên sống động cho bạn hôm nay. G. Campbell Morgan, nhà giảng thuyết
Kinh Thánh nổi tiếng nói ông luôn đọc 30-40 lần bản văn Kinh Thánh trước khi bắt
đầu soạn bài giảng.
Các bước tiến hành gồm có mười chữ
“C”
1. Caption (Tựa đề): Đặt tựa đề
cho chương. Ví dụ: “Yêu” cho chương 13 thư 1 gửi tín hữu Cô-rin-tô, “Các anh
hùng đức tin” cho chương 11 của thư gửi tín hữu Híp-ri. Bạn có thể nhớ một quyển
sách trong bộ Kinh Thánh bằng cách học thuộc các tựa đề này.
2. Contents (Nội dung): Hãy chỉ
tóm tắt những điểm chính của chương. Đừng vội giải thích.
3. Chief People (Nhân vật
chính): Liệt kê những nhân vật chính và tìm hiểu tại sao họ xuất hiện ở chương
này; họ có tầm quan trọng như thế nào,…
4. Choice Verse (Câu chủ chốt):
Tìm một câu trong chương có thể tóm tắt cả chương. Có chương có câu chủ chốt
này, nhưng có chương không có. Đôi khi, câu chủ chốt lại là câu nào đó đánh động
lòng bạn và bạn tin rằng đó là Lời Chúa muốn nói với mình.
5. Crucial Words (Từ chủ chốt):
Viết ra từ chủ chốt của chương. Từ này thường xuất hiện nhiều lần. Ví dụ: từ
“yêu” trong chương 13 thư 1Cr và “tin” trong chương 11 thư Hr.
6. Challenges (Thách đố): Viết
ra những câu hoặc đoạn bạn không hiểu cũng như những vấn đề nào bạn muốn tìm
hiểu sâu hơn nữa. Ví dụ: từ “sám hối” trong Lc 13,3. “Tôi nói cho các ông biết,
nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” Cách thức đào
sâu một từ hoặc một vấn đề là hai phương pháp khác và sẽ được trình bày sau.
7. Cross-References (Đối chiếu):
Hãy tìm ở các chương khác hoặc sách khác câu trả lời cho thắc mắc trong chương
này. Đây là một lối làm việc rất quan trọng, vì bộ Kinh Thánh có tính duy nhất
lạ lùng và các chân lý đức tin có sự liên hệ hài hòa với nhau (x. DV 12).
8. Christ Seen (Chúa Kitô): Toàn
bộ Kinh Thánh là một lời mạc khải về Chúa Kitô. Chúa Kitô là trung tâm và trái
tim của toàn bộ Kinh Thánh. Vì vậy, hãy tìm dung mạo Chúa Kitô trong từng
chương, hạn như tình yêu, lòng thương xót, sự tha thứ,… của Chúa Kitô.
9. Central Lessons (Bài học
chính): Viết ra những cảm nhận hoặc bài học chính bạn rút ra từ chương này. Hãy
tự hỏi: Tại sao Chúa muốn có chương này trong Kinh Thánh? Người muốn dạy tôi
điều gì? Tôi có thể tiếp tục đào sâu vấn đề nào?
10. Conclusion (Kết luận): Đây
là phần bạn ghi ra những áp dụng cụ thể. Như đã trình bày ở bài trước, việc áp
dụng Lời Chúa sẽ giúp bạn lớn lên trong ơn nghĩa Chúa. Hãy kết thúc bài học này
bằng cách trả lời hai câu hỏi sau: (1) Bằng cách nào tôi có thể áp dụng vào đời
sống cụ thể những lời Chúa dạy? (2) Việc áp dụng Lời Chúa này có ý nghĩa gì đối
với đời sống hiện tại của tôi?
LM. JM. Mười Một,
CSsR
[1]
Nội dung bài này dựa trên quyển Bible Study Methods, Twelve Ways You Can
Unlock God’s Word, 49-56, của Rick Warren, tác giả của tác phẩm nổi tiếng
The Purpose Driven Life (Sống Theo Mục Đích).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét