Chủ Nhật 28 Thường NiênC
- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chủ Nhật 28 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: 2 Kgs 5:14-17; 2 Tim 2:8-13; Lk 17:11-19.
1/ Bài đọc I: 14 Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.
15 Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói: "Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây."
16 Ông Ê-li-sa nói: "Có ĐỨC CHÚA hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả." Ông Na-a-man nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối.
17 Ông Na-a-man nói: "Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài ĐỨC CHÚA.”
2/ Bài đọc II: 8 Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết,
Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít,
9 Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích!
10 Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giê-su Ki-tô, và được hưởng vinh quang muôn đời.
11 Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.
12 Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.
Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.
13 Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.
3/ Phúc Âm: 11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê.
12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa
13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!"
14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.
15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.
16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.
17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?
18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?"
19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng biết ơn.
Không ai thích người vô ơn; nhưng nhiều khi chính chúng ta lại là những người vô ơn với Thiên Chúa, với cha mẹ, và với tha nhân. Để biết ơn, chúng ta cần phải nhận ra ơn, chứ đừng bao giờ nghĩ mọi sự phải xảy ra như vậy: Thiên Chúa phải ban ơn, cha mẹ phải săn sóc con cái, các nhà lãnh đạo phải lo cho dân... Công ơn mình đang hưởng có thể bị lấy mất bất cứ lúc nào. Có những người sợ phải biết ơn vì họ sợ sẽ phải đền ơn; vì thế họ vô ơn. Họ quên đi rằng khi con người biết ơn, họ sẽ được lãnh nhận nhiều ơn hơn, và cuộc đời họ sẽ thăng tiến. Người vô ơn sẽ càng ngày càng lụi bại dần, và sẽ bị mọi người xa lánh.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong hai khía cạnh quan trọng của việc biết ơn: (1) nhận ra những gì ân nhân đã làm cho mình; (2) cám ơn bằng việc làm cụ thể. Trong bài đọc I, tướng Syria là Naaman nhận ra Thiên Chúa của Israel là Người đã chữa ông khỏi bệnh cùi. Ông trở lại cám ơn ngôn sứ Elisha như khí cụ Thiên Chúa dùng để chữa lành, và cam kết từ nay sẽ không thờ phượng một Thiên Chúa nào khác. Trong bài đọc II, Phaolô nhận ra những gì Đức Kitô đã làm cho con người và cho chính bản thân ông trên đường đi Damascus. Ông khuyên môn đệ Timothy trung thành chịu đau khổ để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Đức Kitô cho mọi người để họ cũng được hưởng sự sống muôn đời. Trong Phúc Âm, người bệnh phong xứ Samaria là người duy nhất trong 10 người đã nhận ra ơn lành Chúa Giêsu đã làm cho ông. Ông trở lại cám ơn Chúa Giêsu, và ông nhận được thêm ơn lành cứu độ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi tớ ngài sẽ không còn dâng hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.
1.1/ Tướng Naaman nhận ra Thiên Chúa của Israel đã chữa bệnh cho mình.
Trước khi Naaman, tướng Syria, vâng lời dìm mình 7 lần trong sông Jordan, ông đã trải qua cuộc thử thách nội tâm: Tại sao ngôn sứ Elisha không chịu ra đón tiếp ông? Tại sao khinh thường ông đến độ chỉ sai đầy tớ ra đón ông với một mệnh lệnh đơn giản: “Xuống sông Jordan dìm mình 7 lần sẽ được sạch.” Tại sao phải dìm mình 7 lần trong sông Jordan của người Do-thái, trong khi có biết bao con sông ở Syria sạch sẽ hơn nhiều? Và ông đã giận dữ bỏ ra về...
Đoàn tùy tùng phải mở trí cho ông để ông nhận ra những vô lý của ông: Chính ông là người cần nhận ơn từ người của Thiên Chúa chứ không ngược lại. Đã vất vả qua Do-thái rồi, giờ chỉ cần nghe lời người của Thiên Chúa, khiêm nhường dìm mình 7 lần trong sông Jordan là được sạch. Tại sao ông không chịu làm công việc quá dễ dàng như thế để khỏi phải chịu một chứng bệnh nan y suốt đời?
Và ông đã nhận ra sự vô lý của mình, ông khiêm nhường làm theo lời của ngôn sứ Elisha: “ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Jordan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.”
1.2/ Tướng Naaman tuyên thệ sẽ không thờ bất cứ thần nào ngoại trừ Thiên Chúa của Elisha.
Khi tướng Naaman nhận ra đã được lành bệnh, ông thân hành trở lại đứng trước mặt ngôn sứ Elisha, người của Thiên Chúa, tuyên xưng: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel.” Ông không những đã được Thiên Chúa chữa lành phần xác là cho khỏi bệnh phong, ông còn được chữa lành phần hồn qua việc nhận ra Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất, và bổn phận của ông là chỉ thờ phượng một Thiên Chúa này mà thôi.
Khi Naaman dâng lễ vật để tỏ lòng biết ơn, ngôn sứ Elisha không lãnh nhận, vì ngôn sứ biết rõ việc chữa lành là ơn của Thiên Chúa dành cho tướng Naaman, không phải do bởi ông. Ông không thể nhận quà tặng, vì như thế là đánh cắp công ơn của Thiên Chúa, và có thể làm cho người nhận ơn hiểu lầm. Đây phải là một bài học quan trọng cho chúng ta: Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa. Đừng bao giờ đánh cắp làm của mình. Cần phải nói cho người được ơn biết rõ lý do để họ cám ơn Thiên Chúa.
Tại sao Naaman muốn xin mang về hai xe đất? Có lẽ Naaman muốn dùng đất đó để xây dựng bàn thờ kính Thiên Chúa, vì theo như lời ông nói: “Tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.”
2/ Bài đọc II: Đức Kitô, vị đại ân nhân của loài người.
1.1/ Phaolô nhận ra những gì Đức Kitô đã làm cho loài người và cho chính ông.
Để hiểu những gì Phaolô nói, chúng ta cần luôn trở về với biến cố quan trọng xảy ra trong cuộc đời Phaolô trên đường đi Damascus. Phaolô đã nhận ra những ơn Thiên Chúa ban cho ông:
- Ơn phần hồn: cho ông nhìn thấy chính Chúa phục sinh; giúp ông thay đổi não trạng kiêu ngạo để biết nhìn nhận: con người được cứu độ do bởi ơn thánh chứ không do bởi việc cố gắng giữ Lề Luật. Sự sống lại có thật; và như thế, tất cả những Lời dạy dỗ của Đức Kitô là sự thật.
- Ơn phần xác: ông được chữa khỏi mù và khỏi bị phạt chết.
Phaolô cũng nhận ra Đức Kitô là vị đại ân nhân của loài người, qua lời Phaolô khuyên môn đệ Timothy: “Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết.” Ngài đã chết thay cho con người, Ngài đã tha mọi tội cho con người. Ngài đã mang lại cho con người sự sống đời đời đã bị đánh mất bởi tội.
1.2/ Phaolô cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn.
Một khi Phaolô đã nhận ra tất cả các ơn Đức Kitô đã làm cho ông, ông quyết định dành trọn cuộc đời còn lại để báo đáp bằng cách chu toàn trọn vẹn sứ vụ Đức Kitô trao phó cho ông là rao giảng Tin Mừng. Phaolô có kinh nghiệm rất rõ trong ba cuộc hành trình, ông phải chịu nhiều đau khổ để mang Tin Mừng đến cho mọi người và để chứng minh lòng trung thành của ông với Đức Kitô.
Một trong những điểm quan trọng của thần học Phaolô là “Hãy bắt chước Phaolô như Phaolô bắt chước Đức Kitô.” Chúa Giêsu không có tội nhưng Ngài sẵn sàng chịu đựng đau khổ cho phần rỗi linh hồn của mọi người. Thánh Phaolô cũng sẵn sàng chịu đau khổ như một tên gian phi vì rao giảng Tin Mừng, “để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và được hưởng vinh quang muôn đời.” Ngài viết Thư này cho Timothy khi đang bị xiềng xích tại Roma, để khuyên nhủ Timothy cũng phải sẵn sàng chịu đựng đau khổ để rao giảng Tin Mừng. Ngài khuyên Timothy noi gương ngài đừng để Lời của Thiên Chúa bị xiềng xích. Người ta có thể cầm tù người rao giảng; nhưng không ai có thể cầm tù Lời của Thiên Chúa, vì đó là Lời tồn tại muôn đời.
Chỉ trong gian nan một người mới biết ai là người trung thành với mình. Người trốn chạy bạn hữu khi gặp gian khổ không phải là bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu từng nói với các môn đệ: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy. Ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy” (Mt 10:32-33). Thánh Phaolô lặp lại lời tuyên xưng ấy với một nghĩa tương tự: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.”
3/ Phúc Âm: “Chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?"
3.1/ Người cùi Samaria nhận ra Chúa Giêsu đã chữa lành cho anh:
Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilee. Khi Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!"
Mấy phong tục của người Do-thái chúng ta cần hiểu trước khi phân tích trình thuật này:
- Người Do-Thái rất chú trọng đến vấn đề thanh sạch bên trong cũng như bên ngoài; vì thế, những người phong cùi không được ở chung với dân chúng; mà phải sống cách biệt bên ngoài làng của dân ở (Lev 13:46, Num 5:2). Họ không được phép tiếp xúc trực tiếp với dân, và phải dừng lại và la lớn để mọi người biết sự có mặt của họ mà tránh đi (Lev 13:45).
- Ngày xưa không có y sĩ như bây giờ. Để chứng tỏ đã hết bệnh phong cùi, họ phải được xem xét cẩn thận bởi các tư tế. Khi nào các tư tế tuyên bố họ đã sạch; bấy giờ họ có thể trở về sinh hoạt bình thường với dân trong làng (Lev 14:2-3). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế."
Chúa Giêsu thử thách cả 10 người khi bảo họ đi trình diện với các tư tế, vì khi họ đi, chưa ai trong họ được sạch cả. Chỉ đang khi đi thì họ mới nhận ra họ đã được sạch.
3.2/ Người Samaria được sạch trở lại cám ơn Chúa Giêsu.
Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Chúa Giêsu nhận ra ngay anh ta là người Samaria và 9 người kia là người Do-thái. Đức Giêsu nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?"
Biết ơn là xứng đáng đón nhận thêm ơn. Chúa Giêsu nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Anh không chỉ được thanh sạch bên ngoài, anh còn được thanh sạch cả bên trong. Chính vì lòng tin mà anh đã xứng đáng được hưởng ơn cứu độ.
Tại sao con người vô ơn? Có nhiều lý do: (1) vì con người không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có; (2) họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và (3) họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn; vì thế, họ vô ơn với Thiên Chúa, với cha mẹ, và với mọi người chung quanh. Những con người vô ơn bạc nghĩa sẽ không sống nổi trong cuộc đời, vì họ sẽ bị Thiên Chúa và mọi người khai trừ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết dùng trí khôn để nhận ra ơn và dùng trí nhớ để đếm tất cả những ơn lành đã nhận được. Lười biếng và vô tâm làm con người không nhận ra những ơn lành lãnh nhận.
- Biết ơn là điều kiện để nhận thêm ơn, nhiều khi những ơn đó còn cao cả hơn những ơn đã lãnh nhận. Người vô ơn không nhận được thêm ơn.
- Không phải chỉ biết ơn suông, nhưng còn phải nói lời cám ơn và tìm dịp để đền ơn.
- Con người không thể làm ơn cho Thiên Chúa, họ chỉ có thể làm cho tha nhân và được Thiên Chúa kể là làm cho chính Ngài. Những gì con người làm cho tha nhân không chỉ đáp đền ơn Thiên Chúa ở đời này, mà còn trở nên công trạng giúp cho con người ở đời sau. Vì thế, hãy ra sức giúp đỡ tha nhân bao nhiêu có thể làm được.
- Chúng ta phải biết ơn cha mẹ, những người đã cưu mang, nuôi nấng, và dạy dỗ chúng ta trong suốt một phần tư của cuộc đời. Khi cha mẹ về già và không còn tự săn sóc mình được nữa, chúng ta phải phụng dưỡng và săn sóc các ngài. Đừng cho vào các nhà hưu dưỡng rồi tự an ủi: “chính phủ sẽ săn sóc các ngài tốt hơn ta.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét