CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Hãy biết lắng nghe, học hỏi, và rao giảng Tin Mừng.

Thứ Hai Tuần 28 TN1


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai Tuần 28 TN1

Bài đọc: Rom 1:1-7; Lk 11:29-32.

1/ Bài đọc I: 1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.
2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.
3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.
6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.
7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh.
Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.


2/ Phúc Âm: 29 Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.
30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.
31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.
32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết lắng nghe, học hỏi, và rao giảng Tin Mừng.

Có những người tuy tội lỗi, cứng đầu; nhưng họ chỉ cần Thiên Chúa cho một cơ hội, là họ đã biết nắm lấy để sinh lợi ích cho họ và cho Thiên Chúa. Có những người Thiên Chúa ban cho hết cơ hội này đến cơ hội khác; nhưng họ vẫn không biết lợi dụng, lại còn đòi thêm cơ hội hay bằng chứng trước khi tin tưởng vào Ngài. Chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương luôn cho chúng ta nhiều cơ hội để được hưởng ơn cứu độ; bổn phận của chúng ta là hãy biết tận dụng những cơ hội đó, đừng khinh thường chúng, vì chúng ta không biết còn có cơ hội nữa hay không!
Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc lắng nghe, học hỏi, và rao giảng Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, Phaolô biết lợi dụng cơ hội Đức Kitô ban cho, khi ông bị ngã ngựa trên đường đi Damascus bách hại các tín hữu tin vào Đức Kitô. Phaolô nhận ra ân sủng và sứ vụ của Đức Kitô trao, để rao giảng Tin Mừng đến các dân ngoại. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu so sánh sự đáp trả hời hợt của khán giả của Ngài với sự đáp trả nồng nhiệt và chân thành của dân thành Nineveh và nữ hoàng Phương Nam. Mục đích của Ngài là nhắc nhở cho khán giả hãy biết lợi dụng cơ hội đang có, trước khi phải trả giá đắt trong Ngày Phán Xét.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tin Mừng quan trọng cho cả Phaolô lẫn các tín hữu Rôma.

1.1/ Ơn gọi rao giảng Tin Mừng của Phaolô: Trình thuật hôm nay vạch ra cho chúng ta những gì mà thánh Phaolô sẽ nói đến chi tiết trong Thư gởi tín hữu Rôma. Sáu điều quan trọng đó là:
(1) Phaolô là tôi tớ (doulos) của Đức Kitô: ''Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô.'' Danh xưng mà Phaolô thường gọi Đức Kitô là Thầy (Kurios) và xưng mình là người tôi tớ. Các ngôn sứ trong lịch sử cũng nhiều lần gọi Thiên Chúa là Thầy và xưng mình là tôi tớ (Jos 1:2, 24:29, Amo 3:7, Jer 7:25). Họ hãnh diện tuyên xưng họ là tôi tớ của Thiên Chúa.
(2) Ơn gọi của Phaolô: ''Tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.'' Trong Cựu Ước, nhiều người cũng đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, như Abraham (Gen 12:1-3), Moses (Exo 3:10), Isaiah (6:8-9), và Jeremiah (1:4-5). Phaolô muốn nhấn mạnh đến ơn gọi mà Thiên Chúa muốn; chứ không phải ơn gọi mà con người muốn.
(3) Tin Mừng đã được loan báo bởi các ngôn sứ trong Kinh Thánh: Các tiên-tri như Micah, Isaiah, Sophoniah, Jeremiah... đã nhiều lần tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Đức Kitô làm trọn những gì mà các tiên-tri loan báo.
(4) Đức Kitô đã nhập thể: ''Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.'' Đức Kitô vừa là Con Thiên Chúa, vừa là con người mặc xác phàm.
(5) Đức Kitô đã sống lại: ''Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.'' Đức Kitô phục sinh vinh hiển là trọng tâm của Tin Mừng mà Phaolô rao giảng. Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của chúng ta hóa ra vô ích.
(6) Tin Mừng cứu độ được loan truyền cho Dân Ngoại: ''Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.'' Thánh Phaolô đã không hiểu điều này khi ngài bắt bớ các tín hữu; nhưng Đức Kitô đã mặc khải điều này cho Phaolô.

1.2/ Ơn cứu độ dành cho mọi người trong thành phố Rôma: "Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô. Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an."
Rôma là một cộng đoàn không do Phaolô thiết lập; nhưng lại giữ một vị trí hết sức quan trọng. Rôma sẽ trở nên trung tâm của Giáo Hội sau này; và Phaolô được Đức Kitô báo trước ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Rôma.

2/ Phúc Âm: Đức Kitô khôn ngoan hơn vua Solomon và đáng quí trọng hơn Jonah.

2.1/ Dấu lạ Jonah cho dân thành Nineveh: Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.''
Đọc Sách tiên-tri Jonah, khi Thiên Chúa truyền cho ông đi rao giảng lần thứ nhất, ông không chịu đi và trốn Thiên Chúa đáp tàu đi xứ khác. Thiên Chúa làm cho gió bão nổi lên và Jonah đã phải xin thủy thủ vứt ông xuống biển để tránh gió bão. Ông bị một con cá lớn muốt vào bụng trong ba ngày ba đêm, trước khi cá mửa ông ra và mang ông vào bờ. Chúa Giêsu muốn nói Ngài cũng cho thế hệ của Ngài một dấu lạ như Jonah: Ngài sẽ ở trong mồ ba ngày ba đêm, và sẽ sống lại vinh hiển trong ngày thứ ba.
Khi Thiên Chúa truyền lần thứ hai, Jonah mới chỉ miễn cưỡng đi rao giảng cho dân thành Nineveh mới chỉ có một ngày; thế mà toàn thành, từ vua quan đến dân chúng và ngay cả súc vật đã ăn năn xám hối và tin vào Thiên Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu tuyên bố: ''Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.'' Chúa đã cho người đương thời với Chúa biết bao cơ hội để nghe những lời giảng dạy của Ngài; thế mà họ vẫn lòng chai dạ đá, không chịu ăn năn thống hối và tin vào những gì Ngài dạy bảo. Vì thế, kẻ tố cáo họ không phải là Ngài, mà là dân thành Nineveh, vì họ chỉ có cơ hội một lần duy nhất.

2.2/ Sự khôn ngoan của vua Solomon cho nữ hoàng Phương Nam: Đọc Sách Khôn Ngoan, chúng ta thấy nữ hoàng Phương Nam, khi nghe sự khôn ngoan nổi tiếng của vua Solomon, Bà đã thân hành vượt đường xa, lặn lội tới với những lễ vật triều cống để có thể nghe trực tiếp những lời khôn ngoan phán ra từ miệng vua Solomon. Thế mà Đức Kitô là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang đứng trước mặt họ, mặc khải những sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho họ cách nhưng không, họ lại coi thường Ngài.
Chúa Giêsu có ý muốn nói với khán giả của Ngài: ''Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà đây thì còn hơn vua Solomon nữa.'' Bà sẽ kết án họ chứ không phải Ngài; vì Bà phải vất vả đường xa cộng với bao nhiêu tốn kém để chỉ được nghe vua Solomon rao giảng một lần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hãy biết nắm lấy cơ hội khi nó tới để học hỏi và thi hành những gì Thiên Chúa dạy. Khi cơ hội đã qua, chúng ta không biết có còn cơ hội nào khác không. Hơn nữa, điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời là được biết Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy; tại sao không lợi dụng cơ hội để biết Ngài càng sớm càng tốt.
- Chúng ta phải dành thời gian để học hỏi và thi hành những gì Đức Kitô dạy dỗ trong Tin Mừng, vì những lời này có uy quyền mang lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho mọi người.

Không có nhận xét nào: