VRNs (15.07.2013)
– Ephata – Sân Nhà Thờ chúng tôi mấy tuần nay nhộn nhịp hẳn lên, không
khí sinh động vang động tiếng cười nói chơi đùa của các bạn trẻ, các lớp
Giáo Lý được ngưng lại để dành các phòng làm nơi nghỉ cho mấy trăm em
thí sinh các tỉnh vùng sâu vùng xa đổ về, hội trường lớn làm nơi tiếp
nhận, ôn thi và kiêm luôn nhà ăn tập thể, các anh chị em bà con trong
Giáo Xứ ra vào tất bật lo lắng cho các bạn trẻ, những ngày “Tiếp Sức Mùa
Thi” quả thật như những ngày hội của cả xứ, của mọi người. (Ảnh chụp
bữa ăn trưa trong phòng Hiệp Nhất Lớn của Giáo Xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp DCCT
Sàigòn).
Hai cha của Nhà Dòng phụ trách Tiếp Sức
Mùa Thi, miệt mài ngày đêm với các sinh hoạt chung, rồi các Thánh Lễ
riêng cho các sĩ tử, sổ sách giấy tờ, ăn uống nghỉ ngơi, thuốc men y tế,
di chuyển liên lạc, đưa đi đón về trong những ngày thi cử… tất cả cứ
rối rít tít mù cả lên, nhưng ánh trên gương mặt là nụ cười rạng rỡ, là
đôi mắt sáng ngời. Các ông các bà Giáo Xứ và các Nhóm bạn trẻ Fiat và
Amen thì vui lắm, họ thật sự hạnh phúc vì họ được cho đi, được phục vụ,
được cống hiến. Tiếp Sức Mùa Thi năm nay không nhận cho phụ huynh trọ,
nhưng nhiều người thương con, lo cho con quá, nên vẫn tìm cách theo con
lên tận nơi, tha thiết xin ở lại thì vẫn được dọn chỗ nghỉ ngơi chu đáo,
thế là nhiều mối thân tình nảy sinh, những tương quan mới xuất hiện,
cuộc sống thêm phong phú…
Tôi được nghe kể lại Tiếp Sức Mùa Thi năm
ngoái, có một bậc phụ huynh đưa con về thi từ một tỉnh thành miền Tây,
được về tạm trú ở nhà một gia đình nhiệt thành nhân hậu trong Giáo Xứ.
Những ngày ở đây ông lặng lẽ quan sát, ghi hình vào chiếc mày quay phim
cầm tay, những cảnh sinh hoạt ở nhà cho ông trọ, những sinh hoạt ở Nhà
Thờ, ghi hình luôn cảnh các sĩ tử được chuẩn bị ôn tập, ăn uống, ngủ
nghỉ và được đưa đến trường ra sao. Cuộc thi kết thúc, ông tìm gặp cha
phụ trách, ông nói: “Tôi đã chứng kiến và ghi hình hầu hết các sinh hoạt
ở đây, tôi cảm phục các cha và các bà con trong Giáo Xứ, trước đây tôi
vẫn được nghe tuyên truyền Nhà Thờ là địa chỉ… không tốt, con tôi thi ở
địa điểm gần Nhà Thờ, tôi buộc lòng phải đến đây, e dè lo lắng lắm,
nhưng bây giờ thì tôi biết rõ là không phải như vậy, các cha tốt lắm, bà
con bên Đạo tốt lắm, tôi rất cảm phục”. Ông là một đảng viên, cán bộ
cao cấp trong Quân Khu Uỷ…
Theo báo chí cho biết, số lượng thí sinh
đổ về các thánh phố lớn để dự thi lên đến cả trăm ngàn, kéo theo đó là
cả trăm ngàn nhân viên từ giáo dục, y tế, đến công an, giao thông, lại
“cõng” thêm cả trăm ngàn phụ huynh đi theo yểm trợ con mình và nhiều tập
thể “Tiếp Sức Mùa Thi” nữa. Nhiều tai nạn cho thí sinh trên đường đi và
về quá xa quá dài, từ cả trăm đến cả ngàn cây số, nhiều tệ nạn phát
sinh tại các bến xe, các khu nhà trọ “đen” lấy giá cắt cổ, những vụ cướp
giật tăng cao… Những hệ lụy khác của xã hội bị liên hệ trở thành một
bài toán đau đầu cho những ai quan tâm đến chuyện giáo dục thi cử. Với
một khối nhân lực, vật lực, tài lực đầu tư mấy ngàn tỷ hằng năm như vậy,
kết quả của các cuộc tuyển sinh gặp hái được gì khả quan mới là điều
cần suy nghĩ !?!
Số lượng sinh viên học sinh tìm ra nước
ngoài du học ở mọi trình độ đã cho thấy sự ưu thắng của hệ thống giáo
dục ở nhiều nước trên thế giới. Hôm qua, một gia đình trẻ điện thoại từ
Úc về trò chuyện với tôi, đôi vợ chồng trẻ này chia sẻ những cảm xúc và
những suy tư của họ khi dẫn cả nhà hai vợ chồng và bốn đứa con sang định
cư ở Úc. Họ chấp nhận ra đi làm lại từ đầu để các con của họ được hưởng
một nền giáo dục tuyệt hảo, họ sẵn sàng từ bỏ công việc làm ăn đầy
thuận lợi ở Việt Nam, từ bỏ mức thu nhập tương đối hấp dẫn, từ bỏ một
cuộc sống đã ổn định và nhất là phải xa cách các mối tương quan thân
tình gắn bó lâu năm ở Việt Nam, chỉ vì một mục đích, cho các con của họ
thụ hưởng một không gian, một môi trường giáo dục tiên tiến.
Họ đã phải chấp nhận vất vả để hội nhập,
khó khăn trong việc tìm kiếm thêm thu nhập, thiết lập các tương quan mới
với một xã hội hoàn toàn mới đối với họ. Cô vợ khóc trong điện thoại:
“Mấy tháng đầu con nhớ nhà quá, con muốn bỏ tất cả để chạy về. Tội
nghiệp anh ấy phải căng mình ra để đứng vững, để chống đỡ gia đình, để
cho con và các cháu nương tựa. Sống với nhau hơn mười năm rồi, bây giờ
con mới nhận ra anh ấy cương nghị và mạnh mẽ hơn con tưởng”.
Xét về nhiều mặt, người Việt chúng ta có
dư thuận lợi để phát triển, nhưng thực tế đã không phát triển, giậm chân
tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi, khoảng cách bị các nước chung quanh bỏ
rơi ngày một lớn, tại sao vậy ? Không thể mãi đổ lỗi cho “các thế lực
thù địch bên ngoài”.
Cứ xem câu chuyện về tai nạn giao thông,
hàng năm số người chết vì tai nạn trên cả chục ngàn, bao nhiêu năm qua
người ta đổ lỗi cho
người tham gia giao thông thiếu ý thức,
cứ khăng khăng xét vấn đề như vậy nên không cải thiện được tình trạng bi
thảm này, nay người ta đã phải nhìn nhận lại, lý do gây tai nạn ở ngay
trong cung cách Nhà Nước quản lý, ngay trong hệ thống hạ tầng, ngay
trong chính sách đào tạo, ngay trong cơ chế sử dụng hàng hóa. (Ảnh chụp
một tình nguyện viên Tiếp Sức Mùa Thi chở thí sinh đi thi buổi sáng đợt
thi thứ nhì).
Giáo dục cũng vậy, thậm chí còn hệ trọng
hơn thế nữa, vì giáo dục đào tạo quyết định vận mạng đất nước, sở dĩ như
thế vì nó quyết định vận mạng con người, mà con người là tác nhân chính
của mọi vấn đề. Không nhìn vấn đề giáo dục một cách nghiêm túc thì
không thể có lời giải căn cơ, chẳng có “thế lực thù địch” nào lại phá
được ta, nếu không muốn nói chính trong nội bộ ta có thế lực thù địch.
Chính tham nhũng hối lộ, làm luật vô tội vạ, quyền lợi phe nhóm, giáo
điều thành kiến… chính là “thế lực thù địch” kinh khủng nhất.
Gánh nặng xã hội sẽ tiếp tục ngày một
nặng, nhân tài, chất xám ngày một “chảy máu” đi các nơi khác, người
nghèo bị bỏ rơi và bóc lột, các cơ hội thay đổi phát triển cứ vuột khỏi
tầm tay, đất nước mãi điêu linh lầm than vất vả nếu chúng ta không chung
tay góp sức thay đổi. Mong lắm thay !
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 14.7.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét