CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Của ai trả về cho người ấy.

Thứ Ba Tuần 9 TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Ba Tuần 9 TN1, Năm lẻ
 
Bài đọc: Tob 2:9-14; Mk 12:13-17.

1/ Bài đọc I: 9 Ngay tối ấy, tôi tắm rửa, rồi đi vào sân nhà tôi. Tôi nằm dọc theo bức tường ở sân, mặt để trần vì trời nóng. 10 Tôi không biết là trong bức tường phía trên tôi có chim sẻ. Phân chim nóng hổi rơi xuống mắt tôi, tạo ra những vết sẹo trắng. Tôi đến thầy thuốc xin chữa trị, nhưng họ càng xức thuốc cho tôi, thì các vết sẹo trắng càng làm cho mắt tôi loà thêm, cho đến khi tôi bị mù hẳn. Suốt bốn năm, mắt tôi không nhìn thấy gì cả.
Tất cả anh em tôi đều lấy làm buồn cho tôi, và ông A-khi-ca cấp dưỡng cho tôi trong hai năm, trước khi ông đi Ê-ly-mai. 11 Lúc bấy giờ, An-na, vợ tôi, nhận làm những công việc dành cho phụ nữ. 12 Nàng giao hàng cho chủ và họ trả tiền công cho nàng. Ngày mồng bảy tháng Đy-trô, nàng xén tấm vải đã dệt xong, rồi giao cho chủ. Tiền công bao nhiêu, họ trả hết cho nàng, lại còn thưởng cho một con dê con để ăn một bữa.
13 Khi nàng bước vào nhà, thì con dê bắt đầu kêu be be. Tôi mới gọi nàng lại và hỏi: "Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi! Vì chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp." 14 Nàng bảo tôi: "Đó là quà người ta thưởng cho tôi, thêm vào số tiền công!" Tôi không tin nàng và cứ bảo nàng phải trả lại cho chủ. Vì chuyện đó, tôi xấu hổ cho nàng. Rồi nàng đáp lại rằng: "Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi!"

2/ Phúc Âm: 13 Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-dê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy.
14 Những người này đến và nói: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp? "
15 Nhưng Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem! "
16 Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? " Họ đáp: "Của Xê-da."
17 Đức Giê-su bảo họ: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Của ai trả về cho người ấy.

Để bảo vệ trật tự chung và sống an hòa với mọi người, mỗi người chúng ta đều phải biết khả năng và giới hạn của mình; chẳng hạn, trong hệ thống điều khiển quốc gia, đã có 3 ngành: luật pháp, hành pháp, và tư pháp. Mỗi ngành phải biết quyền năng và giới hạn của mình để đừng dẫm chân lên nhau và gây xáo trộn trật tự. Trong mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa cũng thế, con người phải biết khả năng và giới hạn của mình, để đừng thử thách và can thiệp vào những chuyện của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta vài ví dụ để nhận ra sự bất hòa, khi một người vượt quá khả năng và giới hạn của mình. Trong Bài Đọc I, ông Tobit vượt quá giới hạn của mình khi phán đoán vợ mua dê con của phường trộm cắp. Bà Anna, vợ ông, cũng vượt quá giới hạn của mình khi thắc mắc về sự quan phòng của Thiên Chúa, và sự "quá đạo đức" của chồng mình. Trong Phúc Âm, những người thuộc phái Pharisees và phái Herode đã vượt quá khả năng của mình khi đặt câu hỏi và gài bẫy Chúa: "Có nên nộp thuế cho Caesar hay không?"

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tại sao làm việc thiện mà vẫn gặp điều xấu?

1.1/ Ông Tobit bị mù khi ông mới hoàn tất 2 việc thiện: sai con đi mời người nghèo về dùng bữa, và vừa mới chôn xác kẻ chết.
(1) Truyền thống Do-thái và ngay cả Á-Đông đều tin: "Trời cao có mắt!" Ai làm lành sẽ được Thiên Chúa thưởng; ai làm ác sẽ bị Thiên Chúa phạt. Trong thực tế, việc đó không luôn luôn xảy ra vì nhiều khi kẻ dữ vẫn thịnh vượng; trong khi người lành phải chịu đau khổ, như trường hợp của ông Tobit hôm nay; hay như trong trường hợp của ông Job.
(2) Những người không có niềm tin vững chắc sẽ nghi ngờ không biết có Thiên Chúa hay không? Và nếu có, Thiên Chúa có quan tâm đến việc làm của họ không? Chính Bà Anna đặt vấn đề với ông Tobit: "Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi!" Hậu quả nếu không tìm được câu trả lời thích đáng: Con người dễ bị nản chí để không tin và làm theo những gì Thiên Chúa đòi hỏi. Ngược lại, họ sẽ làm những gì mà họ cho rằng đúng. Chúng ta phải chờ đến kết cuộc của Sách Tobit, mới có thể hiểu lý do tại sao người lành phải chịu đau khổ.
1.2/ Hiểu lầm giữa hai vợ chồng: Bà Anna phải làm việc để có tiền chi tiêu trong gia đình. Bà nhận làm những công việc dành cho phụ nữ. Chủ của Bà là người rộng lượng nên "ngày mồng bảy tháng Dytro, nàng xén tấm vải đã dệt xong, rồi giao cho chủ. Tiền công bao nhiêu, họ trả hết cho nàng, lại còn thưởng cho một con dê con để ăn một bữa."
- Ông Tobit đặt câu hỏi về sự hiện diện của con dê: "Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy? Có phải của trộm cắp không? Đem trả lại cho chủ nó đi! Vì chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp."
- Bà Anna bảo chồng: "Đó là quà người ta thưởng cho tôi, thêm vào số tiền công!"
- Ông Tobit không tin nàng và cứ bảo nàng phải trả lại cho chủ. Tại sao ông không tin nàng?
+ Dê con là con vật đắt tiền bên Do-thái; nên ông nghĩ Bà có thể là mua lại của trộm cắp.
+ Khi người khác cho quà, người nhận cẩn thận luôn tìm hiểu lý do tại sao; nhiều khi "há miệng ăn rồi mắc nợ." Ông Tobit không muốn vợ mình nhận quà của người lạ.
- Bà Anna tức giận vì chồng ngoan cố không tin, nên nguyền rủa chồng: "Các việc bố thí của ông ở đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ai cũng biết là ông được bù đắp như thế nào rồi!"
Cả hai vợ chồng đều mắc lỗi trong biến cố này: Tobit mắc lỗi vì đã không tin và phán đoán không tốt vợ mình. Bà Anna cảm thấy sự đạo đức của ông đi quá xa nên đã nặng lời với ông và nghi ngờ sự quan phòng của Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

2.1/ Câu hỏi gài bẫy Chúa: Lỗi lầm lớn nhất của con người là nghi ngờ và thử thách Chúa. Họ dùng những suy nghĩ và cách hành xử của mình để so sánh và áp đặt trên Thiên Chúa. Nếu họ thấy là tốt đẹp là điều hay, Thiên Chúa cũng phải cho như vậy; nếu họ nghĩ là chuyện không thể làm được, Thiên Chúa cũng phải bó tay. Họ quên đi một điều mà tiên tri Isaiah đã nhắc nhở: Tư tưởng và đường lối của các ngươi không phải là tư tưởng và đường lối của Ta. Như trời cao hơn đất chừng nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các ngươi như vậy.
Trình thuật hôm nay cũng thế, họ cử mấy người Pharisees và mấy người thuộc phe Herode đến thử Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ hỏi người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Caesar hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?" Hai loại người họ gởi tới là hai cái bẫy để Ngài phải rơi vào:
(1) Người Pharisees là cái bẫy tôn giáo: Họ quan niệm không phải nộp thuế cho Caesar, vì con người chỉ mắc nợ Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu trả lời phải nộp thuế, họ sẽ kết tội Ngài vào hùa với ngoại bang để bóc lột dân chúng.
(2) Người thuộc phe Herode là cái bẫy chính trị: Nếu Chúa Giêsu trả lời không nộp thuế, họ sẽ kết tội Ngài phản động chống lại Caesar
Họ nghĩ là họ nắm chắc phần thắng, vì Chúa chỉ có thể trả lời hoặc có hoặc không. Chúa trả lời có hay không, họ đều có lý do để buộc tội Ngài.

2.2/ Câu trả lời khôn ngoan của Chúa Giêsu: Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!" Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?" Họ đáp: "Của Caesar." Đức Giêsu bảo họ: "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."
(1) Phản ứng của những kẻ gài bẫy: "Họ hết sức ngạc nhiên về Người." Trước tiên, họ không ngờ Ngài có thể thoát bẫy họ giăng một cách dễ dàng như thế.
(2) Ý nghĩa câu trả lời của Chúa Giêsu: Chúa nhắc khéo cho những người Pharisees đừng giả hình, vì họ cũng từng lấy mọi thứ thuế của dân đóng vào Đền Thờ. Các tín hữu có hai bổn phận: Họ có bổn phận phải trả lại cho Thiên Chúa những gì Ngài đã ban cho họ. Họ cũng có bổn phận nộp thuế cho chính phủ để bảo vệ an ninh, tu bổ đường xá, và cung cấp các dịch vụ công cộng. Chúa cũng nhắc nhở cho những người thuộc phe Herode biết giới hạn của mình. Họ chỉ có quyền trên những gì thuộc quyền con người; những gì thuộc quyền Thiên Chúa, họ không được đụng tới.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần biết khả năng và giới hạn của mình trong cách cư xử giữa con người với con người để bảo đảm trật tự chung và sống hòa thuận với mọi người.
- Chúng ta càng cần biết khả năng và giới hạn của mình trong cách cư xử với Thiên Chúa, để có thể giữ vững đức tin và gặt hái được các kết quả tốt đẹp do việc làm theo thánh ý Chúa.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cam on anh CTM da chia se bai doc nay rat hay va sau sac

Chân Thiện Mỹ nói...

Mượn của ai cái gì
nhớ trả lại họ đúng hạn...
Một đức tính tốt cần giữ
trong xã hội hôm nay!